Sau ngày 11/8 với tổng số ca nhiễm “nhích” lên 8.766 ca, sang sáng 12/8, thêm 4.642 ca nhiễm virus Vũ Hán (nCoV) mới được Bộ Y tế Việt Nam công bố, gồm 3 ca nhập cảnh và 4.639 ca lây nhiễm trong nước. Số ca chưa rõ nguồn lây tiếp tục ghi nhận ở mức cao: 1.256 ca. 

Thêm 342 bệnh nhân tử vong sau 24h cập nhật (6h ngày 11/8 – 6h ngày 12/8).

tiem vac xin luu dong thu duc
Một điểm tiêm vắc-xin COVID-19 lưu động tại hẻm 135 Đình Phong Phú, TP Thủ Đức (TP.HCM), sáng 10/8. (Ảnh: Tôi là dân Thủ Đức/Facebook)

4.639 ca ghi nhận tại 24 tỉnh thành, gồm: TP.HCM (2.318), Bình Dương (911), Đồng Nai (425), Long An (354), Tiền Giang (212), Khánh Hòa (130), Tây Ninh (79), Trà Vinh (25), Cần Thơ (24), Kiên Giang (23), Thừa Thiên Huế (20), Bình Định (20), An Giang (16), Đăk Lăk (15), Phú Yên (15), Bến Tre (15), Nghệ An (14), Đồng Tháp (9), Hậu Giang (6), Bạc Liêu (3), Hà Nội (2), Hưng Yên (1), Hà Tĩnh (1), Cà Mau (1).

Trong đó, tổng cộng 3.383 ca được phát hiện ở khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa, 1.256 ca đang điều tra dịch tễ.

Cập nhật số ca nhiễm mới tại 24 tỉnh thành, tình hình số ca nhiễm tại 62/63 tỉnh thành của Việt Nam như sau:

  • nhóm trên 135.400 ca: TP.HCM 135.485;
  • nhóm trên 34.600 ca: Bình Dương 34.659;
  • nhóm trên 12.600 ca: Long An 12.609;
  • nhóm trên 10.500 ca: Đồng Nai 10.593;
  • nhóm trên 5.700 ca: Bắc Giang 5.742;
  • nhóm trên 4.300 ca: Đồng Tháp 4.346;
  • nhóm trên 3.600 ca: Khánh Hòa 3.631, Tiền Giang 3.626;
  • nhóm trên 3.100 ca: Tây Ninh 3.156;
  • nhóm trên 2.400 ca: Bà Rịa – Vũng Tàu 2.425;
  • nhóm trên 2.100 ca: Hà Nội 2.182;
  • nhóm trên 2.000 ca: Cần Thơ 2.083;
  • nhóm trên 1.900 ca: Phú Yên 1.920;
  • nhóm trên 1.700 ca: Bắc Ninh 1.724, Đà Nẵng 1.723;
  • nhóm trên 1.400 ca: Vĩnh Long 1.446;
  • nhóm trên 1.300 ca: Bình Thuận 1.313;
  • nhóm trên 1.200 ca: Bến Tre 1.215;
  • nhóm trên 600 ca: An Giang 625;
  • nhóm trên 500 ca: Trà Vinh 572, Ninh Thuận 532;
  • nhóm trên 400 ca: Đăk Lăk 462, Nghệ An 443, Sóc Trăng 434, Kiên Giang 421, Bình Định 403;
  • nhóm trên 300 ca: Quảng Ngãi 399, Hậu Giang 324;
  • nhóm trên 200 ca: Bình Phước 280, Hưng Yên 271, Hà Tĩnh 253, Gia Lai 243, Vĩnh Phúc 232, Quảng Nam 206;
  • nhóm trên 100 ca: Thừa Thiên Huế 177, Đăk Nông 158, Hải Dương 149, Lâm Đồng 140, Lạng Sơn 139, Thanh Hóa 104;
  • nhóm từ 10-100 ca: Sơn La 68, Hà Nam 68, Bạc Liêu 68, Điện Biên 60, Thái Bình 57, Lào Cai 56, Ninh Bình 52, Quảng Bình 51, Cà Mau 49, Hải Phòng 26, Quảng Trị 22, Kon Tum 20, Hà Giang 20, Hòa Bình 16, Nam Định 16, Phú Thọ 15, Thái Nguyên 13;
  • nhóm từ 1-dưới 10 ca: Quảng Ninh 5, Bắc Kạn 5, Yên Bái 3, Tuyên Quang 2, Lai Châu 1 ca.

Nhóm các tỉnh thành đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới hiện còn 2 tỉnh, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, không thay đổi so với cập nhật vào 6h ngày 11/8.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn thừa nhận quá tải y tế tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, trong cuộc họp ngày 11/8, dẫn theo Zing. “Tình hình chung hiện tại có sự quá tải ở TP.HCM và các tỉnh, thành phố phía Nam. Bệnh nhân khu vực tầng 3 điều trị và khu vực hồi sức tích cực đang khá cao”, ông Thuấn nói.

mo hinh dieu tri thap 5 tang tp hcm
Mô hình điều trị tháp 5 tầng tại TP.HCM. (Đồ họa: medinet.hochiminhcity.gov.vn)

Thực tế, tình trạng quá tải y tế tại TP.HCM xảy ra trên diện rộng, trầm trọng nhất là thiếu nhân lực y bác sĩ, hậu cần. Theo Tiền Phong, Bệnh viện Hồi sức COVID-19 TP Thủ Ðức có 500 giường nhưng đến ngày 10/8, tổng số bệnh nhân cần điều trị lên tới gần 600 bệnh nhân. Việc nâng công suất giường lên 700, lên 1.000 không giải quyết được thiếu thốn nhân sự, từ bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên vệ sinh đến hậu cần.

