Doanh nghiệp TQ ngày càng tích cực kiện công ty nước ngoài về sở hữu trí tuệ
- VOA
- •
Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) coi sở hữu trí tuệ (SHTT) là yếu tố chiến lược quan trọng trong khả năng cạnh tranh về công nghệ của Trung Quốc. Theo chủ trương này, các công ty công nghệ Trung Quốc dựa vào môi trường tư pháp trong nước thuận lợi với họ nên ngày càng chủ động hơn trong kiện tụng các đối thủ cạnh tranh nước ngoài.
Công ty công nghệ Trung Quốc “trở mình” vào vai nguyên đơn
Dù ở Trung Quốc hay nước ngoài, ngày càng có nhiều công ty công nghệ Trung Quốc trở thành nguyên đơn trong các vụ kiện về SHTT.
Ông Cohen (Mark Allen Cohen), nhà nghiên cứu cấp cao kiêm giám đốc Dự án SHTT châu Á của Trung tâm Luật và Công nghệ thuộc Đại học California chi nhánh Berkeley, nói với VOA: “Xu thế người nước ngoài là bị cáo trong các vụ kiện SHTT tại Trung Quốc ngày càng tăng… Họ đang bị kiện một số lĩnh vực mà bạn nghĩ rằng họ sẽ không thể bị kiện: bị kiện vì đánh cắp bí mật thương mại, bị kiện về vi phạm bản quyền sáng chế, bị kiện về vấn đề thanh toán tiền bản quyền, bị kiện về vấn đề chống độc quyền”.
Cohen nhấn mạnh hiện nay dữ liệu từ hệ thống tư pháp Trung Quốc không minh bạch và đầy đủ. Ông cho biết xu thế doanh nghiệp nước ngoài bị doanh nghiệp Trung Quốc kiện về các vấn đề liên quan SHTT có thể đã duy trì trong một thời gian.
Hãng tin Nikkei (Nhật Bản) ngày 22/9 dẫn lời các luật sư trong ngành cho biết, ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc trở thành bị đơn. Cải cách lập pháp SHTT của Trung Quốc đã tăng số tiền bồi thường lên mức rất cao khích lệ doanh nghiệp Trung Quốc trong việc nộp đơn kiện.
Thông tin dẫn số liệu thống kê từ Cục SHTT quốc gia Trung Quốc cho thấy số lượng các vụ kiện về SHTT ở Trung Quốc vào năm 2020 gấp ba lần so với năm 2016. Năm 2020, các tòa án sơ thẩm của ĐCSTQ đã xét xử 28.528 vụ vi phạm quyền SHTT liên quan đến bản quyền sáng chế (patent property), mô hình tiện ích (utility model) và thiết kế (design patent), tăng 28% so với năm trước. Các vụ kiện về bản quyền và nhãn hiệu cũng đang gia tăng.
Trong số các loại bản quyền SHTT thì giá trị của phát minh cao hơn giá trị của mô hình tiện ích và thiết kế, đồng thời cũng thể hiện năng lực sáng tạo cao hơn.
Ngay từ hơn 10 năm trước, một số doanh nghiệp Trung Quốc đã bắt đầu giành được những phán quyết thuận lợi trong các vụ kiện về bản quyền sáng chế. Năm 2007, Tòa án Nhân dân Trung cấp Ôn Châu đã đưa ra phán quyết sơ thẩm trong vụ Công ty phân phối và truyền tải điện Trung Quốc Chint Group kiện Schneider Electric của Pháp vi phạm bản quyền sáng chế về cầu dao ngắt điện loại nhỏ, phán quyết bồi thường 330 triệu nhân dân tệ (RMB). Vụ kiện này được giới truyền thông Trung Quốc gọi là “vụ kiện đầu tiên về bản quyền sáng chế của Trung Quốc”. Năm 2009 hai bên hòa giải bên ngoài tòa án và Schneider đã bồi thường 157,5 triệu RMB cho Chint Group.
Trong những năm gần đây, với sự phát triển nhanh chóng của các công ty công nghệ Trung Quốc trong các công nghệ thế hệ mới như truyền thông, trí tuệ nhân tạo (AI)…, khiến những lợi thế bản quyền sáng chế mà họ có được đã trở thành vũ khí phổ biến để các doanh nghiệp Trung Quốc kiện các đối thủ nước ngoài.
