Từ ngày 5/8, Cảnh sát giao thông phải công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát
- Nguyễn Sơn
- •
Các đơn vị cảnh sát giao thông (CSGT) phải công khai kế hoạch tuần tra, địa điểm tuyến đường và thời gian lên mạng Internet, niêm yết tại trụ sở tiếp dân – đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư 65/2020 do Bộ Công an ban hành, có hiệu lực từ ngày 5/8 tới.
Thông tư 65/2020 áp dụng đối với sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ CSGT (viết gọn là CSGT) thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; Công an các đơn vị, địa phương; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giao thông đường bộ.
Theo Điều 12, 13, kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Cục CSGT do Cục trưởng Cục CSGT tham mưu, chỉ đạo, kiểm tra, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ xây dựng kế hoạch; Đội trưởng Đội tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc xây dựng kế hoạch công tác tuần.
Kế hoạch tuần tra, kiểm soát của Công an cấp tỉnh do Giám đốc Công an cấp tỉnh chỉ đạo; Trưởng phòng Cảnh sát giao thông xây dựng kế hoạch; các Đội trưởng Đội CSGT, Đội trưởng Đội CSGT đường bộ, Đội trưởng Đội CSGT – trật tự, Đội trưởng Đội Tuần tra, dẫn đoàn, Trạm trưởng Trạm CSGT xây dựng kế hoạch công tác tuần…
Theo Điều 14, trước khi tuần tra, kiểm soát, Trưởng phòng Hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Trưởng phòng CSGT, Trưởng Công an cấp huyện phải thông báo công khai kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề về giao thông; kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm thường xuyên trên tuyến, địa bàn được phân công phụ trách.
Ngoài việc đăng công khai trên Trang thông tin điện tử của Cục CSGT hoặc Cổng thông tin điện tử của Công an cấp tỉnh, Phòng CSGT, các đơn vị niêm yết kế hoạch tại trụ sở tiếp công dân, công khai trên phương tiện thông tin đại chúng và các hình thức công khai khác theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, đại diện Cục CSGT (C08) Bộ Công an cho biết người dân sẽ không có quyền yêu cầu lực lượng làm nhiệm vụ ở ngoài đường phải cung cấp các văn bản kế hoạch về tuần tra, kiểm soát, theo Thanh Niên ngày 9/7.
Cũng theo Thông tư 65, CSGT thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch được dừng phương tiện giao thông để kiểm soát trong các trường hợp sau:
Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm về giao thông và các hành vi vi phạm khác;
Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
Có văn bản đề nghị của thủ trưởng, phó thủ trưởng CQĐT, văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp.
Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông.
CSGT khi dừng phương tiện giao thông phải đảm bảo an toàn, đúng quy định, không gây cản trở đến hoạt động giao thông. Khi dừng, kiểm soát tại một điểm hoặc tại Trạm Cảnh sát giao thông, CSGT phải đặt rào chắn bằng các cọc tiêu hình chóp nón hoặc dây căng, tạo khu vực an toàn; chiều dài đoạn rào chắn tối thiểu 100m đối với đường cao tốc, 50m đối với quốc lộ và 30m đối với đường tỉnh, đường huyện.
Trên đường cao tốc, việc dừng, kiểm soát tại một điểm chỉ được thực hiện tại các vị trí: Khu vực Trạm thu phí, điểm đầu, điểm cuối đường cao tốc.
Khi tuần tra, kiểm soát cơ động, CSGT chỉ được dừng phương tiện giao thông vào làn dừng phương tiện khẩn cấp để kiểm soát, xử lý vi phạm trong các trường hợp: Phát hiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông nghiêm trọng, nguy cơ gây mất an toàn giao thông tức thời; phối hợp đấu tranh phòng chống tội phạm; tin báo, tố giác về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện giao thông đang lưu thông trên đường cao tốc; phát hiện phương tiện giao thông dừng, đỗ không đúng quy định trên đường cao tốc. Khi giải quyết xong vụ việc, CSGT phải thu dọn cọc tiêu, dây căng, biển báo hiệu và di chuyển ngay.
Quy định công khai kế hoạch tuần tra, kiểm soát của CSGT lần đầu được nhắc đến trong Thông tư 67/2019 về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực từ tháng 1/2020. Nhưng, kể từ tháng 1/2020 đến nay, chưa có bản kế hoạch nào được công khai.
Lý giải về điều này, đại diện Cục CSGT cho rằng Thông tư 67/2019 chỉ quy định khung, chưa quy định cụ thể từng đầu mục nội dung công khai, theo Vnexpress ngày 7/7.
Từ khóa giám sát CSGT CSGT tuần tra