Định danh hơn 5010 học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại đến chết
- Bình Minh
- •
Mọi người đều cho rằng nhân loại đã bước vào thời đại điện tử, thời đại hàng không vũ trụ, và những tội ác khủng khiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã qua. Tuy nhiên, có một cuộc đàn áp xuyên suốt 24 năm qua của ĐCSTQ chưa khi nào dừng lại, khiến ít nhất hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết.
Cuốn “Cửu Bình” (9 bài bình luận về ĐCSTQ) viết: “Tình hình thực tế hoàn toàn không phải như vậy. ĐCSTQ phát hiện ra có một nhóm không sợ bị họ tra tấn và giết hại. Các thủ đoạn được sử dụng còn điên rồ hơn, và nhóm bị bức hại này chính là Pháp Luân Công.”
Bài bình luận thứ 7 của “Cửu bình (ĐCSTQ)” – “Bình luận về lịch sử giết người của ĐCSTQ” nói: “Nếu cuộc chiến của Hồng vệ binh và việc ăn thịt người tại Quảng Tây là nhằm mục đích tiêu diệt thân xác của nhau, thì chỉ mất vài phút hoặc vài giờ để kết thúc mạng sống của một con người. Nhưng mục đích của việc bức hại các học viên Pháp Luân Công là khiến họ từ bỏ đức tin vào ‘Chân, Thiện, Nhẫn’. Sự tra tấn dã man thường kéo dài vài ngày, vài tháng, thậm chí vài năm.”
Từ ngày 20/7/1999, ĐCSTQ đã thực hiện chính sách tiêu diệt nhóm Pháp Luân Công: “Tiêu diệt thể xác, hủy hoại danh dự và vắt kiệt tài chính”, “đánh chết được coi là tự sát, không tra thân phận, trực tiếp hỏa táng”.
Theo Minghui.org, tính đến ngày 20/11/2023, chỉ qua các kênh tư nhân mới biết được rằng có 5.010 học viên Pháp Luân Công đã bị bức hại đến chết được xác nhận danh tính. Con số tử vong này chỉ là phần nổi của tảng băng trôi.
Họ chết trong các trại tạm giam, lớp tẩy não, trại lao động, nhà tù, sở công an, đồn công an, tòa án, bệnh viện tâm thần, v.v. Một số người trong số họ bị đánh đập đến chết, bị thiêu sống, bị tra tấn, bức thực.
Họ còn bị giết bằng cách tiêm và dùng thuốc độc, bị sách nhiễu và dọa giết, bị tàn tật. Họ phát điên và chết vì bệnh nặng do bị bức hại. Họ không thể trở về nhà và chết trong cảnh lang bạt…
Do nỗ lực che đậy và thắt chặt phong tỏa của ĐCSTQ, số liệu tử vong thực tế cao hơn nhiều so với con số này. Số người bị thu hoạch nội tạng và hỏa táng trực tiếp vẫn chưa rõ.
Bài viết này nhằm mục đích vạch trần bản chất tàn ác của cuộc bức hại đến chết các học viên Pháp Luân Công của ĐCSTQ. Dưới đây chỉ là 5 ví dụ:
1. Triệu Húc Đông tử vong sau khi bị đưa ống vào phổi
Triệu Húc Đông, 35 tuổi, nguyên là cán bộ Công an Công ty Công nghiệp Hóa chất Lan Châu. Ngày 7/12/2003, khi đang chia sẻ với mẹ anh và các học viên Pháp Luân Công khác tại nhà, hàng chục cảnh sát từ Cục An ninh thành phố Lan Châu đã đột nhập và bắt cóc họ, giam giữ trái phép tại khách sạn Cục An ninh.
Ngày 10/12/2003, anh bị bắt cóc đưa đến Trại giam số 2 thành phố Lan Châu. Đội trưởng Lý Khôi và những người khác đã ra lệnh cho tù nhân đánh đập anh mỗi ngày. Lý Khôi trùm bao tải lên đầu anh, quấn gạch trong áo len rồi cưỡi lên người đánh anh. Những người làm việc bên ngoài có thể nghe thấy tiếng đánh đập và la hét.
