Cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế thoát án tử hình; Cựu Thứ trưởng Ngoại giao lãnh 16 năm tù
- Phạm Toàn
- •
Sau 12 ngày thẩm vấn và tranh luận, 6 ngày nghị án, chiều ngày 28/7, TAND TP. Hà Nội tuyên án 54 bị cáo trong vụ chuyến bay giải cứu.
- Vụ ‘chuyến bay giải cứu’: Kiểm sát viên ‘phẫn nộ’ với quan điểm bào chữa của luật sư
- Vụ chuyến bay giải cứu: Hành khách có được bồi thường thiệt hại?
Vụ Chuyến bay giải cứu có 54 bị cáo bị đưa ra xét xử sơ thẩm bắt đầu từ sáng ngày 11/7. Trong đó, có 21 bị cáo bị xét xử về tội Nhận hối lộ; 24 người về tội Đưa hối lộ; 4 người tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ và 4 người Môi giới hối lộ.
Số người tham gia được cho là nhiều nhất trong những đại án gần đây với 54 bị cáo, 105 luật sư, 46 người có quyền nghĩa vụ liên quan, 33 nhân chứng.
Phiên tòa dự kiến kéo dài 30 ngày, nhưng kết thúc sau 18 ngày, sớm hơn 12 ngày.
Cơ quan tố tụng xác định từ tháng 4/2020, Chính phủ Việt Nam đồng ý thực hiện chuyến bay giải cứu đưa công dân hồi hương trong đại dịch COVID-19, người dân chỉ phải trả tiền vé máy bay, không mất chi phí cách ly. Sau đó là các chuyến bay combo – người dân tự trả phí toàn bộ.
Doanh nghiệp có nhu cầu tổ chức chuyến bay combo phải xin chủ trương của UBND cấp tỉnh, thành phố – nơi thực hiện cách ly công dân về nước. Hồ sơ sau đó được gửi về Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đơn vị này tổng hợp, lấy ý kiến tổ công tác 5 bộ (Ngoại giao, Công an, Y tế, Giao thông Vận tải, Quốc phòng).
Từ đầu 2020 đến khoảng giữa năm 2021, Bộ Ngoại giao đề xuất Chính phủ phê duyệt tổng 372 chuyến bay combo. Để có chi phí “bôi trơn” khi thực hiện các chuyến bay, nhóm 20 doanh nghiệp với hơn 100 pháp nhân phải nâng giá vé, “vẽ” thêm nhiều chi phí phát sinh với khách hàng có nhu cầu về nước giữa đại dịch.
Tổng số công dân trên 372 chuyến bay combo là hơn 93.000 người.
Cáo trạng cho biết 21 cựu quan chức và 24 đại diện, lãnh đạo doanh nghiệp trong vụ án đã đưa, nhận hối lộ lên tới 515 lần, với tổng 165 tỷ đồng.
Nhận định về vụ “chuyến bay giải cứu” gắn với các bê bối khác xảy ra thời đại dịch nói riêng và trong xã hội Việt Nam nói chung, Võ sư Đoàn Bảo Châu từng nhận xét trên trang Facebook cá nhân (có hàng trăm ngàn người theo dõi) rằng: “Các cán bộ thời nay không có lý tưởng phục vụ tổ quốc, phục vụ nhân dân gì mà trong đầu họ chỉ có một lý tưởng duy nhất là kiếm lợi trong bất kì hoàn cảnh nào, ngay cả khi ‘đồng bào’ của họ khốn cùng nhất”.
Nhiều người nổi tiếng khác trên mạng xã hội và dư luận cũng đưa ra các quan điểm, đánh giá như: “Lợi dụng dịch bệnh ăn trên mồ hôi xương máu của đồng bào”; “Nhân văn ở đâu?”; “Giải cứu chỗ nào?”; “Ngạo nghễ đón ai hay chỉ là cuộc bán mua sòng phẳng thậm chí cao giá…”; “Thiêng liêng hai tiếng đồng bào bao nhiêu, thì kiếm ăn trên nỗi sợ hãi của đồng bào càng man rợ bấy nhiêu”…
Thứ trưởng Bộ Y tế, người liên quan trong vụ án, vắng mặt
Khoảng 13h30 hôm nay (28/7), có 44/54 bị cáo bị tạm giam, được cán bộ hỗ trợ tư pháp đưa tới tòa trên 14 xe thùng; 10 người còn lại được tại ngoại cũng lần lượt đến tòa chờ nghe tuyên án.
Đúng 14h, hội đồng xét xử thông báo sau thời gian nghị án, hôm nay sẽ công bố bản án.
Trước khi tòa bắt đầu tuyên án, Cựu Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chử Xuân Dũng xin có ý kiến nhưng không được chấp thuận. Chủ tọa cho rằng bị cáo có ý kiến thì làm đơn gửi cơ quan tố tụng sẽ xem xét.
Theo thông tin được thẩm phán đọc tại tòa, trong nhóm những người liên quan có nhiều người vắng mặt, trong đó có ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế và ông Mai Tiến Dũng, cựu Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế thoát án tử hình
Bị cáo Phạm Trung Kiên, Cựu Thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, nhận hối lộ nhiều nhất vụ án là 253 lần, với hơn 42 tỷ đồng, bị tuyên phạt tù chung thân (VKS đề nghị tử hình).
Lý do, HĐXX thấy mức phạt tử hình VKS đề nghị với bị cáo Phạm Trung Kiên là tương xứng nhưng bị cáo đã thành khẩn, nộp 42,2 tỷ đồng khắc phục hậu quả nên “không cần loại khỏi xã hội”.
Bị cáo Tô Anh Dũng, cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nhận hối lộ 21,5 tỷ đồng, bị tuyên 16 năm tù (VKS đề nghị 12-13 năm).
Bị cáo Vũ Anh Tuấn, cựu Phó trưởng phòng tham mưu, Cục quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, bị tuyên phạt tù chung thân (VKS đề nghị 19-20 năm).
Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan, Cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, bị tuyên phạt tù chung thân (VKS đề nghị 18-19 năm).
Bị cáo Đỗ Hoàng Tùng, Cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), nhận hối lộ hơn 12 tỷ đồng, bị tuyên 12 năm (VKS đề nghị 9-10 năm).
Bị cáo Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, nhận hối lộ hơn 4 tỷ đồng, bị tuyên 7 năm tù (VKS đề nghị 7-8 năm).
Cựu điều tra viên cao cấp Bộ Công an bị tuyên chung thân
Bị cáo Hoàng Văn Hưng, cựu điều tra viên cao cấp (Bộ Công an), được phân công điều tra vụ án “chuyến bay giải cứu” từ ngày 28/1/2022 – là người duy nhất phản bác các cáo buộc từ cơ quan truy tố, một mực kêu oan; bị VKS đánh giá là “gian dối, trơ tráo, khai báo nhỏ giọt với cơ quan điều tra, cơ quan tố tụng” – lừa đảo chiếm đoạt 18,8 tỷ đồng, bị tuyên chung thân (VKS đề nghị 19-20 năm tù).
Bị cáo Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó giám đốc công an TP. Hà Nội, môi giới hối lộ hơn 61,6 tỷ đồng, bị tuyên 5 năm tù (VKS đề nghị 5-6 năm).
Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó tổng giám đốc Công ty Blue Sky, đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng, bị tuyên 11 năm (VKS đề nghị 10-11 năm).
Bị cáo Lê Hồng Sơn, Tổng giám đốc Công ty Blue Sky, đưa hối lộ hơn 100 tỷ đồng, bị tuyên 10 năm (VKS đề nghị 11-12 năm).
Bị cáo Chử Xuân Dũng, cựu Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội, nhận hối lộ hơn 2 tỷ đồng, bị tuyên 3 năm tù (VKS đề nghị 3-4 năm).
Bị cáo Trần Văn Tân, Cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nhận hối lộ 5 tỷ đồng – là bị cáo hay đọc thơ ‘nỗi sầu nhân thế’ và lẩy Kiều tại phiên tòa – bị tuyên 6 năm tù (VKS đề nghị 7-8 năm).
Các bị cáo là chủ doanh nghiệp bị kết tội Đưa hối lộ bị phạt từ 15 tháng tù cho hưởng án treo đến 11 năm tù giam, đa số đều nhẹ hơn mức phạt VKS đề nghị.
Từ khóa Bộ Ngoại giao COVID-19 chuyến bay giải cứu