Dịch viêm phổi Vũ Hán tiếp tục lây lan liên tỉnh tại thành phố Cát Lâm và thành phố Thẩm Dương. Từ sáng ngày 13/5, Bệnh viện 463 Thẩm Dương đã đóng cửa, tất cả nhân viên y tế, bệnh nhân không được phép ra ngoài; bệnh viện trực thuộc Đại học Bắc Hoa tại thành phố Cát Lâm cũng ngừng tiếp nhận bệnh nhân từ ngày 15/5. Cả hai sự kiện này đều do một nhân viên giặt quần áo ở Thư Lan lây nhiễm chuỗi gây ra, tuy nhiên liệu có phải vì thế mà xảy ra lây nhiễm trong bệnh viện hay không, vẫn khiến ngoại giới nghi ngờ. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tái bùng phát cũng khiến cho vật giá tại các Cát lâm và Liêu Ninh tăng cao, kinh tế bị đình đốn, nhiều người thất nghiệp.

Untitled 1 copy 14
Bệnh viện 463 Thẩm Dương bị phong tỏa ngày 13/5. (Ảnh cắt từ video)

Bệnh viện Giải phóng quân 463 căng dây cách ly, không cho phép ra vào

Hiện tại trên mạng lan truyền một đoạn video cho thấy, Bệnh viện 463 Thẩm Dương đóng cửa vào khoảng 10 giờ sáng ngày 13/5, trước cổng chính có căng dây cách ly, nhiều bảo vệ đang làm nhiệm vụ tại hiện trường, nhân viên y tế và bệnh nhân đều không được vào. Bệnh viện 463 có tên đầy đủ là “Bệnh viện thứ 463 Giải phóng quân” thuộc Bộ đội không quân Chiến khu Bắc bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), là bệnh viện cấp 3A.

Ngày 17/5, phóng viên Epoch Times gọi điện cho các hộ kinh doanh và người dân quanh bệnh viện, để tìm hiểu về tình hình mới nhất của bệnh viện này. Một người dân nói, toàn bộ bệnh viện đã phong tỏa, “bởi vì y tá trong bệnh viện đã bị lây nhiễm”, “đã xác nhận lây nhiễm”. 

Một người dân khác cho biết, Bệnh viện 463 từ sáng thứ Tư tuần trước (13/5) đã phong tỏa, bao gồm cả khoa khám bệnh, cấp cứu và nằm viện đều đóng cửa, hiện tại vẫn chưa mở cửa lại, nhân viên y tế và bệnh nhân đều cách ly trong viện, “đều phong tỏa hết rồi, đều bị cách ly bên trong, không cho ra ngoài”. 

Theo thông tin trên mạng cho biết, một nữ y tá họ Lưu trong viện nghi lây nhiễm virus, bạn trai của nữ y tá này đang làm việc tại thành phố Thẩm Dương. Ngày 13/5, người bạn trai họ Lữ này xác nhận lây nhiễm, Bệnh viện 463 trong buổi chiều cùng ngày cũng khẩn cấp đóng cửa bệnh viện.

(Video quay tại khu vực Bệnh viện 463 Thẩm Dương)

Bệnh viện trực thuộc Đại học Bắc Hoa không tiếp nhận bệnh nhân mới 

Ngày 15/5, thành phố Cát Lâm thông báo một người phụ nữ 23 tuổi xác nhận lây nhiễm, cư trú tại khu Thuyền Doanh, đơn vị công tác của bệnh nhân này là Bệnh viện trực thuộc Đại học Bắc Hoa thành phố Cát Lâm, nằm ở khu Thuyền Doanh thành phố Cát Lâm, đây là bệnh viện trung tâm lân cận thành phố Cát Lâm, và là bệnh viện cấp 3A, hiện bệnh viện này đã đóng cửa.

Ngày 17/5, phóng viên đã gọi điện tới số điện thoại tư vấn của bệnh viện, nhân viên tư vấn nói, “Phòng khám và cấp cứu có thể tiếp nhận khám bệnh, nhưng không thể nằm viện.” Nhưng người bệnh trước tiên phải đến khu lều được dựng tạm trước khoa cấp cứu để đăng ký khám sàng lọc.

