Thủ tướng VN tưởng niệm vụ Gạc Ma, công bố xây dựng Trường Sa thành trung tâm KT-XH
- Nguyễn Quân
- •
Thủ tướng Chính phủ Việt Nam – ông Phạm Minh Chính công bố về việc xây dựng huyện đảo Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển. Động thái trên diễn ra sau lịch trình dâng hương tại tượng đài và khu mộ gió của 64 người lính tử trận trong vụ Gạc Ma 1988 và thăm Lữ đoàn Hải quân vùng 4 của ông Chính.
- Gạc Ma 1988 – Sự im lặng sau một cuộc thảm sát
- Từ 2017, gần 80.000 lượt người tới thăm Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma
Truyền thông Nhà nước loan tin Thủ tướng Phạm Minh Chính vào chiều ngày 12/3 đã đến Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma (xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa), dâng hương tưởng niệm 64 lính tử trận trong vụ Trung Quốc tiến chiếm nhóm đảo Gạc Ma – Cô Lin – Len Đao thuộc quần đảo Trường Sa vào ngày 14/3/1988.
Những lính còn sống sau khi trở về từ nhà tù tại Trung Quốc cho hay lính công binh đang khảo sát đảo Gạc Ma thì lính Trung Quốc đổ bộ lên đảo, xả đạn; tàu phía Việt Nam bị đánh chìm. 64 lính Việt tử trận, 9 người bị bắt giữ, Trung Quốc chiếm đảo. Trong 64 người tử trận, chỉ 8 người được mang xác về.
Ngày 14/3/2022 là ngày tròn 34 năm kể từ sự kiện Gạc Ma 1988.
Ngoài việc viếng tưởng niệm lính tử trận Gạc Ma, trong ngày 12/3, ông Chính dẫn đầu phái đoàn đến thăm Lữ đoàn Tàu ngầm 189 và Lữ đoàn 162 Vùng 4 Hải quân Việt Nam.
Một ngày sau, ngày 13/3, đoàn quan chức cao cấp do ông Chính dẫn đầu làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về định hướng xây dựng và phát triển của tỉnh này. Một trong những nội dung về nhiệm vụ trong năm 2022 và năm 2023 được ông Chính đưa ra đối với tỉnh Khánh Hòa là “xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước và là thành trì vững chắc bảo vệ chủ quyền biển đảo”.
“Việc này cần làm càng sớm càng tốt và ngay sau quy hoạch phải dành nguồn lực để thực hiện, trước mắt ưu tiên nguồn lực xây dựng trung tâm hậu cần nghề cá,…” – phát ngôn của ông Chính được bản tin do báo Chính phủ dẫn lời.
Bản tin do báo Chính phủ đăng tải không nêu hiện trạng của quần đảo Trường Sa và định hướng quy hoạch khu vực này từ phía Chính phủ.
Các động thái trên diễn ra khi Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) vào ngày 4/3 tuyên bố sẽ tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Đông từ ngày 4 đến 15/3. Tọa độ tập trận là khu vực nửa chừng giữa Tam Á của Hải Nam (Trung Quốc) và TP Huế của Việt Nam. Tam Á là nơi có một căn cứ hải quân lớn của Trung Quốc.
Tới ngày 7/3, Việt Nam đưa ra tuyên bố một phần khu vực trong thông báo hàng hải của Cục Hải sự tỉnh Hải Nam “thuộc vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam được xác định theo UNCLOS 1982” và đề nghị Trung Quốc tôn trọng và không vi phạm.
“Phía Việt Nam đã giao thiệp với Trung Quốc về vấn đề này” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam – bà Lê Thị Thu Hằng công bố trước công luận.
Thực tế, đây là cuộc tập trận thứ 2 của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông trong tháng 3. Cuộc tập trận trước đó đã diễn ra từ 23h ngày 1/3 đến 12h ngày 2/3 ở Biển Đông, Cục Hải sự Trung Quốc (MSA) thông báo trên website vào lúc 21h30 ngày 1/3, chỉ khoảng một tiếng rưỡi trước khi cuộc tập trận bắt đầu. Những thông báo về tập trận thường được MSA công bố trên website trước khi cuộc tập trận diễn ra từ 1-2 ngày.
Về phía Việt Nam, Cục trưởng Cục Điện Ảnh Việt Nam ngày 12/3 xác nhận Cục này đã cấm chiếu bộ phim Uncharted (Thợ Săn Cổ vật) của hãng Sony Pictures – dự kiến sẽ ra rạp vào ngày 18/3. Lý do là Hội đồng thẩm định và phân loại quốc gia phát hiện có yếu tố “đường lưỡi bò” trong phim.
Mặc dù vậy, kể từ cuối tháng 8/2018 tới nay, cuốn sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” (Công ty Văn hóa Sáng tạo First News Trí Việt và NXB Văn học liên kết xuất bản) bị thu hồi sau hơn một tháng phát hành vẫn chưa được phát hành trở lại. Lý do thu hồi do là để ngăn chặn việc phát tán cuốn sách có nội dung sai sót ra thị trường – theo công bố của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin-Truyền thông).
Theo ông Nguyễn Văn Phước – nhà sáng lập, giám đốc First News, sách “Gạc Ma – Vòng tròn bất tử” được thực hiện trong 4 năm (từ năm 2014), với sự tham gia biên soạn của 68 người, gồm các nhà nghiên cứu, sĩ quan, các cựu chiến binh trở về từ Gạc Ma. Cuốn sách được phát hành vào ngày 10/7/2018 sau khi chuyển qua 14 nhà xuất bản, 18 lần làm bìa, nhận các công văn yêu cầu…, bán được toàn bộ 10.000 ấn bản sau 5 ngày đầu phát hành, trước khi có yêu cầu thu hồi của cơ quan quản lý xuất bản vào ngày 31/8/2018.
Từ khóa quần đảo Trường Sa Gạc Ma 1988