Bàn thêm về vấn đề đánh trẻ – Nguyễn Hiến Lê
- Nguyễn Hiến Lê
- •
Mươi năm trước, có lần tôi được gặp một nữ giáo viên rất lưu tâm tới Tân Giáo Dục, đã du học Âu Mỹ về. Cô hoạt bát, hiếu khách, nên câu chuyện kéo dài khá lâu. Tôi để ý nhận xét thì thấy cô chưa có kinh nghiệm gì riêng cả, toàn là lặp lại ý kiến của người. Tôi đã lễ phép ba lần xin cáo từ, chủ nhân đã đưa tôi ra tới cổng mà câu chuyện cũng vẫn thao thao chưa dứt. Đột nhiên ở bên hàng xóm có tiếng đàn ông quát tháo, rồi có tiếng roi quất, có tiếng trẻ khóc. Nữ giáo viên nọ mặt đương tuơi bỗng sầm lại. Cô bỏ dở câu chuyện mà thốt ra câu này tới nay tôi vẫn còn nhớ: “Đồ dã man! Con nít chứ phải là thú vật đâu mà đánh nó!” Cặp môi son của cô tru ra khi cô dằn vào tiếng thú, cặp lông mày kẻ chì của cô cau lại, tôi thấy sao mà dữ thế. Bao nhiêu cái duyên của cô biến đi đâu mất hết, và tôi chỉ còn thấy trên mặt cô toàn những nanh cùng mỏ.
Tôi hơi ngượng. Tại sao lại ngượng, tôi cũng không hiểu nữa, cảm giác tôi lúc đó thật khó tả – tôi hơi bực mình, muốn đáp lại cô một câu, đại ý: “Bên Tây bên Mỹ ra sao tôi không biết, chứ trong xã hội Việt Nam này, cha mẹ nào mà không có lần đánh con? Ngay như chúng mình đây, hồi nhỏ ai mà khỏi bị đòn? Không lẽ tất cả những cha mẹ đó đều là dã man, đều coi con như loài thú vật”. Tôi đã định đáp như vậy nhưng sợ phải nghe cô thuyết hằng giờ nữa, tôi đành làm thinh và nhân lúc cô còn hầm hầm ngó qua nhà hàng xóm, tới cúi đầu chào rồi dông.
Về giáo dục, chắc chắn cô ấy học nhiều hơn tôi, nhưng dù cô ấy có dẫn lời của tất cả các nhà Tân giáo dục Âu Mỹ, từ Pestalozzi tới Dewey, Montessori, Decroly, vân vân… để triệt để cấm đoán sự đánh trẻ, bất kỳ trong hình thức nào, để mạt sát tất cả những người đánh trẻ, bất kỳ trong trường hợp nào, thì tôi vẫn không tin rằng chủ trương của cô ấy đúng.
Tôi xin thưa ngay rằng nói vậy không phải là tôi bênh vực chính sách roi vọt và khuyên các bậc phụ huynh phải dữ đòn thì trẻ mới ngoan. Hồi nhỏ tôi đã học một trường có mười lớp mà tới bốn ông giáo dữ dòn, có ông dùng dùi trống, có ông dùng thuớc kẻ bảng dài hai thước, rộng một tấc và dày hai phân để trị học sinh và học sinh chúng tôi sợ một phép, nên các ông ấy rất it khi phải ra tay. Tôi đã có lần thấy một anh bạn học hiền lành, chỉ vì lỡ lời, thốt ra một tiếng mà chính anh ta không ngờ rằng không được nhã, tiếng “búi tó” (tức búi tóc) mà bị một cụ Cử cựu học bạt tai đến nỗi chảy máu mũi và lần ấy tôi đã bất bình, bớt lòng kính trọng nhà Nho đó. Và trong mười mấy năm tôi chỉ đánh con tôi có ba bốn lần, hai lần qua cơn giận rồi, tôi hối hận đến rớt nước mắt; trong năm sáu năm tôi chỉ cú đầu đứa cháu tôi có một lần, lần nó cao hứng đi chơi không cho nhà hay, làm cho cả nhà nhốn nháo lên đi tìm nó tại khắp các ti Cảnh sát Đô thành, mười một giờ khuya mới gặp được nó ở nhà một người bà con.
