Thủ đoạn từng giúp ĐCSTQ ‘chiến thắng’ nay đã đã đi vào ngõ cụt
- Trí Đạt
- •
Tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Trump bày tỏ công khai trước báo giới rằng, trong đối phó Trung Quốc và cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, ông là “người được lựa chọn” (The Chosen One). Diễn đàn xã hội Lihkg của Hồng Kông có cư dân mạng chia sẻ, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có suy nghĩ mê muội “quan tâm đảo không quan tâm người”: với thủ đoạn ngông cuồng “nuôi béo để thịt” nhằm kiếm tiền bằng cách chiếm đoạt các thiết bị nhà xưởng của giới đầu tư, nhưng ngày nay ĐCSTQ phải “ngậm quả đắng” vì Tổng thống Trump và đặc thù của lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Ngày 21/8, Tổng thống Trump phát biểu tại Nhà Trắng rằng, cuộc chiến thương mại với ĐCSTQ không phải là cuộc chiến thương mại của ông, đáng lẽ cuộc chiến thương mại này đã xảy ra từ lâu, nhưng chẳng qua các Tổng thống Mỹ khác không làm. Trong đối phó với ĐCSTQ, ông là “người được chọn” (lúc này Tổng thống Trump nhìn lên bầu trời), và nước Mỹ đang chiến thắng. “Tôi được mọi người lựa chọn để làm tốt mọi việc, tôi cũng đang làm được như vậy. Việc tôi làm không ai có thể làm được.”
>>Trump: Tôi là người được chọn để đối đầu với Trung Quốc
Cùng ngày, có cư dân mạng “Thứ Nhân” chia sẻ trên Diễn đàn xã hội Lihkg của Hồng Kông giải thích tại sao trong ứng xử với Hồng Kông và Đài Loan, ĐCSTQ có suy nghĩ điên rồ “quan tâm đảo không quan tâm người”. Nguyên nhân vì ĐCSTQ cho rằng chỉ cần chiếm được vùng đảo Hồng Kông và Đài Loan, còn người Hồng Kông và Đài Loan không có cũng không sao vì họ tin rằng bản thân họ có thể quản lý được, vì vậy họ đã chọn “quan tâm đảo không quan tâm người”.
Thủ đoạn “nuôi béo để thịt” này của ĐCSTQ đã dùng rất nhiều tại Trung Quốc Đại Lục, với cách này ĐCSTQ đã cướp được nhiều nhà máy công xưởng do giới doanh nhân Đài Loan cũng như nước ngoài đầu tư xây dựng, chiếm được trang thiết bị hoặc công nghệ, sau đó tận dụng các tài năng đã được đào tạo thành thạo để dễ dàng kiếm được tiền (vào đầu những năm 1990 cư dân mạng này đã có người thân bị như vậy, sau 5 năm đầu tư vào áo len cashmere tại Đại Lục, khi bắt đầu kiếm được tiền thì bị xử lý, mất hết vốn liếng). Thực tế chiến lược này của ĐCSTQ đã rất hiệu quả, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp truyền thống công nghệ thấp.
Tuy nhiên, thời đại đã thay đổi. ĐCSTQ muốn nhanh chóng theo kịp các nước phát triển nên cũng áp dụng thủ đoạn “vỗ béo để thịt” này vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, nhưng ngày nay đã mất linh nghiệm. ĐCSTQ nghĩ rằng sau khi tống khứ các hãng công nghệ cao nước ngoài như Samsung, Sony…ra khỏi Đại Lục sẽ có thể dùng giới cán bộ quản lý người Trung Quốc Đại Lục đã am tường sử dụng trang thiết bị và được đào tạo thuần thục… Nhưng giới đầu tư công nghệ cao nước ngoài ngày nay đâu dễ cam tâm tình nguyện để ĐCSTQ lợi dụng. Trong các công nghệ then chốt luôn có khâu họ không bao giờ công khai, do đó sau khi họ rút vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc Đại Lục, họ có thể chuyển sang Việt Nam và các nước Đông Nam Á khác, lại có thể dễ dàng cập nhật công nghệ đưa vào sử dụng, lại phát huy được lợi thế kinh doanh.
Hơn nữa các nước láng giềng Đông Nam Á của Trung Quốc ít nhất sẽ không bắt người bừa bãi như ĐCSTQ, trong khi chi phí sản xuất các quốc gia này cũng thấp và có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn khi xuất khẩu sản phẩm sang Trung Quốc Đại Lục. Do đó việc đầu tư vào Trung Quốc Đại Lục không còn sức hấp dẫn như trước.
ĐCSTQ chưa bao giờ có thể khắc phục được các vấn đề kỹ thuật công nghệ cao này, ngày nay cả thế giới đã biết rõ thủ đoạn của họ, vì vậy giới đầu tư ngày càng không muốn đầu tư vào Trung Quốc Đại Lục. Đây cũng là lý do giải thích sau khi Tổng thống Mỹ Trump phát động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc thì không một quốc gia phát triển nào lên tiếng bênh vực ĐCSTQ, vì các nước cũng từng là nạn nhân.
