Trung Quốc muốn khôi phục hình ảnh ‘kinh đô quốc tế’, nhưng tháng ngày huy hoàng đã qua
- RFI
- •
Trung Quốc đang tăng cường các chuyến bay quốc tế và nới lỏng các quy định về thị thực, nhưng các CEO doanh nghiệp và nhà ngoại giao cho biết sẽ mất nhiều thời gian để xây dựng lại niềm tin. WSJ hôm 18/3 đưa tin, nhìn riêng Thượng Hải – nơi từng là trung tâm tài chính có đông người nước ngoài sinh sống – nhưng số lượng người nước ngoài ở đây đã giảm thấy rõ.
Thông tin cho hay, để thoát khỏi nhiều năm bị cô lập kể từ giai đoạn dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy nhiều biện pháp hấp dẫn hy vọng thu hút người nước ngoài quay trở lại, do tình trạng hiện tại đang làm suy yếu kinh tế của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này. Nhưng tình hình cho thấy biện pháp thu hút hiện tại không dễ đạt được hiệu quả.
Những tháng gần đây, Trung Quốc đã đơn giản hóa thủ tục cấp thị thực cho khách doanh nhân và khách du lịch, giảm phí cấp thị thực và thậm chí thực hiện miễn thị thực cho một số nước. Trung Quốc cũng tiếp tục chính sách thuế cá nhân ưu đãi để làm cho cuộc sống ở Trung Quốc hấp dẫn hơn đối với người nước ngoài. Thủ tướng Lý Cường đã cam kết tại Đại hội Nhân đại toàn quốc hồi đầu tháng này rằng sẽ thực hiện thêm nhiều biện pháp để gầy dựng lại thương hiệu “Đầu tư vào Trung Quốc”.
Những chính sách thu hút cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy khôi phục mối quan hệ với các nước – chính sách mở đó đã thúc đẩy mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc mạnh mẽ trong nhiều thập niên – nhưng đã bị gián đoạn trong đại dịch COVID-19 khi ông Tập Cận Bình xem an ninh là ưu tiên hàng đầu trong mối quan hệ với các nước.
Hiện Trung Quốc đang cố gắng thu hút người nước ngoài quay trở lại, nhưng thời thế đã thay đổi, không chỉ nền kinh tế nước này đang chậm lại mà nhà chức trách cũng đang thắt chặt kiểm soát xã hội. Ở Washington, ngày càng có nhiều hoài nghi trong thúc đẩy mối quan hệ cởi mở với Trung Quốc, vấn đề đặc biệt ảnh hưởng mạnh từ chính sách ‘Zero COVID’ của Trung Quốc và chiến dịch phản gián trên toàn quốc của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Theo dữ liệu từ Cục Quản lý Nhập cư Quốc gia Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc vào năm ngoái đã cấp 711.000 giấy tờ cư trú các loại cho người nước ngoài, giảm 15% so với năm 2019 (trước dịch bệnh COVID-19); lượng khách lưu trú ngắn ngày (đặc biệt thể hiện nguồn khách du lịch và thương mại) thậm chí còn giảm mạnh hơn, giảm 2/3 so với cùng kỳ năm ngoái.
Những thách thức mà Thượng Hải phải đối mặt là đặc biệt rõ ràng. Với vị thế trung tâm tài chính, Thượng Hải là một thành phố hào nhoáng từng quy tụ đủ loại người nước ngoài, nhưng dữ liệu chính thức cho thấy vào năm 2022 số lượng giấy phép lao động mới cho người nước ngoài ở Trung Quốc giảm xuống còn 50.000, trong khi năm 2020 vẫn còn khoảng 70.000.
Gần hai năm sau khi lệnh phong tỏa do COVID-19 buộc nhiều người nước ngoài phải rời đi, thành phố này vẫn đang khó có thể khôi phục được phong thái “kinh đô quốc tế” như trước vẫn thấy.
