Ông Viên Cung Di dự đoán về xu thế nổ bong bóng kinh tế Trung Quốc
- Lộ Tư và Lý Tranh
- •
Năm 1989, kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng bong bóng, bức tranh tương tự này đang hướng tới kinh tế của Đại Lục và Hồng Kông. Để hiểu rõ vấn đề này, Vision Times đã phỏng vấn ông Viên Cung Di – nhà công nghiệp điện tử nổi tiếng một thời của Hồng Kông, hiện là nhà bình luận thời sự và nhà vận động hành lang quốc tế chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Lý Gia Thành chạy nhanh, tổn thất không nhiều
Ông Viên Cung Di (Elmer Yuen) phân tích về nền kinh tế của Đại Lục và Hồng Kông, “Hồng Kông và Đại Lục hiện đang ở trên cùng một con thuyền, vì vậy nếu Đại Lục xảy ra vấn đề thì Hồng Kông cũng hứng chịu như vậy. Chúng ta đều biết rằng vấn đề mà Đại Lục lần này phải đối mặt đã hiện rõ, thực tế bắt đầu từ 10 năm trước kinh tế Đại Lục đã đi xuống dần, nhưng tình hình nghiêm trọng hơn trong 3 – 4 tháng qua. Vấn đề này chính ông Lý Gia Thành (Ka-shing Li) đã nhìn thấy rõ ràng nhất nên đã nhanh chóng rút lui, vì vậy tổn thất là không lớn, nhưng ông ta vẫn có một số tài sản ở Hồng Kông. Ông Lý Gia Thành lợi hại như vậy vì phía sau có rất nhiều chuyên gia giỏi trợ giúp. Những người hoang mang thì rút lui chậm chạp, còn phe xanh [phe kiến chế thân ĐCSTQ] thì ù ù cạc cạc. Theo Liberty Times (Đài Loan), ước tính kể từ năm 2013 đến nay ông Lý Gia Thành đã bán tài sản ở Trung Quốc và Hồng Kông trị giá hơn 165 tỷ đô la Hồng Kông (21,1 tỷ đô la Mỹ), đồng thời không ngừng tăng cường đầu tư vào châu Âu và vươn vòi sang châu Úc, vì thế được cư dân mạng Trung Quốc ca ngợi là ‘người chạy nhanh nhất’”.
Kinh tế Trung Quốc và Hồng Kông đã bước vào kỳ bong bóng hóa
Theo Yahoo News, Chủ tịch Tạ Kim Hà (Xie Jinhe) của Caixin Media phân tích rằng nền kinh tế Nhật Bản bong bóng hóa vào năm 1989, khi đó chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng mạnh, phải chờ mãi đến sau thời kỳ bong bóng mới nỗ lực để phục hồi dần. Nếu tiền gửi của người dân Đại Lục tiếp tục tăng cao trong vài tháng tới, họ có thể đi vào con đường mà Nhật Bản đã lạc vào?
Về vấn đề này, ông Viên Cung Di nói rằng Hồng Kông và Đại Lục đã bước vào thời kỳ bong bóng hóa, tình hình giống hệt như Nhật Bản trước đây:
“Nhiều công ty ở Đại Lục đột ngột đóng cửa, tại sao rất nhiều nhà máy không có đơn đặt hàng? Máy bay, đường sắt cao tốc và đường cao tốc đều thua lỗ… Thực ra có liên quan gì đến việc (ĐCSTQ) đe dọa Đài Loan. Tình hình eo biển Đài Loan hiện nay là ăn miếng trả miếng. Nếu tôi là công ty Mỹ thì tôi không dám đặt hàng từ Trung Quốc, vì không may có biến cố xảy ra sẽ không nhận được hàng. Do đó doanh giới Mỹ hạn chế đặt Đại Lục những đơn hàng lớn, vì ai có thể đảm bảo rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra? Vấn đề ở Đài Loan, Biển Đông và Biển Hoa Đông, thêm vào là Đại Lục đứng về Nga trong xâm lược Ukraine, nếu Đại Lục bị [Mỹ và phương Tây] trừng phạt thì thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Nhiều doanh nghiệp phải lường trước những rủi ro đó nên họ không dám đặt hàng từ Đại Lục”.
“Các nhà sản xuất Đại Lục không thể nhận được đơn đặt hàng, hệ quả tiếp theo là tình trạng thất nghiệp. Có thông tin cho rằng ở Đại Lục hiện có tới 200 triệu người thất nghiệp. Mọi người không có tiền để trả các khoản vay mua nhà, bất động sản bị tòa án bán đấu giá; tiêu dùng yếu và ngành công nghiệp ô tô suy thoái… Bong bóng hóa của Đại Lục [ngày nay] còn tồi tệ hơn Nhật Bản [hồi đó], nhưng họ không thừa nhận điều đó và vẫn khoe khoang về GDP của họ. ĐCSTQ một mặt giúp Nga, mặt khác quấy rối Đài Loan và chuẩn bị cho chiến tranh, vung tiền một cách bừa bãi. Tình hình ở Đại Lục là nhiều người không có tiền để trả nợ thế chấp, gây áp lực lớn cho các ngân hàng. Hầu hết các công ty ở Nhật Bản đều thuộc sở hữu tư nhân, trong khi Đại Lục thuộc sở hữu nhà nước, khiến xảy ra xu thế vì không để công ty nhà nước phá sản mà kéo tụt cả nền kinh tế đất nước.”
Yahoo News đưa tin rằng GDP của Trung Quốc trong quý đầu tiên đã tăng 4,5%, mục tiêu tăng trưởng cả năm là 5%. Vào ngày 15/6, Cục Thống kê ĐCSTQ thông báo rằng dữ liệu kinh tế chính trong tháng 5 không như mong đợi. Các ngân hàng nước ngoài như UBS, Standard Chartered Bank, Bank of America và JPMorgan Chase đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Đại Lục vào năm 2023, theo đó GDP dự báo mới sẽ nằm trong khoảng 5,2 – 5,7%, thấp hơn mức dự báo trước đó là 5,7 – 6,3%. Trước đó, ông Viên Cung Di cho biết tăng trưởng GDP của Đại Lục không giống như nhà chức trách ĐCSTQ tuyên bố mà là tăng trưởng âm, họ công bố GDP giả để tạo ảo giác về sự phát triển nhằm đạt được mục đích thu hút đầu tư nước ngoài.
Bong bóng vỡ sẽ khiến ĐCSTQ sụp đổ
Ông Viên Cung Di cho rằng sau khi bong bóng ở Đại Lục vỡ sẽ kéo theo nổ bong bóng ở Hồng Kông, và kết quả là chế độ của ĐCSTQ sẽ bị sụp đổ: “Tất nhiên nếu điều đó xảy ra, nền kinh tế của Hồng Kông và Đại Lục sẽ rất khó khăn, mọi người ở đó có thể gặp khó khăn trong 1 – 2 năm, nhưng nếu có thể thay thế chế độ của ĐCSTQ thì cái giá phải trả là rất đáng”.
Ông cũng nói rằng Nhật Bản đã tổ chức lại nền kinh tế của họ một cách rất có trật tự, nhưng Đại Lục chắc chắn sẽ không làm như vậy, họ sẽ tiếp tục sử dụng quyền lực để làm cho nền kinh tế trở nên tồi tệ hơn, “Hiện tại họ đang làm vậy, họ luôn che giấu tình hình, nhưng lịch sử sẽ vạch trần. Nền kinh tế của Đại Lục hiện đang ở trong tình trạng hỗn loạn, thất nghiệp và phá sản… Tôi không nghĩ đây là điều xấu. Bong bóng kinh tế Trung Quốc sẽ vỡ trong vòng 1 – 2 năm tới, hệ quả là sụp đổ chế độ”.
Từ khóa kinh tế Trung quốc Viên Cung Di