6 nỗi sợ hãi của ông Tập và 3 cuộc đào thoát của quan chức ĐCSTQ
- Trương Kiệt
- •
Ngày kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đến gần. Nhưng điều kỳ lạ là bầu không khí lại vô cùng căng thẳng, như thể một đại sự sắp xảy ra. Theo báo cáo, Bắc Kinh đã tiến hành một chiến dịch duy trì sự ổn định. Quảng trường Thiên An Môn và các khu vực lân cận đang ở trong tình trạng nửa thiết quân luật.
Thượng Hải, Gia Hưng, Tỉnh Cương Sơn, Tôn Nghĩa, Diên An, Tây Bách Pha, Bắc Kinh đã nhận được thông báo mới nhất từ Bưu điện rằng tất cả chuyển phát nhanh tại 7 thành phố trên sẽ tạm ngưng. Máy bay không người lái bị cấm ở 9 quận của Bắc Kinh. Các mô hình bay, diều, khinh khí cầu, đèn trời và chim bồ câu ở quận Thông Châu, Thâm Quyến cũng bị cấm bay.
Cũng có một thông báo từ Chính quyền thành phố Bắc Kinh lan truyền trên Internet rằng họ sẽ thực hiện kiểm soát vô tuyến điện tại một số khu vực của Bắc Kinh vào ngày 1/7. Cư dân mạng cũng quay được cảnh hơn 200 chiếc xe buýt chở đầy lính tiến vào sân vận động Tổ chim (sân vận động quốc gia Bắc Kinh). Cư dân địa phương cho biết cảnh báo này là rất hiếm gặp kể từ khi ĐCSTQ thiết lập quyền lực của mình.
Bà Thái Hà, một giáo sư đã nghỉ hưu của Trường Đảng Trung ương, viết trên Twitter rằng ĐCSTQ kỷ niệm 100 năm thành lập và điều này giống như một thảm họa. ĐCSTQ có súng, có tiền và có camera giám sát công nghệ cao trong tay, muốn bắt ai thì bắt người nấy, muốn phong tước hiệu cho ai thì phong cho người nấy. Vậy thì họ đang sợ điều gì?
Nhưng nghĩ kỹ lại, vì sao ông Tập Cận Bình lại không sợ cho được.
Thứ nhất, sợ bị các quan viên mình bức hại trả thù. Hàng triệu quan chức ĐCSTQ đã bị hạ bệ vì tội danh tham nhũng, người thì nhảy lầu, kẻ thì uống thuốc độc, người lại đâm vào tàu hỏa, kẻ phải đi tù. Họ và người thân, bạn bè của họ lẽ nào sẽ không báo thù?
Thứ hai, sợ dân oan. Có hàng chục triệu người khiếu kiện ở Trung Quốc, và Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là thời điểm thích hợp để họ kêu oan. Mỗi chuyến viếng thăm, ông Tập Cận Bình đều được những người thỉnh nguyện ở nước ngoài ‘tiếp đón’, và trí nhớ của ông vẫn còn nguyên vẹn.
Thứ ba, sợ người dân trong xã hội trả thù. Trung Quốc không có tự do ngôn luận cũng như độc lập về tư pháp, người dân không thể tìm được chỗ để nói lý, và thường xuyên xảy ra các vụ trả thù xã hội.
Thứ tư, sợ bị ám sát bằng máy bay không người lái. ĐCSTQ sử dụng công nghệ cao để giám sát người dân. Nhưng họ cũng sợ rằng công nghệ cao sẽ gây tổn hại cho chính mình. Giờ đây, các thế lực thù địch ở nước ngoài binh hùng tướng mạnh, ông Tập sẽ không khỏi rùng mình khi nghĩ đến việc tướng Iran Soleimani bị chặt đầu bởi một tên lửa hình lưỡi dao.
Thứ năm, sợ bóng sợ gió. Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường từng người một đều gặp phải những kẻ hai mặt. Nói không chừng, tiệc mừng 100 năm lại trở thành ‘Hồng Môn Yến’ (đảo chính).
