TQ: Hơn 3.000 hộ gia đình phản đối lệnh tháo dỡ nhà bất hợp pháp
- Minh Ngọc
- •
Gần đây, nhiều vụ biểu tình và tranh chấp liên quan đến việc tháo dỡ, phá hủy các khu nhà ở tại quận Xương Bình, Bắc Kinh diễn ra thường xuyên. Hàng nghìn hộ gia đình đã đến trụ sở Ủy ban thị trấn yêu cầu chính quyền giải thích lý do vì sao những ngôi nhà mà họ mua một cách hợp pháp trước đây, hiện nay lại bị coi là bất hợp pháp. Phía an ninh đã tìm mọi cách để ngăn chặn tình hình lan rộng hơn nữa, tìm cảnh phong tỏa hoàn toàn tin tức, thậm chí còn cảnh cáo những người biểu tình không được tiếp tục “gây náo loạn”.
Đài Á châu Tự do (RFA) đưa tin, hơn 3.000 chủ sở hữu các căn nhà thuộc Làng Văn hóa mới Hương Đường ở thị trấn Thôi Thôn, quận Xương Bình, Bắc Kinh, đã kéo đến trụ sở Ủy ban tại địa phương hôm 18/10 để phản đối việc chính quyền coi những ngôi nhà được người dân mua là bất hợp pháp, thậm chí còn cưỡng chế phá hủy, tháo dỡ và từ chối bồi thường.
Theo video truyền tải mạng, một số nạn nhân trong lúc biểu tình đã đưa ra thỏa thuận mua nhà do chính quyền ban hành cách đây 20 năm, trong đó có đóng dấu của phía chính quyền làng, thị trấn và huyện, Cục Quản lý Đất đai thuộc Bộ Tài nguyên Môi trường, chứng minh rằng nhà của họ được quốc gia phê chuẩn hợp pháp tại thời điểm mua. Người dân cũng chỉ trích chính quyền “nói phá hủy liền phá hủy, chỉ cho thời gian 3 ngày để giải quyết, sau đó bắt đầu tiến hành phá dỡ, khiến chúng tôi phải ngủ ngoài đường.”
Cũng có những nạn nhân bất mãn ca thán chính quyền đã viện dẫn nhiều quy định để chứng minh rằng các căn nhà trong khu tái định cư này được xây dựng bất hợp pháp, nhưng những giấy tờ này mãi đến sau khi người dân mua nhà mới được đưa ra. “Tất cả chúng tôi đều đã mua nhà, vào sống ở đó, Cục quản lý Đất đai cũng đóng dấu rồi, đến nay chính quyền lại tiếp quản nói là bất hợp pháp, thật không có đạo lý gì cả.”
Trong ngôi làng này có gần 3.800 hộ gia đình, bao gồm các khu nhà ba tầng và tứ hợp viện, có khoảng hơn 10.000 người sống ở đó. Chủ sở hữu các tòa nhà đều là cư dân đô thị. Nếu như nhà ở bị chính quyền phá hủy, mỗi hộ gia đình sẽ phải chịu thiệt hại khoảng 5 triệu Nhân dân tệ, tính cả khu nhà thì tổng thiệt hại lên đến vài tỷ Nhân dân tệ.
Không ít chủ sở hữu nhà kích động cho biết, bởi vì chính phủ không đưa ra phương án đền bù và tái định cư thích hợp, “vậy nên chúng tôi đã xác định viết di chúc, không màng sống chết, sẵn sàng chiến đấu đến cùng với họ.”
Theo biên bản tóm tắt về cuộc họp mở rộng của Ủy ban thị trấn Thôi Thôn quận Xương Bình do một chủ sở hữu nhà cung cấp, vào lúc 8:30 sáng ngày 11/8/2003, chính quyền địa phương đã tổ chức một hội nghị về mua bán nhà, ông Kim Đông Bưu, Bí thư Đảng ủy Thị trấn chủ trì. Phía quan chức tham gia hội nghị đã nhấn mạnh, nhằm thúc đẩy hơn nữa sự phát triển của thị trấn Thôi Thôn, đồng thời nhằm đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng các khu vực khác lân cận, cải thiện môi trường tổng thể, các ngôi làng trong thị trấn sẽ tiến hành cải tạo nhà cũ để xây nhà và mở bán cho người dân. Theo đó, giá nhà ở thuộc Làng Văn hóa mới Hương Đường thậm chí còn giảm 5% phí xây dựng và phí quản lý nhà ở cho người mua.
Tuy nhiên, theo thông báo của Chính quyền thị trấn Thôi Thôn hôm 19/10, diện tích xây dựng của 10 ngôi làng trong thị trấn vào khoảng hơn 30.000 m2, Ủy ban Quy hoạch và Tài nguyên thành phố Bắc Kinh khẳng định giấy phép quy hoạch xây dựng khu vực này không được cấp theo luật, vi phạm các quy định tại Điều 29 của Quy định Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Bắc Kinh.
Hiện tại, trước hành động kháng nghị của người biểu tình, chính quyền thị trấn Thôi Thôn vẫn không có phản ứng gì. Đồng thời, phía an ninh công cộng địa phương còn tìm đủ mọi biện pháp để ngăn chặn tình hình biểu tình lan rộng hơn nữa, bắt đầu từ tuần này, đã chặn bất cứ bình luận nào bất lợi với chính quyền trên WeChat và trên Internet, nhiều chủ sở hữu nhà ở còn bị an ninh cảnh cáo.
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa biểu tình ở Trung Quốc Cưỡng chế tháo dỡ nhà ở