Sự “rớt đài” đầy kịch tính của cháu rể ông Đặng Tiểu Bình
- Anh Việt
- •
Chủ tịch tập đoàn An Bang, ông Ngô Tiểu Huy, được tin là ống dẫn tiền cho phe phái chính trị của ông Giang Trạch Dân.
Năm 2014, trước sự bàng hoàng của giới kinh doanh bất động sản Mỹ, khách sạn Waldorf-Astoria nổi tiếng trên phố Park Avenue đã được bán cho một công ty Trung Quốc ít được biết đến. Đó chính là Tập đoàn Bảo hiểm An Bang có trụ sở tại Bắc Kinh, được biết đến vì những vụ mạnh tay thâu tóm tài sản ở hải ngoại, bao gồm nỗ lực thất bại năm 2016 để mua tập đoàn khách sạn và khu nghỉ dưỡng Starwood. Tại thời điểm đó, các công ty Trung Quốc đang tham gia vào một chiến dịch thâu tóm toàn cầu, và An Bang có vẻ như là công ty đứng đầu trong số đó.
Nhưng chỉ một năm sau, tập đoàn An Bang bay cao một thời đã đột nhiên rớt xuống đất.
Theo nguồn tin nói với Bloomberg hôm 15 tháng 6, Chủ tịch tỷ phú của An Bang, Ngô Tiểu Huy, đã bị chính quyền Bắc Kinh bắt giam. Trong khi đó, một số ngân hàng quốc doanh của Trung Quốc đã được lệnh ngừng việc hợp tác với công ty này. Hơn 30.000 nhân viên và gần 300 tỷ đô-la tài sản của tập đoàn này đang bị treo lơ lửng.
Hôm 9 tháng 6 vừa qua, các điều tra viên chống tham nhũng ở Bắc Kinh đã bắt giam ông Ngô, theo tờ Financial Times. Trong khi chưa rõ liệu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương có công bố điều tra chính thức đối với ông Ngô hay không, cho đến nay, ông này chắc chắn là lãnh đạo doanh nghiệp nổi tiếng nhất bị động đến bởi những nỗ lực chống tham nhũng rộng khắp của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình.
Thời An Bang lên như diều gặp gió
Chỉ trong một thời gian ngắn, An Bang từ một công ty tương đối ít người biết đến đã trở thành một trong những chủ sở hữu tài sản ở nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc. Trước khi các hoạt động của công ty này bị hạn chế, An Bang nổi tiếng trong các quỹ đầu tư cổ phần tư nhân và trùm bất động sản phương Tây như là một đối thủ mạnh trong việc thu mua các tài sản.
Ông Ngô và An Bang đã vun trồng mạng lưới các mối quan hệ về chính trị và kinh doanh rộng lớn ở nước ngoài. Ông Ngô được biết là thân với Jonathan Gray, người phụ trách toàn cầu mảng bất động sản của Tập đoàn Blackstone – quỹ đầu tư cổ phần tư nhân khổng lồ của Mỹ. Một số thương vụ thu mua tài sản gần đây của An Bang là mua lại từ Blackstone. Ông Ngô cũng đã thảo luận để mua cổ phần trong tòa nhà văn phòng ở Manhattan dưới quyền sở hữu của Jared Kushner, con rể và cố vấn cao cấp của Tổng thống Donald Trump, nhưng thương vụ này đã bị hủy bỏ hồi tháng 3.
Hiện nay, khối tài sản nổi tiếng của An Bang ở nước ngoài bao gồm Khách sạn Waldorf-Astoria, và tòa nhà ở số 717 phố Fifth Avenue nổi tiếng ở New York, chuỗi khách sạn và khu nghỉ dưỡng Strategic có trụ sở ở Chicago, công ty bảo hiểm của Bỉ Fidea, ngân hàng Bỉ Delta Lloyd, và một cổ phần kiểm soát trong công ty bảo hiểm nhân thọ của Hàn Quốc Tongyang Life Insurance.
“Găng tay trắng”
Sự rớt đài đột ngột của An Bang có vẻ cũng bất ngờ như lúc nó bay lên nhanh chóng. Điều gì đã làm ông Ngô Tiểu Huy, người đã lãnh đạo một tập đoàn được tờ Financial Times (Anh) miêu tả năm 2016 là “một trong những công ty có mối quan hệ chính trị mạnh nhất của Trung Quốc” “ngã ngựa”?
Ở Trung Quốc, việc kinh doanh luôn do chính trị chèo lái. Và mạng lưới các mối quan hệ chính trị của ông Ngô rất có thể cũng đã đưa Ngô vào rắc rối.
Ông Ngô cũng đã thảo luận để mua cổ phần trong tòa nhà văn phòng ở Manhattan dưới quyền sở hữu của Jared Kushner.
Lý lịch của ông Ngô, cũng như nhiều ông trùm Trung Quốc khác, tương đối bí ẩn. Sinh ra ở Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, ông Ngô đã thành lập An Bang như một công ty bảo hiểm nhỏ vào năm 2004. Gia tài của ông Ngô đã tăng lên sau khi cưới bà Trác Nhiễm (Zhuo Ran), cháu ngoại của cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc Đặng Tiểu Bình.
