Nhận tin nhắn ‘con cần đóng học phí’, mẹ bị lừa hơn 400 triệu đồng
- Nguyễn Sơn
- •
Cả 3 lần chuyển tiền, chị H. đều gọi cho con gái, chỉ nghe thấy máy “ù ù”. Tài khoản Facebook của con gái nhắn tin lại: “Mẹ ơi, máy điện thoại con vừa bị rơi, không nghe rõ đâu…”.
- Giả mạo Facebook và email trường đại học, thanh niên lừa đảo tiền cọc thuê nhà của sinh viên
- Đăng ký “Trại hè – Hàng không tài năng nhí” cho con, một phụ nữ bị lừa 2,6 tỷ đồng
Tối 17/9, Công an TP. Hà Nội phát cảnh báo về thủ đoạn chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội (Facebook, Zalo…), từ đó nhắn tin vay tiền hoặc nhờ chuyển tiền, lừa đảo người thân, bạn bè trong danh sách Facebook, Zalo của chủ tài khoản. Thủ đoạn này không mới và đã được cảnh báo rất nhiều, song vẫn có nhiều nạn nhân mắc bẫy.
Trong tháng 9/2023, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an thành phố Hà Nội liên tiếp nhận trình báo của nhiều người trong thành phố về việc bị chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn trên. Đáng chú ý, cùng phương thức lừa đảo nhưng số tiền bị chiếm đoạt đã tăng lên gấp nhiều lần. Trước đây, số tiền nạn nhân bị lừa từ 20-50 triệu đồng, nay, hầu hết nạn nhân bị chiếm đoạt số tiền lên tới 200-500 triệu đồng.
Theo đơn trình báo, chị H. (trú tại Hà Nội) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook của con gái với nội dung chuyển tiền để con đóng học ở nước ngoài. Tin tưởng đó là tin nhắn của con mình, chị H. đã chuyển 3 lần với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Cả 3 lần giao dịch chuyển tiền, chị H. đều gọi cho con, chỉ nghe thấy máy “ù ù”. Sau đó, tài khoản Facebook của con gái nhắn tin lại cho chị H.: “Mẹ ơi, máy điện thoại con vừa bị rơi, không nghe rõ đâu. Mẹ nhắn tin cho con!”. Sau khi liên lạc được với con, chị mới biết tài khoản Facebook của con đã bị hack, mình bị lừa, nên đã đến cơ quan Công an trình báo.
Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Công an thành phố Hà Nội đề nghị người dân cảnh giác khi “bỗng dưng” nhận được tin nhắn đề nghị vay, mượn, chuyển tiền qua mạng xã hội. Cơ quan công an khuyến cáo khi nhận được yêu cầu chuyển tiền, vay tiền, mọi người cần phải xác minh thông tin bằng cách gọi điện thoại trực tiếp đến người vay.
Lưu ý, mọi người nên gọi qua số điện thoại đã được lưu trong danh bạ, không kiểm tra qua các ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook… Khi phát hiện trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất.
Năm 2019, Bộ Công an từng khuyến cáo kẻ gian thường hack Facebook bằng cách dò mật khẩu hoặc lập một trang web giả mạo, có giao diện giống hệt website chính thức của Facebook, rồi dẫn dụ người dùng đăng nhập tài khoản bằng website giả mạo này để đánh cắp thông tin mật khẩu…
Sau khi hack được một tài khoản Facebook, các đối tượng lừa đảo nghiên cứu kỹ thông tin cá nhân, sở thích, lịch sử trò chuyện với bạn bè của chủ Facebook bị hack và dựa trên các thông tin đó sẽ giả là chủ của tài khoản Facebook gửi tin nhắn nói chuyện với người nhà, người quen, rồi hỏi vay tiền, nhờ mua đồ, mua thẻ điện thoại…
Từ khóa lửa đảo qua mạng lừa đảo chuyển tiền Hack Facebook