Vì sao Trung Quốc xóa các video khoe mẽ?
- Tiểu Quỳ
- •
Gần đây, truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) liên tục chỉ trích các video khoe mẽ tiêu xài đắt đỏ đang phổ biến trên mạng internet Đại Lục, nguyên nhân sâu xa là gì?
Nếu là người hay lướt web tiếng Trung, chắc hẳn đã từng xem những video tiêu xài xa hoa kiểu như “Big LOGO Eats Down Beijing” (Big LOGO ăn hết Bắc Kinh), hở ra cái là chi 1.000 Nhân dân tệ (khoảng 3,5 triệu đồng) cho trái cây, chi 70.000 Nhân dân tệ (khoảng 248,7 triệu đồng) ở khách sạn… Tuy nhiên, trong những ngày gần đây, truyền thông ĐCSTQ đã nhắm đích danh những người nổi tiếng này, chỉ trích rằng đã xuất bản nội dung làm hỏng nếp sống xã hội và sử dụng chúng để thu thập lượt truy cập video ngắn. Động thái này của truyền thông Đảng cũng thu hút không ít quan tâm từ cộng đồng mạng.
Tân Hoa Xã chỉ trích video khoe giàu, người nổi tiếng khẩn thiết xin lỗi
Gần đây, chủ nhân kênh Big Logo của loạt video ăn uống tiêu xài hạng sang “Big LOGO ăn hết Bắc Kinh” đã lọt vào tầm ngắm của truyền thông Đảng. Big Logo đã quay những trải nghiệm tiêu dùng xa hoa như “Cắt tóc tốn 10.000 Nhân dân tệ (35,5 triệu đồng)”, “trà chiều 3.700 nhân dân tệ (13 triệu đồng)”, “một đêm trong phòng Tổng thống 75.000 nhân dân tệ (266,5 triệu đồng)”…, nhằm khơi dậy sự tò mò cho cộng đồng mạng.
Tân Hoa xã và Nhân dân Nhật báo đã chỉ trích các “video trải nghiệm khoe giàu” này đã đi chệch khỏi các giá trị dòng chính.
Tờ “Tin tức Bắc Kinh” đưa tin ngày 18/4, nhóm quản lý kênh của Big Logo đã đưa ra phản hồi, cho biết mục đích ban đầu của việc sản xuất video chỉ để chia sẻ kinh nghiệm và không có ý dẫn dắt mọi người theo đuổi tiêu dùng những thứ quá đắt tiền “đã được nêu rõ trong nhiều video rằng không đáng để thử” đó, đồng thời khẩn thiết xin lỗi: “Chúng tôi sẽ lựa chọn chủ đề video cẩn thận hơn trong tương lai.”
Chính quyền lo sợ khoe khoang giàu có sẽ làm gia tăng mâu thuẫn
Trong những năm gần đây, khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc Đại Lục ngày càng trở nên nghiêm trọng. Về đợt chỉ trích này của truyền thông Đảng, một số người dân Đại Lục chỉ ra, các quan chức rõ ràng đang lo lắng rằng những video này sẽ làm sâu sắc thêm sự chán ghét của người dân đối với những người giàu có và làm gia tăng xung đột xã hội.
Vào tháng 7/2019, ông Tập Cận Bình công khai tuyên bố rằng người dân Trung Quốc phải có kế hoạch và chuẩn bị cho một cuộc sống khó khăn sắp tới. Vào tháng Mười năm ngoái, ông Tập lại tiếp tục lặp lại khẩu hiệu “tự lực cánh sinh” của Mao Trạch Đông. Cùng năm đó, Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng liên tục yêu cầu chính quyền trung ương đi đầu trong việc “thắt lưng buộc bụng”, và chính quyền các cấp cũng cần phải thiết thực noi theo.
Một người dân Bắc Kinh nói với Đài Á Châu Tự Do, anh tin rằng chính quyền Bắc Kinh “để mọi người phải thắt lưng buộc bụng, chi tiêu dè xẻn cũng là do bức bách từ tình hình trước mắt. Cảnh báo mọi người rằng không thể phát huy phong cách xa xỉ này, cư dân mạng xem nhiều rồi sau này có thể làm ra nhiều chuyện như đánh đập, cướp phá. Đây cũng là một cách kiểm soát khác.”
