Gần đây, có một sự bùng nổ của trào lưu “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” ở nhiều thành phố ở Trung Quốc Đại Lục, mọi người có thể mua chúng từ các nhà hàng với giá rẻ. Xu hướng phổ biến này trong giới trẻ làm nổi bật tình trạng yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc, và tình hình việc làm đáng lo ngại của những người trẻ tuổi.

shutterstock 398346931
Ảnh minh họa. (Nguồn: CHAIWATPHOTOS / Shutterstock)

Theo những thanh niên thất nghiệp, khi họ nghèo nhất, những “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” đã trở thành nguồn thực phẩm chính. Tuy nhiên hiện nay, việc giám sát chất lượng của loại thực phẩm này gần như là bằng 0.

Những “hộp cơm thừa” được giới trẻ yêu thích

Những “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” không phải là thức ăn thừa của thực khách, mà chỉ việc các cơ sở kinh doanh ăn uống sẽ giảm giá những thực phẩm sắp hết hạn, hoặc chưa bán hết trong ngày dưới hình thức những hộp cơm được chọn ngẫu nhiên.

Những thực phẩm này có thời hạn sử dụng rất ngắn, và phải được ăn trong vòng 2-3 ngày, hoặc chậm nhất là vào ngày hôm sau.

Các hộp cơm ngẫu nhiên chủ yếu là đồ nướng, đồ ăn nhẹ và sushi. Ngoài ra trong số các thương nhân tham gia cũng có không ít cửa hàng ăn uống nổi tiếng.

Tài khoản công khai WeChat “Hefan Caijing” (ID: daxiongfan) cho biết, sau khi quan sát một số cửa hàng, người ta thấy rằng những người đến mua đồ ăn này chủ yếu là thanh niên.

Trong một nhà hàng nằm ở tầng hầm của trung tâm thương mại Mall ở quận Triều Dương, Bắc Kinh, cứ sau 9h tối hàng ngày, 5 chiếc túi niêm phong sẽ được đặt ngay ngắn trên bàn ăn trong góc. Giá gốc của những đồ ăn này dao động từ 100-110 nhân dân tệ (khoảng 325.000 – 357.000 VNĐ). Nhưng sau 9h tối, giá thống nhất sẽ là 39,9 nhân dân tệ (khoảng 130.000 VNĐ), và việc mua bán sẽ được hoàn tất trong vòng 1 giờ.

Trên Douyin, một số người cho biết, 3 bữa một ngày đều được giải quyết bằng những “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” rẻ, nhiều và đầy. Một suất ăn bánh bao nhỏ 7,9 tệ (khoảng 26.000 VNĐ), điểm tâm Momo hay bánh Withwheat 11,9 tệ (khoảng 39.000 VNĐ), gói quà sushi 19,9 tệ (khoảng 65.000 VNĐ) … Hầu hết các sản phẩm đều được bán bằng 1/3 giá gốc trước khi cửa hàng đóng cửa.

“Cơm hộp thừa ngẫu nhiên” đã trở nên phổ biến, nhiều người trên các nền tảng xã hội cũng chia sẻ chiến lược.

“Các thương nhân khác nhau lên kệ vào những thời điểm khác nhau, có 10h sáng và 4h chiều. Đơn hàng tùy thuộc vào tốc độ của bạn, nhưng một số có thể được đặt trước. Giá được chia thành nhiều mức, như 5 tệ, 11 tệ, 19 tệ, 35 tệ…

Sau khi mua, một số cửa hàng có thể tới lấy bất cứ lúc nào, trong khi một số cửa hàng khác chỉ có thể tới lấy vào một thời điểm cụ thể, và sẽ không được hoàn lại khi hết hạn, về cơ bản đều phụ thuộc vào may mắn.”

Trong cộng đồng của nền tảng “cơm hộp thừa ngẫu nhiên”, có người đã viết một bài báo nghìn chữ, kể về việc chúng đã trở thành nguồn lương thực chính của mình như thế nào, khi họ thất nghiệp và bị dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), “Ngay tại thời điểm nghèo nhất của tôi, cơm hộp thừa ngẫu nhiên bất ngờ lọt vào tầm ngắm.”

Nền tảng “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” bắt đầu mở rộng từ các thành phố hạng nhất như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, v.v. Các thương nhân chủ yếu tập trung ở những khu thương mại lớn, và về cơ bản đều là các thương hiệu chuỗi.