Không, tôi không muốn đánh trẻ. Mà có ai muốn đánh trẻ không nhỉ? Nhưng bảo đánh trẻ là dã man, là coi trẻ như loài thú, thì nhất định là phản đối. Lời đó sai. Ba tôi thường đánh tôi hồi nhỏ, lúc đó có lẽ tôi cũng có lần oán người thật, nhưng bây giờ tôi mừng rằng đã được sinh trong một gia đình nghiêm khắc, và tôi biết chắc rằng người không coi tôi như một con thú, trái lại là khác. Mà giả sử khi tôi dưới năm tuổi, người có cho tôi là một con thú thì cũng là có lý.
Tôi nhớ lại Anatole France đã tả đứa con gái của ông tên là Suzanne phùng mang trợn mắt lên, khi cào mặt đĩa để bắt con gà vẽ trên đó mà không được. Lúc đó ông thấy nó gần như một con thú. Tôi nhớ lại những con cháu của tôi, đứa nào hồi hai ba tuổi, đòi một cái gì mà không được thì cũng ngồi bệt xuống đất có khi nằm lăn ra giãy giụa, la hét. Không biết loài cọp con có dữ như vậy không, chứ những con mèo con, con chó con, con bê, con nghé hiền hơn chúng nhiều. Mà lớn lên con người nhiều khi có hơn gì loài thú đâu. Năm trước đây, hai tên lính, coi cọp báo không được, về nhà xách lựu đạn lại trả thù người bán báo, làm mấy người chết, hai chục người bị thương. Rồi người ta còn kể chuyện những kẻ chiên xào gan của nhau để ăn nữa chứ! Cọp, sư tử, có loài nào tàn nhẫn với đồng loại như thế đâu. Vậy thì sao lại tự phụ rằng người không phải là thú vật? Đành rằng chúng ta hơn thú vật ở nhiều điểm: có hai tay, có ngôn ngữ, biết suy nghĩ… nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng con người không phải là thiên thần mà vẫn còn giữ nhiều thú tính.
Một ông bạn tôi có một đứa con gái mười một mười hai tuổi. Bà vợ có tánh hay nói, hay rầy con. Một lần nó tức bực quá, thốt lên một câu: “Má ác ôn, má chết đi!” Không khí trong phòng bỗng lạnh ngắt. Ông bạn tôi lặng lẽ, tiến lại bạt tai cho nó một cái nên thân. Nó biết lỗi, thui thủi vào bếp và cả hôm đó nó không dám nhìn mặt ba má nó nữa. Một ông bác tôi hiền tới nỗi hồi nhỏ anh em chúng tôi tinh nghịch có lần cầm một que diêm, châm lửa lén đốt chân cụ xem phản ứng của cụ ra sao. Cụ hốt hoảng rụt chân vào, nhìn thấy chúng tôi, nhưng chỉ: “Hư! Nghịch nào!”, rồi lại điềm nhiên như thường. Vậy mà có lần cụ đã vác gậy đuổi đánh người con trai của cụ chỉ vì cậu Tú (cổ học) đó đã tàn nhẫn với người vợ đương có mang. Một tuần lễ sau cậu Tú mới dám trở về nhà xin lỗi cha.
Trong hai câu chuyện đó thì người cha đánh con là dã man, hay người con là thú vật? Riêng tôi tôi thấy cơn thịnh nộ của ông bác tôi lần đó rất đẹp. Con người không thể không sống chung với nhau được, mà sống chung là có sự câu thúc, không thể phóng túng được. Dù văn minh tới mấy, có giáo dục tới mấy mà chưa tới được cái trình độ minh triết của Không Tử, Lão Tử, Thích Ca, Ki Tô… thì ai cũng có những lúc gắt gỏng bất công hoặc hung dữ mà cha mẹ hóa ra khe khắt với con cái, con cái hóa ra vô lễ với cha mẹ. Tới một mức nào đó cha mẹ có thể bỏ qua cho con được; quá cái mức đó thì phải trừng trị, mà trong lúc giận dữ có đi quá cái lẽ phải cũng là chuyện thường. Còn con cái thì phải nhịn cha me, nếu quá một mức nào đó, không thể bình tĩnh được nữa thì tạm lánh mặt đi, như vậy mới là phải đạo.