Triệu Húc Đông tuyệt thực để phản đối và bị Lý Khôi bức thực dã man. Mỗi lần như vậy, một số tù nhân đều trói anh lại, dùng ống cao su hoặc ống nhựa nhét mạnh chúng vào lỗ mũi và cổ họng anh. Một vài người trong số họ ấn đầu, kéo miệng và cạy răng anh. Miệng anh đầy máu và rên rỉ trong đau đớn.
Chiều ngày 5/2/2004, Hồ Hiểu Hà, một cảnh sát trong bệnh xá, và các tù nhân đã nhét một cái ống vào phổi của anh. Anh lập tức hét lên thất thanh. Sau khi lấy ống ra, cổ họng anh liên tục phát ra những tiếng động, vô cùng khó chịu. Tay và chân của anh bị trói và không thể cử động. Khi màn đêm buông xuống, tù nhân không nghe thấy anh cử động và thấy rằng anh đã chết.
Đêm đó, phòng số 6, nơi Triệu Húc Đông ở, bị phong tỏa, nhân viên bị giải tán, không ai được phép nói về cái chết của anh.
Cảnh sát Hồ Hiểu Hà đưa thi thể của anh đến bệnh viện trại cải tạo lao động “cấp cứu”, nhưng điện tâm đồ không hiển thị. Bác sĩ và y tá trực đã viết vào giấy chẩn đoán: “Các chi còn nguyên vẹn, da còn nguyên vẹn, không có vết bầm tím hay máu bầm. Nguyên nhân tử vong: Suy hô hấp tuần hoàn ác tính.”
Ngày 6/2, tại nhà xác, những gì bạn bè, lãnh đạo cơ quan, đồng nghiệp, người nhà của anh cũng như cảnh sát và nhân viên y tế nhìn thấy là hốc mắt, mũi, tai của anh đều đang chảy máu. Tai và mũi bị bịt kín bằng bông, trong miệng có cục máu đông, chân tay bầm tím. Trên cổ có những vết sẹo sâu do bị còng tay, lưng tím bầm, lộ rõ những vết sẹo trên thái dương. Anh gầy như que củi, hơn 2/3 tóc đã bạc trắng.
Nhưng chỉ 2 tháng trước, trước khi bị bắt cóc, Triệu Húc Đông không có tóc bạc và nặng hơn 80 kg.
Sau khi anh qua đời, vợ anh là Lý Hồng Bình, người đã bị đưa đến trại lao động cưỡng bức phi pháp 2,5 năm, vẫn bị giam giữ và không gặp lại chồng mình kể từ năm 2000. Dưới sức ép của gia đình, đến khi anh được hỏa táng, cô mới được gặp lại chồng mình.
Cha anh bị sốc nặng sau cái chết của con trai và gần như phát điên. Trước đó, mẹ anh đã nhảy khỏi một tòa nhà vì không thể chịu đựng được sự tra tấn mà con trai mình phải chịu. Bà bị đưa đến bệnh viện cưỡng bức phẫu thuật, sau đó bị bắt giữ trái pháp luật và bị kết án oan 3 năm.
Bà phải kéo lê cơ thể tàn tật của mình, lao động nặng nhọc hơn 10 giờ mỗi ngày. Sau khi ra tù, lương hưu của bà bị giữ lại. Bà chỉ nhận được 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu VNĐ) sinh hoạt phí mỗi tháng.
2. Cô Vương Hoa Quân bị đổ xăng thiêu sống
Tháng 4/2001, học viên Pháp Luân Công Vương Hoa Quân ở thị trấn Bạch Quả, thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc bị bắt giữ bất hợp pháp và đưa đến đồn cảnh sát. Cô bị tra tấn và đánh đập đến chết.
Từ đêm khuya ngày 18/4 đến sáng sớm ngày 19/4, cô bị Từ Thế Tiền, bí thư ủy ban chính trị và pháp luật địa phương đánh bất tỉnh, sau đó kéo đến quảng trường Kim Kiều. Cảnh sát đã đổ xăng lên người và thiêu sống cô.
Khi ngọn lửa được dập tắt hoàn toàn, người ta tìm thấy Vương Hoa Quân trong tư thế nằm ngửa, bị mất một bên tai, lưng và phần dưới cơ thể không bị bỏng, có hai vết đâm sâu ở cổ họng.
