Trong vòng 3 năm nay, điện mặt trời, điện gió phát triển ồ ạt tại Việt Nam, khiến “thừa điện trầm trọng” ở một số thời điểm. EVN cho biết thời gian tới điện gió có thể bị cắt giảm công suất ở mức cao vì “đối mặt với tình trạng sản xuất ra nhưng không bán được”.

dien gio
Việt Nam: Điện gió sẽ bị cắt giảm công suất ở mức cao vì thừa điện. (Ảnh: evn.com.vn)

Truyền thông nhà nước hôm 25/3 cho biết Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về tình hình phát triển điện gió tại Việt Nam năm 2021.

Theo đó, EVN cho biết thời gian tới điện gió có thể bị cắt giảm công suất ở mức cao vì “đối mặt với tình trạng sản xuất ra nhưng không bán được”.

Theo EVN, đến thời điểm hiện nay, đơn vị này đã ký hợp đồng mua bán điện với 113 dự án điện gió, tổng công suất là 6.038MW.

Trong đó, 12 dự án đã đưa vào vận hành thương mại, tổng công suất là 582MW; 87 dự án dự kiến tiếp tục vận hành thương mại trước 31/10 với tổng công suất là 4.432MW. 14 dự án không thể vận hành thương mại trước 31/12/2021, tổng công suất là 1.024MW.

Đánh giá tình hình cắt giảm năng lượng tái tạo, theo EVN, trong thời gian tới, theo yêu cầu cắt điện đường dây 500KV Nho Quan-Hà Tĩnh để đấu nối nhà máy điện Nghi Sơn 2 và tiếp tục cắt điện đường dây 500 kV, 220kV nằm trong tổng thể cắt điện đấu nối mạch 3 đường dây 500kV, sẽ tiếp tục phải thực hiện tiết giảm các nguồn năng lượng tái tạo.

Về tổng quan, giai đoạn mùa lũ và cuối năm 2021, hiện tượng thừa nguồn điện sẽ tiếp tục xuất hiện khi nguồn năng lượng tái tạo chiếm tỷ trọng lớn, đặc biệt vào các dịp lễ, Tết. Từ tháng 10-12, khi các nguồn điện gió vào vận hành đủ, đồng thời với giai đoạn mùa lũ miền Trung – Nam, “lượng công suất thừa có thể lớn hơn với thời gian dài hơn”.

Giai đoạn tháng 7-9/2021, EVN cho biết đây là thời kỳ lũ chính vụ miền Bắc, thực hiện khai thác cao thủy điện và tối thiểu nhiệt điện than theo yêu cầu kỹ thuật, hệ thống điện miền Bắc có thể cân đối được nguồn, truyền tải Trung – Bắc duy trì ở mức thấp.

“Điều này làm cho nguy cơ thừa nguồn toàn hệ thống trở nên trầm trọng hơn. Mức cắt giảm năng lượng tái tạo có thể lên tới 3000/6.500MW vào thời điểm thấp điểm trưa của ngày thường hoặc cuối tuần. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là hơn 180 triệu kWh”, theo EVN.

Giai đoạn tháng 10-12/2021 là thời kỳ mùa lũ chính vụ miền Trung và Nam, khai thác cao thủy điện nên mức cắt giảm năng lượng tái tạo do quá giới hạn truyền tải 500kV cùng với thừa nguồn điện trên hệ thống trong ngày thường hoặc chủ nhật có thể đạt 6.800MW/10.800MW. Sản lượng năng lượng tái tạo cắt dự kiến trong mỗi tháng là 350-400 triệu kWh.

“Trường hợp có thêm nguồn năng lượng tái tạo vào vận hành sớm hơn so với tiến độ dự kiến hoặc các thủy điện đồng loạt xả, lượng năng lượng tái tạo bị cắt giảm còn có thể cao hơn”, EVN lưu ý.

Trước đó, tại hội nghị tổng kết của EVN hôm 12/1, ông Nguyễn Đức Ninh, Giám đốc Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia, cho biết Việt Nam đã và đang tiếp tục giảm công suất năng lượng điện tái tạo do vấn đề thừa nguồn. Thời gian tới phải tiếp tục cắt giảm thêm.