Ví dụ trong lĩnh vực AI, vào năm 2012, một công ty công nghệ ở Thượng Hải có tên Xiaoi Robot đã dính vào một vụ tranh chấp bản quyền sáng chế với Apple. Doanh nghiệp Trung Quốc, có tên chính thức là Shanghai Xiaoi Robot Technology đã cáo buộc Apple vi phạm bản quyền sáng chế công nghệ AI trợ lý giọng nói thông minh Siri do Apple phát triển, đòi bồi thường 10 tỷ RMB, và tháng Chín năm nay nộp đơn lên Tòa án Thượng Hải yêu cầu cấm Apple bán iPhone ở Trung Quốc Đại Lục.
Theo thống kê từ Công ty luật Lexfield, trong số các vụ kiện bản quyền sáng chế thiết yếu (standard essential patent, SEP) được các tòa án Trung Quốc thụ lý từ năm 2011 đến 2019 thì có 41,25% là doanh nghiệp nước ngoài kiện các doanh nghiệp Trung Quốc, còn 33,13% là đơn vị của Trung Quốc kiện doanh nghiệp nước ngoài.
Đồng thời, số lượng các doanh nghiệp nước ngoài ở Trung Quốc kiện các doanh nghiệp Trung Quốc cũng ngày càng nhiều.
Theo dữ liệu từ nhà cung cấp thông tin dữ liệu bản quyền sáng chế SHTT của Trung Quốc là IP House, từ năm 2015 – 2019, tổng số vụ kiện bản quyền của các doanh nghiệp nước ngoài đối với doanh nghiệp Trung Quốc tăng lên hàng năm với số lượng lớn nhất là bản quyền sáng chế, trong đó đứng đầu là số vụ kiện bản quyền sáng chế của các doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc. Dữ liệu từ 2015 – 2020 cho thấy chiếm 27% là doanh nghiệp Mỹ, tiếp theo là Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức, tổng số vụ kiện của 4 nước này chiếm đến 75%.
Doanh nghiệp Trung Quốc ở nước ngoài kiện doanh nghiệp nước ngoài
Ở nước ngoài, các công ty công nghệ Trung Quốc cũng thể hiện tư thế kiện tụng tích cực hơn.
Tháng 2/2020, Huawei đã kiện nhà điều hành truyền thông của Mỹ ở Texas là Verizon, cáo buộc sử dụng trái phép hơn 10 bản quyền sáng chế của Huawei trong các lĩnh vực như mạng máy tính, bảo mật tải dữ liệu và truyền thông video, yêu cầu bồi thường và thanh toán tiền bản quyền. Tháng Bảy năm nay, Huawei và Verizon đã hòa giải thành công hai vụ kiện vi phạm bản quyền sáng chế.
Trước đó vào năm 2016, Huawei đã đệ đơn kiện tại Mỹ và Trung Quốc cáo buộc Samsung Electronics sử dụng trái phép công nghệ truyền thông 4G của Huawei. Hai công ty đã đạt được hòa giải vào năm 2019.
Luật sư Harris (Dan Harris) tại Mỹ, người quen thuộc với hoạt động của môi trường kinh doanh Mỹ – Trung, nói với Đài VOA Mỹ rằng các doanh nghiệp Trung Quốc đang áp dụng pháp lý ngày càng triệt để chống lại các doanh nghiệp Mỹ có tranh chấp với họ, đây rõ ràng là một xu hướng mới.
Bà Layton (Roslyn Layton), đồng sáng lập “Mối đe dọa công nghệ Trung Quốc” (China Tech Threat), nói với VOA: “Các công ty lớn như Huawei rất tức giận với danh sách các thực thể (mà Mỹ cáo buộc). Tất nhiên họ bị mất nhiều thu nhập nên họ đang sử dụng kiện tụng bản quyền sáng chế như một chiến lược tạo ra doanh thu, tôi không ngạc nhiên. Điều này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Đôi khi các công ty làm điều này để giữ thể diện và cố gắng cho các cổ đông thấy họ đang đấu tranh”.
Bà nói: “Đối với tôi, điều thực sự đáng chú ý là các doanh nghiệp Trung Quốc đã học cách sử dụng hệ thống luật pháp của Mỹ để phục vụ lợi ích của chính họ”.
Theo thống kê từ Darts-ip, một tổ chức tư vấn dữ liệu SHTT quốc tế thuộc nhà cung cấp dịch vụ thông tin chuyên nghiệp Clarivate, địa bàn chính mà các doanh nghiệp Trung Quốc nộp đơn kiện vi phạm bản quyền sáng chế ở nước ngoài là Mỹ, tiếp theo là Đài Loan, Đức và Hàn Quốc. Tại Mỹ, Huawei, ZTE, Lenovo và TCL là những doanh nghiệp Trung Quốc đã nộp đơn kiện bản quyền sáng chế nhiều nhất.
