Metro ở Hà Nội lùi tiến độ lần thứ 9; Metro ở TP.HCM ‘nguy cấp’ vì hết kinh phí
- Kim Long
- •
Tại Hà Nội, dự án Metro Nhổn – Ga Hà Nội sẽ phải lùi thời gian khai thác đến tháng 8/2023. Còn tại TP.HCM, dự án Metro Bến Thành – Suối Tiên nguy cấp vì hết kinh phí.
- Dân hoang mang khi tàu Cát Linh dừng đột ngột: TGĐ Metro nói ‘đều nằm trong kịch bản’
- Metro Nhổn-ga Hà Nội tiếp tục chậm tiến độ, Hà Nội muốn xin tài trợ để hoàn thành
Metro Nhổn – Ga Hà Nội tiếp tục lùi tiến độ
Theo UBND TP. Hà Nội, việc khai thác, vận hành đoạn trên cao dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội sẽ phải lùi tiến độ đến tháng 8/2023, thay vì cuối năm 2022 như kế hoạch yêu cầu – tức là lỡ tiến độ khai thác lần thứ 9.
Trong thời gian từ nay đến khi vận hành chính thức dự án, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội sẽ hoàn thành gói thầu CP5 tại khu Depot vào tháng 5/2023; hoàn thành nhóm công việc nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống vào tháng 8/2023; tổ chức giai đoạn vận hành thử cho 57 kịch bản vận hành, bảo trì theo lịch chạy tàu 3 ca/ngày, 7 ngày/tuần, thời gian này dự kiến trong 8 tuần, bắt đầu từ tháng 5/2023 đến tháng 6/2023.
Toàn bộ kế hoạch thực hiện trên sẽ được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu (SIC) kiểm tra, giám sát. Chấp thuận cuối cùng của SIC sẽ được ban hành sau 30 ngày kể từ khi hoàn thành vận hành thử và hoàn thành đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, dự kiến trong tháng 8/2023.
Dự án Metro Nhổn – ga Hà Nội được khởi công 9/2010 và có tiến độ hoàn thành năm 2016.
Đến nay dự án đã bị chậm tiến độ 7 năm, kinh phí xây dựng dự án sau các lần điều chỉnh đã tăng lên tổng mức đầu tư của dự án là 34.532 tỷ đồng (tăng 87,5%; tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông tăng 45%).
Với việc vỡ tiến độ khai thác vào tháng 12/2022, dự án đến nay có 9 lần vỡ tiến độ.
TP.HCM: Dự án Metro số 1 hết kinh phí
UBND TP.HCM vừa có công văn khẩn gửi Bộ Tư pháp về việc bổ sung vốn điều lệ cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TP.HCM – đơn vị sẽ vận hành Metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên).
Theo UBND TP, việc giải quyết kinh phí để công ty cung cấp nhân sự theo yêu cầu của dự án, nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận dự án khi hoàn thành, đảm bảo vận hành, khai thác Metro số 1 hiện nay là vấn đề rất cấp bách.
Trước đó, tháng 10/2022, TP.HCM kiến nghị Thủ tướng, Bộ Tài chính chấp thuận chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho công ty trên với số tiền là 268 tỷ đồng từ nguồn chi đầu tư phát triển của ngân sách TP, sẽ giúp công ty đảm bảo nguồn lực hoạt động, chuẩn bị tiếp nhận tài sản bàn giao từ Metro số 1.
Năm 2006, tuyến Metro số 1 được thành lập kế hoạch đầu tư xây dựng, do Cục Đường sắt Việt Nam – Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm chủ đầu tư, Công ty cổ phần tư vấn thiết kế GTVT phía nam (Tedi South) là đơn vị được giao lập dự án. Công trình dài gần 20 km từ ga Bến Thành (Quận 1) đến depot Long Bình (Thành phố Thủ Đức), với 3 ga ngầm và 11 ga trên cao.
Trên cơ sở kết quả thẩm định thiết kế cơ sở của Bộ GTVT, tháng 4/2007, UBND TP.HCM phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư tương đương 17.388 tỉ đồng.
Đến năm 2009, tổng mức đầu tư dự án nâng lên 47.325 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA của Nhật Bản chiếm 88,4%, tương đương 41.834 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng của thành phố.
Sau 3 năm chờ đợi vốn được phê duyệt, tháng 8/2012, dự án mới được khởi công xây dựng. Tiến độ bị lùi lại 2 năm so với kế hoạch ban đầu hoàn thành vào năm 2018.
Kim Long
Từ khóa Hà Nội TP.HCM metro Nhổn - Ga Hà Nội metro Bến Thành - Suối Tiên