16 quan chức Trung Quốc tử vong vì tai nạn trực thăng quân sự khi thị sát lũ
- Miêu Vi
- •
Khi lũ lụt hoành hành ở TP. Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, Internet loan truyền tin một máy bay trực thăng quân sự của Trung Quốc đã bị rơi khi đang kiểm tra khu vực xảy ra thảm họa. Vụ việc khiến 16 quan chức quân sự và chính quyền địa phương trên máy bay tử vong. Có nghi ngờ tin tức đã bị chính quyền phong tỏa nghiêm ngặt. Một người trong cuộc gần đây đã tiết lộ cho tờ Epoch Times biết thêm chi tiết về vụ tai nạn.
Đầu tháng này, một tin tức chưa được kiểm chứng xuất hiện trên Twitter: Một chiếc máy bay của Lữ đoàn trực thăng thuộc Tập đoàn quân 82 đến Lai Thủy để cứu hộ và mất liên lạc. Theo thông tin, tham mưu trưởng, thợ máy và phi công trên máy bay cùng hơn 10 người đã gặp nạn. Trong số đó có một phi công, một phóng viên truyền hình, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Lý Kiến Anh, Phó thư ký của Cục Khẩn cấp Phạm Hội Khanh, và hai phó cục trưởng của cơ quan thuộc TP. Bảo Định, một trong số đó là phó sư đoàn đã được chuyển công tác sang công việc khác.
Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin hôm 7/8, một phóng viên của đài đã biết được từ các nguồn tin trong quân đội ĐCSTQ rằng một chiếc trực thăng nghi là của Tập đoàn quân 82 đã bị rơi vào thứ Bảy tuần trước khi đang chở một số quan chức Bảo Định đi thị sát các khu vực bị ngập lụt ở Trác Châu, có hơn 10 người trên máy bay và tất cả đều tử vong.
Phóng viên của RFA nói rằng những người thiệt mạng bao gồm một phó tổng tham mưu trưởng quân đội và ít nhất 4 quan chức cấp phó cục, một trong số họ là Phó giám đốc Cục Quản lý Khẩn cấp Bảo Định, họ Phạm; một người là nghiên cứu viên Cục Giao thông vận tải Bảo Định, họ Lý. Trên máy bay lúc đó cũng có một phóng viên truyền thông nhà nước.
Cho đến nay, cả quân đội và quan chức ĐCSTQ đều chưa tiết lộ bất kỳ thông tin nào về sự cố này. Phóng viên của RFA đã gọi điện nhiều lần tới một số cơ quan chính quyền TP. Bảo Định và tỉnh Hà Bắc, nhưng không nhận được phản hồi tích cực.
Cư dân mạng Twitter “Tao Miao Xiansheng” đã đăng một thông báo hôm 9/8, nói rằng: “Các quan chức ĐCSTQ đã kiểm tra khu vực xảy ra thảm họa, máy bay bị rơi và tất cả [người trên máy bay] đều chết.” Hình ảnh bài đăng cho thấy các quan chức ĐCSTQ và quân nhân của TP. Bảo Định đã ngồi máy bay trực thăng của lữ đoàn hàng không đồn trú, đi đến Lai Thủy và Trác Châu quan sát lũ lụt từ trên không, máy bay đâm vào đường dây điện cao thế và tất cả 16 người trên máy bay đều thiệt mạng. Trong số đó, 13 người thuộc quân đội và 3 người là quan chức địa phương.
Bài đăng cho biết trong số những người thiệt mạng có một người là Lý Nhất Phàm (Li Yifan), phóng viên của đài truyền hình Bảo Định, Phó giám đốc Sở Giao thông Vận tải Bảo Định Lý Kiến Anh, còn có giám đốc Cục Quản lý Khẩn cấp Bảo Định; bên quân nhân gồm có phó tham mưu trưởng, phó đại đội trưởng.
