TPHCM quyết định dùng ngân sách để làm tuyến metro số 2 (tuyến Bến Thành – Tham Lương) thay vì phương án sử dụng vốn vay ODA trước đây.

tp hcm se lam metro so 2 ben thanh tham luong bang von ngan sach
TP.HCM sẽ làm Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) bằng vốn ngân sách. (Ảnh: Quang Định, Kiều Nhi/vinakyoeisteel.com.vn)

Truyền thông trong nước đưa tin Ban cán sự Đảng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận về phương án thực hiện dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành – Tham Lương.

Tin dẫn kết luận cho biết vốn ngân sách TP. sẽ được dùng để làm dự án metro số 2; bổ sung công trình kết nối đồng bộ tuyến metro số 1 và số 2 tại khu vực nhà ga Bến Thành vào dự án metro số 2.

Ban Quản lý đường sắt đô thị sẽ chủ trì, phối hợp các sở ngành chức năng liên quan hoàn thiện phương án thực hiện dự án metro số 2.

Các sở ngành, đơn vị liên quan sẽ có báo cáo đánh giá tác động toàn diện các vấn đề phát sinh (pháp lý, tài chính, ngoại giao…); nghiên cứu, bổ sung cơ chế EPC vào đề án phát triển đường sắt đô thị theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đồng thời xác định tuyến metro 2 phải là dự án thí điểm các cơ chế chính sách từ đề án.

Theo báo VOV, Metro số 2 TP.HCM được phê duyệt vào năm 2010 với tổng mức đầu tư ban đầu 1,3 tỷ USD (khoảng 26.000 tỷ đồng). Đến năm 2019, tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên gần 2,1 tỷ USD (khoảng 47.900 tỷ đồng).

Trong đó, vốn vay ODA chiếm phần lớn, khoảng 37.500 tỷ đồng, từ 3 nhà tài trợ chính: Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB).

Tuy nhiên, báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM gần đây cho thấy việc thu xếp tài chính cho dự án này gặp nhiều khó khăn do thay đổi các điều kiện vay vốn từ các nhà tài trợ quốc tế.

Tuyến Metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) dài hơn 11km, trong đó hơn 9 km đi ngầm, còn lại chạy trên cao, chuyển tiếp và đường dẫn depot. Tuyến tàu điện này qua 6 quận gồm: 1, 3, 10, 12, Tân Bình, Tân Phú, kết nối khu trung tâm về cửa ngõ phía Tây Bắc. Dự án hiện dự kiến hoàn thành năm 2030, theo báo VnExpress.

Về tuyến Metro số 1 sắp đi vào hoạt động chính thức sau 18 năm, nhiều người dân Sài Gòn đã phản hồi về những mong muốn của họ để việc di chuyển bằng chuyến tàu điện này dễ dàng và thuận tiện hơn.

Một cư dân mạng có nickname Tư Sài Gòn bình luận: “Rất cần một app hay một trang web để người dân có thể tra cứu tất cả thông tin về metro 1, trạm dừng, trạm nào có kết nối xe buýt, xe buýt số mấy, thời gian biểu, lấy vé như thế nào với các đối tượng được miễn vé … Chỉ còn gần 2 tháng là metro chạy “thật”!
Hiện giờ muốn tra cứu trạm dừng có kế nối xe buýt tôi chỉ có thể dùng google để … mò. Mà một số trạm dừng bố trí không hợp lí, quá xa khu vực thuận tiện để sang xe, sang đường. Ví dụ ngã tư Thủ Đức có trạm dừng có cầu đi bộ băng qua đường thì cách ngã tư này tới 2km! TP.HCM khi nắng thì nắng gắt khi mưa thì mưa to, đi bộ 2km thật không “hấp dẫn” chút nào!”.

Một người khác có nickname TLinhThanh91 viết: “Trời nắng gay gắt, cây cối ít trồng thêm, cây lớn thay bằng mấy cái cây thấp lè tè không mang lại bóng mát. Đi xe đạp thì không tìm thấy chỗ gửi xe ở ngay khu vực ga tàu. Thử hỏi cần người dân thay đổi thói quen nhưng những thứ kết nối đi lại thì lại không đầu tư theo đúng nhu cầu thực tế.”

Khánh Vy (t/h)