Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho biết đã ký văn bản báo cáo cấp thẩm quyền để xem xét, kết luận nên sẽ không có ý kiến gì hơn.

le minh tri
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí . (Ảnh: quochoi.vn)

Tại buổi tiếp xúc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với cử tri quận 5, 10, 11 – khi có 7/9 ý kiến đề cập đến quyết định của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao, sáng 18/5, ông Lê Minh Trí cho biết trên tư cách Viện trưởng Viện KSND tối cao, khẳng định các nội dung kháng nghị của Viện KSND tối cao là đúng thẩm quyền và không sai luật,

“Trong vụ án Hồ Duy Hải, báo chí đăng rất nhiều rồi, với tư cách Viện trưởng tôi cũng không nói nhiều về việc này nữa. Về thẩm quyền thì một là trong quá trình xem xét vụ việc thấy có nhiều chứng cứ còn mẫu thuẫn, vẫn chưa được làm rõ. Căn cứ quy định của tố tụng hình sự, thì khi có những dấu hiệu như thế, đó là căn cứ để kháng nghị, xem xét lại.

Viện trưởng không nói Hồ Duy Hải có tội hay không. Nhưng thấy còn có nhiều cái sai sót và nhiều chứng cứ chứng minh chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn giữa hiện trường, mâu thuẫn giữa lời khai, giờ thực nghiệm là ra… Viện trưởng thấy cần thiết phải kháng nghị yêu cầu hủy bản án phúc thẩm, sơ thẩm để điều ra lại xem có tội hay không có tội, một cách thận trọng, khách quan và đảm bảo tính mạng của người dân khi mà chúng ta chưa có chứng cứ trực tiếp khẳng định có giết người hay không“, ông Trí nói.

Viện trưởng VKSND Tối cao khẳng định các nội dung kháng nghị của Viện KSND tối cao là đúng thẩm quyền, có căn cứ và đúng pháp luật.

“Chắc chắn viện trưởng kháng nghị không sai luật và đúng thẩm quyền. Bây giờ cử tri cũng có góp ý là tòa đúng hay viện kiểm soát đúng, thôi thì để cấp thẩm quyền quyết định. Viện trưởng mới đây đã ký báo cáo với cấp có thẩm quyền rồi, để cấp thẩm quyền để xem xét và xử lý việc này”, ông Trí cho hay.

Trước đó, trong buổi tiếp xúc với đoàn đại biểu quốc hội, đề cập đến phiên giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, cử tri Nguyễn Lâm Sanh (quận 5) cho biết không bàn đến việc bị cáo Hồ Duy Hải có oan hay không, chỉ đề cập việc VKSND Tối cao kháng nghị là rất đúng đắn và phù hợp với hiến pháp trong bối cảnh vụ án có nhiều vấn đề chưa rõ ràng.

“Nhưng tại sao 17 thẩm phán lại bác và cho rằng kháng nghị sai luật pháp? Tôi thấy dư luận đang không thoả đáng với kết luận của phiên toà giám đốc thẩm vừa qua. Trình độ người dân giờ khác rồi, không phải cán bộ muốn làm gì làm. Tôi nghĩ Quốc hội phải có vai trò giám sát và nên đưa vấn đề Viện kháng nghị đúng hay tòa án bác kháng nghị đúng cho rõ ràng”, ông Sanh nói.

Cử tri Mai Thanh Hà (quận 5) cho rằng không thể chấp nhận quan điểm của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao khi đưa ra đánh giá “có sai sót nhưng không ảnh hưởng đến bản chất vụ án”. “Kết luận này của Hội đồng thẩm phán tạo tiền lệ vô vùng hiểm”, ông Hà cho hay.

Ông Đặng Văn Rành (quận 5) dẫn ý kiến của đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng khẳng định thẩm quyền của Hội đồng thẩm phán trong việc xét xử giám đốc thẩm là có 6 quyền theo luật định nhưng Hội đồng thẩm phán đã biểu quyết cho rằng kháng nghị của Viện KSND tối cao là vượt thẩm quyền, trái luật, như vậy Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã tự cho mình áp đặt thêm quyền thứ 7, đứng trên luật pháp. Đây là sự vi phạm nghiêm trọng cả về chính trị và pháp lý.

Ông Nông Kế Xô (quận 5) kiến nghị Quốc hội phải thành lập tòa án Hiến pháp để xem xét lại các vụ án làm xôn xao dư luận. “Việc làm đó không phải để cứu phạm nhân mà là để làm đúng pháp luật”, ông Xô nói.

Tối 13/1/2008, xảy ra vụ án mạng tại Bưu điện Cầu Voi (Long An). Nạn nhân là hai nữ nhân viên bưu điện Nguyễn Thị Ánh Hồng (23 tuổi) và em họ Nguyễn Thị Thu Vân (21 tuổi).

