Không hài lòng với trả lời của Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) tiếp tục gửi câu hỏi tái chất vấn liên quan đến vi phạm về bản quyền và việc sửa sai đối với sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1.

sgk lop 1
Bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” được NXB Giáo dục Việt Nam báo cần sửa lỗi ở một trang trong SGK tiếng Việt 1 (tập 1), điều chỉnh nội dung văn bản  do ngữ liệu không đúng trong thực tế. (Ảnh: nxbgd.vn)

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 14, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thuý đã gửi văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, trong đó nêu: “Báo chí và dư luận gần đây có ý kiến phê bình cả 4 bộ sách giáo khoa tiếng Việt lớp 1 của NXB Giáo dục Việt Nam, trong đó khuyết điểm nặng nhất là vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ.

Vậy Bộ có ra văn bản yêu cầu rà soát, điều chỉnh những nội dung cụ thể chưa phù hợp của 4 bộ sách ấy không? Nếu chỉ nhắc rà soát, điều chỉnh một cách chung chung thì có bảo đảm công bằng với những học sinh đang học và giáo viên dạy 4 bộ sách đó không?”

Tại văn bản trả lời, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết có 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt theo chương trình giáo dục phổ thông mới, gồm 4 bộ sách thuộc NXB Giáo dục Việt Nam và 1 bộ sách Cánh Diều thuộc NXB Đại học Sư phạm và NXB Đại học Sư phạm TPHCM.

“Tất cả các sách giáo khoa được Bộ phê duyệt đều được các nhà trường tổ chức cho giáo viên, tổ bộ môn nghiên cứu, đề xuất, thành lập hội đồng đánh giá và quyết định lựa chọn phù hợp với điều kiện triển khai thực hiện tại trường.”, theo ông Nhạ.

Về các nội dung liên quan đến Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ  và các quy định có liên quan đến bản quyền, sở hữu trí tuệ khi biên soạn sách, ông Nhạ cho biết NXB Giáo dục Việt Nam báo đã ký hợp đồng để khai thác, sử dụng các tác phẩm, ngữ liệu văn học (văn, thơ), âm nhạc (bài hát, bản nhạc) được trích dẫn trong sách. Những tác phẩm mà tác giả không ủy thác qua trung tâm quyền tác giả thì NXB Giáo dục Việt Nam liên hệ với tác giả để xin phép.

Trước những phản ánh từ giáo viên, phụ huynh và dư luận xã hội về sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, như khó khăn trong tổ chức dạy và học, một số ngữ liệu chưa phù hợp, ông Nhạ nói có trách nhiệm của Bộ GD-ĐT, Hội đồng thẩm định, các nhà xuất bản và các tác giả.đã yêu cầu hội đồng thẩm định và các NXB kiểm tra, rà soát.

“Tới đây, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm quá trình xã hội hóa việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa lớp 1, tiếp tục chỉ đạo việc biên soạn, thẩm định sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 bảo đảm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình quy định”, ông Nhạ đưa ra lời hứa.

Sai sót vụ SGK lớp 1: ‘Nếu chấp nhận thì đó là một thái độ thỏa hiệp rất nguy hại…’

Đại biểu đề nghị công khai việc chỉnh sửa sách giáo khoa 

Nhận văn bản trả lời, bà Kim Thuý cho biết “văn bản trả lời dài nhưng không đề cập trực tiếp đến hai điều đã hỏi”, do đó, bà tiếp tục gửi chất vấn đến Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ.

Bà Thúy nhắc lại câu hỏi về quyền tác giả: “Việc sách giáo khoa không ghi tên tác giả nhiều sáng tác văn học có đúng quy định về quyền nhân thân của tác giả không? Sách giáo khoa có sửa chữa điều này không?”. Đại biểu Thúy lưu ý rằng mình không hỏi về quyền tài sản (ký hợp đồng, trả nhuận bút).

Câu thứ hai liên quan đến nội dung sai phạm: “Bộ chỉ đạo sửa chữa những chỗ sai như thế nào? Nhà xuất bản có biên soạn tài liệu đính chính không? Có công khai lấy ý kiến người dân không, có sửa chữa ngay năm học này không? Nếu có thì bao giờ làm? Nếu không thì vì sao?”.

Hiện tại, theo phản ánh của các chuyên gia và phụ huynh, giáo viên, không chỉ sách Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều bất cập về nội dung và tác quyền, mà 4 bộ sách của NXB Giáo dục Việt Nam cũng có rất nhiều truyện, bài tập đọc, kể chuyện được chuyển thể, phóng tác từ các tác phẩm, truyện ngụ ngôn của các tác giả nổi tiếng trong và ngoài nước nhưng không ghi tên tác giả, hay nguồn gốc tác phẩm.

Gần đây nhất, Chủ tịch hội đồng thành viên NXB Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Đức Thái thừa nhận cả 4 bộ SGK lớp 1 mới do NXB này tổ chức biên soạn có nhiều hạt “sạn”. Ông Thái đề xuất những điểm xin được chỉnh sửa và đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép sửa trong lần tái bản các bản mẫu SGK dùng trong năm học tới, 2021-2022.

Các cơ sở giáo dục phổ thông có được lựa chọn sách giáo khoa?

“Theo phản ánh của cử tri ngành giáo dục, trên thực chất, ở nhiều địa phương, quyền lựa chọn sách giáo khoa của cơ sở giáo dục phổ thông không được tôn trọng. Dư luận cũng phản ánh một số hiện tượng chạy chọt cửa sau, Bộ GD-ĐT chưa thực hiện đúng vai trò thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh những hiện tượng lệch lạc này” – Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy nêu vấn đề tại Nghị trường Quốc hội vào sáng ngày 13/6/2020.

Nguyễn Quân

Xem thêm:

Chưa có sách giáo khoa, nhà trường đã bị “ép” mua dụng cụ học tập?