Truyền thông Úc: ĐCSTQ “lội ngược dòng” mua than của Úc còn bị từ chối
- Vương Quân
- •
Để trả đũa Úc, Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) từng cấm mua than của Úc, dẫn đến tình trạng thiếu điện tại nước này. Hiện nay Trung Quốc đã bắt đầu “giao hảo trở lại” với Úc. Truyền thông Úc chế giễu ĐCSTQ “lội ngược dòng” mua than của Úc, nhưng đã bị một mỏ than từ chối.
Ngày 13/2, theo News.com.au – kênh truyền thông trực tuyến thuộc sở hữu của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch, đưa tin “Lệnh cấm than của Trung Quốc bị ‘đảo ngược’, bắt đầu liên hệ với các nhà sản xuất của Úc”.
Thậm chí phụ đề của bài viết còn mỉa mai hơn: “Trung Quốc giờ chính thức ‘lội ngược dòng’ tìm kiếm các nhà sản xuất than của Úc – nhưng một mỏ than địa phương đã từ chối họ và lại bán cho Đài Loan.”
Theo báo cáo, New Hope Corporation, một công ty khai thác được niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán quốc gia Úc (ASX), xác nhận rằng một số khách hàng Trung Quốc đã liên hệ với họ trong tháng qua, với hy vọng được mua than.
Tuy nhiên, tại thời điểm khó xử này của Bắc Kinh, New Hope không muốn cung cấp than cho Trung Quốc, vì than của họ đã được chuyển đi nơi khác, gồm có Đài Loan.
Người phát ngôn của New Hope chỉ ra rằng hiện tại năng lực sản xuất của tập đoàn này đã được các khách hàng hiện có, gồm các khách hàng quốc tế lâu năm như Đài Loan, Nhật Bản ký hợp đồng hết, họ không còn than thừa để bán sang Trung Quốc.
Vào tháng 1/2023, có báo cáo rằng Trung Quốc đã cho phép các công ty Trung Quốc mua than của Úc.
Theo một báo cáo của News.com.au, đầu năm 2020, Chính phủ Úc cáo buộc Trung Quốc (ĐCSTQ) cản trở việc điều tra nguồn gốc của virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19), nên bị Trung Quốc trả đũa bằng cách áp đặt một số lệnh cấm đối với các sản phẩm của Úc, như quặng sắt, thịt bò, rượu vang, lúa mạch và tôm hùm, v.v. Mục đích chính là khiến nền kinh tế Úc rơi vào cảnh khó khăn.
Tuy nhiên, Úc đã tìm được những khách hàng mua than thay thế ở các quốc gia như Ấn Độ, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc, giúp ngành xuất khẩu than phục hồi nhanh chóng. Do giá tăng vọt nên các công ty than của Úc đã thu được lợi nhuận khổng lồ, từ năm 2021 – 2022, doanh thu xuất khẩu tăng gấp 2 lần.
Ngược lại, Trung Quốc phải gánh chịu một đòn giáng kinh tế từ lệnh cấm than của mình. Trong những năm gần đây, cho đến giữa năm 2022, Trung Quốc đã trải qua tình trạng mất điện luân phiên trong vài tháng.
Vài năm qua, Trung Quốc – quốc gia sản xuất hơn 2/3 lượng điện từ các nhà máy nhiệt điện than, đã không thể chính thức mua bất kỳ loại than nào của Úc.
Một số khách hàng Trung Quốc buộc phải áp dụng các giải pháp khác, đó là mua than Úc được bán lại với giá cao từ những người trung gian ở nước thứ ba.
Theo ước tính của Viện Chính sách Chiến lược Úc, Trung Quốc mất khoảng 2 tỷ USD mỗi tuần, vì bên thứ ba mua than của Úc rồi bán lại với giá cao.
Lệnh cấm của Bắc Kinh đối với than Úc gây ra vô số khổ nạn cho người dân và ngành công nghiệp
Theo một báo cáo trên tờ The Australian, do thiếu than cốc rẻ và chất lượng cao của Úc, các nhà máy thép Trung Quốc đã trở thành nạn nhân chính của lệnh cấm này. Họ phải chi nhiều tiền hơn để mua than đá từ Hoa Kỳ, Canada và Nga.
Các doanh nghiệp ngành thép Trung Quốc cho biết, do không có sự cạnh tranh của than Úc, ngành công nghiệp nặng của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi giá nguyên liệu thô tăng cao. Tình hình của ngành ngày càng gây áp lực lớn lên Chính phủ Trung Quốc, buộc họ phải nghiêm túc xem xét việc đầu cơ vào thị trường, đó là nối lại việc nhập khẩu than của Úc.
Trong báo cáo nghiên cứu mới nhất của mình, Beijing Fu Wah (Phú Hoa Bắc Kinh), công ty cung cấp dịch vụ tư vấn cho ngành thép, chỉ ra rằng lệnh cấm than cốc của Úc đã khiến giá than cốc ở Trung Quốc tăng mạnh.
Theo báo cáo của Bloomberg, chính quyền Bắc Kinh lo ngại chiến tranh Nga-Ukraine sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung than của Trung Quốc. Hơn nữa, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Úc gần đây đã dịu đi.
Vì vậy có thông tin cho rằng các quan chức Trung Quốc đã nhân cơ hội này đệ trình một đề xuất hủy bỏ lệnh cấm nhập khẩu than của Úc với các quan chức cấp cao, hy vọng tránh lặp lại tình thế tiến thoái lưỡng nan về gián đoạn cung cấp điện.
Từ khóa Quan hệ Trung Quốc - Úc Dòng sự kiện Than Úc