Ngày 21/3/2008, Cơ quan điều tra tỉnh Long An khởi tố, bắt tạm giam Hồ Duy Hải (23 tuổi, ngụ ấp 1, xã Nhì Thành, H.Thủ Thừa).

Ngày 1/12/2008, TAND tỉnh Long An tuyên án tử hình đối với Hồ Duy Hải về 2 tội giết người và cướp tài sản. Ngày 28/4/2009, tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.HCM bác kháng cáo, y án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Sau bản án tử hình, Hồ Duy Hải làm đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm hình phạt tử hình.

Tuy nhiên, ngày 24/5/2011, Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm; ngày 24/10/2011, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng có quyết định không kháng nghị giám đốc thẩm.

Ngày 17/5/2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có quyết định bác đơn xin ân giảm hình phạt tử hình của Hồ Duy Hải.

Ngày 25/11/2014, TAND tỉnh Long An thông báo với gia đình về Quyết định thi hành án tử hình Hồ Duy Hải vào ngày 5/12/2014.

Ngày 4/12/2014, một ngày trước khi Hồ Duy Hải bị thi hành án, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh hoãn thi hành án.

Ngày 5/12/2014, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Hà Nội ra tuyên bố hoan nghênh quyết định hoãn thi hành án tử hình, kêu gọi Việt Nam đình chỉ thi hành bản án này và bãi bỏ án tử hình.

Ngày 20/1/2015, bà Lê Thị Nga (đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên) có bản kiến nghị về việc xem xét kháng nghị vụ án Hồ Duy Hải.

Ngày 5/3/2015, bà Nguyễn Thị Loan và bà Nguyễn Thị Rưỡi gặp đại diện phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội, tìm cách nhờ EU giúp đỡ, can thiệp kêu oan cho Hải.

Ngày 13/3/2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chất vấn Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình về tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự. Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) nêu 5 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu oan sai, gồm vụ án Hồ Duy Hải, Nguyễn Văn Chưởng, Lê Bá Mai, Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn.

Ngày 20/3/2015, lãnh đạo Liên ngành Bộ Công an, VKSND Tối cao có báo cáo khẳng định Tòa án các cấp kết án Hồ Duy Hải mức án tử hình về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản” là có căn cứ pháp luật.

Ngày 12/2/2018, Ủy ban Tư pháp Quốc Hội kiến nghị với Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao xem xét, kháng nghị giám đốc thẩm vụ án.

Ngày 7/5/2018, bản kiến nghị với 25.000 chữ ký được gửi tới Chủ tịch nước Trần Đại Quang kêu oan cho tử tù Hồ Duy Hải. 

Ngày 23/7/2018, Văn phòng Chủ tịch nước yêu cầu cầu Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội có văn bản thể hiện quan điểm, cách giải quyết cụ thể để xử lý dứt điểm vụ án.

Ngày 21/9/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đột ngột qua đời, lý do do bệnh nặng. Sáng ngày 23/10/2018, Quốc hội Việt Nam khóa 14 bầu ông Nguyễn Phú Trọng làm tân Chủ tịch nước.

Ngày 24/7/2019, Văn phòng Chủ tịch nước đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí xem xét, quyết định theo thẩm quyền, bảo đảm đúng pháp luật vụ án Hồ Duy Hải.

Ngày 23/10/2019, Tổng thư ký Ân xá quốc tế Na Uy – John Peder Egenaes gửi thư đến Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng, đính kèm chữ ký của 25.543 người Na Uy kêu gọi hủy án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Ngày 30/11/2019, Viện KSND Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải, đề nghị TAND Tối cao hủy toàn bộ bản án sơ thẩm và bản án phúc thẩm để điều tra lại.
Ngày 8/5/2020, Hội đồng giám đốc thẩm TAND Tối cao bác kháng nghị sau 3 ngày mở phiên tòa giám đốc thẩm, giữ nguyên mức án tử hình với bị cáo Hồ Duy Hải. Quyết định khiến dư luận phản đối mạnh mẽ, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tố tụng phân tích, phản bác quyết định này.
Ngày 10/5/2020, bà Nguyễn Thị Loan – mẹ Hồ Duy Hải tiếp tục gửi đơn cầu cứu đến Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Viện KSND Tối cao, ĐBQH mong làm rõ vụ án.Ngày 13/5/2020, hai đại biểu Quốc hội là Lê Thanh Vân và Lưu Bình Nhưỡng lần lượt gửi kiến nghị lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị xem xét lại vụ án Hồ Duy Hải do có dấu hiệu trái pháp luật.

Vĩnh Long