Chính sách kiểm soát dịch bệnh ‘Zero-COVID’ của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trở thành thảm họa cho đất nước này, là thử thách tàn khốc đối với sinh kế của người dân. Nỗi ám ảnh tâm lý mà chính sách này mang lại sẽ đeo bám qua nhiều thế hệ người Trung Quốc.

p3208051a941609787
Thành phố Thành Đô lại tiếp tục xuất hiện hiện tượng người dân tranh nhau mua đồ trước giờ phong tỏa. (Ảnh: Weibo)

Biến cố lịch sử do chính sách ‘Zero-COVID’ gây ra đã được lan truyền rộng khắp trên mạng xã hội Weibo và Twitter qua rất nhiều video và hình ảnh. Những bằng chứng này giúp thế giới bên ngoài phần nào hiểu được cuộc khủng hoảng nhân đạo mà chính sách này gây ra như: người nhốt trong nhà bị chết đói, người giàu cũng phải la hét kêu than, người chết vô lý vì chậm trễ trong chữa trị, người nhảy lầu vì quẫn trí, con thơ phải rời xa cha mẹ vì cách ly…

Tác hại của chính sách ‘Zero-COVID’

Hiện nay, GDP của các thành phố bị phong tỏa vì ‘Zero-COVID’ chiếm khoảng 35% tổng sản phẩm quốc nội Trung Quốc, mức cao nhất trong hơn một năm qua. Nếu tiếp tục, GDP quý III sẽ kém hơn mức tăng trưởng 0,4% của quý II, dẫn đến tăng trưởng GDP cả năm của toàn Trung Quốc chưa đến 2%.

Tất nhiên đây là ước tính, kết quả cuối cùng còn phụ thuộc vào dữ liệu của Cục Thống kê ĐCSTQ, để có được dữ liệu có tính xác thực thì phải nỗ lực hơn những năm trước đây.

Tuy nhiên trước mắt, từ dữ liệu sơ bộ của nhà chức trách ĐCSTQ, người ta cũng phần nào thấy được chính sách ‘Zero-COVID’ vô nhân đạo đã gây tổn hại lớn thế nào đối với nền kinh tế nước này.

Dữ liệu kinh tế được cơ quan chức năng ĐCSTQ công bố hôm 15/7 cho thấy trong quý II, GDP Trung Quốc tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 2,6% so với tháng trước. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ chậm nhất trong hơn 2 năm, thậm chí còn thấp hơn dự kiến, trong khi GDP quý II của thành phố có nền kinh tế mạnh nhất Trung Quốc là Thượng Hải giảm 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chính sách ‘Zero-COVID’ cũng làm tiêu hao tài chính của chính quyền địa phương. Suy thoái kinh tế và thị trường bất động sản đã làm giảm nguồn thu của các chính quyền địa phương.

Ngày 17/8, Bộ Tài chính của ĐCSTQ đã công bố thu chi tài chính. Theo đó, từ tháng 1 – 7 năm nay, thu ngân sách công của Trung Quốc giảm 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu ngân sách công nói chung được xem là “biểu đồ” phản ánh tình trạng hiện tại của nền kinh tế.

Trước tình hình này, Thủ tướng Lý Khắc Cường lo lắng tổ chức các cuộc họp ở khắp nơi để giám sát tình hình. Ông cho biết chính sách hỗ trợ kinh tế từ đầu năm đến nay đã vượt quá chính sách hỗ trợ kinh tế của năm 2020 khi bắt đầu có dịch COVID-19. Ông đã ban “lệnh tử thần”, yêu cầu 4 tỉnh phát triển kinh tế ven biển là Quảng Đông, Giang Tô, Chiết Giang và Sơn Đông phải hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách cho trung ương (4 tỉnh này đóng góp hơn 60% tổng đóng góp ròng cho các chính quyền địa phương để nộp cho trung ương).

Chính sách ‘Zero-COVID’ cũng tiêu hao tiền bảo hiểm y tế và tiền tiết kiệm của người dân, đồng thời tạo ra một lượng lớn chất thải y tế. Việc ĐCSTQ liên tục tiến hành xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn, khiến hàng trăm triệu người buộc phải kiểm tra axit nucleic cứ 2 – 3 ngày/lần hoặc, hoặc thậm chí hàng ngày. Hiện nay “năng suất” xét nghiệm của các tổ chức xét nghiệm axit nucleic của Trung Quốc đã đạt 51,65 triệu ống/ngày, thống kê sơ bộ tính đến tháng 4/2022 việc xét nghiệm axit nucleic của Trung Quốc đã hoàn thành khoảng 11,5 tỷ lần. Lượng chất thải y tế thải ra mỗi ngày gần như chưa từng có trong lịch sử, gây nguy cơ xử lý không đúng cách làm nguy hại đến môi trường và sức khỏe người dân, kéo theo nguy cơ đối với hệ sinh thái.

Ngay cả nhiều tổ chức truyền thông chính thống của ĐCSTQ cũng phải bất bình trước những chính sách vô lý này. Tờ Bán Nguyệt Đàm (China Comment) của Tân Hoa Xã từng lên án việc xét nghiệm axit nucleic quy mô lớn được thực hiện ngay cả khi không có ca nhiễm COVID-19. Nhiều đợt kiểm tra axit nucleic đều âm tính, nhưng người dân vẫn phải tiếp tục chịu cảnh xét nghiệm mỗi ngày.

Ai quyết định khi nào loại bỏ chính sách ‘Zero-COVID’?

Tại sao nhà chức trách ĐCSTQ kiên quyết thúc đẩy ‘Zero-COVID’? Lời giải thích từ họ cho rằng vấn đề là do điều kiện tình hình của đất nước, và mục đích cơ bản của chính quyền là hết lòng phục vụ nhân dân.

Chắc là mọi người không muốn lúc nào cũng bị quản lý như động vật, bị giám sát liên tục và có nguy cơ bị phong tỏa bất cứ lúc nào, không ai muốn của cải và thậm chí cả vật nuôi trong gia đình luôn ở trong nguy cơ bị đe dọa tịch thu và tiêu hủy… Vậy mà lời giải thích của nhà chức trách lại nhân danh cái gọi là “hết lòng phục vụ nhân dân”.

Ngày 28/7, lãnh đạo ĐCSTQ Tập Cận Bình đã chủ trì một cuộc họp Bộ Chính trị và nêu rõ “phải kiên định tuân thủ ‘Zero-COVID’, khi thấy dấu hiệu ca nhiễm phải lập tức phong tỏa ngăn chặn để kịp thời kiểm soát, không được buông lỏng”.

Thực trạng quản lý vô tình đó khiến đông đảo người dân nguyền rủa ông Tập. Nhiều người ngày càng nghi ngờ việc thực hiện chính sách ‘Zero-COVID’ chỉ là một trong những cái cớ để ông ta bảo đảm duy trì quyền lực tại Đại hội 20: Đúng là kẻ không có văn hóa lại luôn muốn duy trì quyền lãnh đạo, trong đầu chứa đầy những ý tưởng cổ hủ cố chấp mà không muốn tiến bộ!

Hãy thử tưởng tượng nếu Trung Quốc thực hiện chiến lược “sống chung với virus” như ở các nước phương Tây, giúp các hoạt động kinh tế và cuộc sống của người dân được nối lại bình thường, thì ông Tập có tái đắc cử tại Đại hội 20 không? Tất nhiên là không. Bất cứ ai biết một chút về tình hình chính trị hiện tại ở Trung Quốc đều hiểu rằng, do kiểm soát COVID-19 chặt chẽ, trong ĐCSTQ không thể có phe phái chính trị đối lập nào vươn lên mạnh để chống lại ông Tập và ngăn ông ta tiếp tục nắm quyền.

Một tín hiệu cho thấy ông Tập sẽ tiếp tục nắm quyền là chuyến thăm cấp nhà nước tới Kazakhstan vào ngày 14/9 của ông. Đây cũng là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Tập kể từ chuyến thăm Myanmar vào tháng 1/2020. Nếu ông Tập Cận Bình “ẩn mình” trong thời gian dài, có nghĩa là cuộc tranh giành quyền lực đã đến thời điểm quan trọng. Tuy nhiên giờ đây, ông dám ra nước ngoài, nghĩa là hậu phương đã an toàn.

Thử nghĩ, nếu bây giờ quyền lực của ông Tập Cận Bình bị vô hiệu, thì chính sách ‘Zero-COVID’” liệu có bị bãi bỏ? Không thể, chính sách đó vẫn sẽ được duy trì, dù có thể có điều chỉnh hoặc thay đổi, nhưng xu hướng chung sẽ không thay đổi. Điều này cũng tương tự chuyện bây giờ ĐCSTQ cho phép người dân sinh con thứ 3, nhưng nói rõ với công chúng rằng: Đây vẫn là chính sách kế hoạch hóa gia đình.

Bởi vì tất cả những điều này là do bản chất tà ác của ĐCSTQ: Luôn muốn kiểm soát mọi thứ, nếu không thể đạt được mục tiêu thì phải phá hủy mọi thứ.

Tác giả bài này thiết nghĩ nên tìm ra vấn đề từ tận gốc rễ. Gốc rễ khiến ông Tập tham quyền lực là ĐCSTQ. Vì muốn lợi dụng ĐCSTQ để bảo lưu quyền lực của bản thân, bảo đảm an toàn của mình và gia đình. Nhưng trên thực tế, ĐCSTQ cũng đang lợi dụng ông Tập để đạt được mục đích kéo dài sự sinh tồn của nó dù là đang thoi thóp. Đối với ĐCSTQ, ông Tập Cận Bình cũng như một linh kiện trong một cỗ máy. Những ai đã đạt đến đỉnh cao của quyền lực mà không làm theo bản chất tàn ác kiểm soát của ĐCSTQ trong mọi vấn đề, thì sẽ bị đào thải bất cứ lúc nào. Lịch sử chính trị của ĐCSTQ đã có những trải nghiệm như vậy, ví như trường hợp thanh trừng cựu Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ, hay cựu Tổng bí thư Triệu Tử Dương… Vì vậy, con đường đúng đắn cho mọi người Trung Quốc là hãy thoái xuất khỏi ĐCSTQ, từ bỏ tham gia vào đảng này.

Nhậm Trọng Đạo
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả, được đăng trên Vision Times.)