Tiêu Ngạn Nhuệ, người sáng lập “EsuWiki“, đã tiết lộ với giới truyền thông vào ngày 23/2 rằng các kênh tiết lộ thông tin cá nhân gia đình của ông Tập Cận Bình gồm người con gái Tập Minh Trạch, anh rể Đặng Gia Quý và bản thân chính ông Tập, đến từ hệ thống dữ liệu lớn (big data) được thành lập bởi giới chức. Những cảnh sát bán thông tin về gia đình ông Tập đã bị xử lý nội bộ. Ngoài ra, người thân của Tiêu Ngạn Nhuệ ở Đại Lục cũng bị chính quyền đe dọa phải khai ra tung tích của anh ở nước ngoài. Động thái này bị tình nghi là mở đường cho việc bắt giữ xuyên biên giới.

p2883431a292388959
Theo những người thạo tin tiết lộ, thông tin gia đình ông Tập được lấy từ hệ thống an ninh công cộng thông qua việc mua bán. Chi phí mua thông tin cá nhân của ông Tập Cận Bình là 6.000 nhân dân tệ. (Ảnh: Đài Á Châu Tự Do)

Đài Á Châu Tự Do đưa tin Tiêu Ngạn Nhuệ, người sáng lập “Esu Wiki“, và “Zhina Wiki” tạm trú tại Nhật Bản, tiết lộ rằng vụ rò rỉ thông tin cá nhân của cô Tập Minh Trạch, con gái ông Tập Cận Bình, không phải do tin tặc lấy được, mà là từ nhiều hệ thống kiểm soát thông tin công dân khác do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thành lập, bao gồm công an, cảnh sát giao thông, đội kiểm tra biên giới, và được mua lại bằng tiền.

Theo mô tả của Tiêu Ngạn Nhuệ, Internet đã tiết lộ thông tin danh tính cá nhân của ông Tập Cận Bình vào đầu tháng 9/2018, nhưng không thu hút nhiều sự chú ý của dư luận vào thời điểm đó. Sau đó, thông qua thông tin cá nhân của ông Tập Cận Bình, người ta từng bước có được thông tin danh tính các thành viên trong gia đình ông, gồm cả cô con gái Tập Minh Trạch. Anh ta nói rằng thông tin hộ chiếu xuất nhập cảnh của cô Tập Minh Trạch được mua với giá cao, sau đó người mua đã lan truyền thông tin này lên mạng Internet.

Tiêu Ngạn Nhuệ nói: “Về cơ bản, thông tin được bán từ hệ thống an ninh công cộng trước khi nó được lưu hành trong dân chúng”. “Hệ thống đăng ký hộ khẩu của Trung Quốc được chia thành nhiều loại. Ảnh hộ khẩu và số chứng minh thư của  ông Tập Cận Bình đến từ hệ thống đăng ký hộ khẩu của công an”.  Thông tin cá nhân của ông Tập Cận Bình được trả với giá 6.000 nhân dân tệ (tương đương gần 13 triệu VNĐ). Sau đó họ tìm ra số chứng minh thư của con gái ông thông qua thông tin của gia đình, và nhập số chứng minh thư đó vào hệ thống giáo dục của tỉnh Chiết Giang, để tìm được ảnh nhận dạng ban đầu của cô ấy. Sau đó, ai đó đã chi rất nhiều tiền để tìm kiếm thông tin về hệ thống xuất nhập cảnh của cô Tập Minh Trạch, và tải nó lên “Zhina Wiki”“Zhina Red”.

Tiêu Ngạn Nhuệ nói rằng việc bộ phận quản lý thông tin công dân bán thông tin cá nhân của công dân đã trở thành một dây chuyền công nghiệp đen. Anh còn tiết lộ thêm rằng phải mất khoảng 15 nhân dân tệ (tương đương gần 350.000 VNĐ) để có được một mẩu thông tin công dân từ “Trạm cảnh sát cơ động” trong tay cảnh sát giao thông. Trong khi muốn có được một mẩu thông tin cá nhân hoặc thông tin gia đình, thông qua biện pháp truy vấn của Cục An ninh chỉ tốn 60 tệ đến 150 tệ (tương đương gần 1,4 triệu đến gần 3,5 triệu VNĐ).

