Từ ngày 5/6 đến ngày 11/6, số ca mắc tay chân miệng tại TP.HCM là 423 ca, tăng gần gấp 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước.

benh tay chan mieng
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). (Ảnh: Hải Yến/bvquan9.medinet.gov.vn)

Ngày 16/6, Sở Y tế TP.HCM cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết và COVID-19 tuần 23 (tính từ ngày 5/6 đến 11/6).

Trong tuần 23, TP.HCM có 423 ca bệnh tay chân miệng, tăng gần gấp 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước (175 ca). Trong đó, có 66 ca điều trị nội trú, tăng gấp đôi so với trung bình 4 tuần trước.

Trong tuần 23, thành phố ghi nhận hầu hết các quận huyện đều có số ca mắc bệnh tay chân miệng tăng so với số ca mắc trung bình 4 tuần trước (19/22 quận huyện).

Tính từ đầu năm đến tuần 23, thành phố có 2.407 ca tay chân miệng, giảm 53,55% so với cùng kỳ năm 2022 (5.174 ca).

Số ca sốt xuất huyết giảm

Trong tuần 23, Sở Y tế ghi nhận 146 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 9,7% so với trung bình 4 tuần trước. Số ca nội trú giảm 8% và số ca ngoại trú giảm 11,2%.

Trong tuần, có 4/22 quận, huyện và 9/312 phường xã có số ca bệnh sốt xuất huyết tăng so với số mắc trung bình 4 tuần trước.

Tính từ đầu năm đến tuần 23, thành phố ghi nhận 7.918 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 38,1% so cùng kỳ năm 2022 (12.786 ca), không ghi nhận trường hợp tử vong.

Về COVID-19, trong tuần, thành phố ghi nhận 54 ca xác định được Bộ Y tế công bố, giảm 63% so với tuần 22 (146 ca). Tính từ đầu năm đến ngày 4/6, thành phố ghi nhận 5.058 ca COVID-19 xác định.

tay chan mieng
(Nguồn: HCDC)

Theo HCDC, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch nhưng chưa có vắc-xin ngừa bệnh.

Bệnh tay chân miệng thường không dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu phát hiện và điều trị sớm. Tuy nhiên, một số trường hợp phát hiện trễ, bệnh tiến triển nặng và gây ra một số biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.

Giới chức Y tế thành phố khuyến cáo cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch Javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường. Các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng..) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan. Khi trẻ mắc bệnh, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với, run chi.

Minh Long