Trước đó, người dân TP HCM bức xúc vì gần 1 tuần sau khi hiện tượng ô nhiễm không khí xảy ra liên tục và đáng lo ngại tại đây, Trung tâm Quan trắc thuộc Sở TN-MT mới thông báo nguyên nhân ô nhiễm là do mù quang hóa. Ngoài ra, các bảng điện tử trên đường hiển thị thông báo chỉ số về chất lượng không khí thường chậm 1 tháng so với thực tế.

ô nhiễm không khí tphcm, bụi mịn, mù quang hóa
Bầu không khí tại TP.HCM sáng 26/9. (Ảnh: Minh Đức)

Ngày 9/10, Sở Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) TP HCM đã tổ chức họp báo thông tin về diễn biến hiện tượng mù quang hóa và tình hình chất lượng môi trường không khí trên địa bàn TP.

Trong buổi họp báo, ông Cao Tung Sơn, Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Sở TN-MT TP HCM đã báo cáo về tình hình ô nhiễm không khí thời gian vừa qua. 

Ông Sơn cho biết, cơ quan này quan trắc chất lượng không khí tại 30 vị trí với tần suất 10 ngày mỗi tháng vào hai thời điểm 7h30-8h30 và 15h-16h. Kết quả cho thấy có sự gia tăng đột biến các chất ô nhiễm (NO2, SO2, CO, bụi lơ lửng, PM10, PM2.5…) trong các ngày 18 đến 20/9.

Các vị trí Cát Lái (quận 2), ngã tư Huỳnh Tấn Phát – Nguyễn Văn Linh (quận 7), Gò Vấp, An Sương, Bình Phước là những nơi có nồng độ các chất ô nhiễm thường xuyên vượt quy chuẩn.

Nguyên nhân gây ô nhiễm không khí, theo ông Sơn, đến từ 3 nguồn: hoạt động giao thông, hoạt động công nghiệp và xây dựng.

Trong đó, ô nhiễm từ giao thông là lớn nhất bởi TP HCM hiện có khoảng 10 triệu phương tiện (7,6 triệu xe máy, 700.000 ôtô, còn lại là xe của người tỉnh thành khác mang vào); 37 điểm thường xuyên kẹt xe… nên lượng khí thải độc hại ra môi trường là rất lớn.

Ngoài ra, khí thải từ khoảng 1.000 nhà máy và bụi từ hoạt động xây dựng liên tục cũng khiến tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Liên quan đến việc công bố kết quả quan trắc chậm, ông Sơn nhìn nhận đây là hạn chế của trung tâm bởi vẫn phải quan trắc bằng biện pháp thủ công gián đoạn, cần có thời gian lấy mẫu, phân tích mẫu… nên mất nhiều thời gian. 

“Trong tình hình như vậy, thì việc công bố kết quả sau một tuần cũng tương đối là kịp thời để khuyến cáo người dân”, ông Sơn cho biết.

Trước đó, dư luận TP HCM bức xúc vì gần 1 tuần sau khi hiện tượng ô nhiễm không khí xảy ra tại đây, Trung tâm Quan trắc mới thông báo nguyên nhân ô nhiễm là do mù quang hóa.

Ngoài ra, các bảng điện tử trên đường hiển thị thông báo chỉ số về chất lượng không khí thường chậm 1 tháng so với thực tế.

Trước vấn đề này, ông Sơn cho rằng, việc chậm trễ thông tin trên bảng điện tử là do 48 bảng này do Trung tâm Quản lý hầm sông Sài Gòn (thuộc Sở GTVT) chịu trách nhiệm vận hành; đồng thời thừa nhận đây là một trong những mặt hạn chế trong việc thông báo chỉ số chất lượng không khí đến người dân.

Giám đốc Trung tâm quan trắc thông tin, TP HCM sẽ có 9 trạm quan trắc không khí tự động liên tục, cố định và một trạm quan trắc không khí tự động liên tục, di động vào năm 2020, khi đó kết quả quan trắc sẽ được cung cấp đến người dân nhanh hơn.

Liên quan đến số liệu đánh giá chất lượng môi trường của AirVisual, ông Sơn cho biết qua tìm hiểu thì thấy độ sai số theo phương pháp ứng dụng này đang dùng là khá cao trong điều kiện thời tiết bất lợi như nhiệt độ, áp suất, ánh sáng không thuận lợi, và cho rằng “các thông tin từ ứng dụng này không chắc là đáng tin cậy.”

Mới đây, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM đã đưa ra thông báo người dân TP có thể tham khảo nguồn dữ liệu về chất lượng không khí theo thời điểm thực tế một cách “đáng tin cậy và miễn phí” từ Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM tại trang Airnow.gov

Thanh Thuỷ

Xem thêm: