Cơ chế đãi ngộ đặc biệt bất thường của quan chức ĐCSTQ
- Tuyết Mai
- •
“Lưỡng hội” (Hội nghị Chính hiệp và Hội nghị Đại biểu Nhân dân) của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bị trì hoãn hơn hai tháng do đại dịch viêm phổi Vũ Hán đang được chuẩn bị tổ chức tại Bắc Kinh. Một trong những đề tài tại “lưỡng hội” Trung Quốc năm nay được công luận quan tâm là vấn đề bãi bỏ cơ chế đãi ngộ trọn đời dành cho giới quan chức lãnh đạo của ĐCSTQ.
Liệu có ai dám nhắc đến?
Ngày 8/5, VOA (Tiếng nói nước Mỹ) có tin chỉ ra, gần đây cộng đồng mạng Trung Quốc quan tâm chia sẻ lại bài phát biểu của của ủy viên Chính phủ Nhậm Ngọc Lĩnh (Ren Yending) tại cuộc họp thường niên Chính hiệp Trung Quốc năm 2007, bài phát biểu với tựa đề “Nên sớm cải cách cơ chế đãi ngộ trọn đời đối với cán bộ lãnh đạo”, nhiều bình luận cho rằng đây là vấn đề không thể làm ngơ trong bối cảnh dịch bệnh ngày nay của đất nước này.
Liệu tại “lưỡng hội” năm nay (đặc biệt là hội nghị Chính hiệp) có ủy viên nào dám nhắc lại quan điểm này dưới một hình thức nào đó hay không? Ông Lý Đại Đồng (Li Datong) cựu biên tập viên của tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc cho rằng không có khả năng này xảy ra.
Ông nói: “Không cho đề cập đến, làm sao có thể tùy tiện đề cập đến? Đề cập vấn đề này là hành động của cá nhân, ai có thể dám quan tâm viết thứ đề án này? Không ai muốn quan tâm, bao năm qua có ai quan tâm không? Chuyện này là không thể.”
Truyền thông Mỹ dẫn ví dụ điển hình là về đãi ngộ y tế đặc biệt cho giới lãnh đạo cấp cao ĐCSTQ với hệ thống phòng hoặc khu khám bệnh dành cho giới cán bộ lãnh đạo cấp cao tại các bệnh viện lớn từ Bắc Kinh cho đến các thành phố lớn.
Ông Lý Đại Đồng nói: “Các bệnh viện lớn (Bắc Kinh) đều có khu khám bệnh cán bộ phục vụ cho giới quyền quý. Tôi đã đến thăm một số nơi, một người bạn đã đưa tôi đến khu khám bệnh cán bộ của Bệnh viện Khoang miệng dành riêng cho cán bộ cấp cơ sở của thành phố Bắc Kinh, khu khám không treo biển hiệu công khai, do các chuyên gia giỏi nhất của Bệnh viện Khoang miệng thành phố Bắc Kinh phụ trách khám. Nhưng đây chỉ là khu dành cho cán bộ cấp cơ sở. Còn khu khám dành cho cán bộ cấp cao ở Bệnh viện Hiệp Hòa thuộc cấp khách sạn 5 sao.”
Ông chỉ ra nguồn tài nguyên đất nước tập trung trong tay những người quyền lực, họ được hưởng những điều kiện hoàn toàn vượt trội so với đa số người dân. Thông tin cho biết trong vài chục năm qua, quy chế đãi ngộ đặc biệt của ĐCSTQ đối với các quan chức cấp cao chỉ có tăng lên chứ không có giảm đi.
Sau khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, ngày 28/11/2013, Ủy ban Trung ương và Chính phủ ĐCSTQ đã ban hành “Một số Quy định mới về đãi ngộ cán bộ cao cấp”, ngày 30/11/2016, tại cuộc họp của Bộ Chính trị ĐCSTQ cũng đã xem xét và phê duyệt tài liệu đãi ngộ liên quan gọi là “Lãnh đạo Đảng và Nhà nước”… Ông Lý Đại Đồng nói với VOA rằng, vấn đề duy trì các đặc quyền này là phục vụ mục đích bảo vệ chế độ, khi ý thức hệ đã phá sản, chỉ có một thứ để người ta trung thành là cho người ta lợi ích thật tốt.
Đãi ngộ đặc biệt bất thường dành cho giới quan chức ĐCSTQ
Trung Quốc dưới chế độ toàn trị ĐCSTQ là một đất nước dày đặc các loại thuế, người dân phải nuôi số lượng quan chức khổng lồ chưa từng có trong lịch sử loài người, đáng kể là bộ máy quan chức Đảng mà đáng lẽ điều này là ĐCSTQ phải tự lo.
