Luật An ninh cho Hồng Kông: “Ông Tập không thể chờ thêm 27 năm nữa”
- Lư Ất Hân
- •
Liên quan đến Dự thảo “Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc phiên bản Hồng Kông” mà Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang thúc đẩy dự kiến sẽ bỏ phiếu thông qua vào tuần tới, hôm 22/5, người sáng lập nhà sách Causeway Bay là ông Lâm Vinh Cơ (Lam Wing-kee) cho biết, vấn đề này cho thấy ông Tập Cận Bình “không có thời gian” để chờ thêm 27 năm nữa, ông ta muốn thực hiện “giấc mơ thống nhất Trung Quốc” khi còn nắm quyền.
Lâm Vinh Cơ: Tập Cận Bình không còn thời gian để chờ thêm 27 năm nữa
Ông Lâm Vinh Cơ đã đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với phóng viên của Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) vào sáng ngày 22/5.
Năm 2015, ông đã thành tâm điểm chú ý khi bị nhà cầm quyền ĐCSTQ bắt tại cảng La Hồ (Luohu) ở Thâm Quyến tỉnh Quảng Đông. Mãi đến tháng 6/2016, ông mới được trở lại Hồng Kông dưới điều kiện trao đổi. Ông đến định cư tại Đài Loan vào tháng 4/2019 và chọn khởi động lại cửa hàng sách Causeway Bay ở Đài Bắc vào ngày 25/4/2020. Vào ngày khai mạc, ngoài được Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn gửi hoa chúc mừng, chính quyền Đài Loan cũng đã huy động 300 cảnh sát để bảo vệ, buổi khai mạc có tham dự của Viện trưởng Viện Lập pháp Du Tích Khôn (Yu Shyi-kun).
Nhắc lại chuyện sau khi Hồng Kông trao chủ quyền cho chính quyền Bắc Kinh vào năm 1997, nhà lãnh đạo quá cố Đặng Tiểu Bình của ĐCSTQ đã từng hứa với người dân Hồng Kông “50 năm không thay đổi”, nói cách khác trước năm 2047 sẽ không có gì thay đổi xảy ra đối với Hồng Kông. Ông Lâm Vinh Cơ cho rằng Tổng Bí thư hiện tại của ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình đang noi theo lãnh đạo quá cố của ĐCSTQ Mao Trạch Đông. Vì vậy người Hồng Kông phải nhanh chóng đưa ra quyết định vấn đề có nên sớm rời khỏi Hồng Kông hay không, hiện nay không còn nhiều thời gian nữa.
Ông cho biết, trong quá khứ chưa có nhà lãnh đạo nào của ĐCSTQ có thể hoàn thành “thống nhất Trung Quốc”, nếu ông Tập Cận Bình làm được thì địa vị của ông ta có thể vượt qua Mao Trạch Đông. Nếu ông Tập muốn hoàn thành “giấc mơ thống nhất Trung Quốc” thì không có cách nào để chờ thêm 27 năm nữa, bởi vì lúc đó ông ta đã 90 tuổi và khó có thể có được quyền lực tốt như bây giờ. Vì vậy người dân Hồng Kông giờ phải quyết định ở lại để đấu tranh hay là rời bỏ đi nơi khác.
Trên Apple Daily Hồng Kông, ông cho biết rằng phiên bản Hồng Kông của “Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc” có phạm vi rộng, vì vậy bất cứ lúc nào người dân Hồng Kông cũng có thể bị quy kết phạm tội vì lý do ngôn luận; ĐCSTQ có thể tùy tiện diễn giải pháp luật, thậm chí áp giải người Hồng Kông sang Trung Quốc Đại Lục, vì vậy ông cho rằng “Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc phiên bản Hồng Kông” còn khắc nghiệt hơn “Điều 23”. Điều luật này không chỉ ngăn chặn quyền tự do ngôn luận và hạn chế thông tin mà còn phá hoại nền pháp trị ở Hồng Kông, bất cứ lúc nào vấn nạn “đi cửa sau” cũng trở thành lệ thường.
Ông nhận định rằng ông Tập Cận Bình đã 67 tuổi, rất nóng ruột trong “giấc mơ thống nhất Trung Quốc”, không có thời gian để chờ đợi thêm 27 năm nữa, vì vậy ông ta sẽ đẩy nhanh việc tiếp quản Hồng Kông để sớm đạt được mục tiêu; để lập công trạng cho dân tộc vượt qua Mao Trạch Đông, ông ta sẽ không tiếc bỏ qua lợi ích kinh tế của Hồng Kông trong thúc đẩy “Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc phiên bản Hồng Kông”.
Phiên họp thứ ba của Nhân đại (Quốc hội) Trung Quốc khóa 13 đang diễn ra (từ 22 – 28/5), chương trình nghị sự sẽ bao gồm việc xem xét “Luật An ninh Quốc gia Trung Quốc phiên bản Hồng Kông”.