Cô chỉ mới 30 tuổi khi bị giết và là mẹ của hai đứa trẻ.
3. Ông Cái Xuân Lâm bị tra tấn đến chết trong trại tẩy não
Ông Cái Xuân Lâm là người làng Bá Vương Câu, thị trấn Nam Khẩu Tiền, huyện Thanh Nguyên, thành phố Phủ Thuận, tỉnh Liêu Ninh. Ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 12/1997.
Ngày 17/4/2005, nhiều công an từ Sở Công an thành phố Phủ Thuận, Sở Công an huyện Thanh Nguyên, và Sở cảnh sát thị trấn Nam Khẩu Tiền đã đột nhập vào nhà ông và bắt cóc ông đến đồn cảnh sát Nam Khẩu Tiền.
Sau đó ông bị chuyển đến Phòng số 1 Sở Công an Phủ Thuận, đến trung tâm tẩy não tại sơn trang La Đài ở Phủ Thuận, nơi treo biển là “Trường Giáo dục Chăm sóc Thành phố Phủ Thuận”, “Trường Giáo dục Pháp luật Thành phố Phủ Thuận”.
Không lâu sau, ngày 6/5, gia đình ông nhận được thông báo rằng ông đã qua đời vì một “cơn đau tim”.
Người nhà vội đến hiện trường. Thi thể của ông Cái Xuân Lâm đã được mặc quần áo sẵn. Khi người nhà nhìn thấy khuôn mặt của ông bị bỏng và biến dạng, ngực cũng bị bỏng, họ đã yêu cầu khám nghiệm tử thi.
Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, từ thực quản xuống phía dưới đều bị bỏng, sờ vào là tróc da, đầu tim chuyển sang màu trắng do bị bỏng bằng nước sôi qua ống thông. Khi gia đình thấy rõ ông bị tra tấn đến chết, họ đã từ chối hỏa táng.
Con gái ông nhất quyết điều tra nguyên nhân cái chết và buộc những kẻ bức hại phải chịu trách nhiệm pháp lý. Thi thể của ông được cất giữ tại Nhà tang lễ Phủ Thuận trong 59 ngày.
Con gái ông tìm kiếm luật sư nhưng không ai dám nhận vụ án. Cuối cùng Vương Tùng, cựu chính quyền thị trấn Nam Khẩu Tiền, đã tiếp tay, đưa cho gia đình ông 15.000 nhân dân tệ (khoảng 52 triệu VNĐ), cưỡng bức hỏa táng thi thể, nếu không họ sẽ không nhận được gì.
Cậu của ông Cái Xuân Lâm là nhân viên của chính quyền thị trấn Nam Khẩu Tiền, được chính phủ chỉ đạo tham gia tổ chức tang lễ. Em trai của ông buộc phải ký giấy hỏa táng.
Theo Minghui.org, “Trường Giáo dục Chăm sóc Phủ Thuận” được Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh và Ủy ban Pháp luật thành phố Phủ Thuận phối hợp thành lập vào năm 2002. Tổ chức này không thuộc các cơ quan tư pháp và hành chính, mà là một nhà tù đen chuyên bức hại các học viên Pháp Luân Công.
Đó là một dự án thí điểm của Ủy ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Liêu Ninh và Phòng “610” (một tổ chức bất hợp pháp chuyên đàn áp Pháp Luân Công), trở thành hình mẫu cho các thành phố học hỏi.
Tất cả các phương pháp mà cơ sở tẩy não sử dụng đều nhằm mục đích khiến học viên Pháp Luân Công phải “chuyển hóa” (từ bỏ tu luyện). Tiêu chuẩn của sự chuyển hóa là viết “tam thư” (tuyên bố đảm bảo, tuyên bố hối cải, tuyên bố công khai và chấp thuận), đồng thời từ bỏ đức tin “Chân, Thiện, Nhẫn”.