Thứ sáu, sợ binh lính có vũ trang. Trong số những kẻ này, ai biết được liệu có còn sót lại những kẻ nghịch tử như Từ Tài Hậu, Quách Bá Hùng, Phòng Phong Huy, Trương Dương hay không. Nói tóm lại, nghĩ đến Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng, ông Tập Cận Bình không khỏi cảm thấy âu lo.
Nhưng điều mà ông Tập Cận Bình thực sự e ngại không chỉ là những điều này, còn có những quan chức cấp cao đào tẩu mà Mỹ chưa công khai. Tất nhiên ông Tập Cận Bình biết mình là ai và sóng gió sắp ập đến. Nhiều người nói rằng Tập Cận Bình tham lam quyền lực và ông sẽ tái đắc cử tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ. Nhưng ông Tập lại phàn nàn rằng có quá nhiều người muốn giết ông, ai có thể bảo vệ ông nếu ông không được bầu lại?
Không có gì lạ khi nói về vụ đào tẩu của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ. Trước đó, trong nội bộ ĐCSTQ đã có ông Cố Thuận Chương đào tẩu. Sau đó là ông Du Chấn Thanh, anh trai của ông Du Cường Thanh, Cục trưởng Cục Tình báo Bắc Mỹ lúc đó. Những vụ đào tẩu của các quan chức dưới cấp cục thì không đếm xuể. Tuy nhiên, trong số những quan chức cấp cao đào tẩu có thể giáng một đòn nặng nề vào ĐCSTQ chỉ có 3 người.
Đầu tiên, là vụ đào tẩu của Lâm Bưu
Ngày 13/9/1971 là một ngày đặc biệt đối với Trung Quốc. Vào ngày này, Lâm Bưu, đồng chí thân cận nhất của Mao Trạch Đông và người kế nhiệm của quốc gia, đã dẫn theo người vợ Diệp Quần và con trai Lâm Lập Quả, bỏ trốn trên chiếc phi cơ Đinh ba số 256. Sau đó máy bay bị rơi tại Chinggis, Mông Cổ, và họ đã thiệt mạng. Đây được gọi là “Sự cố ngày 13/9” trong lịch sử.
Ông Diêu Văn Nguyên cho biết trong hồi ký của mình rằng khi Mao Trạch Đông biết tin Lâm Bưu đã bỏ trốn khỏi Liên Xô bằng máy bay, ông ấy còn không tin. Mao Trạch Đông đã nhờ Chu Ân Lai tìm hiểu thêm. Sau hơn 4 tiếng đồng hồ từ khi nhận được tin Lâm Bưu đã bỏ trốn bằng máy bay và lính canh không tìm thấy Lâm Bưu, khi Chu Ân Lai báo cáo lần thứ ba, Mao Trạch Đông vẫn bán tín bán nghi. Ông nói với các Ủy viên Bộ Chính trị có mặt tại đó rằng: Lâm Bưu sợ tôi sẽ không thể giữ lại ông ấy nên đã rời đi.
Mao nhìn lên trần nhà thở dài và nói: “Cao thủ, quả là cao thủ! Ta đã bị ông ta lừa dối suốt 22 năm. Các ông đều bị lừa dối! Sau này không được tự cho mình là kẻ sáng suốt!”. Mao Trạch Đông cũng chỉ vào Chu Ân Lai và Giang Thanh và mắng rằng: “Một người là thủ tướng và một người là vợ tôi đều nâng phó chủ tịch lên cao như trời. Tôi cũng đã bị các người lừa dối”. Sau vụ Lâm Bưu, suốt một thời gian tinh thần của Mao Trạch Đông khá hoảng loạn. Ông ném đồ đạc, chửi bới mọi người, và đuổi các nhân viên xung quanh mình.
