Chịu ô nhiễm từ năm 2012, người dân kiên quyết yêu cầu Nhà máy thép Việt Pháp di dời ngay lập tức. UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất chủ trương di dời nhưng đòi hỏi phải cho phép nhà máy hoạt động đến hết năm 2019.

thep viet phap
Nhà máy thép Việt Pháp. (Ảnh: vietphapsteel.vn)

Ngày 25/7, UBND thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam) có buổi đối thoại với người dân khối 7A (phường Điện Nam Đông) về việc giải quyết di dời Nhà máy thép Việt Pháp tại Cụm công nghiệp Thương Tín 1.

Tại buổi đối thoại, ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn thông tin tới người dân việc tỉnh sẽ thống nhất di dời Nhà máy thép Việt Pháp. Tuy nhiên, việc di dời này phải có thời gian, lộ trình và cho phép nhà máy hoạt động đến trước ngày 31/12/2019.

Trước thông tin trên, rất đông người dân khối 7A đều bày tỏ sự phản đối, không đồng tình với quyết định trên.

Ông Lê Tự Hát – người dân sống tại khối phố 7A cho biết Công ty Việt Pháp đã gây ô nhiễm nhiều năm qua, người dân đã có đơn kiến nghị, bày tỏ nguyện vọng nhà máy phải di dời để đảm bảo cuộc sống.

Công ty Việt Pháp hoạt động gây tiếng ồn, bụi bặm từ ống thải đã khiến cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng suốt từ 2012 đến nay. Nay UBND tỉnh kết luận cho nhà máy di dời đi, người dân chúng tôi hoàn toàn đồng ý. Tuy nhiên, tại sao lại không di dời ngay mà phải 2 năm nữa? Từ giờ đến 2 năm đó, dân chúng tôi lại phải sống cực khổ vì ô nhiễm hay sao”, ông Hát bức xúc nói.

Sau khi lắng nghe bức xúc của hàng chục người dân khối 7A, đại diện Nhà máy thép Việt Pháp mong muốn người dân và chính quyền địa phương tạo điều kiện cho nhà máy tiếp tục hoạt động thêm một thời gian ngắn nữa vì việc di dời cần có sự chuẩn bị và hoàn tất các thủ tục. Người dân tiếp tục không đồng ý.

Sau 3h, buổi đối thoại kết thúc mà chưa tìm ra tiếng nói chung khi chính quyền vẫn đề nghị người dân tiếp tục tạo điều kiện sản xuất đến khi di dời nhà máy để có thời gian hoàn vốn, còn người dân bảo lưu quan điểm sản xuất hết nguyên liệu đã nhập thì thôi, không được nhập nguyên liệu mới. Người dân vẫn kiên quyết giữ chốt chặn không cho xe chở nguyên liệu sản xuất vào nhà máy.

Nhà máy thép Việt Pháp đầu tư vào cụm công nghiệp Thương Tín (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) với diện tích thuê đất gần 2 ha, thời hạn thuê là 15 năm, xây dựng vào năm 2009. Năm 2012, nhà máy đi vào hoạt động, người dân chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nguồn nước, khói và tiếng ồn từ nhà máy thải ra.

Đây không phải là lần đầu tiên người dân tại khối phố 7A phản đối việc nhà máy Việt Pháp xả thải ra môi trường.

Trước đó, ngày 4/12/2014, gần 200 người dân (gồm cả người già lẫn trẻ em) thôn 7A đã mang bạt, chăn chiếu, cây chống dựng lều, lập barie để chặn xe tải đi vào nhà máy.

anh dan phan doi
Người dân khối 7A, phường Điện Nam Đông phản đối nhà máy thép Việt Pháp hoạt động gây ô nhiễm môi trường. (Ảnh chụp video)

Ngày 8/12/2014, UBND thị xã Điện Bàn tổ chức buổi đối thoại giữa người dân thôn 7A với chính quyền địa phương cùng đại diện nhà máy thép về việc di dời nhà máy, nhưng người dân đều không đồng tình vì không có thời gian cụ thể để di dời.

Ngày 5/7/2017, rất đông người dân khối 7A (phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) tiếp tục tổ chức chặn xe trên tuyến đường Lạc Long Quân (đoạn dẫn vào Công ty thép Việt Pháp) bày tỏ thái độ bức xúc vì doanh nghiệp này vẫn không chấm dứt việc sản xuất thép gây ô nhiễm.

Được biết, địa điểm tỉnh Quảng Nam chọn để di dời trong lần gần đây nhất là tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang). Tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt đánh giá tác động môi trường với dự án này; tuy nhiên, địa điểm này vẫn chưa nhận được thống nhất vì nhiều lý do khác nhau.

Qúy Bình

Xem thêm: