Tập Cận Bình tập quyền phá vòng vây, đối thủ khống chế bằng quy tắc trong Đảng
- Tuyết Mai
- •
Truyền thông Pháp đã có tổng kết những diễn biến chính trị quan trọng của Trung Quốc trong vài tháng, theo đó cho rằng ông Tập Cận Bình đã đánh đổ những giá trị mà ông Đặng Tiểu Bình gây dựng. Nhưng cũng có phân tích chỉ ra, gần đây ông Tập có những “hành động thần phục” giới “quyền quý” và “phe bảo thủ”…
Trong những diễn biến chính trị Trung Quốc từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền, một trong những động thái chính trị quan trọng là việc ông Đặng Tiểu Bình từng bước tháo bớt tình trạng tập quyền từ thời cố lãnh đạo Mao Trạch Đông, phá bỏ quy tắc lãnh tụ trọn đời, xây dựng hệ thống giá trị phân tách quyền lực của Đảng và Chính phủ. Vậy mà đến Đại hội 19 này, cục diện này đã bị ông Tập Cận Bình lật đổ. Tuy nhiên có nhận định, dù ông Tập Cận Bình có quyền lực lớn mạnh nhưng đấu tranh giữa các phe phái trong ĐCSTQ không hề thuyên giảm, những thế lực lợi ích vẫn có khả năng dùng những nguyên tắc trong Đảng ràng buộc ông Tập. Đây chính là khó khăn lớn của ông Tập Cận Bình hiện nay.
Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, quy tắc người kế nhiệm suy sụp
Ngày 6/11, Đài RFI (Pháp) nhận định, trong nhiệm kỳ đầu cầm quyền, dưới trợ giúp đắc lực của ông Vương Kỳ Sơn giương cao ngọn cờ chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình đã từng bước giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh quyền lực.
Trước đó, ngày 24/7, ông Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài “ngã ngựa”, khi đó có phân tích cho rằng, sự việc cho thấy chế độ người chỉ định cách khóa đã hoàn toàn sụp đổ.
Ngày 25/7, trong tập 9 phim tư liệu chuyên đề “Sẽ thực hiện cải cách triệt để” phát trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), ông Tôn Chính Tài lần đầu bị xếp chung cùng các cựu lãnh đạo “ngã ngựa” Chu Vĩnh Khang và Bạc Hy Lai. Ngày 24/10 bế mạc Đại hội 19, theo nhận định từ Báo cáo Công tác Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương thông qua tại Đại hội, ông Tôn Chính Tài và Chu Vĩnh Khang là những nhân vật có dã tâm chính trị cực đoan, mưu đồ chính biến. Chủ tịch Ủy ban Giám sát Chứng khoán Trung Quốc Lưu Sĩ Dư còn nhấn mạnh: “Tôn Chính Tài đã là trùm tham ô, trùm tham nhũng, lại âm mưu soán đảng đoạt quyền.”
Ngày 26/10, Tân Hoa xã Trung Quốc đăng bài “Chia sẻ của lãnh đạo trung ương khóa mới”, trong đó có viết: “Những đối tượng như Chu Vĩnh Khang, Tôn Chính Tài, Lệnh Kế Hoạch mà trung ương đã xét xử luôn hành động vô tổ chức, lợi dụng hội nghị để tiến cử nhằm lôi kéo mua chuộc cử tri…”
Trước bế mạc Đại hội 19, giới quan sát ngoài Trung Quốc có nhiều dự đoán cho rằng tại Đại hội 19 lần này ông Tập Cận Bình sẽ không “chỉ định cách khóa” người kế nhiệm, hàm ý rằng ông Tập Cận Bình sẽ một mình tập quyền, làm “lãnh tụ trọn đời”.
Những cách làm mới để tăng cường quyền lực
Trước đây, ông Đặng Tiểu Bình từng nhấn mạnh phải phân tách giữa Đảng và Chính phủ, từng bước thực hiện bầu cử trong Đảng, mục đích nhằm giữ cân bằng giữa các phe trong Đảng…
Nhưng Đại hội 19 này đã “có nhiều thay đổi”.
Trên Tân Hoa xã có bài phân tích chỉ ra, về vấn đề chọn người lãnh đạo tối cao ĐCSTQ đã có kinh nghiệm và giáo huấn. Vì thế phải tìm kiếm phương thức mới, hành động mới trong chọn người tại Đại hội 19, từ bỏ cách “tiến cử tại hội nghị”, thay vào là “trưng cầu ý kiến trực diện”. Theo đó, từ cuối tháng Tư đến tháng Sáu, ông Tập Cận Bình đã đặc biệt thu xếp thời gian nói chuyện cùng các nguyên lão và Ủy viên Ủy ban Quân sự Trung ương, đề cập đến 57 người, lắng nghe ý kiến của họ để chọn lựa người vào Bộ Chính trị Đại hội 19.
