TQ: 53 ca nhiễm COVID-19 trên các chuyến bay đến Vũ Hán trong gần 1 tuần
- Lê Tiểu Quỳ
- •
Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc thông báo, trong số các ca nhiễm tại tỉnh này vào ngày 6/7, 22 ca đã được xác nhận và 30 ca không có triệu chứng, tất cả đều từ chuyến bay Afghanistan – Vũ Hán MF8008 vào ngày 2/7. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng đã có phản ứng khẩn cấp.
Theo thông báo “Tình hình dịch bệnh viêm phổi mới ở tỉnh Hồ Bắc ngày 6/7/2021” do Ủy ban Y tế và Sức khỏe Hồ Bắc phát hành, từ 0 giờ đến 24 giờ, có 25 ca nhiễm mới được xác nhận trên địa bàn tỉnh, trong đó, 2 ca là từ chuyến bay Jakarta, Indonesia – Vũ Hán JT2619 vào ngày 28/6, 1 ca là từ chuyến bay Jakarta, Indonesia – Vũ Hán JT2619 vào ngày 5/7, và 22 ca còn lại đều liên quan đến chuyến bay Afghanistan-Vũ Hán MF8008 vào ngày 2/7.
Ngoài ra, có 31 ca nhiễm không triệu chứng mới ở tỉnh Hồ Bắc, một ca đến từ chuyến bay Jakarta-Vũ Hán JT2619 vào ngày 5/7 và 30 ca khác đến từ chuyến bay Afghanistan- Vũ Hán MF8008 vào ngày 2/7 .
Đối với vấn đề này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã có phản ứng khẩn cấp, cho biết tình hình an ninh ở Afghanistan rất phức tạp và nghiêm trọng, các địa phương liên quan đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về phòng chống dịch, tiến hành cách ly, theo dõi các nhân viên liên quan và điều trị cho bệnh nhân.
Điều đáng nói là Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã cung cấp vắc-xin Sinovac cho hơn 45 quốc gia, chủ yếu ở châu Mỹ Latinh, châu Phi và Đông Nam Á. Quốc gia Indonesia nói trên đang lệ thuộc nghiêm trọng vào vắc-xin của Trung Quốc.
Ngày 5/6, Ủy viên Quốc vụ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị và đặc phái viên Tổng thống Indonesia kiêm Trưởng ban hợp tác với Trung Quốc Luhut đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Cơ chế đối thoại hợp tác cấp cao Trung Quốc – Indonesia tại Quý Dương. Song phương cùng tuyên bố “Chiến dịch Hạt mầm Mùa xuân” đã được khởi động toàn diện tại Indonesia.
Tuy nhiên, Indonesia sau đó báo cáo rằng 26 bác sĩ ở nước này đã tử vong vì viêm phổi Vũ Hán vào tháng Sáu, ít nhất 10 người trong số họ đã được tiêm 2 liều vắc-xin Sinovac. Cách đây vài ngày, quốc gia này thông báo, hơn 350 bác sĩ và y tá vẫn bị nhiễm virus đột biến Delta, loại đột biến có khả năng lây nhiễm cao hơn, sau khi được tiêm vắc-xin Sinovac.
Về phía Afghanistan, Đại sứ quán Trung Quốc tại nước này cho biết đã tích cực thực hiện “Chiến dịch Hạt mầm Mùa xuân” và đã hoàn thành việc tiêm chủng cho tất cả công dân Trung Quốc tại Afghanistan vào ngày 5/7, nhưng không ngờ vẫn có người bị lây nhiễm.
Theo số liệu từ Cơ quan quản lý bệnh viện Hồng Kông, tính đến ngày 30/5, trong số những người được tiêm vắc-xin ở Trung Quốc, có 80 ca tử vong; tổng số 23 phụ nữ mang thai bị sinh non sau khi tiêm vắc-xin. Một loạt tin tức không thể không làm cho các giới đặt câu hỏi về hiệu quả của vắc-xin Trung Quốc.
Ngoài ra, mặc dù trang web của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc đã công bố tin tức, toàn Trung Quốc đã tiêm gần 1,3 tỷ liều vắc-xin viêm phổi Vũ Hán, tính đến ngày 3/7, sẽ vượt quá 1,3 tỷ liều, nhưng các ca nhiễm virus biến thể Delta vẫn tiếp tục xuất hiện ở tỉnh Quảng Đông.
Hiện tình hình dịch bệnh ở tỉnh Quảng Đông vẫn chưa lắng xuống, virus biến thể Delta Ấn Độ lại xuất hiện ở tỉnh Vân Nam. Theo thông báo của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc vào ngày 7/7, trong số 57 ca mới được chẩn đoán ở Trung Quốc Đại Lục, Vân Nam chiếm 15 ca dương tính và 2 ca nhiễm không triệu chứng. Tại cuộc họp báo phòng chống dịch diễn ra vào ngày 7/7, các quan chức thành phố Thụy Lệ xác nhận chủng đột biến Delta đã xuất hiện tại địa phương trong đợt dịch này.
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 2/7 cho biết, chủng đột biến Ấn Độ Delta đã xuất hiện ở ít nhất 98 quốc gia và khu vực trên thế giới và đang trở thành một chủng biến thể chủ yếu ở nhiều quốc gia. Ông cho rằng chủng biến thể này nguy hiểm hơn và vẫn tiếp tục đột biến và tiến hóa, đòi hỏi phải liên tục đánh giá và điều chỉnh các biện pháp y tế cộng đồng.
Ông Tằng Ích Tân (Zeng Yixin), Phó giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, nói với Tân Hoa xã vào đầu tháng 6 rằng Trung Quốc có 21 loại vắc-xin viêm phổi Vũ Hán đang được thử nghiệm lâm sàng, 4 loại đã được phê duyệt để “đưa ra thị trường có điều kiện”, 3 loại đã được phê duyệt để sử dụng khẩn cấp và 8 loại vắc-xin đã được phê duyệt ở nước ngoài cho giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng, và 1 vắc-xin mRNA đã được chấp thuận ở nước ngoài về mặt đạo đức. Ông thậm chí tin rằng khi WHO đang đánh giá danh sách sử dụng khẩn cấp của vắc-xin viêm phổi Vũ Hán, tổ chức này nên xem xét hủy bỏ giai đoạn thứ 3 của thử nghiệm và chuyển sang lấy kháng thể trung hòa làm chỉ số.
Tuy nhiên, ngoại giới đặt câu hỏi rằng nếu virus viêm phổi Vũ Hán tiếp tục đột biến hoặc tiến hóa, liệu những loại vắc-xin do Trung Quốc nghiên cứu này có thể thực sự chống lại loại virus mới hay không?
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa vắc-xin Trung Quốc Vũ Hán virus corona COVID-19 Vắc-xin Sinovac Sân bay Vũ Hán