Nhưng đây chỉ là một phần nhỏ so với tình hình trước năm 2020. Các quan chức ngoại giao, nhà ngoại giao và cố vấn kinh doanh hiện tại và trước đây thường chia sẻ, ngay cả việc tăng đáng kể các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc cũng không giải quyết được những thay đổi cơ bản – vấn đề làm cho người nước ngoài không còn đủ hứng thú với Trung Quốc.
Trung Quốc trước đây vốn được thế giới đánh giá là nước có nhiều cơ hội, nhưng xu hướng kể trên cho thấy tình hình đang đảo chiều nhanh chóng. Một thập kỷ trước, các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải là một trong những điểm đến phổ biến nhất đối với người nước ngoài trên thế giới. Trong thời kỳ bùng nổ kinh tế của Trung Quốc, sinh viên quốc tế đổ xô đến các trường đại học Trung Quốc để học tiếng phổ thông, nhiều người ở lại làm cầu mối cho các công ty đa quốc gia mong muốn đầu tư vào Trung Quốc, nhờ đó kiếm được thu nhập béo bở. Nhưng ngày nay thì tình hình đã đảo chiều: Nhiều công ty đa quốc gia đang đa dạng hóa bằng cách chuyển hoạt động ra ngoài Trung Quốc.
Chuyên gia Cameron Johnson về tư vấn chuỗi cung ứng có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Nếu bạn là người nước ngoài có gia đình và muốn phát triển sự nghiệp, bạn không cần phải ở lại Trung Quốc nữa, vì giờ điểm đến của bạn với nhiều hy vọng là Đông Nam Á, Ấn Độ hoặc Trung Đông”.
Khi mọi người rời đi thì của cải cũng đi theo họ. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết vào tháng Một rằng việc sử dụng vốn nước ngoài thực tế của Trung Quốc đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn khoảng 157 tỷ USD, đây là mức giảm đầu tiên sau 10 năm. Có thể thấy Trung Quốc ngày càng bị xem là nơi nhiều rủi ro.
Giới kinh tế phổ biến cho rằng các quản lý cấp cao nước ngoài có thể mang lại những kiến thức và kỹ năng tiên tiến mà Trung Quốc vẫn cần. Vốn nước ngoài và sự quan tâm của nhà đầu tư ngày càng trở nên quan trọng khi Bắc Kinh nỗ lực khôi phục niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm chạp và thị trường bất động sản trì trệ.
Giớ doanh nhân phổ biến cho rằng đối với các công ty đa quốc gia, nếu họ không thể thuyết phục được các quản lý cấp cao đồng ý sang Trung Quốc, điều đó có thể dẫn đến sự mất kết nối giữa hoạt động ở Trung Quốc và trụ sở chính, đồng thời cũng có thể khiến việc duy trì giá trị công ty ở Trung Quốc trở nên khó khăn hơn. Một số người từng công tác ở nước ngoài lâu năm cho rằng về lâu dài thì việc nước ngoài thiếu quan tâm đến Trung Quốc có thể làm suy yếu quy mô của các nhóm kết nối Trung Quốc với thế giới bên ngoài, từ đó làm sâu sắc thêm tình trạng ngờ vực và hiểu lầm.
Dữ liệu chính thức về người nước ngoài sống hoặc đến thăm Trung Quốc là không rõ ràng. Lần gần nhất Chính phủ Trung Quốc công bố dữ liệu chi tiết về cư dân nước ngoài dài hạn là vào năm 2021, khi đó Trung Quốc công bố kết quả cuộc điều tra dân số 10 năm một lần.
WSJ nhận định, các biện pháp của Chính phủ Mỹ đã hạn chế các hoạt động liên lạc với Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ kể từ tháng Ba này đã đưa Trung Quốc vào danh sách “Cân nhắc lại việc tới du lịch” (Reconsider Travel), với lý do nguy cơ bị giam giữ và thực thi luật pháp địa phương một cách tùy tiện. Đồng thời, Quốc hội Mỹ đang ngày càng xem xét kỹ lưỡng mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung.
Từ khóa Du lịch Trung Quốc kinh tế Trung quốc