Bài bình luận của cư dân mạng “Thứ Nhân” cho biết, trong 40 năm qua, các tập đoàn đa quốc gia và nhà sản xuất hàng đầu thế giới đã bị thị trường lớn 1,4 tỷ dân của Trung Quốc Đại Lục thu hút, và ĐCSTQ đã lợi dụng thị trường hấp dẫn để gây sức ép, cuối cùng khiến giới đầu tư không có lợi nhuận hoặc thảm bại sống vất vưởng. Giới quan tham của ĐCSTQ vòi vĩnh vô độ, nghĩ ra vô số loại thuế, còn gián điệp công nghiệp thì bao vây xung quanh, chi phí vận chuyển nội địa lại quá cao (chi phí vận chuyển từ miền nam ra miền bắc Trung Quốc Đại Lục gần gấp đôi đến Mỹ), thường xuyên đình công phản đối, vì thế chi phí đầu tư ở Trung Quốc không hề rẻ. Cư dân mạng này cũng cho biết có người em rể đầu tư ở Trung Quốc Đại Lục và bị ĐCSTQ bắt giữ, phải chi 17 triệu Đài Tệ (khoảng 544.000 đô la Mỹ) tiền mặt cộng với tất cả quyền sở hữu nhà xưởng mới được thả tự do.
Ngày nay Tổng thống Mỹ Trump đã hạ quyết tâm xử lý chính phủ ĐCSTQ, sẽ chiến đấu đến cùng với ĐCSTQ trong cuộc chiến thương mại. Thị trường rộng lớn 1,4 tỷ dân ở Trung Quốc Đại Lục có thể được thay thế bằng chiến lược phát triển thị trường ở Ấn Độ. Ấn Độ được nối với châu Âu và có đường bờ biển rất dài (Ấn Độ là một tiểu lục địa). Người Ấn cũng giỏi tiếng Anh. Vận chuyển hàng hóa tại Ấn Độ thuận tiện hơn Trung Quốc Đại Lục về cả đường xe lửa, đường bộ và đường biển, hiệu quả thời gian và điều kiện địa lý vượt xa Trung Quốc Đại Lục.
Ngoài ra, nhiều giám đốc điều hành trong lĩnh vực công nghệ cao, tài chính phần lớn là người Ấn Độ, còn người Hoa thường là các kỹ sư. Do ĐCSTQ sử dụng người Hoa để đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ của các nước với mức độ nghiêm trọng, khiến nhiều công ty công nghệ cao không muốn sử dụng lại các kỹ sư và sinh viên Trung Quốc.
Cư dân mạng “Thứ Nhân” cho rằng “Vành đai và Con đường” mà chính quyền Bắc Kinh quảng bá đã dựng lên vô số công trình chất lượng kém tại các nước trên tuyến đường, chỉ hy vọng các nước này chấp nhận các dự án bê bối và ngoan ngoãn hợp tác, nhưng không đơn giản vì dự tính khoảng 30% số tiền không thể thu hồi lại được. Thời điểm này nguồn tiền từ Hồng Kông và Đài Loan rất quan trọng. Vài thập kỷ qua Hồng Kông có thể trở thành một trong những trung tâm tài chính ở châu Á, nguyên nhân vì ngoài vị trí địa lý thì người dân Hồng Kông còn chịu ảnh hưởng nền giáo dục tốt của Anh, hiểu văn hóa và nghi thức phương Tây, nên được các nước phương Tây xem trọng.
Bài đăng của cư dân mạng “Thứ Nhân” cho biết: “Ngành tài chính cần có tinh thần tự giác và đạo đức làm việc cao (không thể tùy tiện sử dụng tiền của khách hàng, phải bảo vệ thông tin khách hàng, không bị trễ hẹn, không thiên vị riêng tư), đây là những phẩm chất mà Trung Quốc Đại Lục yếu kém, ngành bất động sản Hồng Kông hoạt động tốt nhờ lĩnh vực tài chính tốt. Ngành công nghiệp y tế Đài Loan cũng vậy, nếu mất ràng buộc tiêu chuẩn đạo đức cao thì sẽ giống như các lĩnh vực nằm dưới cai trị của ĐCSTQ, đầy bê bối tham nhũng. Thử hỏi vì sao đảo Hải Nam của Trung Quốc Đại Lục không thể trở thành một trung tâm tài chính châu Á? Tác giả nhấn mạnh, các ngành công nghiệp cao cấp có thể nằm ở Đài Loan và Hồng Kông là vì chất lượng của con người ở đó, không phải nhờ vấn đề đất đai.”
Cuối cùng của cư dân mạng “Thứ Nhân” kết luận: chiến lược “quan tâm đảo không quan tâm người” của ĐCSTQ cuối cùng chỉ thất bại, thực tế trên chứng minh rằng vấn đề ở Trung Quốc Đại Lục không phải thay đổi người dân mà là thay đổi ĐCSTQ.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa Đảng Cộng Sản Trung Quốc Gian lận thương mại lừa đảo chiếm đoạt tài sản chiến tranh thương mại Hồng Kông