Các phương tiện truyền thông tiếng Hoa tại hải ngoại cho biết ông Ngô và bà Trác Nhiễm hiện đã ly dị, mặc dù ông Ngô và An Bang đã công khai phủ nhận những thông tin đó.
Ông Ngô, 50 tuổi, được tin là một đồng minh thân cận của một phe phái chính trị có tầm ảnh hưởng và đối lập với sự lãnh đạo của ông Tập. Ông Giang Trạch Dân là lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong hơn 10 năm (1989-2002) và vẫn tiếp tục gây ảnh hưởng đến chính quyền Trung Quốc qua một mạng lưới các đồng minh thêm 10 năm nữa (2002-2012). Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, ông Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc chiến để nhổ tận gốc sự ảnh hưởng của ông Giang Trạch Dân và phe phái của ông này.
Một nguồn tin thân cận với Trung Nam Hải tiết lộ với một tờ báo hải ngoại rằng An Bang và ông Ngô có mối quan hệ thân thiết với gia đình ông Tăng Khánh Hồng, cựu Phó Chủ tịch Trung Quốc, Ủy viên Ban thường vụ Bộ Chính trị đầy quyền lực, và một người thân tín lâu năm của ông Giang Trạch Dân.
Nguồn tin này nói rằng cả ông Ngô và Tiêu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) – tỷ phú Trung Quốc và là chủ của Tập đoàn Tomorrow, người đã bất ngờ bị đưa trở về Bắc Kinh từ Hồng Kông để điều tra hồi đầu năm nay – là những “chiếc găng tay trắng” chủ chốt hay là những kẻ rửa tiền của gia đình ông Tăng và phe ông Giang Trạch Dân.
Nguồn tin này nói thêm rằng Ngô và Tiêu đã dùng những giao dịch tài chính để chuyển và rửa tiền ra nước ngoài thay mặt cho phe ông Giang Trạch Dân, trong khi đồng thời đặt cược vai trò của họ như những ông trùm doanh nghiệp để theo dõi và tác động đến các quan chức cao cấp của nước ngoài.
Có những câu hỏi xung quanh nguồn gốc vốn của An Bang. Công ty này được thành lập năm 2004 như một doanh nghiệp bảo hiểm nhỏ với chỉ khoảng 73 triệu đô-la tiền vốn và cuối cùng đã trở thành một công ty khổng lồ với tài sản hơn 292 tỷ đô-la.
Vốn của An Bang đột nhiên phồng lên vào năm 2014, với một số nhà đầu tư bí ẩn đổ tổng cộng hơn 7,3 tỷ USD vào công ty này. Nghiên cứu của Caixin, một tạp chí kinh doanh được tin tưởng ở Đại Lục, phát hiện ra rằng một số trong 39 nhà đầu tư của An Bang là những công ty bí ẩn như đại lý ô-tô, bất động sản, và khai thác mỏ mà đôi khi dùng chung các địa chỉ gửi thư, nhiều cái trong số đó có liên quan đến Ngô. Cũng có một xu hướng rằng những nhà đầu tư lớn ở cấp nhà nước đang cắt giảm phần vốn sở hữu của họ, trong đó SAIC Motor và Sinopec giảm mức sở hữu của họ từ 20% mỗi công ty xuống còn tương ứng là 1,2% và 0,5%.
Tập đoàn bảo hiểm này cũng dựa vào quỹ từ việc bán những sản phẩm quản lý tài sản rủi ro được gọi là hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phổ quát. Những sản phẩm này, vốn là một sự lai tạp giữa trái phiếu và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đưa ra tỷ lệ lãi suất cao và đã trở nên cực kỳ nổi tiếng với những người tiêu dùng không thỏa mãn với lãi suất gửi tiền ở ngân hàng chỉ khoảng 1%.
Chấn chỉnh ngành bảo hiểm “dã man”
Ông Tập Cận Bình đã đưa việc cải cách ngành tài chính là một trọng tâm chủ yếu năm nay. Tại một bài phát biểu hôm 21 tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã hối thúc các cơ quan có thẩm quyền tiến hành các biện pháp mạnh mẽ để phòng ngừa tham nhũng trong ngành tài chính, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi việc xuất hiện ngân hàng đen, các tài sản xấu, và việc cấp vốn bất hợp pháp qua Internet, theo phương tiện truyền thông nhà nước Tân Hoa Xã.
Ông Tập cũng cho thấy rằng mình không sợ việc thách thức những người đứng đầu ngành này vốn có những mối quan hệ chính trị rộng khắp. Việc bắt giam ông Ngô là hành động mới nhất trong một chuỗi những hành động kỷ luật gần đây được thực hiện đối với các quan chức cao cấp trong ngành tài chính, và cho đến nay, với ngành bảo hiểm như một bãi chiến trường. Vào tháng 2, Diêu Chấn Hoa (Yao Zhenhua), Chủ tịch tập đoàn tài chính Bảo Năng (Baoneng) đã bị cấm không được hoạt động trong ngành bảo hiểm trong 10 năm. Hồi tháng 4, cựu lãnh đạo Ủy ban Quản lý Bảo hiểm Trung Quốc Hạng Tuấn Ba (Xiang Junbo) đã bị đặt dưới sự điều tra.