Một bác sĩ khoa gan mật nói, “Bắt đầu từ một hai ngày qua, về cơ bản là không tiếp nhận bệnh nhân (nằm viện) nữa.”, “Hiện giờ nếu không có xét nghiệm axit nucleic, thì cơ bản là không vào được viện”, ông nói, “Cần phải hẹn khám trước, làm xét nghiệm axit nucleic, đợi có kết quả rồi mới có thể vào viện.”

Vị bác sĩ này nói, hiện tại người bệnh trong bệnh viện đều là người cũ, không nhận người bệnh mới, “Đây là quy định mà thành phố đưa ra cho chúng tôi. Không phải là bệnh viện chúng tôi tự đặt ra.”

Theo quỹ đạo di chuyển của nữ nhân viên bệnh viện được công bố chính thức, có thể trong thời gian lây nhiễm, từng có 12 lần ngồi xe buýt, còn nhiều lần ngồi xe ba bánh, khiến cho phạm vi tiếp xúc gần trở lên rộng hơn.

Một số người nhà bệnh nhân tại Bệnh viện trực thuộc Đại học Bắc Hoa nghe thấy thông tin này liền cảm thấy sợ. Một người nhà đăng Weibo nói, “Mẹ của tôi vẫn còn nằm trong khoa nội của bệnh viện, điều trị mới được nửa tháng, sắp xuất viện rồi, đột nhiên lại có thông tin này, thật là khiến người ta phát điên mất.” Một người nhà khác nói, “Bệnh viện mấy ngày nay không tiếp nhận bệnh nhân mới nhập viện, các phòng khoa đều đang dọn dẹp tồn kho, suy đoán trước đó mấy ngày nội bộ bệnh viện đã biết thông tin rồi.”

Khu Phong Mãn lây lan sang khu Thuyền Doanh, 5 quan chức Cát Lâm bị cách chức

Mấy ngày gần đây, nhân viên giặt quần áo của Cục công an Thư Lan bị lây nhiễm và chuỗi lây lan vẫn đang lan rộng. Từ thành phố Thư Lan lây lan đến khu Phong Mãn và khu Thuyền Doanh thành phố Cát Lâm, vượt ra tỉnh khác lan đến thành phố Thẩm Dương tỉnh Liêu Ninh. Khu vực thành phố Cát Lâm tràn ngập nguy cơ, trực tiếp lay động đến quan trường địa phương.

Ngày 16/5, thành phố Cát Lâm miễn nhiệm 5 quan chức, bao gồm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Sức khỏe thành phố Cát Lâm Lưu Thế Quân, Cục trưởng Cục Y tế Sức khỏe thành phố Thư Lan liêm Bí thư Đảng ủy Nhạc Hiểu Yến, Phó Bí thư Đảng ủy Cục Công an Thư Lan Cảnh Kiến Huy, Chủ nhiệm Trung tâm Phòng ngừa bệnh tật thành phố Thư Lan  Lưu Hàn Ấn, Chủ nhiệm Trung tâm Phòng chống bệnh tật khu Phong Mãn thành phố Cát Lâm Từ Tử Bươu.

Kinh tế đình trệ, vật giá tăng cao, người dân khổ không có chỗ nói

Cô Dương, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở thành phố Cát Lâm tiết lộ, “ở đây (Cát Lâm) 2 lần bùng phát, toàn là lây nhiễm không triệu chứng.”

Cô nói, chính quyền không thông báo, nhưng người dân đều ý thức được sự nghiêm trọng, vì sợ bị lây nhiễm, cho nên không dám đi đâu, “bạn đi lại trên phố, không biết gặp phải người nào là người lây nhiễm nữa”, cô Dương cho biết, hiện tại các cửa hàng buôn bán trên phố lớn đều đóng cửa, “Việc kinh doanh của chúng tôi đã không vận hành được nữa rồi, không khác Vũ Hán là bao”. 

Ông Bành, một người dân thành phố Cát Lâm cho biết, giao thông ngừng hoạt động, tiểu khu thực thi quản lý khép kín toàn diện, kết quả xuất hiện làn sóng tranh nhau mua đồ, khiến cho vật giá tăng mạnh, “Người dân lo sợ, tranh nhau mua thực phẩm, lương thực, rau quả, thuốc men.” Ông nói, khoai tây tăng gấp 5 lần, gạo cũng tăng, “Mua một cân (0,5kg) khoai tây giá 4 – 5 tệ, trước đây giá chỉ hơn 1 tệ. Gạo cũng tăng lên 10%, lại còn phải xếp hàng để mua đồ nữa. 

