Vụ hóa chất Alumin Nhân Cơ: Hàm lượng sắt, crôm trong suối Đắk Yao vượt chuẩn
Sau khi xảy ra sự cố vỡ đường ống chứa kiềm tại nhà máy Alumin Nhân Cơ, cơ quan chuyên môn xác định hàm lượng kim loại nặng ở suối Đắk Yao – nơi có cá chết bất thường và người dân bị bỏng, ngứa, vượt ngưỡng cho phép.
Ngày 02/8, Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông có báo cáo về kết quả kiểm tra, khảo sát khu vực có hiện tượng cá chết tại suối Đắk Yao.
Theo kết quả nêu trong báo cáo, mẫu nước lấy ngày 24/7 tại vị trí cách cống xả số 3 của Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ 150 m về phía hạ lưu có hàm lượng sắt (Fe) vượt 1,22 lần và Hexavalent crôm (Cr6+) vượt 1,5 lần quy chuẩn. Kết quả mẫu khảo sát nước suối Đắk Yao ngày 25/7, tại vị trí cách cống xả số 3 của nhà máy 1.500 m về phía bên phải dòng chảy có hàm lượng Fe vượt 1,7 lần quy chuẩn.
Trước đó, chiều ngày 23/7, một số người dân phát hiện nước tại khu vực suối Đắk Yao bị đổi màu đen sẫm, loang lổ, tiếp xúc cảm thấy có chất nhờn như nước bọt xà bông và có mùi lạ, nhiều cá, tôm dưới suối chết bất thường.
Một số người lớn và trẻ nhỏ đã xuống suối vớt cá chết, nhưng chỉ ít phút sau đó, thấy da bị bỏng rát, đau ngứa, phồng rộp như bị phỏng nước sôi.
Sở TN-MT Đắk Nông và Tổ giám sát thuộc Bộ TN-MT đã tiến hành khảo sát và lấy mẫu nước kiểm nghiệm.
Tại cuộc họp báo ngày 28/7 thông tin về sự cố, ông Ngô Xuân Lộc – Chánh văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông cho biết, khoảng 8h ngày 23/7, Nhà máy Alumin Nhân Cơ khởi động bơm kiềm nhưng cổ ống đẩy của máy bơm bị vỡ làm 9,58 m3 kiềm chảy ra ngoài. Trong đó, một phần đã thẩm thấu xuống nền đất xốp liền kề có diện tích 600 m2 và một phần theo hệ thống nước mưa chảy vào suối Đắk Yao qua cửa xả số 3 về phía hạ lưu.
Theo kết quả phân tích mẫu nước và mẫu đất ở khu vực bị ảnh hưởng do Trung tâm quan trắc thuộc Sở TN-MT Đắk Nông ghi nhận: một mẫu tại cửa xả số 3 có độ pH là 8,13; một mẫu tại vị trí cách cửa xả số 3 khoảng 150 m có độ pH là 7,57 và một mẫu cách cửa xả số 3 khoảng 200 m có độ pH là 7,15. Ông Lộc cũng cho hay, chưa có cơ sở để khẳng định nguyên nhân sự cố là do Nhà máy Alumin Nhân Cơ gây ra.
Hải Linh
Xem thêm:
Từ khóa Alumin Nhân Cơ Đắk Nông cá chết chất độc Ô nhiễm môi trường