Trường THPT Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) vừa bị công bố nhiều sai phạm trong việc thu tiền bảo hiểm, trích phần trăm tiền thu bảo hiểm, đồng phục học sinh cho giáo viên chủ nhiệm. 

mot truong o vinh phuc chi tien bao hiem dong phuc cho giao vien chu nhiem
Học sinh Trường THPT Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) trong buổi nhận lớp năm học 2024-2025, tháng 7/2024. (Ảnh: Trường THPT Yên Lạc – Vĩnh Phúc /Facebook)

Nội dung trên được công bố tại kết luận thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) về việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2022-2023 và năm học 2023-2024 của Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

Trường trích 2% tiền thu bảo hiểm, đồng phục cho giáo viên chủ nhiệm

Theo kết luận thanh tra, năm học 2022-2023 và 2023-2024, Trường THPT Yên Lạc thực hiện các khoản thu chi có nhiều sai phạm. Trường này không có văn bản thông báo các khoản thu. Biên bản họp phụ huynh các lớp không có minh chứng trao đổi về dự kiến các khoản thu, chi thỏa thuận, tự nguyện theo quy định.

Một số nội dung thu trong kế hoạch không có trong quy định tại Nghị quyết 11 của HĐND tỉnh như: tiền ghế ngồi tập trung cho học sinh, tiền học bạ, thu quỹ hội cha mẹ học sinh….

Các lớp sử dụng điều hòa và trường có thu tiền điện của mỗi lớp nhưng nội dung thu chưa được Sở GD-ĐT phê duyệt. Việc lắp đặt điều hòa do phụ huynh các lớp thực hiện nhưng trường không làm các thủ tục tiếp nhận tài trợ, chưa có kế hoạch, chưa được thẩm định phê duyệt của Sở là vi phạm quy định tại Điều 5 Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT.

Khoản thu Bảo hiểm thân thể do trường đưa ra với mức thu 100.000 đồng/học sinh trong khi Sở phê duyệt là khoản thu theo nguyên tắc tự nguyện. Nghị quyết Ban chấp hành cha mẹ học sinh trường có nội dung thu tiền bảo hiểm thân thể chi 2% cho giáo viên chủ nhiệm, tiền thu áo đồng phục chi 2% cho giáo viên chủ nhiệm, điều này vi phạm quy định tại điểm b khoản 4 Điều 10 Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT.

Ngoài ra, biên bản họp phụ huynh các lớp không bàn về mức thu quỹ hội cha mẹ học sinh. Nhà trường cũng không nắm được thông tin về mức thu của Hội cha mẹ học sinh các lớp là không đúng quy định về trách nhiệm của Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp.

Năm học 2023-2024, các kế hoạch kiểm tra nội bộ của trường chưa rõ trọng tâm, trọng điểm, chưa ưu tiên các vấn đề bức xúc như dạy thêm, học thêm, các khoản thu đầu năm học.

Trường có tỷ lệ giáo viên 1,95 giáo viên/lớp, thiếu so với định mức quy định. Cụ thể, thiếu 11 giáo viên các môn Ngữ văn, Tiếng anh, Tin học, chưa có giáo viên môn Mĩ thuật, Âm nhạc. Ngoài ra, trường cũng chưa được cấp bổ sung trang thiết bị dạy học tối thiểu phục vụ chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 và 11.

Trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót thuộc về Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng và bộ phận tham mưu thực hiện, theo bản kết luận thanh tra.

Một số trường khác cũng bị nêu sai sót trong văn bản xác nhận thu, chi như Trường THPT Ngô Gia Tự, Trường THCS thị trấn Hoa Sơn, Trường Tiểu học Sơn Đông (Lập Thạch), Trường THCS Đồng Cương (Yên Lạc)… Trách nhiệm để xảy ra các hạn chế, thiếu sót, vi phạm trên thuộc hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm lớp ở các trường.

Phòng GD-ĐT huyện giới thiệu công ty bán bảo hiểm cho trường

Theo kết luận thanh tra, Phòng GD-ĐT huyện Lập Thạch đã ban hành văn bản quy định mức khung đối với các khoản thu trong năm 2022-2023 và năm học 2023-2024 không đúng thẩm quyền theo Luật Giáo dục.

Phòng GD-ĐT có văn bản giới thiệu công ty bảo hiểm (Công ty Xuân Thành, Mic Quân đội…) liên hệ công tác tại các cơ sở giáo dục trực thuộc đề cập nội dung thu và mức phí 100.000 đồng/học sinh và 200.000 đồng/giáo viên. Việc này không đúng thẩm quyền, không theo nguyên tắc thỏa thuận.

Ngoài ra, một số công văn của Phòng GD-ĐT huyện Lập Thạch vi phạm Nghị định của Chính phủ quy định một số điều về Luật quản lý, sử dụng tài sản công.

Giám đốc, Phó giám đốc Sở GD-ĐT phải chịu trách nhiệm

Kết luận thanh tra của Bộ GD-ĐT cho biết ngoài các vấn đề về quản lý các trường, Sở GD-ĐT Vĩnh Phúc để xảy ra nhiều hạn chế, thiếu sót trong triển khai các khoản thu, chi.

Cụ thể, Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc chưa tham mưu UBND tỉnh ban hành định mức kinh tế – kỹ thuật áp dụng trong lĩnh vực giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giá dịch vụ giáo dục theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT và Nghị định của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó, Sở này chưa tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực GD-ĐT theo Quyết định 186/2017 của Thủ tướng.

Trách nhiệm để xảy ra hạn chế, thiếu sót nêu trên thuộc Giám đốc Sở và Phó Giám đốc phụ trách và các phòng liên quan của Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc.

Cùng với việc nêu ra những tồn tại, hạn chế, Thanh tra Bộ GD-ĐT kiến nghị biện pháp xử lý đối với Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc. Trong số đó, kết luận thanh tra nêu rõ: Sở GD-ĐT tỉnh Vĩnh Phúc cần chấn chỉnh những vấn đề về việc quản lý sử dụng các khoản thu, mức thu dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý.

Sơn Nguyên