4. Cô Từ Quế Cần bị tiêm thuốc trong trại lao động và chết sau 9 ngày trở về nhà.
Từ Quế Cần là học viên Pháp Luân Công ở thành phố Thái An, tỉnh Sơn Đông, và là cựu nhân viên của Nhà máy bông Đại Hà. Tháng 12 âm lịch năm 2001, cô vừa bán hoa quả ở chợ vừa nói sự thật về Pháp Luân Công và phát tờ rơi, thì bị tố giác và bị công an Thái An bắt giữ trái pháp luật. Sau đó cô bị chuyển đến Đội 1 của Trại lao động nữ số 1 tỉnh Sơn Đông ở Tế Nam, và bị kết án bất hợp pháp 1 năm.
Khi ở trong trại lao động, vì kiên định với đức tin của mình, cô bị bức hại như phạt đứng, bị đánh đập, cấm ngủ, cúi gập người 90 độ và bị kéo dài thời gian làm việc.
Một lần, Trưởng phòng Vương của trại lao động đã lừa dối cô rằng: “Những người thực sự tu luyện Pháp Luân Công có thể được hưởng quyền tự do học Pháp và luyện công bằng cách đi bộ từ đây đến kia.” Từ Quế Cần bèn bước tới đó, nhưng lại bị bị Trưởng phòng Vương đánh đập dã man đến sống đi chết lại. Sau đó cô còn bị đánh nhiều lần.
Hai ngày trước khi cô được thả, Trưởng phòng Vương đã yêu cầu cô viết “thư bảo đảm (không tu luyện)”, nhưng cô thẳng thừng từ chối. Vương lại hỏi liệu cô ấy còn tu luyện Pháp Luân Công không, cô kiên quyết trả lời có, Vương đã đánh đập cô dã man trong nhiều giờ, khiến người cô đầy vết bầm tím.
Trước khi được thả, công an đã tiêm cho cô 4 lọ thuốc gây tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây chóng mặt, sưng mặt, cứng lưỡi, chán ăn và mất trí nhớ nghiêm trọng. Khi người nhà đến đón cô, cảnh sát nói: “Hãy để mắt tới cô ấy, đừng để cô ấy chạy lung tung, nếu không tính mạng của cô ấy sẽ gặp nguy hiểm.”
Sau khi trở về nhà, cô dần dần phát điên và qua đời vào ngày thứ 9, tức ngày 10/12/2002.
5. Cố Á Lâu bị tra tấn đến chết trong khi thẩm vấn tại cục công an
Cố Á Lâu, học viên Pháp Luân Công 31 tuổi ở làng Mãn Đường, thị trấn Bắc Thạch Tào, thành phố Hà Gian, tỉnh Hà Bắc, đã ra ngoài dán tài liệu giảng rõ sự thật về Pháp Luân Công vào lúc 11h đêm ngày 10/8/2001, và bị bắt cóc đến đồn cảnh sát Bắc Hán lúc 12h đêm tại Sở cảnh sát Bắc Hàn.
Lúc 10h sáng ngày 11/8, anh bị áp giải đến Đội An ninh Quốc gia của Cục Công an Nhậm Khâu.
Mỗi lần gia đình anh muốn đến thăm đều bị từ chối một cách vô lý. Trưa ngày 13/8, qua các mối quan hệ cá nhân, người nhà được biết anh sẽ bị buộc tội vào chiều hôm đó, bị yêu cầu nộp phạt 20.000 nhân dân tệ (khoảng 69 triệu VNĐ) và được thả sau khi thẩm vấn.
Ngày 14/8, người nhà đã chuẩn bị tiền đến đón Cố Á Lâu. Lúc này có 2 người từ nông thôn tới yêu cầu người nhà nhanh chóng đến Nhậm Khâu. Khi đến cục công an, người nhà được đưa thẳng đến hội trường trên tầng 3. Một cục trưởng đọc bản thảo nói rằng Cố Á Lâu đã tự sát bằng cách “nhảy khỏi tòa nhà” trong quá trình thẩm vấn.
Kết quả khám nghiệm tử thi của bác sĩ pháp y ở Thương Châu là: Đầu có một lỗ thủng do bị vật cứng tác động, mặt đầy máu, trên vai trái có 2 vết đen do bị dùi cui điện giật, có dấu vết bị cao su quất vào mông, trên bắp chân phải có một lỗ sâu 1,5 tấc, thịt hai gót chân lộ ra ngoài, xương lộ ra, cả hai chân và bắp chân đều tím tái, chân bị gãy nặng, ngã ngửa xuống đất.