“Biên bản của Công trình ngày 1/5” mà sau đó Mao Trạch Đông đã chỉ định công bố thậm chí còn gây ngộ nhận cho người Trung Quốc. Lâm Lập Quả, con trai của Lâm Bưu, đã mô tả “vị lãnh tụ vĩ đại” Mao Trạch Đông như thế này: “Ông ấy là một kẻ đa nghi và thích ngược đãi người khác. Triết lý trừng trị người khác của ông ta, một là không làm gì cả, hai là không dừng tay. Những người mà ông ấy muốn trừng trị, từng người một đều bị dồn vào chỗ chết thì ông ta mới dừng tay. Một khi đã đắc tội thì sẽ đắc tội đến cùng và còn vu oan giá họa cho người khác. Nói thẳng ra, từng người một bị xoay như chong chóng và gục ngã dưới tay ông ấy. Kỳ thực họ đều là những con dê thế tội của ông ta.”
Đinh Khải Văn, một chuyên gia về lịch sử Cách mạng Văn hóa, chỉ ra rằng “Sự kiện 13/9” đã làm gián đoạn quá trình trừng trị thuộc hạ của Mao Trạch Đông, phá vỡ huyền thoại về Mao và đưa Cách mạng Văn hóa của Mao vào ngõ cụt.
Sau “Sự kiện 13/9”, Mao Trạch Đông phải xem xét lại chiến lược Cách mạng Văn hóa, giải phóng một lượng lớn cán bộ kỳ cựu, bổ nhiệm lại Đặng Tiểu Bình và những người khác, nhằm gieo mầm cho sự trở lại hoàn toàn của Cách mạng Văn hóa. Một số nhận xét cho rằng: “Cuộc đào tẩu của Lâm Bưu đã gây ra một phong trào giải phóng tư tưởng rộng khắp tại Trung Quốc. Mọi người bắt đầu nghi ngờ Mao, nghi ngờ tư tưởng của Mao, nghi ngờ hành vi của Mao, và nghi ngờ tư cách của Mao.”
Thứ hai là vụ đào tẩu của Vương Lập Quân
Bạc Hy Lai đã từng là một nhân vật đình đám, rất có khả năng trở thành thành viên của Ủy ban thường vụ và cuối cùng thống trị thế giới, nhưng lại thân bại danh liệt khi đang ở đỉnh cao của quyền lực! Không chỉ thân bại danh liệt, bà Cốc Khai Lai, vợ của Bạc Hy Lai cũng bị kết án tử hình treo, và con trai Bạc Qua Qua cũng lưu lạc tại nước ngoài.
Sự thất bại của Bạc Hy Lai có liên quan mật thiết đến việc Vương Lập Quân đào tẩu. Vương Lập Quân đã nói trực tiếp với Bạc Hy Lai vào tháng 1/2012 rằng anh ta có bằng chứng về việc bà Cốc Khai Lai đã giết doanh nhân Neil Heywood. Sau khi nghe điều này, Bạc Hy Lai đã rất tức giận và tát Vương. Cái tát này khiến Vương Lập Quân cuối cùng cũng rút khỏi ‘chiến xa’ của Bạc Hy Lai. Ngày 6/2, anh ta đã bỏ trốn đến Lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Thành Đô, cách đó 300 km.
Nhìn lại con đường thành bại của Bạc Hy Lai, cần phải nói rằng Bạc Hy Lai đã nhìn thấy những vấn đề xã hội nghiêm trọng do 30 năm cải cách và mở cửa mang lại, như nạn tham nhũng, bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo. Vậy nên ông ta muốn mượn oai hùm của Mao Trạch Đông để diễn một vở kịch lớn. Mục đích của ông ta là xóa bỏ địa vị thái tử của ông Tập Cận Bình và thay thế bằng một thế hệ tiểu yêu mới.
Mặc dù Bạc Hy Lai có cả sự ủng hộ của bè phái Mao Trạch Đông và lại mang huyết thống thế hệ đỏ thứ hai, cũng như sự ủng hộ trong nội bộ của Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch, Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng, nhưng đáng tiếc là ông ta đã lạc vào đường tà, đi lệch khỏi giá trị phổ quát của nhân loại.