Đối với “Vụ án Esu Wiki “, căn cứ buộc tội của nhà chức trách là “vi phạm thông tin cá nhân của công dân”. Tiêu Ngạn Nhuệ tin rằng đây là một biện pháp xử lý kỹ thuật đối với một vụ án chính trị. Theo tìm hiểu của anh, những công an thực sự bán thông tin về ông Tập Cận Bình và gia đình ông đều đã bị xử lý nội bộ. Tiêu Ngạn Nhuệ cũng chỉ ra rằng “nhân chứng Đặng x Quý” trong phán quyết sơ thẩm có lẽ là ông Đặng Gia Quý, anh rể của ông Tập Cận Bình. Nhưng khẩu cung của ông ta cũng có những lời khai giả, vì thông tin cá nhân của ông Đặng Gia Quý chưa bao giờ xuất hiện trên trang web Esu Wiki.

“Trang web của chúng tôi chỉ biết luồng thông tin này, nhưng thực tế không phải chúng tôi là người làm điều đó. Bất cứ ai đăng ký trên trang web này đều có thể tải lên.” Tiêu Ngạn Nhuệ nhấn mạnh: “Không phải chúng tôi xâm nhập hệ thống của họ để lấy thông tin cá nhân, hoặc chúng tôi tiết lộ thông tin của người khác. Tiết lộ thông tin của Trung Quốc là chuyện vô cùng nghiêm trọng. Nhưng vụ án này đề cập đến việc rò rỉ thông tin cá nhân của công dân. Tôi không dám tùy tiện đồng ý với họ. Việc cảnh sát bán thông tin này hoàn toàn khác với việc chúng tôi ‘tiết lộ thông tin công dân.’ Vụ án này vốn rất phi lý, nhưng họ lại khăng khăng đòi hợp lý hóa.”

Hiện tại, Sở Công an tỉnh Quảng Đông và Cục Công an, kiểm sát và tòa án tại địa phương Mậu Danh e rằng đang đứng ngồi không yên trước sức ép của dư luận liên quan đến vụ án “Esu Wiki“. Cách đây vài ngày, họ đã cử người đến quê nhà của Tiêu Ngạn Nhuệ ở Trùng Khánh, nhằm gây áp lực với người nhà và điều tra nơi ở của anh.

Trả lời về trường hợp này, bà Vương Vũ, luật sư nhân quyền tại Trung Quốc, nói rằng những cáo buộc của giới chức là rất vô lý. Bởi ĐCSTQ vốn sử dụng công nghệ cao để kiểm soát thông tin của tất cả công dân, trong hệ thống này, không ai được an toàn. Nhưng khi vấn đề động đến gia đình ông Tập, nhà chức trách lại xử lý như thể một vụ án chính trị.

Bà Vương Vũ tin rằng sau khi vụ án “Esu Wiki” được công bố rộng rãi trên toàn thế giới, đây sẽ là một nỗi ô nhục cho cả chính quyền ĐCSTQ và nền pháp trị ở Trung Quốc.

Tháng 5/2019, các trang web “Zhina Red” “Zhina Wiki” ở nước ngoài liên tiếp tiết lộ thông tin cá nhân của cô Tập Minh Trạch và ông Đặng Gia Quý, sau đó gây ra một chủ đề nóng trên các nền tảng mạng xã hội .

Cảnh sát Internet Mậu Nam tham gia xử lý vụ án đã bắt giữ và kết án 24 thành viên của “Esu Wiki” ở Trung Quốc. Trong đó, Ngưu Đằng Vũ, chàng trai điều hành trang web mới chỉ 20 tuổi, bị cáo buộc là “thủ phạm chính” và bị kết án lên đến 14 năm tù, đồng thời phải nộp phạt 130.000 nhân dân tệ (tương đương 3 tỷ VNĐ)

Thiên Bình, Vision Times

Xem thêm: