Ông Vương Hỗ Ninh là tiếng súng đầu tiên chuyển mô hình chính trị tại Trung Quốc?
- Tuyết Mai
- •
Ông Vương Hỗ Ninh là cố vấn hàng đầu tại Trung Nam Hải, được mệnh danh “quốc sư ba đời”, tại Đại hội 19 đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) được vào Ban Thường vụ với tư thế “quân đen”. Hiện nay câu chuyện nguyên nhân thực sự khiến ông Vương Hỗ Ninh “ba đời” không đổ, tiếp tục được ông Tập Cận Bình trọng dụng đang rất được chú ý.
Ông Vương Hỗ Ninh hiện 62 tuổi, sinh ra, lớn lên và con đường quan lộ bắt đầu từ Thượng Hải. Năm 1995 ông Vương Hỗ Ninh được ông Giang Trạch Dân điều về Bắc Kinh nhậm chức Tổ trưởng Tổ Chính trị Phòng Nghiên cứu Chính sách Trung ương, sau lên chức Phó Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu, là người đã đưa ra chính sách “Ba đại diện” cho ông Giang Trạch Dân.
Sau khi ông Giang Trạch Dân thoái vị, ông Hồ Cẩm Đào lên thay, ông Vương Hỗ Ninh lại lên chức Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu, trở thành cố vấn hàng đầu Trung Nam Hải, cũng lại là người tham mưu đưa ra “Quan điểm phát triển khoa học” cho ông Hồ Cẩm Đào.
Năm 2012 ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, ông Vương tiếp tục được trọng dụng, những lý luận “Giấc mơ Trung Hoa”, “Tư tưởng Tập Cận Bình” đều do ông Vương hoạch định. Mỗi khi ông Tập Cận Bình đi thị sát bên ngoài luôn có ông Vương Hỗ Ninh bên cạnh, điều này cho thấy tầm quan trọng của ông Vương. Ông Vương là người tham mưu hàng đầu của ông Tập, là người trù tính chính sách ở tầm chiến lược.
Nhà bình luận thời sự chính trị Văn Võ (Wenwu) chỉ ra, trước đây ông Vương Hỗ Ninh là người đưa ra “Lý luận quyền lực mới” (Tân quyền uy lý luận) nổi tiếng, như thỏi son trang điểm cho chính thể cực quyền ĐCSTQ. Điểm đặc biệt của con người này là không luận đúng – sai, không phân tốt – xấu, không màng trắng – đen. Về lập trường chính trị, ông Vương Hỗ Ninh cũng không xếp hàng theo bên nào, ai lên cầm quyền thì ra sức đóng góp cho người đó.
Bài viết đặc biệt nhấn mạnh, qua cuộc đấu giữa hai phe Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân, sau khi ông Tập lên cầm quyền không lâu đã nhận ra Hiến pháp trị nước trong suy nghĩ vốn có của ông Tập không dễ thi hành dưới chính thể ĐCSTQ, thêm vào nữa là thế lực phe cánh của cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân luôn thường trực đe dọa chính quyền và sinh mệnh cá nhân của ông Tập, vì thế ông Tập cần gấp thứ lý luận chính trị và thủ đoạn chính trị mới để bảo vệ quyền uy và sinh mệnh của mình.
“Trị nước theo Hiến pháp” của Tập Cận Bình bị cản trở
Sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền tại Đại hội 18 đã nhiều lần nhấn mạnh “Trị nước theo Hiến pháp” (Y Hiến trị quốc), “Cầm quyền theo Hiến pháp” (Y Hiến chấp chính), nhưng câu nói này luôn bị cơ quan tuyên truyền do ông Lưu Vân Sơn phụ trách “xoa dịu” đi.
Ngày 5/12/2012, lần đầu sau Đại hội 18 ông Tập Cận Bình diễn giảng về vấn đề Hiến pháp. Khi đó Tân Hoa xã đưa tin: Lãnh đạo Tập Cận Bình nhấn mạnh “Trị nước theo pháp luật (Y pháp trị quốc) trước tiên là căn cứ vào Hiến pháp, nắm quyền dựa theo Hiến pháp, mấu chốt là cầm quyền dựa theo Hiến pháp”.
