ĐCSTQ kiểm tra điện thoại của người dân trên phố và âm thầm đánh cắp dữ liệu
- Minh Ngọc
- •
Sau khi vụ việc cảnh sát Bắc Kinh kiểm tra điện thoại di động của người dân trên phố bị lộ, quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới đây đã tuyên bố rằng cảnh sát đã sử dụng “thiết bị đầu cuối di động” để kiểm tra chứng minh thư. Tuy nhiên trên thực tế, thiết bị đầu cuối di động được trang bị cho cảnh sát không chỉ giới hạn trong việc quét và kiểm tra thẻ ID.
Ngày 2/3/2015, một người dân đi qua khu vực Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh đã bị cảnh sát chặn lại kiểm tra túi xách. (Ảnh: Getty Images)
Cảnh sát cài phần mềm bí mật nhằm đánh cắp dữ liệu điện thoại người dân
Ngày 16/6, hơn 2 triệu người dân Hồng Kông xuống đường biểu tình quy mô lớn chống Luật dẫn độ. Ngay ngày hôm sau, một người dân Bắc Kinh đã gửi đến cho Epoch Times một đoạn video, trong đó cho thấy trạm Đông Trực Môn của ga tàu điện ngầm ở Triều Dương, Bắc Kinh không giống trước đây, khu vực này đột nhiên gia tăng lực lượng cảnh sát nhằm kiểm tra điện thoại di động của người qua đường.
Trong đoạn video này, có người đã nhắc nhở bạn mình rằng “việc kiểm tra điện thoại di động ở Đông Trực Môn hết sức nghiêm ngặt, đừng có đến đây, thông tin gì trên điện thoại cũng bị kiểm tra”.
Không lâu sau khi Epoch Times đăng tải thông tin này, truyền thông chính thức của ĐCSTQ đã có phản hồi.
Theo Tân Hoa xã, tờ “Nhân dân nhật báo” cùng các kênh truyền thông khác của ĐCSTQ đã viết: “Vài ngày trước, trên Internet xuất hiện tin đồn về việc cảnh sát Bắc Kinh đã kiểm tra hình ảnh và tin nhắn trên các mạng xã hội trong điện thoại di động của người qua đường. Ngay từ năm 2017 cũng có tin đồn tương tự tại Thâm Quyến.”
Bài báo còn trích dẫn bài viết trên Weibo chính thức của Văn phòng Công an Bắc Kinh, trong đó giải thích rằng, chiếc “điện thoại di động” do cảnh sát cầm trên tay, thực tế là một thiết bị đầu cuối di động, dùng để quét và kiểm tra thẻ ID người dân.
Có điều, thiết bị đầu cuối di động trang bị cho cảnh sát ĐCSTQ không chỉ giới hạn trong việc quét và kiểm tra thẻ ID.
Nhiều cư dân mạng phản ánh trên Internet rằng thiết bị đầu cuối di động được cảnh sát ĐCSTQ sử dụng có thể nhanh chóng trích xuất nhiều loại dữ liệu người dùng khác nhau như danh bạ điện thoại, hồ sơ cuộc gọi và tin nhắn SMS. Thiết bị này còn có chức năng bẻ khóa mật khẩu điện thoại di động để trích xuất nội dung các cuộc trò chuyện trên Wechat, QQ ở cả nền tảng Android và iOS của Apple. Thiết bị này cũng có thể kiểm tra thông tin về tên tuổi và chứng minh thư thông qua tính năng chụp ảnh, thậm chí ngay lập tức đối chiếu với danh sách đen do cảnh sát thiết lập.
Ngoài ra, khi kiểm tra điện thoại di động của công dân, cảnh sát có thể ngầm cài đặt một ứng dụng có tên “MFsocket” vào điện thoại di động để đánh cắp thêm dữ liệu người dùng. Nhà phát triển ứng dụng được cho là Công ty cổ phần Meiya Pico ở Hạ Môn.
Nhà sản xuất thiết bị giám sát Meiya Pico bị liệt vào “danh sách đen” của Mỹ
Bộ Công an Trung Quốc đã tổ chức Triển lãm Thiết bị Cảnh dụng quốc tế Trung Quốc 2018 tại Bắc Kinh hồi tháng 5 năm ngoái. Meiya Pico Information Co.,LTD (gọi tắt là Meiya Pico), một trong những doanh nghiệp tham gia triển lãm, đã trưng bày Máy quét điện thoại di động XDH-CF-5600 do hãng này sản xuất.