Luật sư Lã Thu Viễn: Có ai còn muốn “Đồng thuận 1992” không?
Về vấn đề này, Thời báo Tự do (Liberty Times) Đài Loan dẫn ý kiến của luật sư Lã Thu Viễn (Lü Qiuyuan) tại Đài Loan cho biết trên Facebook rằng, “Một tuần nữa Hồng Kông sẽ không còn là Hồng Kông mà chúng ta biết trước đây, mặc dù hiện nay có thể đã không còn là Hồng Kông trước đây.” Chuyên gia này ước tính Đại hội Nhân đại Trung Quốc lần này sẽ áp dụng cách trực tiếp thông qua luật “theo quy định tại Điều 18 của Luật Cơ bản Hồng Kông, lập pháp thay cho Hội đồng Lập pháp Hồng Kông để thông qua ‘Luật An ninh quốc gia Hồng Kông của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’ buộc người Hồng Kông phải tuân theo.”
Ông chỉ ra trong Điều 23 của Luật Cơ bản Hồng Kông quy định Chính phủ Hồng Kông nên tự lập pháp để cấm mọi hình thức biểu hiện nhằm lật đổ chính quyền trung ương. Quyền “tự lập pháp” trong điều luật này là trận tuyến cuối của tự do dân chủ Hồng Kông, chỉ cần mất quyền tự lập pháp thì tự do dân chủ Hồng Kông sẽ bị phá hủy, bây giờ chính quyền Bắc Kinh muốn làm như vậy. Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sẽ được bầu vào tháng Chín năm nay. Nếu phe Dân chủ một lần nữa giành chiến thắng thì Hồng Kông có thể rơi vào tình huống không thể kiểm soát. Do đó, chính quyền Bắc Kinh mới gấp rút tổ chức kỳ họp Nhân đại này để hủy hoại tuyến phòng thủ cuối cùng bảo vệ nền dân chủ và tự do của Hồng Kông.
Luật sư Lã Thu Viễn bàn thêm rằng chính quyền Bắc Kinh sẽ tận dụng Nhân đại có quyền vận dụng Điều 18 để kết hợp luật pháp Trung Quốc vào hệ thống pháp luật Hồng Kông, nhằm tự ý xây dựng luật pháp bỏ qua quy định của Điều 23, để buộc người dân Hồng Kông phải tuân thủ “Luật An ninh Quốc gia” ở Đại Lục; sau này các hoạt động thông tin, lập hội, biểu tình tại Hồng Kông phải chịu chế ước của “Luật An ninh Quốc gia”, như vậy các quyền cơ bản của con người không còn được đảm bảo.
Câu hỏi đặt ra: “Bạn có nghĩ những gì xảy ra ở Bắc Kinh là vấn đề nội bộ của họ, không liên quan gì đến Đài Loan?” Luật sư Lã Thu Viễn nhấn mạnh, “Tất nhiên không phải, bởi vì trong mắt Chính phủ Trung Quốc thì Đài Loan là một phần của Trung Quốc, cũng là điểm cuối trong vận dụng chính sách một nước hai chế độ. Từ 1997 đến 2020, chỉ qua 23 năm nhưng cam kết 50 năm không thay đổi Hồng Kông đã tan thành mây khói. Nhiều người Đài Loan đang mong muốn chấp nhận sự cai trị của Trung Quốc hoặc duy trì mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc. Đối với họ, Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) chỉ là nỗi tủi hổ, khi cần họ xem như cái cớ để công kích đảng Dân tiến; khi không cần thì bỏ qua mà không dám chống lại ĐCSTQ.”
Ông cảnh tỉnh bằng cách hỏi lại: “Hệ quả sẽ như thế nào khi làm bạn với hổ?” “Người Hồng Kông dùng máu và nước mắt của họ nói với chúng ta rằng Hồng Kông là một minh chứng rõ ràng về sự thỏa hiệp với ĐCSTQ.”
Cuối cùng, một lần nữa Lã Thu Viễn đưa ra câu hỏi mà ông đã có câu trả lời chắc chắn: “Xin chào? Bạn có cần “Đồng thuận 1992″(*) và Một nước hai chế độ không?”
(*) “Đồng thuận 1992”: là thỏa thuận ngầm đạt được vào năm 1992 giữa chính quyền Quốc Dân Đảng ở Đài Loan và Bắc Kinh, theo đó hai bên eo biển Đài Loan thừa nhận chỉ có một nước Trung Quốc.
Lư Ất Hân
Xem thêm:
Từ khóa Luật cơ bản Hồng Kông Dòng sự kiện Luật An ninh quốc gia Hồng Kông Thống nhất Trung Quốc Tập Cận Bình