Chuyên gia: Duyệt binh của ĐCSTQ không có giá trị thực chiến
- Tuyết Mai
- •
Lễ duyệt binh của quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tại Bắc Kinh nhân dịp 70 năm xây dựng chính quyền đã phô trương hàng loạt khí tài mới. Trong đó đáng chú ý phải kể là tên lửa hành trình siêu âm, giới chuyên gia quân sự ĐCSTQ tuyên bố đây là loại vũ khí mà Mỹ rất khó đối phó. Nhưng nhiều chuyên gia quân sự phương Tây cho rằng hoạt động diễu binh chỉ có tác dụng gây hưng phấn tinh thần, rất ít giá trị cho thực chiến, thậm chí còn như hồi chuông cảnh tỉnh Mỹ và Nhật Bản.
ĐCSTQ tổ chức lễ duyệt binh mừng ngày 1/10 tại Quảng trường Thiên An Môn – Bắc Kinh. (Ảnh: Getty Images)
Theo Reuters, khi phát biểu trong hoạt động chào mừng này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục “phát triển trong hòa bình”, nhưng quân đội sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền và an ninh của đất nước.
ĐCSTQ cho biết rằng đây là sự kiện chính trị quan trọng nhất trong năm, màn duyệt binh này không nhằm răn đe bất kỳ quốc gia cụ thể nào. Có hơn 15.000 binh sĩ diễu hành tại Quảng trường Thiên An Môn, còn trên đỉnh đầu họ là cảnh máy bay chiến đấu phản lực phun ra khói màu.
Nhưng nhiều chuyên gia quốc phòng cho rằng hoạt động này gửi thế giới một thông điệp: mặc dù Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, bao gồm hoạt động biểu tình chống chính phủ của người Hồng Kông kéo dài nhiều tháng và suy thoái kinh tế, nhưng sức mạnh quân sự của Trung Quốc (ĐCSTQ) lại đang phát triển nhanh hơn.
Đúng như dự đoán, Trung Quốc đã giới thiệu UAV (máy bay không người lái) kiểu mới, trình diễn các tên lửa xuyên lục địa và siêu âm tiên tiến, là những vũ khí nhằm tấn công các căn cứ và hàng không mẫu hạm làm suy yếu sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á. Một đài truyền hình quốc gia cho biết, kho tên lửa là “sức mạnh để hiện thực hóa một giấc mơ quân sự mạnh mẽ và một đất nước hùng mạnh”.
Các vũ khí bao gồm “sát thủ tàu sân bay” Dongfeng 21D (DF-21D), loại tên lửa này từng được công bố tại cuộc diễu hành quân sự năm 2015, được thiết kế để đánh hàng không mẫu hạm, có tầm bắn tới 1.500 km và được trang bị tên lửa tầm trung DF-26 mệnh danh “sát thủ đảo Guam”, là căn cứ của quân đội Mỹ tại Quần đảo Thái Bình Dương.
Quân đội ĐCSTQ còn giới thiệu loại tên lửa siêu thanh có tên DF-17. Về lý thuyết, loại tên lửa này có thể bay với tốc độ nhanh hơn nhiều lần tốc độ âm thanh, nên rất khó để chống lại. Nhưng có thông tin cho biết công nghệ ĐCSTQ còn rất hạn chế, vì khó bảo đảm tên lửa không tan rã trước khi đến được mục tiêu với tốc độ nhanh như vậy.
Nhưng ông Nozomu Yoshitomi, giáo sư đại học và là Thiếu tướng Lực lượng tự vệ mặt đất đã nghỉ hưu của Nhật Bản thì chia sẻ quan điểm cẩn trọng cho biết, DF-17 đã cảnh báo Mỹ và Nhật Bản về hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa khu vực mà hai nước xây dựng. “Nếu chúng ta không xây dựng được hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo tiên tiến hơn, khả năng Mỹ và Nhật Bản bị thất thế là có thể.”