Trên Douyin (phiên bản TikTok Trung Quốc), từng có các trang về “Lý Kiến Anh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Bảo Định” và “Phạm Hội Khanh của Cục Quản lý Khẩn cấp Bảo Định”, nhưng chúng đã bị xóa, khiến sự việc càng thêm rắc rối khó hiểu.
Ông Triệu Lan Kiện (Zhao Lanjian), một cựu nhân viên truyền thông Đại Lục nói với phóng viên Epoch Times hôm 13/8, tin tức này đã được đăng trên tài khoản chính thức của Toutiao vào ngày 4/8 và nhiều người trong giới truyền thông đã xem và chuyển tiếp. Thông tin nhạy cảm này đã được lan truyền trong nhiều nhóm WeChat và một số người thậm chí còn lên kế hoạch đi phỏng vấn. Nhưng ngay sau đó nó đã bị xóa và phần văn bản của thông tin đã biến thành nhiều ảnh chụp màn hình với các phiên bản khác nhau, tiếp tục được lan truyền trong nhiều nhóm WeChat.
Ông Triệu Lan Kiện nói: “Ảnh chụp màn hình văn bản và hình ảnh được trích dẫn trong các tweet của tôi là một phần của phiên bản. Lý Nhất Phàm, một phóng viên của Đài truyền hình Bảo Định, đã chết trong vụ tai nạn. Những người bạn quen thuộc với anh ta đã xác nhận điều này.”
Ông tiếp tục nói: “Hãy hỏi một vài phương tiện truyền thông địa phương. Vụ rơi máy bay là chắc chắn, nó phải xảy ra vào ngày 3/8. Lý Nhất Phàm đã ở trên máy bay. Phóng viên nhiếp ảnh của đài truyền hình Bảo Định đã chụp ảnh trên đó.”
Ông Triệu Lan Kiện cho biết một số phương tiện truyền thông và cư dân mạng đã phân tích rằng chiếc trực thăng bị rơi có thể là chiếc trong video tin giả do CCTV công bố. Cư dân mạng suy luận rằng chiếc trực thăng này hợp tác với CCTV để làm giả, sau đó chở các quan chức quân sự quan trọng, phó giám đốc sở giao thông vận tải và một phóng viên của đài truyền hình Bảo Định, đâm vào đường dây điện cao thế, chiếc trực bị hư hại còn người thì chết.
Dương Sơn (hóa danh), quan chức thế hệ thứ hai ở Bảo Định, Hà Bắc, cũng xác nhận: “Quả thực là đúng như vậy. Một trong số họ đã được đưa đến bệnh viện để cấp cứu. Có thể sống được là quá lợi hại.”
Lũ lụt ở Trác Châu, Hà Bắc rất nghiêm trọng. Các quan chức ĐCSTQ các cấp đã không xuất hiện trong vài ngày cho đến khi nước lũ bắt đầu rút. Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ đưa tin rằng các quan chức đang tích cực cứu trợ thiên tai, và Bí thư Thành ủy Trác Châu cũng ra mặt để “chỉ đạo nạo vét bùn do lũ để lại”. Cư dân mạng lên án đây là một “chương trình biểu diễn”.
Tuyên truyền sai sự thật của quan chức cũng bị cư dân mạng vạch trần. Một đoạn video do CCTV phát hành hôm 2/8 cho thấy một chiếc trực thăng giải cứu 6 người bị mắc kẹt trên mái nhà trong 72 giờ ở Trác Châu, Hà Bắc, nơi bị lũ lụt tàn phá. Tuy nhiên, con đường bên dưới tòa nhà, nước lũ chỉ ngập đến nửa bánh hai chiếc ô tô đang đỗ, và hai người có chân không ngập hoàn toàn đang đứng bên cạnh chiếc xe. Điều này cho thấy nước đọng tại địa điểm quay video không đủ để khiến người ta mắc kẹt trên mái nhà. Sau khi thông tin được lan truyền, video đã nhanh chóng bị xóa.
Từ khóa lũ lụt ở Trung Quốc