Những khoản nợ khổng lồ của các công ty bất động sản Trung Quốc vẫn là vấn đề nan giải, có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô lớn. Đồng thời, ông Tập Cận Bình vẫn tiếp tục “làm trong sạch” hệ thống tài chính, khiến hàng loạt quan chức liên tiếp bị ‘ngã ngựa’.

shutterstock 2048252207
Một dự án khu nhà ở tại Côn Minh, Trung Quốc năm 2021. (Nguồn: Fabio Nodari/ Shutterstock)

Khi các công ty bất động sản Trung Quốc liên tiếp gặp khủng hoảng. Chính quyền Bắc Kinh không còn cách nào khác là phải nới lỏng kiểm soát thị trường bất động sản vốn không thể ngăn chặn xu hướng giảm giá.

Ngày 28/8, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương đã tổ chức cuộc họp thường trực Ủy ban. Ông Lý Hi (Li Xi), Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, cho rằng cần giám sát chính trị mạnh mẽ, để thúc đẩy việc thực hiện các quyết định kinh tế lớn, đồng thời phải kiên quyết ngăn chặn sự thông đồng chính trị và doanh nghiệp, ngăn chặn vốn xâm nhập vào lĩnh vực chính trị.

Ngày hôm sau, bà Hạng Lâm, cựu phó thanh tra Sở Tài chính tỉnh Giang Tô, bị đưa đi điều tra.

Bà từng giữ nhiều chức vụ quan trọng. Gần nhất, tháng 8/2017, bà Hạng Lâm giữ chức vụ Giám đốc Ban Quản lý Quỹ của Sở Tài chính tỉnh Giang Tô. Tháng 9/2017, bà giữ chức Phó thanh tra Sở Tài chính tỉnh Giang Tô. Bà nghỉ hưu vào tháng 12/2018 và đang bị điều tra kể từ đó.

Trước đó, ít nhất 3 quan chức cấp cao ở cấp trung ương đã bị điều tra. Ngày 28/8, ông Triệu Quốc Tế, cựu Thanh tra Cục Trưng thu, Quản lý và Phát triển Khoa học và Công nghệ thuộc Tổng Cục Thuế Trung Quốc, bị điều tra.

Ngày 21/8, ông Trần Nghĩa Thanh, cựu Giám đốc Công ty In tiền giấy Trung Quốc bị điều tra. Ngày 15/4, ông Chu Thành Dược, cựu Chủ tịch Công ty TNHH Quỹ đầu tư hợp tác doanh nghiệp-chính phủ Trung Quốc bị điều tra.

Trong số các quan chức của hệ thống tài chính bị điều tra ở nhiều nơi, chỉ riêng trong tháng 8 đã có ít nhất 9 quan chức bị ‘ngã ngựa’ (sa thải), gồm:

Mã Thanh Thăng: Thư ký Ủy ban kỷ luật chi nhánh ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc tỉnh Giang Tây;
Mông Quân: Giám đốc tín dụng cấp cao chi nhánh tỉnh Tứ Xuyên của Ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc;
Khâu Thế Kiệt: Phó chủ tịch chi nhánh công thương tỉnh Hồ Bắc;
Cố Kiến Cương: Nguyên Tổng Giám đốc Phòng Quản lý tài sản Ngân hàng Công thương Trung Quốc;
Chu Xán Chương: Trưởng nhóm Giám sát xử lý rủi ro Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc;
Chu Ngạn Thích: Tổng Giám đốc Ban Công nghệ Tài chính, Ngân hàng Giao thông;
Chu Bảo Chí: Nguyên Chủ tịch Chi nhánh Ngân hàng Giao thông Quảng Đông;
Tôn Nghị Khôn: Phó Chủ tịch Công ty TNHH Công nghệ Tài chính Ngân hàng Giao thông;
Mã Tân: Phó Chủ tịch Công ty TNHH Cho thuê Tài chính Ngân hàng Giao thông.

Việc chính quyền Bắc Kinh thanh lọc hệ thống tài chính là thước đo cho cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay ở Trung Quốc. Cuộc khủng hoảng mạnh mẽ của các công ty bất động sản Trung Quốc có thể gây ra rủi ro tài chính quy mô lớn.

Ngày 17/8, ‘gã khổng lồ’ bất động sản Evergrande đã nộp đơn xin bảo hộ phá sản tại Hoa Kỳ, và xin tòa án chấp thuận việc tái cơ cấu khoản nợ trị giá 19 tỷ USD. Khoản nợ của Evergrande ước tính lên tới 300 tỷ USD, khiến họ trở thành nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất trên thế giới.

Ngày 7/8, Country Garden, từng được mệnh danh là “công ty bất động sản lớn nhất vũ trụ”, không trả lãi cho hai trái phiếu bằng USD như dự kiến, gây ra khủng hoảng tín dụng.

Kể từ đó, Country Garden tiết lộ với công chúng rằng công ty hiện đang phải chịu áp lực định kỳ về thanh khoản, và đang đối mặt với khó khăn lớn nhất kể từ khi thành lập. Đồng thời, Country Garden thông báo sẽ tạm dừng giao dịch nhiều trái phiếu doanh nghiệp trong nước.

Ngày 14/8, tờ “Lianhe Zaobao” (Liên Hợp Tảo Báo) dẫn lời các nhà phân tích cho rằng với quy mô của Country Garden và tình hình phục hồi kinh tế yếu kém hiện nay của Trung Quốc, nếu Country Garden không giải quyết được cuộc khủng hoảng tài chính, cú sốc đối với nền kinh tế Trung Quốc còn lớn hơn Evergrande cả về chiều sâu lẫn chiều rộng.

Theo sau Evergrande và Country Garden, công ty bất động sản nhà nước Sino-Ocean Group của Trung Quốc cũng gặp giông bão khi không trả được khoản nợ lãi đến hạn 20,94 triệu USD trước ngày 13/8.

Tuy nhiên, cơn bão bất động sản có thể vẫn chưa lên đến đỉnh điểm. Theo thống kê của China Jiemian News, bắt đầu từ ngày 21/8, 289 công ty bất động sản tại Trung Quốc sẽ có khoản nợ đến hạn trong năm tới, với quy mô khoảng 960 tỷ nhân dân tệ (132,2 tỷ USD).

Nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với những khó khăn chưa từng có kể từ khi cải cách và mở cửa.

Mới đây, tờ Handelsblatt của Đức đã đăng một bình luận cho rằng sự cai trị chuyên quyền của ông Tập Cận Bình đang làm tổn hại đến nền tảng sự trỗi dậy của Trung Quốc, khiến nước này trở thành mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với nền kinh tế thế giới.

Bài bình luận có tựa đề “Đừng hả hê trước sự suy thoái kinh tế của Trung Quốc” viết: Yếu tố chính trị đã và sẽ vẫn là rủi ro lớn nhất. Lãnh tụ tối cao suốt đời của ĐCSTQ và đất nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình nắm mọi quyền lực, có xu hướng ngạo mạn, đang dẫn dắt Trung Quốc quay trở lại con đường tư tưởng cũ.