Ở Trung Quốc, các cấp hành chính khác nhau sẽ có chế độ đãi ngộ trong nhiều vấn đề như chính trị, kinh tế và điều trị y tế… cũng khác nhau. Dĩ nhiên giới cán bộ cấp cao hiếm khi tiết lộ thông tin họ được đãi ngộ, còn thông tin công khai số lượng quan chức ĐCSTQ dường như cũng rất mơ hồ, khó mà truy cứu. Không kể quan chức đương chức, lượng lớn cán bộ quan chức ĐCSTQ đã nghỉ hưu tích lũy trong bao nhiêu năm qua cũng là con số khủng khiếp, trách nhiệm quản lý và phục vụ họ là Cục Cán bộ cũ với hệ thống khổng lồ trải khắp cả nước. Theo dữ liệu, tại Bắc Kinh có Cục Cán bộ cũ Văn phòng Trung ương ĐCSTQ, trong quân đội có Cục Cán bộ cũ Ban Công tác Chính trị của Quân ủy Trung ương; tại các huyện (phường), thành phố, tỉnh đều có trụ sở tương tự. Quan chức cấp càng cao càng chiếm nhiều tài nguyên và đặc quyền.
Ở các nước dân chủ, tổng thống và các quan chức các cấp do dân bầu lên sau khi rời nhiệm sở sẽ trở lại như dân thường, không còn ưu đãi gì khác biệt. Nhưng ở Trung Quốc Đại lục, những quan chức cấp cao đã nghỉ hưu vẫn được hưởng nhiều loại đặc quyền.
Theo tạp chí Động Hướng Hồng Kông, chi tiêu hàng năm cho quan chức cấp cao đã nghỉ hưu của ĐCSTQ vào năm 2014 là hơn 67,5 tỷ Nhân dân tệ (10,8 tỷ USD). Năm 2004, chỉ tính chi phí công dành cho cán bộ cấp cao nghỉ hưu bao gồm Ủy viên Ban Thường vụ Bộ Chính trị, Ủy viên trưởng Nhân đại, Phó Chủ tịch nước, và Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cố vấn Trung ương là trên 326 triệu Nhân dân tệ (46 triệu USD), bình quân mỗi người 27,25 triệu Nhân dân tệ (3,85 triệu USD). Giới quan chức các cấp khác được phân bổ theo từng vị trí, tạo thành một khoản chi ngân khố quốc gia khổng lồ.
Các nhà lãnh đạo của ĐCSTQ cũng bị dè bỉu là sống quá thọ và thế giới bên ngoài cũng rất quan tâm bí mật này, cho nên thỉnh thoảng lại có chuyện bị công luận phanh phui. Ngoài việc có một ban chăm sóc sức khỏe chăm sóc hàng ngày và tận hưởng các dịch vụ y tế hàng đầu của Bệnh viện 301 thì họ cũng có nguồn cung cấp lương thực đặc biệt, câu chuyện có lẽ ẩn giấu những bí mật mà ít người bên ngoài tưởng tượng được.
Thông tin công khai cho thấy ĐCSTQ có “Dự án Sức khỏe Thủ trưởng 981”, dự án này được chia thành 5 phương diện: phòng ngừa, điều trị y tế, chăm sóc sức khỏe, phục hồi sức khỏe, và an dưỡng. Dự án này nhấn mạnh sáu điểm chính: chống ung thư, chống bệnh tim mạch, chống lão hóa, quản lý bệnh mãn tính, lối sống khỏe, và tái tạo chức năng nội tạng. Vấn đề gây tranh cãi nhất là “tái tạo chức năng nội tạng”.
Một số nguồn tin chỉ ra, cái gọi là “tái tạo chức năng nội tạng” chính là cấy ghép nội tạng, dư luận bên ngoài cũng có những đồn đoán cáo buộc quan trường ĐCSTQ tổ chức “thu hoạch nội tạng người sống”.
Theo ông Quách Văn Quý (Guo Wengui), một người Trung Quốc giàu có sống ở Mỹ từng cho biết, bí quyết sống lâu của không ít lãnh đạo ĐCSTQ là thay thế nội tạng khỏe mạnh lấy từ những người trẻ tuổi, tiêm huyết thanh lấy từ giới cảnh sát vũ trang trẻ cung cấp quanh năm để bảo đảm hoạt động của nội tạng thay mới. Ông Quách cũng tiết lộ rằng con trai cả Giang Miên Hằng của cựu lãnh đạo ĐCSTQ Giang Trạch Dân bị ung thư và đã nhiều lần thay thế nội tạng, có nghĩa là đã cướp đi mạng sống của nhiều người.
Theo giới chuyên gia y tế, tuổi thọ của nội tạng thay thế rất ngắn, cao nhất chỉ có thể duy trì được 10 năm, một số nội tạng chỉ có thể duy trì được 2 – 3 năm. Điều này có nghĩa là để tiếp tục kéo dài cuộc sống thì phải định kỳ thay thế nội tạng.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Lưỡng hội Trung Quốc Quan chức Trung Quốc Dòng sự kiện Cơ chế đãi ngộ