Bà Trương, một người dân ở thành phố Cát Lâm cũng cho biết, khu Phong Mãn mà bà đang ở có dịch bệnh nghiêm trọng, rất nhiều người mất việc và không có thu nhập, nhưng chính phủ không có bất cứ cứu trợ nào. “Người dân bình thường chúng tôi rất khó khăn, điều kiện bản thân đã không tốt, lại không thể đi làm thì càng khó khăn hơn, khó khăn chồng chất khó khăn.”, bà vừa nói vừa khóc. “Tôi nói thật, nước mắt tôi đã rơi, khổ không có chỗ nói.”

Bà Trương, từng mở một cửa hàng ăn, về sau bị chèn ép, bị oan khuất, bà nói quan chức địa phương tham ô hủ bại, người dân không những chịu khổ do dịch bệnh, có oan cũng không có chỗ kêu, “Người dân bình thường chính là khó khăn chồng khó khăn, còn về chính quyền, chúng tôi không có đường nào nói, không có chỗ nói”. “Đúng là có khổ mà không nói ra được.”

Chi phí cách ly quá cao, người dân chỉ trích chính quyền phát tài trên quốc nạn

Thành phố Thẩm Dương tái bùng phát dịch, ông Kim, một người dân ở Thẩm Dương cho biết, người dân rất lo sợ, mọi người đều cố gắng không ra ngoài, nhiều ngành nghề bị đình trệ, rất nhiều người thất nghiệp. Ông Kim vốn làm việc tại một công ty về kho vận tại thành phố Thẩm Dương, không có việc làm nên ông đành phải về quê, “không có việc làm, không có gì để làm, nên đành về quê, về đã hơn một tháng rồi.”

Ông Lý, một người dân ở thành phố Thẩm Dương chỉ ra, hiện tại đi làm việc đều trở thành vấn đề khó khăn, không có lương, vật giá lại tăng cao, “tăng cao hơn gấp đôi so với năm ngoái”, ông than thở, “người dân Trung Quốc là khổ nhất, càng có thảm họa, người dân càng là người chịu tội khổ.”

Ông Lý còn tiết lộ, Bệnh viện 463 Thẩm Dương bùng phát dịch và phong tỏa, có tin lan truyền ra rằng có không ít người xác nhận lây nhiễm, nhưng thông tin bị phong tỏa, “Toàn bệnh viện bị phong tỏa, xe đỗ ở bên trong không cho ra ngoài.”, “Họ (chính quyền) lan truyền ra ngoài là có một người, hai người nhiễm, để cho người khác nghe cảm thấy không nghiêm trọng, nhưng chết bao nhiêu người thì cơ bản bạn không biết được, về cơ bản họ không minh bạch.”

Hiện tại, Thẩm Dương đã cách ly quan sát hơn 7.500 người và triển khai xét nghiệm axit nucleic. Ông Lý chỉ trích chính quyền chẩn đoán xét nghiệm bệnh và phát tài nhờ ôn dịch, “kiểm tra là tự mình lấy tiền ra để làm, họ kiểm tra cho bạn cái này cái kia, cuối cùng lại cho bạn xét nghiệm axit nucleic, toàn bộ là hơn 1000 tệ.”

EYAtwz5U0AAPwPx
Bảng thông báo chi phí cách ly được cư dân mạng chia sẻ. (Ảnh từ Twitter)

Chi phí cách ly cũng là người dân tự bỏ tiền ra. Có người dùng Twitter vạch trần, chi phí cách ly 14 ngày tại Khách sạn Ngân Tọa Đông Phương ở Thẩm Dương là 8.286 tệ (khoảng 1.164 USD), bao gồm cả tiền phòng ở là 500 tệ mỗi ngày, các chi phí khác hơn 1.000 tệ, chi phí xét nghiệm axit nucleic là 286 tệ. Một khách sạn khác có chi phí rẻ hơn là 6.800 tệ. Người dùng Twitter chỉ trích: “Còn đắt hơn cả Thượng Hải”, “chuỗi ngành đen trong dịch bệnh”.

Trí Đạt (t/h)

Xem thêm: