Nhà cựu ngoại giao cảnh báo: Bắc Kinh nên kiềm chế “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”
- Xuân Lan
- •
Một cựu quan chức ngoại giao đã cảnh báo Bắc Kinh nên ngăn chặn sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy và “chủ nghĩa dân tộc cực đoan” tại Trung Quốc, và ông cho rằng thật sai lầm khi cho rằng nước Mỹ đang suy sụp.
Yuan Nansheng, phó Chủ tịch nhóm tư vấn Bộ Ngoại giao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, đã nêu nhận xét trên trong một bài báo – những điều ông cho rằng sẽ là các thay đổi chủ đạo điều chỉnh lại quan hệ song phương khi đại dịch virus corona qua đi.
“Trong kỷ nguyên hậu đại dịch, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc có thể chuyển trọng tâm sang ngăn chặn và một “cuộc chiến tranh lạnh mới”, ông viết trong bài báo đăng trên tài khoản WeChat của Học viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Đại học Bắc Kinh hôm 29/9.
Ông Yuan từng được bổ nhiệm làm Tổng lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco, cho biết “Dù không chắc Trung Quốc và Mỹ sẽ tiếp tục theo đuổi con đường tách rời, khả năng này không thể bị loại trừ và nên được chú ý cẩn thận.”
Trong khi Bộ Ngoại giao Trung Quốc liên tục nhấn mạnh sự hỗ trợ của Bắc Kinh dành cho các nước khác trong đại dịch và buộc tội Washington không có khả năng khống chế dịch, ông Yuan kêu gọi Trung Quốc cần có một cách tiếp cận chừng mực hơn.
“Mặc dù Trung Quốc đã làm rất tốt trong cuộc chiến chống đại dịch, nhưng nếu coi điều này là một cơ hội lịch sử cho sự vượt lên của Trung Quốc là một đánh giá sai lầm về chiến lược. Nếu chúng ta để cho chủ nghĩa dân túy và chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển tự do ở Trung Quốc, cộng đồng quốc tế có thể hiểu sai điều này là Bắc Kinh đang theo đuổi chính sách “Trung Quốc là trên hết,” ông Yuan nói, ám chỉ đến chính sách “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump.
Virus corona đã làm gia tăng mối bất hoà ngày càng sâu sắc giữa Bắc Kinh và Washington về các vấn đề từ thương mại và công nghệ đến an ninh và quyền con người. Hai nước cũng bất đồng ý kiến về trách nhiệm với đại dịch tại Đại Hội Đồng Liên Hợp quốc vào tuần trước.
“Đại dịch đã chất gánh nặng lên nền kinh tế Mỹ nhưng không có nghĩa là nền kinh tế Trung Quốc vì thế mà được hưởng lợi từ cơ hội này,” ông Yuan nhận định. “Với công nghệ hạng nhất, thị trường tiêu dùng lớn nhất, thị trường tài chính và tiền tệ toàn cầu, Mỹ có thể là nước đầu tiên thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế và trở lại tốt đẹp.”
Ông bổ sung thêm rằng sẽ là một “đánh giá sai lầm” khi cho rằng vị thế siêu cường của Mỹ đang suy yếu.
Ông Yuan cũng hoài nghi trước cảnh báo của Tổng thống Trump về việc tách rời kinh tế khỏi Trung Quốc – điều được dự báo sẽ khiến thương mại và đầu tư Trung Quốc bị thu hẹp và các nhà sản xuất Mỹ sẽ chuyển khỏi đất nước. Tuy nhiên, ông nói Bắc Kinh nên chuẩn bị cho tình huống xấu nhất.
Theo ông Yuan, Bắc Kinh cần cảnh giác về những chuyển động thay đổi trong “tam giác địa chính trị” giữa Trung Quốc, Mỹ và Nga. Ông nói Moscow có thể hưởng lợi khi quan hệ Mỹ – Trung xấu đi, giống như Bắc Kinh từng có từ sự rạn nứt giữa Nga và Mỹ.
“Sự tách rời giữa Trung Quốc và Mỹ có nghĩa là Trung Quốc sẽ trở thành tiêu điểm [trong tam giác], sẽ làm cho nền ngoại giao Trung Quốc có rất ít không gian,” ông bổ sung thêm rằng nên cân nhắc về việc tam giác sẽ phát triển thế nào nếu hai nước tách rời.
Khi mối quan hệ đang rơi tự do, ông Yuan đề xuất Bắc Kinh nắm lấy câu thần chú trong chính sách ngoại giao của cựu lãnh đạo Đặng Tiểu Bình là “Giấu sức mạnh, đợi thời cơ.”
Điều này hoàn toàn trái ngược với cách tiếp cận của các nhà ngoại giao “chiến binh sói” Trung Quốc.
“Một số người cho rằng áp dụng chiến lược này [của Đặng] sẽ lộ ra điểm yếu – đây là một nhận thức sai hoàn toàn… Những người lính có thể tuốt gươm, nhưng trong ngoại giao hãy tra gươm vào bao – không cần để mọi người biết nó ở đó,” ông Yuan nói.
Xuân Lan, theo SCMP
Xem thêm:
Từ khóa chiến binh sói mối quan hệ Mỹ - Trung Chiến tranh Lạnh mới Dòng sự kiện