Ngày 3/9/2014, Liên hợp Tảo báo (Zaobao) đăng bài viết của ông Tiền Cương (Qian Gang), Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Thông tin và Truyền thông Đại học Hồng Kông, tựa bài là “Tại sao không thấy Tập Cận Bình trị nước theo Hiến pháp”. Bài viết chỉ ra: Từ sau Đại hội 18, nhiều lần ông Tập Cận Bình nhắc đến “Trị nước theo Hiến pháp”, “Cầm quyền theo Hiến pháp”, nhưng bị Ban Tuyên truyền bỏ qua.
Sau đó, tờ Minh Kính bình luận: Ban Tuyên truyền Trung ương tự ý lược bỏ ý của Tổng Bí thư gây sóng gió chính trị… Những lược bỏ này “khiến Tập Cận Bình phẫn nộ”. Trưởng ban Tuyên truyền Lưu Kỳ Bảo lo lắng có thể mất chức vì chuyện này.
Vương Hỗ Ninh khởi xướng ý niệm trị quốc cho Tập Cận Bình
Theo Thời báo Hoàn Cầu, ngày 27/3/2012, ông Vương Hỗ Ninh từng có bài “Vương Hỗ Ninh: Bắt tay vào cải cách chính trị, phải nhìn lại sâu sắc bài học Cách mạng Văn hóa”, bài viết được đăng tải sau sự kiện ông Bạc Hy Lai bị kỷ luật.
Bài viết nhấn mạnh vấn đề tam quyền phân lập; nhưng thời đầu cải cách phải trải qua giai đoạn “độc tài” giống thời Tưởng Kinh Quốc (con cố lãnh tụ Đài Loan Tưởng Giới Thạch) trước đây. Bài viết còn nhận định, xu hướng tổng thể của con đường cải cách Tập Cận Bình sau này sẽ có thể như vậy.
Ngày 12/11 vừa qua, Đài RFI (Pháp) thực hiện chuyên mục phỏng vấn biên tập viên Hạ Lan Nhã (He Lanre) của tờ Minh Kính và có nhắc đến cách nhìn nhận của nhân sĩ bình luận nổi tiếng Thảo Am qua bài viết “Vương Hỗ Ninh vào Ban Thường vụ, Tập Cận Bình chuyển quân cờ chiến lược” được đăng trên Tạp chí Waicanzazhi, theo đó tác giả cho rằng ông Vương Hỗ Ninh là con cờ ngầm trong kế hoạch chuyển đổi chiến lược của ông Tập Cận Bình sau này.
Biên tập viên Hạ Lan Nhã nói: Khác với đa số người, ông Thảo Am đặt nhiều hy vọng vào ông Tập Cận Bình, những lãnh đạo nhiệm kỳ mới này đích thân trải qua sự kiện Thiên An Môn, vì thế về tư tưởng họ hướng theo ông Triệu Tử Dương và ông Hồ Diệu Bang. Nhưng hiện nay họ vẫn đi theo con đường cũ của ĐCSTQ vì họ cần tiếng nói tồn tại trong Đảng, không thể không thuận theo tình hình hiện có.
Nhà bình luận Thảo Am còn cho rằng, từ sau năm 1989 đến nay (sau sự kiện Thiên An Môn), về cơ bản Trung Quốc đã hoàn thành cải cách kinh tế; xã hội Trung Quốc đã đi được bước đầu của mô hình chủ nghĩa tư bản. Nhưng phát triển kinh tế tại Trung Quốc lại kéo theo những hệ quả tiêu cực, như vấn đề môi trường, tài nguyên và nô lệ lao động; những vấn đề này đã không còn là vấn đề kinh tế mà trở thành vấn đề chính trị. Lãnh đạo ĐCSTQ và tham mưu của họ đã nhận ra được điểm này. Ngoài ra, trong hoạt động ngoại giao quốc tế, Trung Quốc cũng gặp thách thức vì vấn đề mô hình chính trị. Những điều này khiến cho vấn đề chuyển đổi mô hình chính trị của ĐCSTQ là khó tránh.