Theo dữ liệu từ Darts-ip, số vụ kiện vi phạm quyền SHTT của các doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đã tăng lên hơn 30 vụ vào năm 2016, và sau đó giảm vào năm 2017. Nhưng từ năm 2017 thì số vụ kiện đã tăng lên hàng năm.
Điều đáng chú ý là số lượng các vụ kiện SHTT của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc cũng ngày càng gia tăng. Năm 2020, trong số các vụ vi phạm bản quyền sáng chế có hơn 60 vụ kiện của doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc, năm đó có hơn 20 vụ kiện tương tự của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ.
Theo dữ liệu từ Darts-ip, về vấn đề kiện bản quyền sáng chế thiết yếu tiêu chuẩn toàn cầu (SEP), trong số 5 công ty đứng đầu về số vụ kiện thì có hai của Trung Quốc là Huawei và ZTE. Ba công ty còn lại là Samsung của Hàn Quốc, Apple và AT&T của Mỹ. Đa số bị đơn trong các vụ kiện bản quyền sáng chế này là doanh nghiệp Trung Quốc (Huawei là nguyên đơn trong 37% các vụ việc liên quan, và tương tự ZTE chỉ chiếm 24%).
Bà Layton nói với VOA: “Nói chung, nhiều công ty công nghệ sẽ sử dụng hệ thống pháp luật để tìm kiếm một thứ gì đó mà không có được từ quá trình đàm phán trực tiếp thông thường. Các doanh nghiệp Trung Quốc đã học cách sử dụng hệ thống pháp luật của Mỹ”.
Bà cho biết: “Mỹ có rất nhiều biện pháp bảo vệ chủ sở hữu bản quyền sáng chế, những biện pháp bảo vệ này khó có ở nơi khác. Vì vậy tôi nghĩ xu hướng hiện nay là các luật sư Trung Quốc đang trở nên rất thông minh trong cách tiếp cận các kênh pháp lý của Mỹ. Không phải họ luôn thắng, nhưng chắc chắn họ sẽ sử dụng hệ thống pháp luật một cách khôn khéo như các doanh nghiệp Mỹ”.
Bà cũng chỉ rõ ở Trung Quốc rất khó để có được hỗ trợ pháp lý tương tự như ở Mỹ.
Tòa án của Trung Quốc tích cực “vượt biên” ngăn chặn kiện tụng
Đồng thời vơi xu thế doanh nghiệp Trung Quốc kiện doanh nghiệp nước ngoài trong và ngoài nước, giới lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ cũng bắt đầu chú trọng dùng quyền SHTT như vũ khí trong cạnh tranh kinh tế và công nghệ giữa Trung Quốc và nước ngoài.
Tháng Ba năm nay tổ chức SHTT thế giới của Liên Hiệp Quốc (WIPO) đã công bố số lượng đơn đăng ký sáng chế quốc tế năm 2020, theo đó Trung Quốc đứng đầu thế giới trong năm thứ hai liên tiếp với 68.720 đơn đăng ký bản quyền sáng chế, trong khi đối với Mỹ là 59.230 đơn đăng ký.
Theo WIPO, tốc độ tăng đơn xin cấp bản quyền sáng chế hàng năm của Trung Quốc là 16,1%, còn Mỹ có chỉ 3%. Năm 2019 là năm lần đầu tiên Trung Quốc vượt qua Mỹ để đứng đầu danh sách. Năm 2020 là năm thứ tư liên tiếp Huawei của Trung Quốc được xếp hạng là công ty có số lượng đơn đăng ký bản quyền sáng chế lớn nhất, đứng thứ hai [năm đó] là Samsung Electronics của Hàn Quốc.
Theo một cuộc khảo sát chung do hãng tin Nikkei cùng công ty nghiên cứu Cyber Creative có trụ sở tại Tokyo thực hiện, các đơn vị Trung Quốc chiếm 40,3% đơn đăng ký bản quyền sáng chế công nghệ truyền thông 6G toàn cầu, trong khi Mỹ tụt lại phía sau với 35,2%.
