Vụ bạo lực học đường tại trường quốc tế: Hiệu trưởng muốn ‘tôn trọng triệt để quyền riêng tư’
- Nguyễn Quân
- •
Một phụ huynh đang tố cáo con mình và 3 người bạn theo học tại Trường Quốc tế TPHCM – American Academy (ISHCMC-AA) (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã bị một học sinh cùng trường đánh ở trong và ngoài khuôn viên trường, và nhà trường không tích cực xử lý vụ việc. Phía Hiệu trưởng cho hay sẽ nhà trường “tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận tích cực”, và “tôn trọng triệt để quyền riêng tư của học sinh”.
Trong các bài đăng, livestream đăng từ ngày 26-28/5, đạt từ 2 nghìn đến 29 nghìn lượt chia sẻ, bà T.H.T cho hay sau 2 năm dịch COVID-19, tuần trước, học sinh trường ISHCMC-AA tham gia dã ngoại tại hồ Tràm.
Theo lời kể của con bà T., lúc ăn, một học sinh nữ lớp trên (tạm gọi là A.) muốn lấy ghế, con bà T. bảo ghế có người ngồi rồi. Học sinh A. nói nặng lời nhưng con bà T. không phản ứng. Đến ngày 26/5, A. đánh, đấm con bà trong khuôn viên trường, sau đó kéo ra ngoài trường đánh tiếp. Các bạn của em này vào can ngăn cũng bị đánh. Tổng cộng 4 học sinh bị đánh. Vẫn theo lời bà T., giáo viên nhìn thấy nhưng không can ngăn.
Sau khi bị đánh, con của bà T. không nói với mẹ. Nhưng sau đó, khi phụ huynh của 3 học sinh kia đến trường yêu cầu giải quyết sự việc nhưng không thành, con của bà T. mới nói ra sự việc và nhờ mẹ đến trường.
Do bức xức về cách xử lý của nhà trường, từ ngày 26-28/5, bà T. liên tục phát livestream và viết các bài đăng trên mạng xã hội Facebook tường thuật sự việc. Các bài đăng này thu hút lượng tương tác lớn, đạt từ 2 nghìn đến 29 nghìn lượt chia sẻ, chưa kể hàng trăm nghìn lượt bình luận.
Được biết, Trường Quốc tế TP.HCM (ISHCMC-AA) (TP Thủ Đức, TP.HCM) có mức học phí dao động từ 500 – 650 triệu đồng/năm tùy khối lớp, là một trong những ngôi trường có mức học phí thuộc top đầu tại Việt Nam.
Vì sao phụ huynh livestream, công khai sự việc trên mạng xã hội?
Trong các phát ngôn của bà T. trên mạng xã hội Facebook, bà T. cho hay bà bức xúc trước cách xử lý sự việc của nhà trường. Theo lời bà T., trong chiều 26/5, khi con nói việc bị bạn đánh, bà T. lên trường, cùng với phụ huynh của 3 em khác yêu cầu gặp em học sinh A. cùng phụ huynh để 2 bên đối chất. Tuy nhiên, đề nghị này bị nhà trường từ chối.
Đại diện nhà trường cho hay nhà trường sẽ xử lý sự việc với phụ huynh và học sinh A. riêng, sau đó xử lý sự việc với nhóm phụ huynh tố cáo. Đề nghị này bị nhóm phụ huynh tố cáo từ chối.
Bà T. cho hay sau đó trường trả lời bà rằng sẽ cho số điện thoại của phụ huynh học sinh A. để 2 bên tự giải quyết với lý do “việc xảy ra bên ngoài trường”. Một lúc sau, bảo vệ trường hộ tống phụ huynh và học sinh A. ra về; công an đến làm việc, xác minh sự việc với nhóm phụ huynh tố cáo, tuy nhiên bà T. từ chối ký với lý do bản xác minh không đầy đủ.
Tối 26/5, bà T. cho con đi khám. Theo kết quả khám bệnh do bà T. cung cấp, con gái bà có vết thương ở tay, biểu hiện khó thở, kết quả chụp X-quang ngực thẳng không có gì bất thường. Bà T. cho biết sau sự việc, con bà bị các bạn học sinh nam gọi điện thoại, nhắn tin đe dọa. Vì lo ngại an toàn, bà T. đã cho con nghỉ học từ ngày 27/5.
Trong các livestream, bà T. cho biết trước khi xảy ra sự việc hành hung vào chiều 26/5, con bà thường bị chê bai, khiêu khích tại trường, vì bị tị nạnh, cho là dùng hàng giả (fake). Bà T. cũng cho hay sau khi bà công khai sự việc trên mạng xã hội, có nhiều tại khoản Facebook ảo vào bình luận, làm nhiều việc để nói rằng 4 học sinh bị đánh thực ra đã đánh bạn gái kia, rồi về mách phụ huynh.
Hiệu trưởng khẳng định sự việc được xử lý từng bước, tôn trọng quyền riêng tư của học sinh
Ngày 28/5, ông Nate Swenson, Hiệu trưởng Trường ISHCMC-AA đã có thư gửi đến phụ huynh, học sinh và nhân viên tại trường về sự việc ngày 26/5.
Theo ảnh chụp màn hình bức thư do báo Dân Trí đăng tải, ông Swenson khẳng định nhà trường “luôn nỗ lực hỗ trợ học sinh và giữ cho các em an toàn ở trường”.