Theo tính toán của cơ quan này, khoảng 1,3 tỷ kWh, trong đó hơn 500 triệu kWh sẽ cắt giảm do vấn đề thừa nguồn điện mặt trời vào các điểm trưa và quá tải đường dây 500 kV từ miền Trung ra miền Bắc. “Đây là khó khăn lớn nhất trong việc vận hành năm nay”, ông Ninh nói.

Điện gió, điện mặt trời phát triển ồ ạt

Trong vòng 3 năm qua, điện mặt trời, điện gió thực sự vào giai đoạn bùng nổ ở Việt Nam. Từ con số 0 tròn trĩnh, điện gió, điện mặt trời đua nhau lập hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Các con số tăng trưởng của “nguồn điện trời cho” này vẫn chưa dừng lại, báo Vietnamnet mô tả.

Từ Bắc chí Nam, từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau, từ đất liền đến ngoài khơi xa xôi, năng lượng tái tạo vẫn là từ khóa được nhiều nhà đầu tư đeo đuổi. Các tập đoàn lớn trên thế giới cũng đổ xô đến Việt Nam để khai phá thị trường tiềm năng này. Sự tăng trưởng vượt ngoài sức kỳ vọng. Sức nóng dường như vượt quá tầm dự báo của những cơ quan ban hành chính sách.

Thông báo phát đi của EVN cho thấy, đến thời điểm 31/12/2020, tổng công suất lắp đặt về điện mặt trời trên cả nước đạt tới khoảng 19.400 MWp (trong đó có gần 9.300 MWp là điện mặt trời mái nhà), tương ứng khoảng 16.500 MW – chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn điện của hệ thống điện quốc gia.

Theo số liệu thống kê, toàn bộ sản lượng điện phát từ điện mặt trời trên cả nước trong năm 2020 là 10,6 tỷ kWh (trong đó riêng điện mặt trời mái nhà là 1,16 tỷ kWh), chiếm khoảng 4,3% tổng sản lượng huy động nguồn toàn hệ thống điện quốc gia.

Còn các dự án điện gió, do mức độ khó khăn trong việc đầu tư nên số liệu bổ sung quy hoạch nhiều, vận hành vẫn còn ít ỏi. Tổng công suất nguồn điện gió trên bờ vào khoảng 500 MW, song vẫn còn hàng nghìn MW chạy nước rút để hoàn thành. Hàng trăm nghìn tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đã rót vào điện mặt trời, điện gió, bổ sung lượng điện đáng kể cho hệ thống điện quốc gia.

Tuy nhiên do phát triển ồ ạt, nên những tháng cuối năm 2020, đầu năm 2021, nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo phải đối mặt với tình trạng cắt giảm công suất phát lên lưới do thừa điện ở một số thời điểm.

Nhiều dự án không phát hết được điện lên lưới, rủi ro thua lỗ hiển hiện, kế hoạch tài chính có nguy cơ đổ bể.

Ngoài ra, với đặc điểm thay đổi năng lực phát điện (công suất) nhanh, không kiểm soát, điều khiển được, điện gió sẽ gây ra dao động đáng kể tới hệ thống điện mỗi khi gió biến thiên hoặc ngừng, nếu không kiểm soát sẽ gây hậu quả nặng nề là có thể rã lưới, mất điện trên diện rộng.

Tại dự thảo quy hoạch điện VIII đang lấy ý kiến, Bộ Công thương muốn phát triển mạnh mẽ điện gió từ công suất khoảng trên 600 MW năm 2020 lên đến hơn 11.000-12.000 MW năm 2025 và hơn 18.000-19.000 MW năm 2030. Tỷ trọng điện gió chiếm 11% tổng công suất đặt năm 2025 và 13% tổng công suất đặt năm 2030.

Phát triển điện mặt trời từ công suất khoảng 17.000 MW giai đoạn 2020-2025 lên gần 19.000-20.000 MW năm 2030. Tỷ trọng điện mặt trời chiếm 17% tổng công suất đặt năm 2025 và chiếm 14% năm 2030.

Định hướng phát triển nguồn điện giai đoạn 2031-2045, các nguồn điện gió và mặt trời cũng sẽ được phát triển mạnh trong tương lai, với tỷ trọng công suất lên tới trên 42% vào năm 2045.

Kim Long

EVN dừng ký hợp đồng mua bán ‘điện mặt trời mái nhà’ sau ngày 31/12