Mặc dù “hàm lượng vàng” và khả năng ứng dụng thực tế của bản quyền sáng chế Trung Quốc có thể còn thua kém các nước châu Âu và Mỹ, nhưng phân tích cho rằng sự ủng hộ của nhà nước Trung Quốc đối với các công ty hàng đầu trong các lĩnh vực như công nghệ truyền thông và AI đã giúp họ những năm gần đây tích lũy được những lợi thế về công nghệ mới nổi, tương lai sẽ sử dụng quyền SHTT và kiện tụng bằng sáng chế như những cách thức mới để cạnh tranh trong và ngoài nước.
Đầu năm nay tạp chí Cầu thị (Qishi) của ĐCSTQ đã đăng chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc chỉ ra khả năng cạnh tranh quốc tế về quyền SHTT của các doanh nghiệp Trung Quốc. Bài báo đăng ngày 1/2 cho biết: “Quyền SHTT là yếu tố cốt lõi của năng lực cạnh tranh quốc tế và là tâm điểm của các tranh chấp quốc tế. Chúng ta phải dám đấu tranh và giỏi đấu tranh, không bao giờ từ bỏ quyền và lợi ích hợp pháp của mình và không bao giờ hy sinh lợi ích cốt lõi của đất nước”.
Ngày 22/9 năm nay Trung Quốc chính thức ban hành “Đề cương xây dựng cường quốc về SHTT” cho 15 năm tới, đề xuất đến năm 2025 tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp sử dụng nhiều bản quyền sáng chế sẽ chiếm 13% GDP, tổng xuất nhập khẩu hàng năm về quyền SHTT đạt mục tiêu 350 tỷ RMB.
Dưới hướng dẫn của “quốc sách” đó, giới chuyên gia pháp lý có chỉ rằng các tòa án Trung Quốc cũng bắt đầu thể hiện xu thế nắm bắt nhanh nhạy khi thúc đẩy “lệnh chống kiện”, còn các đương sự Trung Quốc cũng hoạt động kiện tụng tích cực hơn. Điều này rõ ràng có nguyên do từ thúc đẩy của giới lãnh đạo cao nhất.
Cái gọi là lệnh chống kiện (anti-suit injunction) là một lệnh tư pháp cấm bên kiện tụng thực hiện tại một tòa án nào đó mà không có phạm vi thẩm quyền về vấn đề đó. Những năm gần đây hệ thống tòa án Trung Quốc trở nên “phổ biến” lệnh chống kiện, không chấp nhận doanh nghiệp nước ngoài bảo vệ bí mật thương mại của họ bằng cách nộp đơn tố tụng ở bất kỳ đâu trên thế giới.
Theo thông tin mới đây từ Wall Street Journal, kể từ năm 2020, các tòa án Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuyên biên giới trong 4 vụ án lớn, trong đó có 3 phán quyết có lợi cho các công ty công nghệ truyền thông Trung Quốc: Huawei, Xiaomi và BBK Quảng Đông; các bên liên quan đến lệnh chống kiện khác đều là doanh nghiệp nước ngoài (Samsung của Hàn Quốc và Ericsson của Thụy Điển).
Giáo sư Cohen từ Đại học California, Berkeley cho biết: “Thái độ của Chính phủ Trung Quốc đối với SHTT luôn là: Bạn có chính sách còn tôi có biện pháp đối phó. Trước đây đã có nhiều biện pháp đối phó. Trong đó có biện pháp đối phó là nhanh chóng ban hành lệnh cấm. Phương diện còn lại là vấn đề thiếu minh bạch. Đây là sự nâng cấp của một chiến lược đã tồn tại lâu dài”.
Tờ Wall Street Journal đưa tin chỉ ra trong những năm gần đây hệ thống tư pháp Trung Quốc đã thường xuyên ban hành “lệnh chống kiện” nhằm vào các đối thủ nước ngoài của các ‘gã khổng lồ’ công nghệ Trung Quốc, nhằm bảo vệ những doanh nghiệp Trung Quốc bị doanh nghiệp nước ngoài cáo buộc ăn cắp quyền SHTT.
Tháng Tư năm nay, Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ đã công bố “Báo cáo đặc biệt số 301” về việc bảo vệ quyền SHTT ở các nước khác nhau trên thế giới, chỉ ra rằng năm 2020 Trung Quốc “có những phát triển đáng lo ngại, chẳng hạn như lệnh chống kiện do tòa án Trung Quốc ban hành”.
Ví dụ, trong trường hợp của Xiaomi ở Trung Quốc chống lại InterDigital ở Mỹ, một tòa án ở Vũ Hán đã ra phán quyết rằng InterDigital không được kiện Xiaomi ở trong và ngoài Trung Quốc khi vụ kiện của Xiaomi còn chưa kết thúc, nếu không sẽ phải đối mặt với khoản tiền phạt 1 triệu USD mỗi tuần.