Trước các thông tin mà bà T. phản ánh trên mạng xã hội, ông Swenson cho rằng việc này đang làm ảnh hưởng tiêu cực đến những học sinh liên quan và không liên quan trực tiếp, một số thông tin không chính xác.
“Chúng tôi rất buồn khi nhận thấy một vụ việc thuộc phạm vi kỷ luật bị lan truyền trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, gây ra một số ảnh hưởng tiêu cực tới những em liên quan, cũng như không liên quan trực tiếp, thậm chí còn có những thông tin được đưa ra thiếu chính xác và không phản ứng đúng bản chất vụ việc.
Những thông tin này thể hiện không chính xác nguyên nhân dẫn đến sự việc hiện tại, quy trình tìm hiểu nguyên nhân, cũng như cách thức nhà trường giải quyết vướng mắc giữa các bên, phục hồi quyền và lợi ích chính đáng của học sinh bị ảnh hưởng. Hành vi lan truyền các thông tin sai lệch này không thể hiện đúng với những giá trị của nhà trường hoặc quy tắc ứng xử nên có của tất cả thành viên trong cộng đồng” – theo nội dung thư.
Đại diện nhà trường khẳng định là một trường quốc tế, họ có nghiệp vụ giải quyết những tình huống khó khăn giữa các học sinh, giúp các em không ngừng học hỏi và thấu hiểu và “nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện điều này một cách riêng tư để bảo vệ các em học sinh” bằng tất cả nguồn lực của nhà trường.
Từ đó, ông Swenson mong những cá nhân đang đăng tải hoặc tham gia chia sẻ những nội dung liên quan đến sự việc này dừng lại, khẳng định sẽ “tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận tích cực với tất cả những cá nhân liên quan để giải quyết tình huống hiện tại”. Đại diện trường khẳng định vào thời điểm này sẽ không đưa thêm bất cứ bình luận nào về vụ việc.
Một ngày trước khi bức thư trên được gửi nội bộ, ngày 27/5, Zing cho hay qua trao đổi, ông Swenson cho hay khi thấy học sinh xô xát, một trợ giảng bán thời gian của trường đã vào trường, gọi người ngăn cản. Hiệu trưởng đích thân ra, dẫn các em vào trường. Khi ông gặp học sinh, một số em có vết bị cào, cấu. Vì vậy, ông cho các em đến phòng y tế trường để kiểm tra. Y tá xác định học sinh bị xước, không có vấn đề nghiêm trọng.
Theo vị hiệu trưởng, nhà trường thực hiện theo quy trình xử lý, mời học sinh liên quan đến nói chuyện để tìm hiểu trước khi làm việc với gia đình các em nhằm giải quyết sự việc. Tuy nhiên, lúc họ mới bắt đầu trao đổi, phụ huynh ập đến, xảy ra tranh chấp, họ phải dừng lại.
Theo ông Swenson, đây là vụ việc không mong muốn, các học sinh đang trong độ tuổi 12-18, giai đoạn còn nông nổi, dễ phạm sai lầm. Quan điểm của trường là dù ai đúng, ai sai, người lớn nên tôn trọng quyền riêng tư của trẻ.
“Hôm nay [ngày 27/5], trường đã nói chuyện với 14 học sinh. Chúng tôi nắm được sự việc. Bước tiếp theo là trao đổi với phụ huynh để giải quyết vấn đề”, theo ông Swenson. Đại diện nhà trường cho biết từ khi xảy ra sự việc vào chiều 26/5 đến nay, họ bận nhiều việc, trong đó có buổi chia tay học sinh lớp 12, nên chưa làm việc với phụ huynh. Trong ngày 27/5, trường có kế hoạch liên hệ với các gia đình để hỏi thăm tình hình sức khỏe học sinh.
Chiều tối ngày 27/5, trên trang Facebook cá nhân, bà T. cho hay đến thời điểm trên, bà vẫn chưa nhận bất cứ cuộc gọi nào từ nhà trường. Bà T. cũng phủ nhận việc con bà được chăm sóc y tế như phía nhà trường đã nói. Bà đề nghị trường trích xuất camera để xem toàn bộ sự việc trong khoảng thời gian 14h30-15h của các học sinh liên quan nhưng không được bất cứ bên nào cung cấp.
Theo cập nhật mới nhất vào chiều 29/5, bà T. cho biết đang cần tìm luật sư.
Bộ GD-ĐT yêu cầu xử lý vụ việc bạo lực ở trường quốc tế trước ngày 31/5
Ngày 28/5, Bộ GD-ĐT ra công văn gửi UBND TP.HCM, đề nghị cơ quan này chỉ đạo xử lý vụ việc bạo lực trong học sinh Trường quốc tế American Academy (ISHCMC-AA) xảy ra vào ngày 26/5.
Bộ GD-ĐT đề nghị giới chức TP.HCM nhanh chóng xác minh thông tin và xử lý vụ việc theo hướng “đảm bảo an toàn và ổn định tâm lý cho học sinh, giáo viên và phụ huynh”. Thông tin xử lý vụ việc được yêu cầu gửi về Bộ GD-ĐT trước ngày 31/5/2022.
Từ khóa bạo lực học đường học sinh đánh bạn Trường quốc tế