Bệnh viện Dã chiến Thu dung Điều trị COVID-19 số 3 có chức năng tiếp nhận F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà và F0 có triệu chứng, đặt tại Ký túc xá trường Cao đẳng Công thương (800 giường) và ký túc xá Đại học Sư phạm Kỹ thuật cơ sở 2 trên đường Lê Văn Việt (1.500 giường), đều đã hết công suất.

Tương tự, Bệnh viện Điều trị COVID-19 Hóc Môn quy mô 500 giường buộc tăng thêm 200 giường ở nhà để xe của bệnh viện. “Nhân lực vẫn không tăng thêm, trang thiết bị còn hạn chế nhưng tăng số giường với hy vọng cứu chữa được càng nhiều người càng tốt” – bác sĩ Đặng Quốc Quân, giám đốc bệnh viện nói.

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi kíp trực chỉ có 2 bác sĩ và 6 điều dưỡng nhưng phải chăm sóc 40-50 bệnh nhân nặng, phải làm việc 12 giờ/ca trực, mỗi ngày khoa tiếp nhận và điều trị khoảng 100 bệnh nhân…

Chiều 11/8, thêm 35 y bác sĩ (10 bác sĩ và 25 điều dưỡng, kỹ thuật viên) của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam vào hỗ trợ cho TP.HCM. Đoàn nhân viên y tế sẽ phối hợp cùng Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện C Đà Nẵng và Bệnh viện Phong – da liễu Trung ương Quy Hòa (Bình Định) thành lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 tại TP.HCM. Một tháng trước, 42 y bác sĩ của bệnh viện này đã được điều động vào TP.HCM, hôm 12/7.

Sau vụ “giấy đi đường” buộc phải rút sau 2 ngày áp dụng, Hà Nội công bố từ ngày 9-17/8, ngành y tế TP sẽ lấy mẫu xét nghiệm 3,3 triệu mẫu trong cộng đồng, gồm 1,3 triệu mẫu xét nghiệm RT-PCR đối với toàn bộ người trong “vùng đỏ” – khu vực trong các xã, phường nguy cơ rất cao (gồm các trường hợp di chuyển, tiếp xúc nhiều như: chuỗi cung ứng, chợ, công nhân, bảo vệ các tòa nhà…) và 2 triệu mẫu xét nghiệm test nhanh tại các khu vực, đối tượng có nguy cơ cao (nhân viên y tế, bệnh nhân, người lao động trực tiếp tại các chuỗi cung ứng, lái xe, shipper, bảo vệ tòa nhà…).

Đây là đợt xét nghiệm diện rộng nhất từ trước đến nay tại Hà Nội, được giới chức công bố nhằm “bóc” F0 khỏi cộng đồng trong đợt giãn cách này. Công luận dấy lên lo ngại về nguy cơ tập trung đông người tại các điểm xét nghiệm sẽ làm dịch bệnh lây lan, chưa kể nguy cơ lây dịch thông qua việc lấy mẫu xét nghiệm.

Đầu tháng 8, ông Khổng Minh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho hay số lượng ca cộng đồng nhiều nhưng chưa phát hiện ngay được. Giải pháp do CDC Hà Nội đưa ra là “tăng cường giám sát và tổng lực xét nghiệm sàng lọc, truy vết, lấy mẫu diện rộng”.

Tổng số ca nhiễm trong cộng đồng của đợt bùng phát hiện tại, từ ngày 27/4 đến nay, là 237.538 ca. 82.380 bệnh nhân được công bố bình phục, tăng 4.806 người so với thời điểm 6h ngày 11/8 (77.574 người).

489 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (giảm 2 người); 21 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO (tăng 1 người so với thời điểm 6h ngày 11/8).

Tổng số ca mắc COVID-19 Việt Nam từ đầu mùa dịch (tháng 1/2020) đến nay theo Bộ Y tế công bố là 241.543 ca (2.384 ca nhập cảnh và 239.159 ca mắc trong nước). Số tử vong/tổng số bệnh nhân đang điều trị: 4.487/151.902, lần lượt tăng 342 và tăng 3.458 so với con số tương ứng cập nhật lúc 6h ngày 11/8.

Trong ngày 11/8, thêm 762.396 người đã tiêm vắc-xin COVID-19 (AstraZeneca, Sinopharm, Moderna, Pfizer) – là ngày có số mũi tiêm cao thứ 2 trong 5 tháng qua tiến hành tiêm chủng, nâng tổng số liều vắc-xin Việt Nam đã tiêm là 12.098.821. Trong đó 11.006.121 người tiêm 1 mũi, 1.092.700 người tiêm đủ 2 mũi.

Nguyễn Sơn

Xem thêm:

Dân biểu Mỹ bị Twitter “tắt tiếng” vì có tiếng nói bất đồng về vắc-xin