Nửa đầu năm 2017, hơn 1.000 ngư dân Việt bị bắt tại Indonesia được đưa về nước
- Trần Tâm
- •
695 ngư dân bị bắt thuộc 100 tàu của 9 tỉnh gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang vừa được Indonesia trao trả, trong đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đông nhất với 311 ngư dân, Phú Yên ít nhất với 5 ngư dân.
Ngày 11/6, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức tiếp nhận 695 ngư dân bị lực lượng chức năng Indonesia bắt giữ, được tàu CSB 8001 và tàu CSB 8005 (thuộc Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3) đưa về cảng PTSC (TP. Vũng Tàu).
695 ngư dân bị bắt thuộc 100 tàu của 9 tỉnh gồm: Bà Rịa-Vũng Tàu, Phú Yên, Quảng Ngãi, Bến Tre, Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Định, Khánh Hòa và Kiên Giang. Trong đó, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đông nhất với 311 ngư dân, Phú Yên ít nhất với 5 ngư dân.
Sau khi tiếp nhận, Bộ Chỉ huy BĐBP Bà Rịa-Vũng Tàu hướng dẫn ngư dân thực hiện các thủ tục theo quy định; gửi các ngư dân về địa phương. Riêng 311 ngư dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đưa về Đồn Biên phòng Chí Linh để thẩm vấn và chăm sóc sức khỏe, sau đó hỗ trợ ngư dân về với gia đình.
Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia, tính từ đầu năm 2017 đến nay, đã có 1.035 ngư dân Việt Nam được đưa về nước.
Trước đó, ngày 23/5, UBND tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu tổ chức buổi Hội thảo “Đánh giá thực trạng, nguyên nhân và giải pháp hạn chế ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài đánh bắt hải sản trái pháp luật“.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, từ năm 2013 đến ngày 22/5/2017, đã có 153 tàu cá và 1.181 ngư dân Bà Rịa-Vũng Tàu bị nước ngoài bắt giữ do xâm phạm vùng biển đánh bắt hải sản trái pháp luật. Trong đó, Indonesia bắt giữ 150 tàu với 1.137 ngư dân; Malaysia bắt giữ 3 tàu với 44 ngư dân.
Thảo luận về nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng nghìn ngư dân Việt bị bắt giữ do xâm phạm vùng biển nước ngoài, lực lượng chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho hay do có sự môi giới giữa cá nhân Việt Nam với một số cá nhân thuộc lực lượng kiểm ngư Indonesia; Việt Nam và một số nước có chung vùng biển chồng lấn như Indonesia, Malaysia vẫn chưa có Hiệp định phân định vùng biển.
Theo một số ngư dân, vì lợi nhuận nên các ngư dân đã chấp nhận mạo hiểm đưa tàu cá sang vùng biển Indonesia đánh bắt trái phép. Trong khi các phương tiện đánh bắt ngày càng nhiều, cùng với với tình trạng thiếu hụt lao động nên khi đi biển, chủ ghe phải ứng trước tiền cho thuyền viên từ 10-15 triệu đồng/người – điều này tạo ra áp lực buộc chuyến đi biển phải có lãi mới đủ chi phí trang trải.
Tuy nhiên, tại phiên họp Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Thủy sản (sửa đổi) ngày 21/3/2017, nguyên nhân từ sự thiếu sót trong văn bản quy định pháp luật liên quan đến đánh bắt thủy sản hải sản đã được đề cập tới.
Tại phiên họp, ông Phạm Ngọc Minh – Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cho biết từ biển Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá nữa. Vì thế ngư dân phải đi đánh cá ở bên ngoài rất nhiều, bị bắt cũng rất nhiều.
Theo lý giải của ông Minh, sự cạn kiệt này là do tình trạng đánh bắt tận diệt, chích điện, đánh thuốc nổ của ngư dân. Theo đó, ông Minh cho rằng cần quy định cụ thể đánh bắt thủy sản, mùa nào thì cấm – nhất là khi cá sinh sản, đặc biệt là cần cấp hạn ngạch đánh bắt chứ không thể đánh bắt vô tội vạ, đánh bắt bao nhiêu cũng được.
Cũng tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Võ Trọng Việt thông tin ở một số nước – như Trung Quốc, có quy định cấm đánh bắt vào mùa thủy sản sinh sản hay quy định cụ thể cá lớn bao nhiêu thì mới được đánh bắt, nếu không sẽ bị phạt. Còn ở mình “thì kéo sạch, hủy diệt hết, do luật mình không rõ”.
Trần Tâm
Xem thêm:
Từ khóa ngư dân Việt bị bắt Indonesia bắt ngư dân Việt ngư dân xâm phạm vùng biển nước ngoài thống kê ngư dân bị bắt