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 diễu hành phía sau đội duyệt binh là xương sống của sức răn đe hạt nhân Trung Quốc, có khả năng mang nhiều đầu đạn hạt nhân tới Mỹ. Giới truyền thông ĐCSTQ chỉ ra rằng 40% vũ khí trong lễ duyệt binh là lần đầu tiên được ĐCSTQ công khai. Phần cứng này bao gồm các tên lửa mới và được cải tiến, chẳng hạn như tên lửa phóng từ tàu ngầm tầm xa và tên lửa hành trình YJ-18A chống tàu tuần tra.
Cách làm thông thường của ĐCSTQ là khi một hệ thống vũ khí đã được đưa vào phục vụ dưới một số hình thức nào đó thì mới được trình diễn trong buổi duyệt binh, nhưng một số nhà phân tích phương Tây cho rằng thực tế vẫn có những thiết bị trình diễn mới chỉ là mẫu đang thí nghiệm hoặc phiên bản giai đoạn đầu. Ví dụ, máy bay không người lái “Tấn công 11” và “phiên bản cuối cùng” của máy bay không người lái “Lợi kiếm” (Sharp Sword) bay lần đầu vào năm 2013, lần đầu tiên xuất hiện.
Lần duyệt binh này còn trưng bày máy bay tiếp nhiên liệu trên không, máy bay trực thăng Z-20 tương tự Black Hawk của Mỹ cũng lần đầu tiên xuất hiện.
Theo Reuters, nhiều chuyên gia quân sự phương Tây hiện đại ngày nay cho rằng các hoạt động duyệt binh quy mô lớn gây tốn kém là không cần thiết, vì ngoài làm hưng phấn tinh thần thì không có giá trị trong thực chiến. Mặc dù vậy, các chính phủ và các chuyên gia quân sự nước ngoài tại phương Tây vẫn đang theo dõi sát sao cuộc diễu hành quân sự của ĐCSTQ để tìm hiểu về thành tích quân sự của Trung Quốc cũng như kiểm chứng loại vũ khí mới.
Trả lời về hoạt động diễu binh này, chính phủ Đài Loan cho rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) là mối đe dọa nghiêm trọng đối với hòa bình và dân chủ.
Các sĩ quan ĐCSTQ thường cho biết, cải cách cơ cấu chỉ huy quân sự đầy tham vọng của Tập Cận Bình là điểm nhấn quan trọng, hàng trăm nhân viên thuộc lính hậu cần chung, lính hỗ trợ chiến lược và lính tên lửa đã tham gia đợt diễu binh này. Hai nữ Thiếu tướng lần đầu tham gia diễu binh.
Một số phân tích cho rằng hành động chung giữa các bộ phận khác nhau của quân đội Trung Quốc và các ưu tiên cơ giới hóa của quân đội đã thay đổi: từ quân bảo vệ biên giới Trung Quốc chuyển đổi thành quân viễn chinh để bảo vệ lợi ích ngoại giao và thương mại của Trung Quốc ở những nơi xa xôi ngoài Đại Lục.
Giới chuyên gia cũng chỉ ra rằng việc phô trương vũ lực của ĐCSTQ là hồi chuông cảnh tỉnh Mỹ và các đồng minh rằng quân đội ĐCSTQ đã tiến xa đến đâu.
Sam Roggeveen, giám đốc Chương trình An ninh Quốc tế tại Viện Sydney Lowe cho biết, tốc độ phát triển công nghệ quân sự của Trung Quốc là đáng kinh ngạc, còn chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc được cho là chiếm khoảng 2% GDP.
“Thông tin mà ĐCSTQ muốn chia sẻ là rất đơn giản. Điều này đã làm xói mòn rất nhiều ưu thế quân sự của Mỹ ở châu Á, về lâu dài thì lợi thế quân sự của Mỹ ở châu Á rõ ràng đang bị đe dọa”, Roggeveen nhận định.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Quốc khánh Trung Quốc duyệt binh Dòng sự kiện 70 năm ĐCSTQ giành chính quyền