Trung Quốc: Nạn nhân P2P tự sát, chính quyền ép hỏa thiêu thi thể
- Trí Đạt
- •
Vương Sảnh (Wang Qian), một trong những nạn nhân sàn giao dịch trực tuyến Ppmiao thuộc mạng vay trực tuyến P2P Trung Quốc đi kiện đòi lại công bằng nhưng không có kết quả, còn bị cơ quan chức năng dùng bạo lực đàn áp, vì quá tuyệt vọng nên cô đã tìm đến cái chết. Thông tin đã gây làn sóng phẫn nộ rộng khắp. Tuy nhiên, chính quyền nhanh chóng ra tay kiểm soát tình hình: Bắt hỏa thiêu thi thể người bị hại, đe dọa các thành viên gia đình của Vương Sảnh không được tiết lộ thông tin liên quan ra ngoài…
Thi thể nạn nhân P2P bị cưỡng bức hỏa táng, người thân bị đe dọa
Theo VOA Mỹ dẫn nguồn tin cho biết, trong tình hình bị gia đình của nạn nhân Vương Sảnh phản đối, cơ quan chức năng đã dùng biện pháp mạnh, ngày 08/9 đã cưỡng chế hỏa táng thi thể Vương Sảnh. Một người bạn Vương Sảnh cũng là nạn nhân của sàn trực tuyến Ppmiao đã xác nhận với báo Epoch Times rằng cơ thể thực sự đã bị bắt hỏa táng, khi hỏa táng có nhân viên chính quyền đến ở hiện trường.
Không chỉ vậy, các thành viên gia đình của Vương Sảnh cũng bị các nhà chức trách cảnh báo không được chia sẻ thông tin ra ngoài hoặc trả lời phỏng vấn của giới truyền thông. Sau khi em trai của Vương Sảnh nhận được một cuộc phỏng vấn của truyền thông ngoài Trung Quốc, chỉ nói rằng không tiện để tiết lộ bất kỳ thông tin nào và gác máy. RFA đưa tin, cha mẹ của Vương Sảnh hiện đã bị nhà chức trách quản thúc, còn điện thoại của nhiều người thân cũng không thể kết nối được.
Sau thông tin Vương Sảnh tự tử xuất hiện, nhiều nạn nhân của các sân chơi trực tuyến trong đó bao gồm cả Ezubao bày tỏ sẽ tổ chức tưởng niệm Vương Sảnh trên khắp cả nước, nhưng giới chức cầm quyền nhanh chóng phong tỏa thông tin liên quan, tên “Vương Sảnh” cũng trở thành từ nhạy cảm trên mạng internet.
Ngay cả những người bạn của Vương Sảnh cũng bị cấm tham gia tưởng niệm nạn nhân. Ông Du (Yu), người bạn thân của Vương Sảnh chia sẻ với VOA rằng, ông đã cùng một số người từng là nạn nhân của sàn vay tiền trực tuyến P2P đến nhà cha mẹ Vương Sảnh thăm hỏi, nhưng cơ quan chức năng nơi ông cư trú đã gọi điện yêu cầu ông không được đến nhà Vương Sảnh. Khi ông vừa ra khỏi cửa ngay lập tức có người yêu cầu ông trở về nhà.
Một số nhà hoạt động nhân quyền cho biết, số nạn nhân của P2P đi tìm cơ quan chức năng đòi công bằng rất lớn, chính quyền lo ngại tình hình sẽ bùng phát trên diện rộng nên chóng phong tỏa tình hình. Nhiều nạn nhân giận dữ chia sẻ: “Khi bị lừa dối, bạn không nên chống lại, còn khi bạn chết thì phải chết trong âm thầm.”
Di bút của Vương Sảnh đề cập thủ đoạn giáo dục mị dân
Vào sáng sớm ngày 07/9, nạn nhân Vương Sảnh đã treo cổ tự tử ở khu thắng cảnh Thẩm Lệ Hiệp (Shenlixia) huyện Phổ Giang (Pu Jiang) thành phố Kim Hoa tỉnh Chiết Giang. Trên Đài VOA, ông Du, bạn thân của nạn nhân cho biết, vào tháng Bảy và tháng Tám năm nay, Vương Sảnh đã đầu tư vào Ppmiao hơn 260.000 Nhân dân Tệ (khoảng 37,8 nghìn USD) mà chị tích lũy được qua nhiều năm làm việc cực nhọc, hệ quả là mất hết tiền gốc. Chị và các nạn nhân khác đi kiện đến Hàng Châu và Thượng Hải nhưng bị đàn áp bằng vũ lực, bị cảnh sát quê nhà theo dõi, khiến chị cảm thấy tuyệt vọng về cuộc sống.
