“Chuột đực mang thai” gây tranh cãi lớn, tác giả tuyên bố rút bài
- Văn Lệ
- •
Tháng trước, các nhà khoa học Trung Quốc đã hoàn thành một nghiên cứu cấy ghép tạng khiến chuột đực mang thai, gây ra nhiều tranh cãi. Cư dân mạng chỉ trích nghiên cứu này là thí nghiệm “phản nhân văn, phản đạo đức”, “quái đản” phá vỡ quy luật tự nhiên… Gần đây, một báo cáo truyền thông cho biết, tác giả của bài báo nghiên cứu này đã quyết định rút lại bài báo.
Theo truyền thông Hồng Kông đưa tin ngày 1/7, các tác giả bài báo “chuột đực mang thai” nói trên cho biết, vì không muốn mở rộng tranh cãi không cần thiết, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, hiện đã gửi một yêu cầu rút lại bài báo trang nghiên cứu khoa học sự sống BioRxiv.
Theo báo cáo, tác giả đầu tiên và cũng là người đã đưa tin, ông Trương Vinh Giai (Zhang Rongjia) đã đưa ra một tuyên bố trên PubPeer, một nền tảng trao đổi học thuật nước ngoài, giải thích “Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng nghiên cứu của chúng tôi chỉ là một cuộc điều tra khoa học và chúng tôi chỉ tiến hành các thí nghiệm vì sự tò mò. Chúng tôi không ngờ rằng sẽ có nhiều phản hồi phi khoa học như vậy.” Ông cũng nói rằng hy vọng nghiên cứu này sẽ không liên quan đến con người, và nhấn mạnh chúng hoàn toàn khác nhau, bởi vì chuột có thể được lai tạo và sinh sản, chuột có hai tử cung và chi sau của chuột có khả năng chống thiếu máu cục bộ rất tốt. Đây là những cơ sở của mô hình này mà con người không có.
Ông Trương Vinh Giai nói rằng ngay cả khi nghĩ đến con người, thí nghiệm nói trên cho thấy việc mang thai ở người nam là không khả thi trong giai đoạn này, vì nghiên cứu cho thấy chỉ khi để toàn bộ cơ thể chuột đực tiếp xúc với máu của chuột cái đang mang thai thì mới có thể mang thai, và tỷ lệ thành công rất thấp.
Về vấn đề đạo đức động vật, ông Trương Vinh Giai nói rằng “chúng tôi có quy tắc riêng của mình”, có thể tóm tắt ở hai điểm bao gồm giảm thiểu số lượng động vật được sử dụng và giảm thiểu càng nhiều sự đau đớn cho động vật. Ngoài ra, ông cho biết số lượng chuột được sử dụng trong quá trình phẫu thuật đã giảm 60 con. Tất cả các ca mổ đều được thực hiện dưới gây mê, mổ lấy thai cũng được sử dụng trong quá trình sinh nở. Động vật không có biểu hiện đau đớn nào như la hét trong toàn bộ thí nghiệm.
Cuối cùng, ông Trương Vinh Giai nói rằng nhóm nghiên cứu đã mất nhiều năm để hoàn thành bài báo, và công việc họ làm là vì “sở thích cá nhân và sự tò mò”. Các tài liệu liên quan chưa thông qua đánh giá ngang hàng, không phù hợp khi đánh đồng các kết luận của bản in trước với các dữ kiện khoa học để phóng đại. Ông nói thêm, vui lòng sử dụng bản in trước một cách thận trọng và không đưa các yếu tố phi khoa học vào nghiên cứu khoa học.
Về vấn đề này, một số cư dân mạng đặt câu hỏi: “Sử dụng quỹ quốc gia để thực hiện loại thí nghiệm này vì sở thích và sự tò mò của cá nhân? Và mục tiêu cuối cùng của loại thí nghiệm động vật điên khùng này là làm cho mọi người kinh hãi? Ngay cả nhìn sơ đồ cơ thể chuột thôi cũng đã quá sốc!”
Vào đầu tháng Sáu năm nay, ông Trương Vinh Giai (Zhang Rongjia) thuộc Trung tâm thị phạm giảng dạy thực nghiệm của Học viện Y Hải quân thuộc Đại học Y khoa Hải quân Đảng Cộng sản Trung Quốc, Khoa Dinh dưỡng và Vệ sinh thực phẩm Học viện Y Hải Quân thuộc Đại học Y khoa Hải quân, cùng bà Lưu Ngọc Hoài (Liu Yuhuai) thuộc Khoa sản Bệnh viện Trường Hải của Đại học Y khoa Hải quân, đã công bố bài báo nghiên cứu có tên “A rat model of pregnancy in the male parabiont” (mô hình mang thai ở chuột đực) trên nền tảng nghiên cứu khoa học sự sống bioRxiv.
Theo bài báo, kết quả của nghiên cứu là xây dựng một “mô hình giống đực mang thai”: “Thai chuột sẽ có thể phát triển trong cơ thể của chuột đực” sau đó sinh ra đàn con bằng phương pháp mổ đẻ, và cuối cùng có 10 chuột con phát triển đến tuổi trưởng thành. Tuy nhiên, quá trình thử nghiệm diễn ra vô cùng tàn khốc. Ví dụ, đầu tiên sẽ thiến chuột đực, sau đó liên kết chuột đực với phần lưng của chuột cái, trở thành một “chuột liên thể” (2 cơ thể khác nhau dính lại với nhau). Bằng cách này có thể chia sẻ máu, tạo môi trường giống cái trong cơ thể chuột đực. Sau 8 tuần tiến hành cấy ghép tử cung trên cơ thể chuột đực, sau khi chuột đực hồi phục thì chuyển phôi vào tử cung chuột đực, đồng thời cấy phôi vào chuột cái làm đối chiếu.
Theo bài báo, để nâng cao tỷ lệ thành công của thí nghiệm, nhóm nghiên cứu đã chế tạo tổng cộng 46 đôi liên thể chuột, tổng cộng có 562 phôi thai được cấy vào cơ thể chuột cái, 280 phôi thai được cấy vào trong cơ thể chuột đực. Cuối cùng, con chuột đực mang thai đã sinh 10 con bằng phương pháp sinh mổ. Theo cách này, để một con chuột đực có thể mang thai cần hy sinh 3 hoặc 4 con chuột cái.
Vì vậy, ngay khi tin tức được đưa ra, nó đã gây ra tranh cãi lớn trong dư luận. Cư dân mạng lên án cuộc thử nghiệm là “khủng bố và chống lại con người.”
Điều đáng chú ý là mặc dù lần này ông Trương Vinh Gia tuyên bố không liên kết thí nghiệm mang thai chuột đực nói trên với con người, và nói rằng việc mang thai đực ở người hiện tại là không khả thi, nhưng vào thời điểm đó, khi bài báo nói trên được xuất bản, một số lượng lớn phương tiện truyền thông Đại Lục đã đưa tin và đăng lại, lấy tiêu đề kèm cụm từ “đầu tiên trên thế giới” để ca ngợi các nhà khoa học Trung Quốc đã thụ thai thành công chuột đực và sinh ra 10 chú chuột con khỏe mạnh. Việc đàn ông sinh con sẽ còn bao xa?
Trước việc ông Trương Vinh Gia rút bài báo nói trên, một số cư dân mạng cho rằng vì dư luận lên tiếng nên các “chuyên gia” mới ra tay tẩy rửa cho kết quả nghiên cứu phản nhân văn như vậy.
Văn Lệ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa nhà khoa học Trung Quốc Chuột đực mang thai