Không lãng quên bài học lịch sử là cách chống lại chủ nghĩa toàn trị
- Thần Hi
- •
Có quan điểm cho rằng một trong những lý do khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có thể phát triển thuận lợi là vì người ta dễ quên những bài học bi kịch lịch sử mà nhà cầm quyền toàn trị này gây ra.
Do nhiều người Trung Quốc thế hệ trước không có ý thức cao trong việc lưu truyền những kinh nghiệm đau thương do ĐCSTQ gây ra cho thế hệ sau như: như Cách mạng Văn hóa, nạn đói lớn 1958 – 1961, bắt trí thức trẻ về nông thôn (1950 – 1978)… Sau Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, xã hội Trung Quốc rơi vào thời kỳ ngày càng hủ bại do thượng tôn dục vọng vật chất, còn năng lực dấn thân xã hội nhằm ngăn chặn sa đọa thì lại quá kém… Nhìn chung, đó là kiểu thế hệ trước chọn cách sống im lặng giữ mình, từ đó truyền lại cho thế hệ sau thứ tư duy theo đuổi danh lợi một cách cực đoan!
Trái ngược với những người ở Trung Quốc Đại Lục, nhiều người dân Hồng Kông đã không như vậy, họ chọn cách ghi nhớ lịch sử làm bài học cho con cháu. Tôi có một người bạn khoảng ngoài 30 tuổi, vẻ ngoài gợi lên ấn tượng là một tay ăn chơi vì thường chỉ quan tâm đến vui chơi chè chén, lúc nào cũng tươi cười, dịp đi biển du ngoạn nào cũng đều có mặt anh ta.
Nhưng trong một lần đi chơi biển bỗng có người nhắc đến biến cố Thảm sát Thiên An Môn 4/6/1989, thật bất ngờ khi người bạn này nghiêm túc kể chuyện năm nay bạn đó và mẹ cũng đến Công viên Victoria ở Hồng Kông để dự Dạ tiệc Ánh nến Thiên An Môn. Người bạn này cho biết được mẹ đưa đi tham gia từ năm 1990, đến nay chưa năm nào vắng mặt. Lời kể không khỏi làm những người xung quanh cảm thấy ngạc nhiên, vì tác phong sống bề ngoài của anh này không cho người ta cảm giác là có thể tham gia vào những sự kiện như vậy!
Trên thực tế, bi kịch Thiên An Môn ngày 4/6 đã trở thành thứ ký ức tập thể mà người Hồng Kông không thể quên và không dễ lãng quên. Tháng 5/1989, hàng triệu người Hồng Kông đã xuống đường ủng hộ sinh viên biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn. Sau biến cố Thiên An Môn 4/6/1989, ĐCSTQ đã ráo riết bắt giữ các sinh viên và các nhà hoạt động dân chủ, người Hồng Kông lập tức thành lập Liên minh Hồng Kông ủng hộ các phong trào dân chủ yêu nước của Trung Quốc (Hong Kong Alliance in Support of Patriotic Democratic Movements of China), phát động chiến dịch giải cứu những người đấu tranh dân chủ bị nhà cầm quyền ĐCSTQ trấn áp.
Kể từ năm 1990, cứ vào ngày 4/6 hàng năm, 6 sân bóng ở Công viên Victoria của Hồng Kông lại được ánh nến chiếu sáng. Mỗi năm cứ vào ngày 4/6, đều có từ vài chục cho đến hơn trăm ngàn người Hồng Kông gặp nhau, dù mưa to gió lớn cũng không ngăn cản được họ. Đây là cuộc tụ họp Thiên An Môn lớn nhất trên thế giới và là buổi lễ tưởng nhớ công khai duy nhất tổ chức được ngay trong đất nước Trung Quốc.
Tại sao người Hồng Kông lại có ấn tượng mạnh như vậy đối với biến cố Thiên An Môn? Theo thiển ý của tôi, khi xảy ra biến cố Thiên An Môn năm 1989, Hồng Kông vẫn thuộc Anh. Trước đó vào năm 1984, sau khi ĐCSTQ và Anh ký “Tuyên bố chung” thì người dân Hồng Kông bắt đầu chú ý đến nhà cầm quyền Bắc Kinh. Đặc biệt là từ khi ĐCSTQ cải cách và mở cửa nền kinh tế, người dân Hồng Kông chú ý hơn liệu ĐCSTQ sẽ đi vào con đường dân chủ hay sẽ tiếp tục duy trì chủ nghĩa toàn trị.