Theo RFI, cách chọn nhân sự này của ông Tập Cận Bình đã thành công. Quá trình nói chuyện này cũng là quá trình thể hiện thực lực, là quá trình uy hiếp đối thủ, qua trò chuyện mà ông Tập Cận Bình biết rõ ngọn nguồn nhiều việc, thu nạp được những người mà trước đó đang phân vân. Cuối cùng biến những điều kiện tuyển chọn nhân sự này thành tiêu chuẩn áp dụng trong toàn Đảng.
Ngày 27/10, tại Phiên họp toàn thể đầu tiên của Bộ Chính trị Trung ương khóa mới đã có yêu cầu tất cả các Ủy viên Bộ Chính trị hàng năm phải có văn bản báo cáo toàn bộ quá trình công tác với Trung ương và Tổng Bí thư. Có bình luận cho rằng, điều này cho thấy ông Tập Cận Bình đã tiến thêm một bước trong khuếch trương quyền lực tại nhiệm kỳ thứ hai này.
Vẫn phải đối diện với sự phản công của phái Giang
Nhưng truyền thông Pháp cũng có phân tích chỉ ra, tuy thế lực của ông Tập Cận Bình hùng mạnh thì cũng không thể xem thường thế lực của các cựu lãnh đạo. “7 lên” không có gì chắc, “8 xuống” vẫn duy trì, cho nên ngay cả “vua chống tham nhũng” Vương Kỳ Sơn, bạn thân của ông Tập Cận Bình, cuối cùng vẫn phải thoái lui. Còn thân tín của ông Tập là Trần Mẫn Nhĩ cũng không thể vượt cấp vào thẳng Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Dĩ nhiên người tiếp quản chỉ định cách khóa là ông Hồ Xuân Hoa cũng không vào được Ban Thường vụ.
Dù nhiều bình luận cho rằng, tuy ông Tập Cận Bình không thắng lợi 100%, nhưng cũng thắng lợi đến 80%. Hiện nay, đa số các cơ quan truyền thông trong và ngoài Trung Quốc Đại Lục đều chung nhận định ông Tập Cận Bình là một trong những lãnh đạo có quyền lực nhất trong lịch sử ĐCSTQ.
Ngoại giới còn nhận định, sau Đại hội 19, ông Tập Cận Bình sẽ còn tập quyền mạnh hơn nhiều. Nhận định này không sai, vì không chỉ trước đó ông Tập đã thành công trong bố trí quyền lực thông qua sắp xếp các Tiểu tổ lãnh đạo về chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, chính sách dân tộc, sự vụ Hồng Kông – Ma Cao – Đài Loan, sau đó còn thành công đưa hàng loạt “quân nhà Tập” vào danh sách hạt nhân tại Đại hội 19.
“Quân nhà Tập” không chỉ kiểm soát những vị trí quan trọng tại Bắc Kinh mà còn ở khắp các địa bàn khác. Ví như Thị trưởng Thượng Hải Ứng Dũng về Bắc Kinh, Hoàng Côn Minh thay Lưu Cơ Bảo làm Bộ trưởng Tuyên truyền, Lưu Hạc làm Phó Thủ tướng, Trần Hy nhậm chức Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Lý Cường thay Hàn Chính làm Bí thư Thượng Hải…
Tuy nhiên, một quan chức tại Trung Nam Hải (giấu tên) chỉ ra, đại ý: Đa số những nhân vật được ông Tập Cận Bình đưa lên lần này, trong mắt giới quyền quý trong Đảng thì “về cơ bản không đáng để họ nhắc tên”. Đại hội 19 cho thấy thực lực của giới quyền quý trong Đảng còn hùng hậu, họ để cho ông Tập “đeo gông”, ông Tập cũng buộc phải cúi đầu trước “quy tắc”. Phương pháp duy nhất giúp Tập đảm bảo vị trí lãnh đạo là nói theo, làm theo xu thế của giới quyền quý trong Đảng để bảo toàn đội ngũ của mình, nuôi hy vọng “chờ gió phất cờ”.
Gần đây, ông Tập Cận Bình đã dẫn 6 Ủy viên Thường vụ đến hội nghị ở Thượng Hải, giơ tay tuyên thệ mãi mãi không phản Đảng. Có nhà quan sát cho rằng đây là “hành động thần phục” của ông Tập Cận Bình trước giới “quyền quý” và “phe bảo thủ”. Hiện nay ông Tập Cận Bình vẫn phải đối diện với phản công của thế lực phái Giang, cho dù “quân nhà Tập” chiếm ưu thế trong ủy viên Bộ Chính trị khóa mới, nhưng cuộc đấu giữa các phe trong ĐCSTQ vẫn còn rất gay cấn, thế lực lợi ích vẫn dùng quy tắc trong Đảng ràng buộc ông Tập, đây là khó khăn lớn hiện nay của ông Tập Cận Bình.
Tuyết Mai
Xem thêm:
Từ khóa Đại hội 19 Tôn Chính Tài đấu đá nội bộ ĐCSTQ Kế nhiệm cách khóa Tập Cận Bình Vương Kỳ Sơn