Trong 10 tấn cá phóng sinh xuống sông Hồng có loài ngoại lai xâm hại
- Vĩnh Long
- •
Đây là ý kiến nhận định của nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung trước sự việc phóng sinh gần 10 tấn cá xuống sông Hồng vào sáng 5/2 (mùng 9 tháng Giêng).
Buổi lễ phóng sinh được thực hiện tại bến sông trước cửa đình làng Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) do Thượng tọa Thích Chân Quang chủ trì, với hàng ngàn người từ các tỉnh, thành như Ninh Bình, Hưng Yên, Hải Phòng, Nam Định… đổ về tham dự.
Một người người dân sống ở làng Bát Tràng cho biết lễ phóng sinh đã được duy trì đã vài năm nay tại bến sông Hồng trước cửa đình làng. Năm 2016, có 5 tấn cá được phóng sinh, năm nay số lượng là gần 10 tấn, do 8 xe tải chở đến.
Trước một số tấm ảnh ghi lại trong sự kiện, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung đã lên tiếng cho hay trong số cá được phóng sinh có loài cá chim trắng Colossoma brachypomum. Đây là một loài cá ăn thịt đáng sợ thuộc họ cá hổ Characidae du nhập từ Nam Mỹ được nuôi ở các ao hồ Việt Nam.
“Cá chim trắng nước ngọt là loài có tập tính hung dữ, ăn tạp, săn mồi theo bầy sẽ tiêu diệt các loài thuỷ sản bản địa sinh sống tự nhiên ở lưu vực sông này. Việc nuôi thương phẩm loài cá này đã được khuyến cáo là chỉ nên giới hạn ở những vùng được xem là an toàn, có điều kiện che chắn kỹ lưỡng bằng đê bao, đăng, lưới. Không nên phát triển nuôi ở những vùng có lũ lụt thường xuyên và không có điều kiện kiểm soát con giống thả nuôi, và đặc biệt là không được phát triển cá chim trắng ở những vùng nhạy cảm về sinh thái“, ông cho hay.
Theo ông Trung, chỉ cần 100kg cá chim trắng thôi cũng đủ gây nên thảm họa cho môi trường sống của các loài bản địa.
Trong một bài đăng trên Tạp chí Khoa học – Công nghệ Thuỷ sản, 7/2003, ông Nguyễn Mạnh Hùng (Viện Nghiên Cứu Nuôi Trồng Thủy Sản II) cho biết cá chim trắng nước ngọt có tên khoa học là Colossoma brachypomum, thuộc bộ Characiformes, họ Characidae. Còn cá hổ (hay còn gọi là cá cọp hoặc cá Piranha) có tên khoa học là Pygocentrus praya cũng thuộc bộ Characiformes, họ Characidae nhưng khác giống và khác loài.
Cá cọp là loài cá dữ, ăn động vật, đã được Bộ Thuỷ sản xác định là loài cá gây hại khi chúng được nhập lậu vào Việt Nam năm 1998 và đã bị nghiêm cấm nhập khẩu và gây nuôi. Còn cá chim trắng nước ngọt được nhập vào Việt Nam từ năm 1998.
Tuy nhiên, do tập tính ăn tạp, phàm ăn, săn mồi theo bầy, ông Hùng cũng khuyến cáo việc nuôi khảo nghiệm, hoặc nuôi thương phẩm loài cá chim trắng chỉ nên giới hạn ở những vùng có điều kiện che chắn (đê bao, đăng, lưới), không nên phát triển nuôi ở những vùng có lũ lụt thường xuyên và không có điều kiện kiểm soát con giống thả nuôi và những vùng nhạy cảm về sinh thái.
Năm 2007, cá chim trắng là một trong hai loài cá dữ ăn thịt được xác nhận bị phát tán ra hồ Trị An (Đồng Nai) (cùng với cá hoàng đế). Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Đồng Nai, cá chim trắng là loài cá ăn thịt và nếu chúng phát triển thành bầy đàn với lượng cá thể lớn thì hệ thủy sinh nơi chúng sinh sống có thể bị hủy hoại.
Loài ngoại lai xâm hại gây thảm họa là gì?Các loài xâm hại là một cụm từ chỉ về những loài động vật, thực vật hệ được du nhập từ một nơi khác vào vùng bản địa và nhanh chóng sinh sôi, nảy nở một cách khó kiểm soát trở thành một hệ động thực vật thay thế đe dọa nghiêm trọng đến hệ động thực vật bản địa đe dọa đa dạng sinh học. Sự bành trướng của những sinh vật này là mối nguy hại cho sự tồn tại của môi trường hệ sinh thái bản địa. Hầu hết các loài ngoại lai xâm hại không có nguồn gốc từ bản địa nên hoặc là chúng sẽ bị chết ngay sau khi được đưa đến do không thích hợp với điều kiện sống, sinh thái, môi trường, hoặc là chúng phát triển bùng nổ đến mức mất kiểm soát do môi trường mới quá thích nghi với điều kiện sống. Loài bản địa bị kiểm soát bởi tính thích nghi, các loài thiên địch, bệnh dịch nhằm kiểm soát việc phát triển bùng nổ cá thể loài. Nhưng loài ngoại lai thì không bị các yếu tố trên kiểm soát, khiến chúng phát triển thoải mái và cạnh tranh thức ăn quyết liệt với loài bản địa, dẫn đến các loài bản địa diệt vong. Chúng gây bệnh lạ cho loài bản địa vì những căn bệnh này không thể kiểm soát bởi môi trường sống, khí hậu mới và loài thiên địch. Tóm lại, loài ngoại lai chính là những loại gây ra thảm họa khủng khiếp nhất về môi trường đối với vùng phân bố mới của chúng. Nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Phùng Mỹ Trung |
Vĩnh Long
Xem thêm:
Từ khóa loài ngoại lai xâm hại cá phóng sinh phóng sinh cá xuống sông Hồng tác hại của phóng sinh loài cá ngoại lại gây hại cá chim trắng phóng sinh xuống sông Hồng cá chim trắng