Việc giám sát chất lượng thực phẩm “hộp cơm thừa ngẫu nhiên” gần như bằng 0

Vấn đề an toàn thực phẩm của những “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” làm bằng thực phẩm sắp hết hạn vẫn đang bị “thả nổi”. Một nhân viên cửa hàng nói với “Hefan Caijing” rằng chất lượng thực phẩm của những hộp cơm này hiện không được giám sát.

Theo báo cáo, các cuộc điều tra trên các nền tảng như BOSS Zhipin và Qichacha đã phát hiện ra rằng hiện tại các công ty “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” về cơ bản đều hoạt động theo nhóm quy mô nhỏ, với những nhóm ít hơn 100 thành viên và một số nhóm chỉ có khoảng 50 người. Với quy mô nhân viên như vậy, gần như không thể giám sát chất lượng thực phẩm của các cửa hàng hợp tác xã ở hơn chục thành phố.

Theo tài khoản công khai WeChat “Tham khảo nội bộ của ông chủ ẩm thực”, cách sử dụng thực phẩm hết hạn là một bí mật đối với những người phục vụ ăn uống và vẫn nằm trong vùng xám.

Một số nhà sản xuất thậm chí còn thông đồng với các nhà phân phối hoặc công ty suất ăn đầu cuối, để trả lại nguyên liệu thực phẩm đã hết hạn sử dụng cho nhà máy, và sửa đổi hạn sử dụng một cách bất hợp pháp. Việc giám sát, kiểm soát chất lượng “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” gần như bằng 0.

Phong trào bán những hộp cơm này đã làm nổi bật sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc, và vấn nạn tìm việc của những người trẻ tuổi ở Trung Quốc Đại Lục.

Gần đây CNA đưa tin, tình trạng thanh niên tranh nhau những “cơm hộp thừa ngẫu nhiên” cho thấy tình hình việc làm của những người trẻ tuổi ở Trung Quốc không tốt, và nền kinh tế Trung Quốc không phục hồi.

Vào tháng Năm, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 16 – 24 tuổi ở Trung Quốc Đại Lục lên tới 20,8%, mức cao nhất trong 5 năm qua.

Gần đây, tại một hội chợ việc làm do Đại học Kinh tế Luật Hà Nam Trung Quốc tổ chức đã đăng tuyển các vị trí bồi bàn, đầu bếp, lễ tân, rửa bát đĩa với mức lương thấp nhất chỉ 2.000 nhân dân tệ (khoảng 6,5 triệu VNĐ).

Điều này khiến người ta vô cùng bất ngờ: Chẳng lẽ sinh viên của trường Đại học Kinh tế Luật, được mệnh danh là “trường Đại học Kinh tế Luật tốt nhất Hà Nam” lại bị phá giá đến mức như vậy? Nhân viên văn phòng có bằng thạc sĩ, nhân viên thu ngân có bằng cử nhân, nhân viên bảo vệ có bằng cao đẳng ngày càng nhiều…

Ông Triệu, một nhà bình luận trực tuyến ở Bắc Kinh, nói với Đài Á Châu Tự do:

“Foxconn đang dần rút lui, những công ty tư nhân được xếp hạng giàu có đã cũng rời đi. Không có niềm tin đầu tư, tất cả các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đều nằm ườn. Số sinh viên tốt nghiệp có bằng thạc sĩ ở Bắc Kinh năm nay vượt xa sinh viên đại học, họ cũng đều gặp phải vấn đề việc làm, và không thể tìm được việc. Một thế hệ đã kết thúc.”

Ngày 21/6, tờ Kyodo News của Nhật Bản đưa tin, nhìn chung những người trẻ tốt nghiệp đại học không thể tìm được công việc mình yêu thích, và chỉ có thể tìm được việc làm trong những ngành mà họ không hứng thú.

Ngoài ra, sau khi chính quyền Bắc Kinh dỡ bỏ kiểm soát dịch bệnh COVID, hoạt động kinh tế của nước này vẫn ở trong tình trạng yếu kém. Kỳ vọng bi quan của người dân về tương lai dẫn đến tiêu dùng dè dặt, đồng thời, giới trẻ mất khả năng đầu tư vào bất động sản do thất nghiệp vì dịch bệnh.

Những yếu tố trên dẫn đến việc ngay cả khi chính quyền Trung Quốc áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ như hạ lãi suất, thì hiệu quả phục hồi kinh tế cũng không thấy rõ.

Bình Minh (t/h)