Một số nhà phân tích chỉ ra rằng trường hợp của Bạc Hy Lai một lần nữa nói với mọi người rằng chừng nào các chính trị gia không tuân theo xu thế chung, họ chắc chắn sẽ thất bại. Dẫu thành công nhất thời, thì cuối cùng chắc chắn họ vẫn sẽ thất bại. Trên khắp thế giới, các nhà độc tài ngang ngược và bất khả chiến bại như Hitler, Mussolini, Saddam Hussein và Gaddafi cuối cùng đều bị các xu thế lịch sử vứt bỏ.
Cuộc đào tẩu của Vương Lập Quân đã mở ra bức màn đen về cuộc đấu tranh quyền lực sinh tử trong nội bộ ĐCSTQ. Những chiến dịch ‘hát đỏ đánh đen’ (hát nhạc cách mạng, đánh đổ các thế lực đen tối) “lý tưởng cách mạng cao hơn trời” chẳng qua chỉ là thủ đoạn của những kẻ cuồng chính trị, nhằm đánh lừa người dân mà thôi.
Thứ ba là vụ các quan chức cấp cao đào tẩu sang Mỹ
Gần đây, Tucker Carlson, người dẫn chương trình đài “Fox News” của Mỹ, tuyên bố trong chương trình rằng cộng đồng tình báo Mỹ đã tiết lộ một “người đào tẩu cấp cao nhất của Trung Quốc” trong lịch sử đã đến Mỹ và hợp tác với Cơ quan Tình báo Quốc phòng (DIA) trong 3 tháng. Mỹ tiết lộ về “chương trình vũ khí đặc biệt” của Trung Quốc, trong đó có “chương trình vũ khí sinh học.” Cơ quan Tình báo Quốc phòng không báo cáo kẻ đào tẩu, nhưng giữ bí mật trong nội bộ Cơ quan Tình báo Quốc phòng Quốc gia.
Được biết, kẻ đào tẩu là ông Đổng Kinh Vĩ, Thứ trưởng Bộ An ninh Quốc gia ĐCSTQ. Tuy nhiên, ngày 18/6, các kênh truyền thông của ĐCSTQ đã gửi một thông điệp nhằm “bác bỏ tin đồn.” Bất kể người này có phải là ông Đổng Kinh Vĩ hay không, dựa trên các báo cáo từ nhiều kênh truyền thông Mỹ, có một sự thật là các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã mang thông tin tuyệt mật liên quan đến “virus corona mới” đào tẩu sang Hoa Kỳ.
Khi ĐCSTQ che giấu dịch, một trận đại dịch đã lây lan từ Vũ Hán ra toàn thế giới. Tính đến ngày 21/6/2021, 179 triệu người đã nhiễm bệnh và 3,88 triệu người đã chết tại 192 quốc gia trên thế giới. Hiện tại, virus biến thể Delta của Ấn Độ đã lây lan đến hơn 80 quốc gia và khu vực. Nhiều người có thể bị nhiễm hoặc tử vong trong tương lai.
Theo nội dung mà Fox News tiết lộ, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã tiết lộ với Hoa Kỳ về “chương trình vũ khí đặc biệt” của Trung Quốc, gồm cả “chương trình vũ khí sinh học”. Viện Y tế Quân đội Hoa Kỳ về các bệnh truyền nhiễm xác nhận với Cơ quan Tình báo Quốc phòng rằng thông tin do những người Trung Quốc đào tẩu cung cấp “mang tính kỹ thuật rất cao”.
Nếu thông tin tình báo của các quan chức cấp cao của ĐCSTQ có thể chứng minh rằng virus viêm phổi Vũ Hán có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, thì Trung Quốc sẽ phải đối mặt với trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế, thậm chí chiến tranh sẽ có thể nổ ra. Đây sẽ là một thảm họa đối với ĐCSTQ. Ngay cả khi không thể chứng minh được rằng virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm Vũ Hán, thì tội ác của ĐCSTQ trong việc che giấu dịch bệnh và bí mật nghiên cứu vũ khí sinh học sau khi dịch bùng phát là không thể phủ nhận.