Quyền lực thực sự của ông Vương Hỗ Ninh sau khi vào Ban Thường vụ khóa 19
Ngày 13/11 vừa qua, trang mạng cộng đồng bình luận thời sự chính trị Trung Quốc “Tri huyện đường Trường An” đăng bài viết tựa đề “Sau bố trí Vương Hỗ Ninh, 36 ngả đường bao phủ toàn quốc”, nhấn mạnh thông tin Ủy viên Thường vụ mới nhậm chức Vương Hỗ Ninh bắt đầu “tuyên giảng” tinh thần Đại hội 19 trên toàn quốc. Trong 36 thành viên thuộc đoàn đi “tuyên giảng” này có 3 vị là Ủy viên Bộ Chính trị khóa 19, lần lượt là: Dương Hiểu Độ, Phó Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương kiêm Bí thư Ban Bí thư Trung ương; Trần Mẫn Nhĩ, Bí thư Ủy ban Thành phố Trùng Khánh, Bí thư Ban Bí thư Trung ương; Hoàng Khôn Minh, Trưởng ban Tuyên truyền Trung ương. Đây là lần đầu tiên các Ủy viên Bộ Chính trị đích thân tham gia vào Đoàn Tuyên giảng Trung ương đi tuyên giảng.
Trước đó ngày 8/11, trang mạng “Đa chiều” (Dwnew) có bài phân tích rằng, việc ông Trần Hi chỉ là Ủy viên Bộ Chính trị được nhậm chức Hiệu trưởng Trường Đảng Trung ương, điều này đã phá vỡ thông lệ gần 30 năm chức vụ này luôn do Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phụ trách. Còn công tác tổ chức nhân sự luôn do ông Tập Cận Bình trực tiếp quản lý, vì thế nhiệm vụ trọng tâm của ông Vương Hỗ Ninh là công tác tuyên truyền. Phân tích chỉ ra, ông Vương Hỗ Ninh có thể theo tiền lệ của ông Tập Cận Bình, sẽ nhậm chức Phó Chủ tịch nước vào “lưỡng hội” sang năm. Ngoài phụ trách công tác tuyên truyền thay ông Lưu Vân Sơn, quyền lực thực sự của ông Vương Hỗ Ninh lớn thế nào cũng đang được chú ý.
Đài Á châu Tự do (RFA) ngày 10/11 có phân tích cho rằng, tại Hội nghị toàn thể lần thứ nhất ĐCSTQ khóa 19, nội bộ đã bố trí ông Quách Thanh Côn lên thay chức Bí thư Ban Chính pháp của ông Mạnh Kiến Trụ, đồng thời bố trí vào Ủy viên Bộ Chính trị và Bí thư Ban Bí thư Trung ương, điều này hàm ý ông Vương Hỗ Ninh xưa nay là Thường trực Ban Bí thư Trung ương sẽ thay mặt ông Tập Cận Bình quản lý Ban Chính pháp. Quyền lực này trong suốt nhiệm kỳ 5 năm làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị ông Lưu Vân Sơn chưa cũng chưa có.
Ông Tập Cận Bình nghiên cứu cải cách chính trị sau Đại hội 19
Theo nguồn tin từ nội bộ Trung Nam Hải: sau Đại hội 19 kết thúc vài ngày, ông Tập Cận Bình đã có buổi họp kín cùng các trợ tá tại Trung Nam Hải. Chủ đề buổi họp là thảo luận, phân tích về tính khả thi của cải cách Hiến pháp dân chủ dưới tình hình mới. Đáng chú ý là người khởi xướng hội nghị này không phải bản thân ông Tập Cận Bình mà là một Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khác. Ông Tập chủ trì hội nghị này nhưng không phát biểu ý kiến, chủ yếu lắng nghe quan điểm của mọi người. Có hơn 10 người tham gia hội nghị này.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Giang Trạch Dân Đại hội 19 Vương Hỗ Ninh Tập Cận Bình