Vương Sảnh đã viết lại trong di thư rằng từ nhỏ chị được giáo dục phải “yêu Đảng yêu nước”, nhưng đi đến Cục Khiếu nại tại Thượng Hải để bảo vệ quyền lợi của mình lại bị cơ quan chức năng dùng bạo lực trấn áp. “Đi đến Thượng Hải để tìm các cổ đông lấy lại tiền, nhưng số cảnh sát đến xua đuổi nạn nhân tài chính còn đông hơn nhiều. Hàng trăm người đã đến Cục Khiếu nại tại Thượng Hải để phản ánh thì bị một nhóm cảnh sát dùng bạo lực xua đuổi, đây là tôi đích thân trải nghiệm chuyện cảnh sát đánh người.” Các dòng tâm sự đều thể hiện sự thất vọng sâu sắc của nạn nhân, sự mâu thuẫn giữa việc từ nhỏ được giáo dục phải yêu nước yêu Đảng và những trải nghiệm cá nhân.
Vương Sảnh cho hay, khẩu hiệu “vì nhân dân phục vụ” là một trò hề, chúng dùng danh nghĩa nhân dân để mị dân. Trong bức di thư cô bày tỏ hy vọng các con của cô lớn lên sẽ ra được nước ngoài du học.
Vào đầu tháng Tám năm nay, bất ngờ Ppmiao ra thông báo rằng địa chỉ kinh doanh đã được chuyển từ Hàng Châu đến Nam Ninh. Trong tương lai, công ty con của Tổ chức tài chính nhà nước “uy tín” Hoa An (Hua’an Fund Management) sẽ nắm giữ 37,5% cổ phần. Tuy nhiên, vào ngày 06/8, Ppmiao lại thông báo Hoa An đã rút khỏi Ppmiao, đổi lại bên tham gia là Công ty Công thương nghiệp Bách Trình Chiết Giang. Nhưng thực tế ngày 16 và 20 tháng trước, Hoa An đã hai lần ra thông báo cho biết không có mối quan hệ kinh doanh gì với Ppmiao. Vì thế những nhà đầu tư Ppmiao nghi ngờ rằng Hoa An đã bỏ chạy.
Quy định mới về sân chơi P2P, nạn nhân không thể bảo vệ quyền lợi
Bắt đầu vào tháng Bảy năm nay, Trung Quốc Đại lục xuất hiện làn sóng sụp đổ tại sân chơi P2P, các nạn nhân đồng loạt đi tìm công bằng nhưng lại bị nhà chức trách đàn áp, ngăn chặn kiến nghị.
CNA Đài Loan đưa tin, trong làn sóng sụp đổ P2P, cơ quan chức năng Trung Quốc mù mờ trong việc thông báo cho những người bị nạn biết cách thức chính đáng để mọi người đi bảo vệ quyền lợi, những cơ quan quản lý liên quan cũng mơ hồ về vai trò trách nhiệm: “Giới truyền thông thì không được đưa tin người bị nạn, cảnh sát thì không cho nạn nhân kháng nghị, tòa án thì không thụ lý tranh chấp; nhà cầm quyền ưu tiên duy trì sự ổn định trật tự nên không muốn người dân tụ tập kháng nghị, đây là chân lý bất biến của Trung Quốc”.
Tuần trước, chính quyền Trung Quốc đã ban hành “Quy định của Tòa án nhân dân tối cao về vấn đề Tòa án mạng internet thụ lý các vụ án liên quan”. Theo Quy định này, các tranh chấp hợp đồng dịch vụ và mua hàng trực tuyến, các tranh chấp hợp đồng tài chính trực tuyến nằm trong phạm vi quản lý. Tuy nhiên, thông tin cũng chỉ ra các dạng giao kèo qua mạng internet này phải không thuộc P2P, toàn án mạng internet không chấp nhận các tranh chấp liên quan đến P2P. Nhiều bình luận chỉ ra, như vậy quy định này dường như hàm ý những nhà đầu tư bị lừa tại tại sân chơi P2P sẽ không được pháp luật bảo vệ.
Trí Đạt
Xem thêm:
Từ khóa đàn áp lừa đảo chiếm đoạt tài sản p2p sàn vay tiền trực tuyến