Bình luận viên Lương Kinh chỉ ra rằng liên kết chuỗi sự kiện thời sự lớn gần đây, ông tin nhiều người sẽ thấy rằng diễn biến của tình hình có thể sẽ nghiêm trọng và nguy hiểm hơn nhiều so với dự kiến. Logic chung có thể là thế này: Thông tin tình báo do những nhân vật quan trọng đào tẩu khỏi ĐCSTQ mang lại, đã gây chấn động nghiêm trọng cho Hoa Kỳ. Việc này sẽ khiến Hoa Kỳ nhận ra rằng mối nguy hiểm mà ông Tập Cận Bình mang lại cho Hoa Kỳ và trật tự thế giới không chỉ vượt khỏi đánh giá ban đầu, mà còn cấp thiết hơn.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất là khi đối mặt với tình báo mới, Hoa Kỳ không còn có thể đối phó với thuyết virus có nguồn gốc từ phòng thí nghiệm như một nhận định có khả năng thấp. Hễ Hoa Kỳ có thái độ cứng rắn trong việc truy xuất nguồn gốc virus, điều này chắc chắn sẽ làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thậm chí có thể gây ra một cuộc khủng hoảng toàn diện trước đó.
Ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ cảnh báo, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với hậu quả là bị thế giới cô lập nếu từ chối cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc virus. Ý nghĩa quan trọng nhất của cảnh báo này là, Hoa Kỳ hoàn toàn hiểu rằng ông Tập Cận Bình không thể chấp nhận một cuộc điều tra quốc tế thực sự. Họ cũng biết tại sao ông Tập Cận Bình lại từ chối một cuộc điều tra quốc tế.
Tổng kết lại, trong lịch sử 100 năm của ĐCSTQ, vô số cán bộ, đảng viên đã bỏ nơi hắc ám về nơi tươi sáng. Nhưng có 3 vụ đào tẩu thực sự đã giáng một đòn nặng nề vào ĐCSTQ. Cuộc đào tẩu đầu tiên của Lâm Bưu, sự kiện “ngày 13/9”, đã làm phá sản cuộc Cách mạng Văn hóa do Mao Trạch Đông khởi xướng, đồng thời đánh thức vô số người Trung Quốc về mặt chính trị, đặt nền móng cho công cuộc cải cách và mở cửa của Trung Quốc.
Cuộc đào tẩu lần thứ hai của Vương Lập Quân đã khiến mô hình Trùng Khánh của Bạc Hy Lai bị phá sản và phơi bày nền chính trị đảng phái của ĐCSTQ ra thế giới.
Vụ đào tẩu lần thứ ba của một quan chức cấp cao của ĐCSTQ xảy ra trong thời kỳ thế giới phương Tây đang thức tỉnh. Chủ nghĩa toàn trị của ông Tập Cận Bình đã gặp phải một trở ngại lớn. Nếu việc truy tìm nguồn gốc của virus Vũ Hán được xác minh là do rò rỉ từ Phòng thí nghiệm Virus Vũ Hán và ĐCSTQ đã nghiên cứu vũ khí sinh học, thì điều này sẽ tạo ra một làn sóng khiển trách quốc tế và thậm chí là chiến tranh. Hiện nay, Liên minh Dân chủ Phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã tập hợp lại, nhưng Trung Quốc hiếu chiến đã lâm vào tình cảnh bi đát bị cô lập và bất lực.
Trương Kiệt, Vision Times
(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.)
Xem thêm:
Từ khóa Quan chức ĐCSTQ đào thoát Tập Cận Bình Đào thoát Dòng sự kiện Kỷ niệm 100 năm thành lập ĐCSTQ Đào tẩu