Trang Eachnet.com, ‘gã khổng lồ’ thương mại điện tử trước đây của Trung Quốc, vốn là phiên bản Trung Quốc của eBay, gần đây đã tuyên bố sẽ kết thúc hoạt động kéo dài 23 năm vào tháng Tám.

Screen Shot 2022 08 01 at 5.17.57 AM
Thông cáo về việc đóng cửa trên trang eachnet.com. (Ảnh chụp màn hình)

Cách đây vài ngày, Công ty TNHH Công nghệ Thông tin Yingshi Thượng Hải đã đưa ra thông báo cho biết, do công ty điều chỉnh chiến lược hoạt động nên đã quyết định dừng hoạt động của nền tảng mạng Eachnet và đóng cửa trang web Eachnet.com. Thông báo cũng nêu rõ, vào lúc 24:00 ngày 12/8/2022, Eachnet sẽ đóng chức năng giao dịch của tất cả hàng hóa, cửa hàng trên website, đóng chức năng đăng ký, đăng nhập, nạp tiền của người dùng Eachnet, đồng thời đóng các dịch vụ trên website. Thông báo cũng nhắc nhở người dùng đăng nhập tài khoản kịp thời để trả lại số dư trực tuyến trước thời hạn nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, đồng thời mở địa chỉ email dịch vụ khách hàng để giải đáp cụ thể các thắc mắc về việc hoàn trả số dư tài khoản.

Tin tức trên được cư dân mạng phát hiện gần đây, gây ra sự bàn tán sôi nổi và sự chú ý của giới truyền thông. Một số người để lại lời nhắn rằng Eachnet (eBay Trung Quốc) từng là công ty thương mại điện tử lớn nhất Trung Quốc, rồi biến mất một cách ảm đạm, nhớ lại những năm lên mạng bằng truy cập quay số (dial up), nhớ lại trải nghiệm lần đầu tiên mua hàng trên mạng, nhớ lại trải nghiệm gửi mail để hỏi về sản phẩm và đến bưu điện đặt hàng, nhưng rất nhiều người còn lạ lẫm với cái tên “eBay”.

Ông Hạ Điền (Xia Tian), ​​một người kỳ cựu trong lĩnh vực truyền thông tài chính, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Đài Á Châu Tự Do rằng vào ngày 26/7 rằng không chỉ trang thương mại điện tử Eachnet, mà đối với các nền tảng thương mại điện tử khác, thái độ của người tiêu dùng ngày càng trở nên thận trọng hơn. Thứ nhất là suy thoái kinh tế và giá cả tăng cao; thứ hai là thu nhập của người dân giảm, hoặc thậm chí không có thu nhập, và mức độ sẵn sàng tiêu dùng của họ giảm sút. Ông cho biết, nhiều nhà máy trả lương theo số lượng sản phẩm gia công khiến số người thất nghiệp ngày càng tăng:

“Nhóm dân số khổng lồ dựa trên thu nhập từ làm công sẽ rất tồi tệ trong năm nay hoặc năm sau, đây là tình trạng kể từ khi bắt đầu đại dịch đến hôm nay, và thậm chí là về sau. Sự suy thoái này sẽ dần xuất hiện trong 5 năm tới. Thu nhập kinh tế và mức tiêu dùng của họ sẽ giảm mạnh.”

Từng là công ty thương mại điện tử lớn nhất, rạng rỡ 23 năm cuối cùng đóng cửa

Sau 23 năm hoạt động, Eachnet lừng lẫy một thời mới đây đã thông báo ngừng hoạt động khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Theo thông tin công khai, Eachnet được thành lập vào năm 1999 và trở thành trang web thương mại điện tử lớn nhất tại Trung Quốc vào năm sau đó. Năm 2003, eBay, trang thương mại điện tử lớn nhất thế giới, nắm toàn quyền kiểm soát cổ phiếu Eachnet với tổng giá trị 180 triệu USD. Theo dữ liệu do Trung tâm Thông tin Mạng Internet Trung Quốc công bố, Eachnet vẫn chiếm gần 60% thị trường nội địa Trung Quốc vào năm 2005 và giảm xuống 29% vào năm 2006, trong khi Taobao đã có gần 70% thị phần trong cùng năm. eBay chấm dứt hợp tác với Eachnet vào năm 2012. Kể từ đó, Eachnet đã trở thành công ty con thuộc sở hữu hoàn toàn của Tập đoàn Tom Hồng Kông và hoạt động độc lập.

Nhà bình luận các vấn đề thời sự Lý Ngang (Li Ang) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với RFA rằng xã hội Trung Quốc đã một lần nữa quay trở lại thời kỳ “chính trị là trên hết”. Việc chính phủ sử dụng các biện pháp chính trị để giải quyết vấn đề đã hạn chế một cách khách quan sự phát triển của mọi tầng lớp xã hội, dẫn đến việc kinh doanh trong hầu hết các ngành, bao gồm bất động sản, thương mại, chuỗi cung ứng và sản xuất bị thu hẹp. Ông cho biết, cách đây không lâu, ông đến trung tâm tập kết hàng Trung Quốc ở biên giới Việt – Trung thì thấy thưa thớt người và vắng vẻ:

“Có rất ít người, khách hàng ít hơn người bán hàng. Tôi thấy những người buôn bán này rất bất lực, cảnh mọi người ở đây có thể nói là ‘chờ chết’. Vì vậy, các nền tảng thương mại trong môi trường chung, sức mua của khách hàng giảm sút. Dù có một chút tiền cũng không dám tiêu xài, vậy làm sao thương mại điện tử có thể duy trì được? Tất nhiên, không thể loại trừ điều đó là theo tình hình hiện tại và nhu cầu chính trị , có khả năng bên trên yêu cầu họ đóng cửa.”

Bầu không khí của nền kinh tế kế hoạch mạnh mẽ, các công ty Internet bước vào thời kỳ suy thoái

Ông Lý Ngang cho rằng trong một môi trường đề cao sự đúng đắn về chính trị và kinh tế tuân thủ chính trị, trong tương lai, các ngành dịch vụ như thương mại điện tử sẽ phải đối mặt với áp lực rút khỏi thị trường và thay thế bằng các doanh nghiệp nhà nước. 

Ông nói một cách bi quan: “Đó chỉ là vấn đề thời gian và trật tự. Trung Quốc sẽ trở lại thời kỳ kinh tế kế hoạch trong tương lai, và họ (chính phủ) đã thu xếp từ lâu. Ví dụ, các hợp tác xã cung ứng và tiếp thị bắt đầu triển khai 3 năm trước đây. Ở Trung Quốc, chưa bao giờ có một nền kinh tế thị trường thuần túy.”

Các công ty Internet của Trung Quốc đã bước vào “thời kỳ hoàng kim” kéo dài 10 năm kể từ năm 2011. Vào thời điểm đó, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học háo hức vào trụ sở WeChat, và các công ty thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba đảm nhận các vị trí cấp cao và có thể hưởng những đãi ngộ phúc lợi hậu hĩnh. Nhưng theo thời gian, tất cả đã trở thành lịch sử. Gần đây, các công ty Internet Trung Quốc đã trải qua những đợt cắt giảm nhân viên quy mô lớn chưa từng có.

Cổ Đình, theo RFA