Ngoài ra, nhiều người Hồng Kông thế hệ trước đã chạy trốn khỏi Đại Lục để đến Hồng Kông tị nạn. Họ là những người còn nhiều người thân ở Đại Lục nên rất quan tâm đến tình hình chính trị ở đó. Năm 1989 khi lần đầu tiên sinh viên đại học ở Bắc Kinh đến Quảng trường Thiên An Môn để biểu tình, người dân Hồng Kông đã bắt đầu chú ý đến diễn biến của tình hình và bị sốc trước cảnh nhà cầm quyền ĐCSTQ thảm sát người dân.
Ngày nay, nhiều người cao tuổi Hồng Kông vẫn còn lẩn khuất nỗi sợ hãi khi nhớ lại cảnh tượng hồi đó. Những người trẻ Hồng Kông năm đó đã nhận thấy rằng biến cố Thiên An Môn cần trở thành sự kiện giáo dục để không ngừng nâng cao ý thức giác ngộ chính trị của mọi người, để mọi người hiểu về mức độ kinh khủng của nhà cầm quyền ĐCSTQ khi không từ thủ đoạn bảo vệ chế độ.
Đồng thời, người dân Hồng Kông cũng qua đó nảy nở tinh thần đồng cảm và trách nhiệm dân tộc, khao khát lên tiếng cho những người Trung Quốc yêu tự do đang phải sống trên mảnh đất không có tự do chính trị. Vậy nên họ càng mạnh mẽ lên tiếng vì công bằng của những người đã chết oan do bạo lực chính trị, và càng có nhu cầu nhắc nhở về biến cố Thiên An Môn, dùng cách ôn hòa đấu tranh chống lại chủ nghĩa toàn trị từ ĐCSTQ.
Việc hàng năm nhiều người Hồng Kông tưởng nhớ biến cố Thiên An Môn nằm trong ý nghĩa như thế!
Hàng năm chúng ta có thể thấy nhiều bậc cha mẹ đưa con nhỏ tham gia hoạt động tưởng niệm Dạ tiệc Ánh nến Thiên An Môn tại Công viên Victoria. Dĩ nhiên tham gia hoạt động còn có nhiều bạn trẻ là học sinh trung học và sinh viên đại học. Hoạt động này đã duy trì liên tục suốt 30 năm cho đến gần đây bị tạm ngưng vì nhà cầm quyền cấm cản với lý do dịch bệnh COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).
Ngày 4/6 năm nay, khi Hồng Kông đã bị ĐCSTQ áp đặt thực thi “Luật An ninh Quốc gia”, hoạt động tưởng niệm Thảm sát Thiên An Môn công khai đã bị cấm. Nhưng dù bên ngoài Causeway Bay và Công viên Victoria có số lượng lớn cảnh sát canh giữ thì nhiều người Hồng Kông vẫn đến tưởng niệm dưới hình thức cá nhân, người ta thắp nến và ngồi dưới đất để đọc sách, kể cả vào ngày đó có thời tiết mưa gió người ta vẫn làm như vậy, trong đó có những người mang theo bó hoa hồng trắng đặt đầu con đường…
Nhà văn nổi tiếng Milan Kundera (người Séc) từng nói: Cuộc đấu tranh chống cường quyền trong loài người là cuộc đấu tranh giữa lưu giữ ký ức và sự lãng quên.Những người Hồng Kông đang đấu tránh chống lại chủ nghĩa toàn trị đã quyết định chọn cách “không lãng quên”, dù ngày 4/6 năm nay Công viên Victoria Hồng Kông không bóng người nhưng ánh nến Thiên An Môn ngày 4/6 sẽ không bao giờ vì thế mà không được thắp sáng!
Thần Hi
(Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, được đăng trên Vision Times).
Từ khóa Thảm sát Thiên An Môn Sự kiện Lục Tứ Người Hồng Kông Dòng sự kiện Hồng Kông lịch sử