Trong vòng nửa giờ sau khi xem thi thể, người nhà anh được yêu cầu mặc quần áo cho người quá cố và hỏa táng. Cảnh sát đã không đưa ra câu trả lời trực tiếp cho những câu hỏi mà họ nêu ra.
Viện Kiểm sát Nhậm Khâu, Cục trưởng, Phó Cục trưởng Cục Công an, cùng lãnh đạo chính quyền khu vực Thương Châu đã đến hiện trường chỉ đạo và gây áp lực, buộc người nhà phải ký tên hỏa táng, nhưng người nhà không chịu chấp hành.
Họ bèn cử hai đội cảnh sát vũ trang đến buộc người nhà thay quần áo và hỏa táng người quá cố trong vòng 15 phút. Cảnh sát vũ trang đã hộ tống người nhà và thi thể đến thẳng lò hỏa táng. Thậm chí cục Trưởng còn không trao bình đựng tro cốt cho gia đình anh.
Trên đây chỉ là phần nổi của tảng băng tội ác mà ĐCSTQ đã gây ra khi bức hại hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công đến chết.
Theo Minghui.org, 926 người đã bị bức hại đến chết trong các nhà tù (bệnh viện liên kết với nhà tù), chiếm 19% tổng số; 796 người bị bức hại đến chết trong các trại lao động, chiếm 16%; 824 người bị tra tấn đến chết tại các trại tạm giam, trung tâm cai nghiện ma túy, chiếm 17%; 309 người bị tra tấn đến chết trong các lớp tẩy não, chiếm 6%…
Các luật sư nhân quyền đại lục Tạ Yến Ích và Tạ Dương đã viết trong một bức thư ngỏ gửi Liên minh Châu Âu:
“Vấn đề nhân quyền lớn nhất của Trung Quốc là vấn đề Pháp Luân Công, có thể nói đây là một thảm họa nhân đạo trong lịch sử kể từ khi kết thúc Thế chiến thứ hai.”
Ngày 20/7/2020, nhân kỷ niệm 21 năm phản bức hại của các học viên Pháp Luân Công, ông Samuel Brownback, Đại sứ Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế lúc bấy giờ, đã công bố một video có nội dung: Ngày 20/7, 21 năm trôi qua, trong khoảng thời gian này đã xảy ra những điều khủng khiếp và nỗi đau không thể tả xiết.
Ông bày tỏ rằng ông sẽ sát cánh cùng các học viên Pháp Luân Công: “Cảm ơn sự kiên trì của các bạn. Cảm ơn các bạn đã đấu tranh cho tự do tôn giáo trong những hoàn cảnh rất khó khăn”.
“ĐCSTQ đang tiến hành cuộc chiến dựa trên đức tin. Đây là cuộc chiến mà họ không thể thắng”.
Pháp Luân Công là môn tu luyện của Phật gia bao gồm 5 bài tập thiền định nhẹ nhàng, chậm rãi, an hòa, dựa trên các giá trị Chân-Thiện-Nhẫn. Pháp Luân Công còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, lần đầu tiên được giới thiệu ra công chúng tại Trung Quốc vào năm 1992.
Môn tu luyện này nhanh chóng trở nên phổ biến rộng rãi nhờ những lợi ích đối với sức khỏe tinh thần và thể chất của người tập. Đến năm 1999, theo ước tính chính thức của chính phủ Trung Quốc, Pháp Luân Công đã thu hút khoảng 70-100 triệu người tập luyện.
Lãnh đạo ĐCSTQ khi đó là Giang Trạch Dân đã coi sự phổ biến của Pháp Luân Công là mối đe dọa đối với sự cai trị của đảng. Tháng 7/1999, ông ta đã phát động một chiến dịch tàn bạo nhằm xóa sổ môn tu luyện này.
Theo số liệu từ Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, vài triệu học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ tùy tiện, ước tính từ 1,5 đến 2,5 triệu người bị giam trong các trại lao động vào năm 2010.
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công Pháp Luân Công