Cohen nói: “Các tòa án Trung Quốc không hoàn toàn độc lập. Tôi nghĩ thật không may khi Trung Quốc ngày nay quyền lực tập trung cao độ, lãnh đạo Trung Quốc hiện nhấn mạnh vấn đề quan trọng là giải quyết thẩm quyền của các tòa án nước ngoài, vì vậy tình hình đã nóng lên”.
Tòa án Trung Quốc thiên vị cho doanh nghiệp trong nước?
Một số chuyên gia quen thuộc với môi trường tư pháp của Trung Quốc cũng chỉ ra vấn đề công bằng đối với doanh nghiệp nước ngoài trong phán quyết của tòa án Trung Quốc ở một mức độ nhất định phụ thuộc vào mức độ nhạy cảm của vụ án.
Luật sư Harris chia sẻ cùng VOA: “Trong đa số trường hợp, ngay cả đối với các doanh nghiệp nước ngoài, tòa án Trung Quốc có xu hướng khá công bằng. Ý tôi là, trong một vụ kiện, nếu tôi sản xuất tất, nhà máy Trung Quốc sẽ kiện tôi (đòi bồi thường) 200.000 USD, tòa án Trung Quốc có khả năng đưa ra phán quyết công bằng vì họ không quan tâm. Chính phủ Trung Quốc sẽ không quan tâm đến vụ kiện này. Ngay cả khi chính phủ Trung Quốc thực sự quan tâm, họ chỉ muốn cho thế giới thấy rằng hệ thống pháp luật của họ kiện toàn. Cho nên trong loại vụ kiện này thì bạn có thể nhận được phán quyết công bằng. Nhưng nếu tôi là một công ty bán dẫn tiên tiến và tôi dính vào một vụ kiện về SHTT ở Trung Quốc thì Chính phủ Trung Quốc sẽ rất lo ngại, khi đó doanh nghiệp nước ngoài sẽ không có được phán quyết công bằng”, Luật sư Harris nói.
Harris nói thêm rằng nhiều khi doanh nghiệp Mỹ không quen với hệ thống pháp luật và hệ thống tư pháp của Trung Quốc, không thể chuẩn bị chu toàn trong đối phó, nhiều khi vi phạm quy định về SHTT của Trung Quốc mà không biết (ví dụ nguyên tắc đăng ký nhãn hiệu của Mỹ khác của Trung Quốc, Mỹ thực hiện nguyên tắc ‘sử dụng trước’ còn Trung Quốc thực hiện nguyên tắc ‘đơn đăng ký trước’).
Tỷ lệ doanh nghiệp Trung Quốc thắng kiện ở nước ngoài gần như tương đương với tỷ lệ những bên khởi kiện khác. Thống kê từ Darts-ip vào năm 2019 cho thấy, xác suất thắng kiện của các nguyên đơn Trung Quốc trong các vụ kiện SHTT ở châu Âu là 55%, thấp hơn một chút so với tỷ lệ thắng kiện 57 % của các nguyên đơn không phải Trung Quốc; nhưng ở Mỹ thì tỷ lệ thắng kiện tương tự của doanh nghiệp Trung Quốc là 60%, cao hơn tỷ lệ thắng 57% của các nguyên đơn khác.
Layton, đồng sáng lập “Mối đe dọa công nghệ Trung Quốc”, cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc đã tận dụng tốt môi trường công bằng và minh bạch của hệ thống tư pháp Mỹ. Bà nói: “Tôi nghĩ rằng hệ thống của Mỹ quá hào phóng, vì so với các nước khác thì Mỹ dễ dàng hơn nhiều để nộp đơn kiện”.
Layton cũng cho biết: “Tôi cũng nghĩ, nếu bạn nằm trong danh sách các thực thể như Huawei thì không dễ tận dụng hệ thống luật pháp của Mỹ để có được quyền tương tự, vì bạn đã làm điều gì đó sai trái và gây hại, vì vậy bạn không hưởng được quyền lợi của các công ty có uy tín”.
Theo S
(Tieu đề gốc: Chính sách quốc gia của Tập Cận Bình về cuộc chiến bản quyền sáng tạo, thúc đẩy doanh nghiệp Trung Quốc chủ động hơn kiện doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.)
Xem thêm:
Từ khóa Sở hữu trí tuệ Dòng sự kiện