Chính quyền ông Tập Cận Bình đang tiếp tục tiến hành “đả hổ” chống tham nhũng đối với hệ thống công an. Gần đây tại các tỉnh Tứ Xuyên, Hà Bắc, An Huy, đã có rất nhiều cục trưởng công an liên tiếp “ngã ngựa”.

cong an Trung Quoc

3 tỉnh 4 thành phố: liên tiếp “ngã ngựa”

Ngày 9/8, Trang web của Ủy ban Kỷ luật Trung ương Trung Quốc đưa tin, Phó thị trưởng kiêm Cục trưởng Công an thành phố Ba Trung tỉnh Tứ Xuyên là Tả Kính Quân bị tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, hôm trước đó đã bị bắt điều tra.

Tư liệu công khai cho biết, năm 1986 Tả Kính Quân bắt đầu tham gia công tác tại Phòng Công an tỉnh Tứ Xuyên và làm việc ở đây 20 năm, gần đây lên chức Phó chủ nhiệm Văn phòng Phòng Công an tỉnh Tứ Xuyên, rồi Chủ nhiệm; sau đó lên Tổng đội trưởng Tổng đội Trị an Phòng Công an tỉnh. Năm 2011 thì nhận chức Bí thư Đảng ủy Cục Công an thành phố Ba Trung, kiêm chức Phó thị trưởng và Cục trưởng Cục Công an.

Ngay trước đó, ngày 26/1, Phó thị trưởng kiêm Cục trưởng Cục Công an thành phố Nghi Tân tỉnh Tứ Xuyên là Ngụy Thường Bình cũng bị điều tra.

Ngoài hai người trên, ngày 24/4 và 27/6, Phó thị trưởng kiêm Cục trưởng Cục Công an thành phố Bảo Định là Phan Tĩnh Tô và Phó thị trưởng kiêm Cục trưởng Cục Công an thành phố An Khánh ở An Huy là Phạm Tiên Hán cũng bị bắt điều tra vì tình nghi vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Theo tư liệu công khai, ông Phan Tĩnh Tô công tác ở ngành công an Trung Quốc được 27 năm. Truyền thông Trung Quốc cho biết việc ông Phan Tĩnh Tô bị bắt có liên quan đến Thường ủy viên kiêm Bí thư ban Chính pháp tỉnh Hà Bắc Trương Việt. Ông Trương Việt bị điều tra ngày 16/4, bị miễn nhiệm, khai trừ đảng và chuyển cho cơ quan tư pháp xử lý ngày 26/7.

Chính quyền Tập Cận Bình đang không ngừng thanh lọc hệ thống công an và ban chính pháp

Hệ thống công an và tư pháp đều thuộc về lĩnh vực chính pháp. Ông Giang Trạch Dân sau khi nghỉ hưu vẫn có thể điều khiển chính sự thông qua việc nắm giữ toàn bộ hệ thống này do cài cắm thân tín là cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang vào đây. Đương thời, thực tế quyền lực của Chu Vĩnh Khang còn vượt qua cả Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, hình thành nên hệ thống mà ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng thao túng trong bóng tối gọi là “trung ương quyền lực thứ hai”.

Sau kỳ Đại hội 18, chính quyền ông Tập Cận Bình đã không ngừng thanh lọc bộ máy công an và hệ thống chính pháp. Cựu Phó bộ trưởng Bộ Công an Trung Quốc, cầm đầu Phòng 610 (cơ quan chuyên trách đàn áp Pháp Luân Công) Lý Đông Sinh, Cục trưởng Cục công an thành phố Thiên Tân Võ Trường Thuận, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Bắc Chu Bản Thuận cho đến “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang đều liên tiếp “ngã ngựa”.

Ngày 9/8 năm nay, ông Trương Việt đã bị lập án điều tra. Trương Việt là nhân vật trung tâm trong hệ thống chính pháp của phe cánh ông Giang Trạch Dân. Tháng 11/2003 đến tháng 12/2007, Trương Việt giữ chức Cục trưởng Cục 28 – “Cục chống tôn giáo X” của Bộ Công an. Cuối năm 2007, Trương Việt được điều đến làm Trưởng phòng Công an Hà Bắc, ngay sau đó thì kiêm nhiệm chức Bí thư Ban Chính pháp tỉnh Hà Bắc.

Theo truyền thông đưa tin, Trương Việt có liên quan đến vụ án của Chu Vĩnh Khang, Quách Văn Quý và Mã Kiện. Cũng có tin tức chỉ ra rằng, Trương Việt cùng Chu Bản Thuận theo ông Giang Trạch Dân, Tăng Khánh Hồng định tiến hành chính biến, là nhân vật hàng đầu liên quan đến kế hoạch chính biến trong thời gian diễn ra hội nghị Bắc Đới Hà năm ngoái.

Theo ấn phẩm chính thức “Liêm Chính Liêu Vọng”, thống kê không đầy đủ, từ 1/1/2013 đến 31/12/2015, truyền thông Trung Quốc ghi nhận ít nhất có 81 sự kiện quan chức tự sát, một số lớn trong đó là các quan chức thuộc hệ thống chính pháp.

Trước đó có tin, chính quyền ông Tập Cận Bình sẽ tiến hành “đại cải cách” với hệ thống công an, sẽ giải tán Cục Bảo an Quốc nội thuộc Bộ Công an, đổi tên và thay đổi chức năng, để xoa dịu sự bất mãn của người dân đối với cục này.

Các quan chức bị “ngã ngựa” này đều bức hại Pháp Luân Công

Điều trùng hợp là các quan chức bị ngã ngựa này đều từng theo ông Giang Trạch Dân bức hại Pháp Luân Công.

Theo thông cáo của “Tổ chức quốc tế truy cứu điều tra bức hại Pháp Luân Công” tại nước ngoài, Tả Kính Quân, Trương Việt và Phan Tĩnh Tô đối với việc bức hại Pháp Luân Công, đều đóng những vai trò chủ chốt hoặc là người chịu trách nhiệm chính.

Trang Minh Huệ của Pháp Luân Công đưa tin, Ngụy Thường Bình trong thời gian dài làm Cục trưởng Công an thành phố Nội Giang đã bức hại 15 người tu Pháp Luân Công đến chết. Những người này lúc còn sống đều phải trải qua các hình thức bức hại như: đưa đi cải tạo lao động, bỏ tù, bắt cóc, khám xét nhà, tra tấn v.v…

Ngày 18/7/2013, trang web của Văn phòng chính quyền thành phố An Huy công bố “Phân công nhiệm vụ công tác trọng điểm Quý 3 năm 2013 của chính quyền thành phố”. Việc phân công nhiệm vụ này viết Phó thị trưởng Phạm Tiên Hán đảm nhiệm một số công tác, trong số đó bao gồm “đàn áp Pháp Luân Công”.

Tự Minh

Xem thêm: