Sơn Tây, tỉnh sản xuất than lớn nhất Trung Quốc với 27 mỏ than, đã đóng cửa do lũ lụt và các yếu tố khác. Điều này sẽ khiến tình trạng thiếu hụt điện càng trở nên trầm trọng hơn tại quốc gia này.

p2840631a79175734
Các mỏ than ngừng hoạt động sẽ gây ra tình trạng thiếu điện trầm trọng hơn. (Ảnh: Pixabay)

Theo báo cáo của đài truyền thông nhà nước CCTV ngày 6/10, Bộ Chỉ huy khẩn cấp về thảm họa địa chất lớn tỉnh Sơn Tây, đã đưa ra thông báo rằng, do ảnh hưởng của đợt mưa lớn này, nhiều thảm họa địa chất như sạt lở đất, sập nhà đã liên tiếp xảy ra, và gây thương vong về người.

Bộ chỉ huy đã quyết định ứng phó khẩn cấp theo tiêu chuẩn “Thảm họa địa chất cấp III.” Theo thống kê chưa đầy đủ, 74 danh lam thắng cảnh hiện đang đóng cửa, 27 mỏ than và 99 mỏ khác bị đình chỉ hoạt động.

Ngày 7/10, theo báo cáo của Đài Á Châu Tự Do, ông Kim, một học giả đã nhiều lần đến thăm các mỏ than tỉnh Sơn Tây, cho biết do quanh năm khai thác quá mức và thiếu bảo dưỡng, khiến các hố rỗng xuất hiện cục bộ bên dưới bề mặt đất của tỉnh Sơn Tây. Vậy nên, mưa lớn có thể dễ dàng gây ra tình trạng sạt lở đất: “Thường xuất hiện những vụ sạt lở đột ngột. Tuy nhiên, khi gặp mưa và điều kiện mặt đất như vậy, sẽ gây ra nhiều thảm họa khác nhau, gồm trượt bùn, lở đất, sạt lở đất … và thậm chí cả lũ lụt. Có thể nói chúng bùng phát tập trung.”

Ông Vương, một cư dân tại thành phố Giới Hưu, Sơn Tây, nói rằng chính phủ một lần nữa phải dựa vào than Sơn Tây. Đồng thời nhấn mạnh đến việc tiết kiệm nguồn năng lượng và giảm phát thải. E rằng khó có thể vẹn cả đôi đường. Đất trở nên tơi xốp do khai thác than, nên trước khi được gia cố, việc tiếp tục khai thác các mỏ than đã không còn phù hợp.

Tỉnh Sơn Tây được biết đến là tỉnh sản xuất than lớn nhất Trung Quốc. Năm ngoái tỉnh này đã sản xuất hơn 1 tỷ tấn than. Trong đó 90% – 95% than nhiệt điện về cơ bản sẽ được sử dụng để phát điện. Việc chính quyền đóng cửa các mỏ than lần này, sẽ làm giảm thêm lượng than nhiệt điện vốn đã thiếu hụt.

Chỉ một tuần trước, tỉnh Sơn Tây đã ký thỏa thuận cung cấp than trung và dài hạn cho 14 tỉnh thành, gồm Hà Bắc, Phúc Kiến, Quảng Đông và Thượng Hải… Việc đóng cửa các mỏ than lần này, cũng gây ra tình trạng thiếu than và thiếu điện, khó khăn lại càng chồng chất khó khăn.

Ông Đường Tân Nguyên, nhà bình luận đặc biệt của Vision Times, đã viết một bài có tựa đề “ĐCSTQ thiếu ngoại hối trị giá 2.700 tỷ USD, người dân sẽ phải chịu đói chịu rét”. Bài viết chỉ ra rằng nguồn nhiệt điện than của Trung Quốc dùng để sản xuất điện, đang thiếu hụt nhiều nhất.

Than của Úc có chất lượng rất cao, với đặc điểm ít tro, ít lưu huỳnh và nhiệt lượng cao. Kể từ khi Trung Quốc sử dụng các biện pháp thương mại để trả đũa Úc và ban hành lệnh cấm nhập khẩu than, lượng than nhập khẩu chất lượng cao từ Úc gần như bằng 0. Hiện tại, lượng nhập khẩu than của Trung Quốc chủ yếu đến từ Indonesia, nhưng Indonesia hiện đang thắt chặt xuất khẩu than.

Ngoài ra, thiết bị của nhiều nhà máy điện, đều yêu cầu phải có loại than phù hợp. Nếu không, thiết bị sẽ bị hư hỏng. Các nhà máy điện không chỉ yêu cầu về thiết bị và các loại than phải phù hợp với nhau, mà nhà máy khí hóa trong các dự án hóa chất than, cũng yêu cầu sự tương thích của các loại than.

Ngày 29/9, theo Tân Hoa Xã, hãng thông tấn nhà nước đưa tin, tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đã diễn ra lễ ký kết hợp đồng đảm bảo cung cấp than trung và dài hạn cho 14 tỉnh, khu tự trị và thành phố.

Theo các yêu cầu liên quan, chính quyền trung ương đã cử người đến các doanh nghiệp than, nhằm đảm bảo rằng 5 tỉnh và thành phố gồm Thiên Tân, Phúc Kiến, Hà Bắc, Quảng Đông và Liêu Ninh phải có đủ than cho sản xuất điện. Ông Diêu Thiểu Phong, Giám đốc Cục Năng lượng tỉnh Sơn Tây, nói rằng tỷ lệ ký kết hợp đồng nên đạt 100% và tỷ lệ thực hiện phải được đảm bảo.

Ngày 1/10, theo một báo cáo của Bloomberg, những người hiểu nội tình tiết lộ rằng ông Hàn Chính, Phó Thủ tướng Trung Quốc, đã ra lệnh cho các công ty năng lượng quốc doanh lớn nhất, bao gồm các công ty trong ngành than, điện và dầu khí, “bằng mọi giá” phải đảm bảo nguồn cung trong mùa đông năm nay.

Tuy nhiên, hậu quả của việc cắt điện trên diện rộng của Trung Quốc vẫn tiếp tục diễn ra. Trong cuộc khủng hoảng thiếu hụt năng lượng, nhiều nơi phải cắt giảm lượng tiêu thụ điện trong lĩnh vực công nghiệp. Thậm chí một số khu dân cư còn phải đối mặt với tình trạng mất điện đột ngột. Dữ liệu cho thấy nền kinh tế của Trung Quốc đang bị thu hẹp.

Ngày 30/9, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố dữ liệu chỉ số PMI của Trung Quốc là 49,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm so với tháng 8 và giảm xuống dưới mức 50% của “Đường thịnh vượng và suy giảm” (tức giá trị quan trọng của chỉ số quản lý mua hàng (PMI) và chỉ số niềm tin của doanh nhân, phản ánh tình hình kinh tế vĩ mô, xu hướng phát triển, quan điểm và niềm tin của doanh nhân vào nền kinh tế vĩ mô). Điều này cho thấy sự suy giảm thịnh vượng của ngành sản xuất.

Chỉ số 50% được coi là đường thịnh vượng và suy giảm, hoặc điểm tới hạn. Chỉ số cao hơn 50% nghĩa là nền kinh tế đang mở rộng, dưới 50% nghĩa là nền kinh tế đang thu hẹp.

Đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc. Tình trạng thiếu hụt nguyên liệu do nguyên liệu thô tăng cao, và việc cắt giảm sản lượng điện tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế Trung Quốc. Hoạt động bất động sản chững lại cũng là một rủi ro lớn. Chỉ số PMI tổng thể của ngành sản xuất, e rằng khó có thể thay đổi xu hướng suy yếu, áp lực đi xuống đối với nền kinh tế vẫn ngày càng gia tăng.

Văn Long / Vision Times

Xem thêm: