Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội bị bắt
- Khánh Vy
- •
Ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó ban Dân nguyện của Quốc hội bị cáo buộc là đồng phạm của nhóm giang hồ cưỡng đoạt tiền của nhiều doanh nghiệp khai thác cát.
- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: ‘Có tỷ lệ oan sai thì liệu có hay không có tỷ lệ công lý?’
- Về kết luận từ Bộ Công an, ĐB Lưu Bình Nhưỡng nói gì?
Khoảng 10h sáng ngày hôm nay (15/11), truyền thông Nhà nước đồng loạt loan tin Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng (SN 1963; trú tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Được biết, ông Nhưỡng bị bắt khi vừa xuống sân bay Nội Bài tối 14/11.
Lực lượng chức năng đã khám xét nơi ở và nơi làm việc của ông Nhưỡng ngay sau đó, kéo dài trong nhiều giờ; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu được cho là vi phạm pháp luật.
Động thái này được đưa ra trong quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (SN 1986; tên thường gọi là Cường “quắt”, có 3 tiền án) về hành vi “Cưỡng đoạt tài sản” theo khoản 4, điều 170 Bộ luật Hình sự 2015.
Nhà chức trách cáo buộc bị can Cường và đồng phạm đã tự xác lập quyền sử dụng trái phép các bãi triều để cưỡng đoạt tiền của một số doanh nghiệp khai thác cát.
Theo nhà chức trách, bị can Cường nói việc khai thác cát ảnh hưởng việc nuôi thủy hải sản tại bãi triều để gây sức ép, buộc doanh nghiệp phải miễn cưỡng trả tiền theo khối lượng cát khai thác được hoặc bán lại với giá rẻ. Với thủ đoạn trên, từ năm 2020 đến năm 2022, nhóm Cường đã chiếm đoạt nhiều tỷ đồng.
Công an tỉnh Thái Bình cho hay đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Trước đó, tại kỳ họp Quốc hội tháng 11/2018, ông Nhưỡng dẫn ra số liệu và cho rằng các cơ quan điều tra của Bộ Công an có những vi phạm chiếm tỷ lệ rất lớn, đồng thời kết luận rằng ngành công an đã “sai phạm khủng khiếp” trong thực hiện tố tụng.
Những vấn đề nóng thời gian gần đây ông cũng có lên tiếng như dự án hồ chứa nước Ka Pét ở Bình Thuận, hay vụ tử tù Nguyễn Văn Mạnh bị xử tử hình dù kêu oan nhiều lần.
Trang Facebook cá nhân của ông Lưu Bình Nhưỡng đăng tải nhiều link bài viết của các tờ báo trong nước và đưa ra ý kiến của mình.
Video cuối cùng ông đăng chưa đến một ngày trước khi tham dự lễ ra mắt chương trình Net Zero của VTV9, Đài truyền hình Việt Nam.
Ông Lưu Bình Nhưỡng quê quán tại xã Hùng Dũng, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Ông từng là đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV (2016 – 2021) thuộc đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội (2016 – 2021), phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Việt Nam, phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Thụy Sĩ. Ông Nhưỡng là tiến sĩ luật, từng là phó chủ nhiệm Khoa pháp luật kinh tế Đại học Luật Hà Nội. Tính đến năm 2010, ông đã có 22 năm làm giảng viên Đại học Luật Hà Nội. Sau đó, ông Nhưỡng làm chánh văn phòng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp, tham mưu cho Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Tháng 9/2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo báo Nhà nước, ông Nhưỡng không được giới thiệu tái cử đại biểu Quốc hội khóa XV (nhiệm kỳ 2021 – 2026) do quá tuổi theo hướng dẫn 36 của Ban Tổ chức Trung ương. |
Khánh Vy (t/h)
Từ khóa Phó trưởng Ban Dân nguyện cưỡng đoạt tài sản cán bộ bị bắt ông Lưu Bình Nhưỡng