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng Đại Lục cho rằng chính quyền không có quyền cấm đoán người dân xem các video tiêu dùng dưới danh nghĩa “năng lượng tích cực” và việc tiêu dùng đắt đỏ này có thể mang lại nhiều trải nghiệm hơn cho khán giả. Cũng có người thẳng thừng rằng: “Tại sao người giàu được tiêu xài, người nghèo đã không được ăn thì nhìn một chút cũng không được sao?”
Sự thông đồng giữa chính phủ và giới doanh nhân đã tạo ra một số lượng lớn người giàu Trung Quốc
Một phân tích của ông Trương Côn Lôn (Zhang Kunlun), một học giả đến từ Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc đã chỉ ra rằng sự thông đồng giữa chính phủ và doanh nhân để thu tiền là một vấn đề phổ biến trong thể chế Trung Quốc hiện tại. Về bản chất, đó là “người nghèo trợ cấp cho người giàu và người giàu cướp bóc của người nghèo. Dưới tình hình nạn dịch, môi trường kinh tế không thuận lợi, mâu thuẫn giàu nghèo lại càng trở nên gay gắt, chính phủ lại càng muốn dấu khoảng cách giàu nghèo nhằm tránh khơi dậy sự phản kháng từ người dân.”
Sau khi Big Logo bị truyền thông Đảng chỉ trích, nhiều cư dân mạng cũng đành phải xóa video ăn uống đắt đỏ trên tài khoản cá nhân của mình. Về vấn đề này, một blogger thẳng thừng cho rằng không có cơ sở pháp lý nào cho việc truyền thông Đảng can thiệp vào việc cư dân mạng đăng tải các video ăn uống hoặc các trang web chặn các video ăn uống xa xỉ.
Trên thực tế, số lượng người giàu ở Trung Quốc Đại Lục đang tăng lên nhanh chóng.
Hãng thông tấn Agence France-Presse (AFP) của Pháp đưa tin, Bảng xếp hạng Người giàu Hurun 2021 được công bố vào ngày 2/3 cho thấy, mặc dù đại dịch viêm phổi ở Vũ Hán đang làm rung chuyển nền kinh tế thế giới, nhưng số lượng tỷ phú ở Trung Quốc không hề bị ảnh hưởng. Có 992 người siêu giàu ở Trung Quốc, đứng đầu trên thế giới, vượt xa so với Hoa Kỳ đang xếp ở vị trí thứ hai và Ấn Độ đang xếp ở vị trí thứ ba.
Trong số đó, người giàu nhất Trung Quốc là tỷ phú Chung Thiểm Thiểm, 67 tuổi, nhà sáng lập hãng nước uống đóng chai Nongfu Spring. Năm 2020, ông Chung vẫn còn nằm ngoài bảng xếp hạng 100 người giàu, nhưng sau khi Công ty Nongfu Spring lên sàn vào năm ngoái, khối tài sản của ông Chung đã tăng lên 85 tỷ USD và soán ngôi người giàu nhất Trung Quốc. Năm nay, Tencent ở vị trí thứ hai trong danh sách người giàu nhất Trung Quốc, và vị trí thứ ba là Bytedance. Tỷ phú Jack Ma lần này xuống thứ tư với 55 tỷ USD.
Một số nhà phân tích cho rằng ở Trung Quốc Đại Lục, sự xuất hiện của nhiều người giàu có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến các tệ nạn trong chế độ. Ví dụ, ông Diệp Quốc Binh (Ye Guobing), cựu Phó Giám đốc Sở Công an tỉnh Giang Tây, đã bị sa thải vào tuần trước. Cảnh sát đã tìm thấy hơn 200 triệu Nhân dân tệ (khoảng hơn 710 tỷ 546 triệu đồng), 8,1 triệu USD (khoảng 187 tỷ đồng) và 6,2 kg vàng cùng với một khẩu tiểu liên và một khẩu súng lục, với hơn 900 viên đạn… trong nhà con trai của ông ta.
Lê Tiểu Quỳ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Người Trung Quốc Người giàu Trung Quốc