Có nguồn tin thân cận với Trung Nam Hải cho rằng ban lãnh đạo của ông Tập hiện đang tập trung vào xử lý tham nhũng trong ngành tài chính Trung Quốc trong năm 2017.
Ngành bảo hiểm của Trung Quốc đã thu được quyền lực rất lớn – và cả những tranh cãi – trong 6 năm qua, một giai đoạn nới lỏng quản lý dưới thời cựu lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước của ngành này là ông Hạng Tuấn Ba.
Từ năm 2012 đến 2016, ngành bảo hiểm của Trung Quốc đã tăng trưởng chung là 14,3%, và bảo hiểm phi nhân thọ tăng trưởng 16,5%, theo dữ liệu của Munich Re. Năm ngoái, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản để trở thành thị trường bảo hiểm lớn thứ 2 thế giới về phí đóng bảo hiểm.
Trong giai đoạn này, ngành bảo hiểm đã biến thành một hang ổ của những kẻ cướp công ty.
Các công ty bảo hiểm theo truyền thống là pháo đài của sự cẩn trọng và dè dặt, nắm giữ những tài sản ổn định như trái phiếu chính phủ và trái phiếu công ty. Các công ty bảo hiểm theo đặc tính phải coi việc bảo toàn vốn của các khách hàng của mình là ưu tiên cao nhất. Những tài sản này cũng có tính thanh khoản cao và có thể dễ dàng được bán đi để trả lại cho các khách hàng.
Với một đống tiền từ các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ phổ quát, các công ty bảo hiểm Trung Quốc đã bắt đầu một chiến dịch chi tiêu, mua về nhiều tài sản rủi ro vốn thường không đi cùng với bảo hiểm như cổ phiếu, bất động sản, và các công ty nước ngoài. Những tài sản đó rủi ro và không có tính thanh khoản cao, và có thể gây trở ngại cho khả năng của công ty bảo hiểm trong việc trả lại cho khách hàng khi cần thiết.
Những công ty bảo hiểm gần gũi nhất với những cách đầu tư như vậy là Evergrande Life, Foresea Life – một bộ phận của Baoneng – và An Bang. Mô hình kinh doanh của những công ty này rất giống với một quỹ đầu tư cổ phần tư nhân, nơi vốn rất đắt đỏ và hiệu quả đầu tư là mục tiêu chính.
Năm ngoái, Foresea và Evergrande đã thu mua một cổ phẩn lớn trong công ty phát triển bất động sản nhà ở là China Vanke. Một tranh chấp công khai và kéo dài nhằm nắm quyền kiểm soát Vanke từ nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Vương Thạch (Wang Shi) – một trong những chủ doanh nghiệp nổi tiếng nhất ở Trung Quốc – đã diễn ra sau đó, tạo ra một cơn bão lửa trên thị trường mà cuối cùng đã bị dập tắt sau khi Bắc Kinh can thiệp hồi tháng 12.
Vào cuối năm 2016, cơ quan quản lý nhà nước ngành bảo hiểm của Trung Quốc đã phê phán toàn bộ ngành bảo hiểm trong nước, gọi việc mua sắm mạnh tay của ngành nhằm vào các công ty Trung Quốc là “dã man”. Ông Vương Thạch cũng miêu tả việc tích lũy cổ phiếu của Foresea là “man rợ”, ý nói đến một cuốn sách xuất bản năm 1989 có tên “Những kẻ man rợ ở cổng” về việc thâu tóm thù địch đối với RJR Nabisco của quỹ đầu tư cổ phần tư nhân khổng lồ Kohlberg Kravis Roberts & Co.
Chỉ trong vòng 6 tháng, ông Tập đã thay thế người đứng đầu cơ quan quản lý ngành bảo hiểm của Trung Quốc, cấm việc bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ quát, và hiện nay, đã khiến ngành công nghiệp hoang dại này phải tuân lệnh
Nhưng những năm tháng tự do không thể được sửa chữa trong ngày một ngày hai.
Foresea, vốn phụ thuộc vào tiền thu được từ việc bán các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ phổ quát, đã đưa ra một cảnh báo hồi tháng trước cho các cơ quan quản lý nhà nước, kêu gọi gỡ bỏ việc cấm những sản phẩm này “để tránh việc bạo động của các khách hàng, gây ra những rủi ro mang tính hệ thống và nhiều tổn hại đến ngành này nói chung.”
Việc nhắc đến từ “bạo động” là điều mà Đảng Cộng sản Trung Quốc rất không thích và cũng là một thách thức tiềm tàng đối với sự lãnh đạo của ông Tập. Ngành bảo hiểm cuối cùng có thể sẽ không đầu hàng một cách dễ dàng.
Anh Việt
Xem thêm:
Từ khóa Đặng Tiểu Bình Ngô Tiểu Huy Tập đoàn Bảo hiểm An Bang kinh tế Trung quốc