Được biết, máy quét này có thể bẻ khóa mật khẩu điện thoại thông minh và trích xuất dữ liệu người dùng chỉ trong vài giây. Ngay khi tin tức này được công bố, nhiều người Trung Quốc ở nước ngoài đã không khỏi lo lắng bị hải quan trả thù khi quay về Trung Quốc, bởi họ đã có không ít phát ngôn chỉ trích ĐCSTQ.
Tại Triển lãm Thiết bị Cảnh dụng quốc tế Trung Quốc 2019 tại hồi tháng 5 vừa qua, Meiya Pico cũng tiếp tục trình diễn máy quét điện thoại di động XDH-CF-5600. Máy quét có thể bẻ khóa mật khẩu điện thoại thông minh và trích xuất dữ liệu người dùng chỉ trong vài giây.
产品升级了 XDH-CF-5600
今年5月北京举办的国际警备警用装备博览会上,美亚柏科也曾展示其生产的XDH-CF-5600手机扫描仪。该扫描仪只需几秒钟就可以破解智能手机密码,提取用户数据。
几秒钟 pic.twitter.com/QgiWLbsyJk
— Mischa (@MischaEDM) November 7, 2018
Meiya Pico đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán Thâm Quyến năm 2011 và được Forbes bình chọn xếp hạng thứ 55 trong danh sách “Công ty niêm yết tiềm lực nhất Trung Quốc” năm 2012. Các quan chức ĐCSTQ như Lưu Diên Đông, Tôn Xuân Lan, Mạnh Kiến Trụ… đều từng đến thị sát công ty này. Mặc dù các tư liệu công khai cho thấy đây là công ty tư nhân, nhưng thực tế nội bộ lại thành lập các tổ chức như đảng bộ và chi đoàn.
Theo France Europe 1, cựu Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế, Thứ trưởng Bộ Công an, ông Mạnh Hồng Vĩ, có quan hệ mật thiết với Meiya Pico, và đang nỗ lực thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa Interpol và Meiya. Hiện Mạnh Hồng Vĩ đã bị bắt vì tham nhũng.
Tháng 8/2018, Meiya Pico đã bán một hệ thống trích xuất dữ liệu điện thoại thông minh và thiết bị di động có tên “MagiCube” cho Nga. Hệ thống này có thể dễ dàng bẻ khóa để trích xuất dữ liệu nội dung trên các tài khoản truyền thông xã hội như Facebook, Twitter, Telegram, v.v.. trong vài phút; giải mã thông tin lưu trữ trong nhiều phần mềm nhắn tin tức thời như Skype và cũng truy cập được hầu hết các dữ liệu nội dung trên điện thoại thông minh.
Tháng trước, Cơ quan An ninh Hoa Kỳ đã công bố lệnh trừng phạt đối với 13 công ty và cá nhân Trung Quốc, trong đó có Công ty Công nghệ Hurun ở Bắc Kinh.
Đồng thời, chính phủ Hoa Kỳ cũng đang xem xét cấm vận thêm năm công ty sản xuất thiết bị giám sát của Trung Quốc, bao gồm Hikvision, Dahua, Megvii, Meiya Pico và Iflytek. Chính phủ Mỹ quan ngại, thiết bị của các công ty này không chỉ dùng để giám sát đàn áp người Duy Ngô Nhĩ mà còn lo lắng các thiết bị camera nhận diện khuôn mặt còn có thể sử dụng cho hoạt động gián điệp.
Theo thông tin công khai từ phía Trung Quốc, thiết bị đầu cuối di động trang bị cho cảnh sát hiện đang được sử dụng trong dự án “Khiên chắn vàng” của ĐCSTQ.
“Dự án khiên chắn vàng” là một hệ thống giám sát và phong tỏa mạng Internet do Bộ Công an Trung Quốc khởi xướng năm 1998. Con trai cả của Giang Trạch Dân là Giang Miên Hằng chính là nhân vật chủ chốt tham gia dự án này. Nhiều thông tin chỉ ra rằng, Giang miên Hằng thông qua “Khiên chắn vàng” đã tích cực ngăn chặn người dân Trung Quốc thấy được sự hủ bại tàn ác của Giang Trạch Dân, cũng ngăn không cho người dân biết đến các thông tin về các phong trào đàn áp nhân quyền, đặc biệt là cuộc bức hại tàn bạo Pháp Luân Công của ĐCSTQ. “Khiên chắn vàng” tiêu tốn nguồn tiền khổng lồ và chuyên dùng để giám sát người dân. Dự án này đã phát huy tối đa trong việc giám sát thông tin công chúng và gây ra mối nguy hại to lớn cho cả người dân cũng như toàn xã hội Trung Quốc.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa phần mềm gián điệp Kiểm soát thông tin ĐCSTQ Đàn áp nhân quyền