Tôi không biết ông hàng xóm của cô giáo tân tiến nọ đánh con vì lẽ gì, nhưng bảo ông ta là dã man thì quả là tàn nhẫn quá. Biết đâu chừng ông ta chẳng có nhiều nỗi khổ tâm mà người ngoài làm sao thấu được.
*
Chúng ta thường có thói quá giản dị hóa vấn đề: hễ không phải thì là trái, không đen thì trắng, không tự do thì là độc tài, không văn minh thì là dã man, không là con người thì là con thú… Nhưng việc đời đâu phải giản dị như vậy: có biết bao trường hợp khác nhau, có biết bao nỗi lòng tế nhị, trong cái đại đồng có biết bao cái tiểu dị, Chỉ đặt vấn đề: “Nên đánh con hay không?”, rồi trả lời rằng “có” hoặc “không”, là có một thái độ nông nổi.
Đánh trẻ là là để đạy trẻ. Nếu có thể dạy trẻ mà không cần đánh thì quý nhất rồi, đỡ khổ thân cho trẻ mà cũng đỡ khổ tâm cho cha mẹ và ông thầy. Tôi cũng nhận rằng có những trường hợp không cần đánh mà trẻ cũng ngoan, nhưng những trường hợp đó tương đối hiếm, tỉ số chỉ là một phần mười, một phần trăm hoặc một phần ngàn. Là vì cần có nhiều điều kiện.
Trước hết đứa trẻ phải bẩm sinh ngoan ngoãn, dễ dạy. Thuyết của Rousseau, của Tolstoy cho rằng trẻ nào sinh ra cũng tốt, rằng thiên nhiên bao giờ cũng hoàn hảo, mà xã hội làm cho con ngưoi hư hỏng, thuyết đó theo tôi chỉ là một huyền thoại, trừ phi người ta hiểu tốt, thiện là biết hô hấp, biết bài tiết, biết cử dộng, biết bú và biết thích (chứ chắc đã là biết yêu) người cho bú.
Cứ nhìn chung quanh, ngay trong gia đình mình, chúng ta cũng thấy có những đứa trẻ hiền lương, có những đứa hung dữ, có những đứa thích hoạt động, có những đứa chậm chạp,… tùy di truyền, tùy thể chất từng đứa. Rồi lại phải có những bậc cha mẹ hay thầy dạy sáng suốt, tận tâm, có thì giờ để săn sóc trẻ từng li từng tí.
Sau cùng, cần có những hoàn cảnh tốt nữa: trẻ phải được đủ ăn, đủ mặc, được mọi người chung quanh âu yếm, không ai nếu gương xấu cho chúng bắt chước.
Đổi với những đứa trẻ không có đủ những điều kiện đó thì đôi khi phải tạm dùng roi. Đánh trẻ chỉ là một lối tạo những phản ứng có điều kiện (điều kiện đó là cái roi) để chúng tập những thói quen nào đó, vào một khuôn phép nào đó. Cách đó tất nhiên là có phần bất nhẫn, nhưng nhiều khi hiệu quả mau mà chắc chắn. Tôi mong rằng sau này loài người văn minh hơn, quốc gia nào cũng có thể bỏ chừng một phần ba lợi tức vào sự giáo dục (ngày nay ngân quỹ dùng vào giáo dục chỉ bằng một phần mười, một phần hai mươi lợi tức quốc gia), đào tạo được những bậc cha mẹ, ông thầy sáng suốt và cứ năm sáu đứa trẻ thì có một người hiểu tâm lý trẻ em, trông nom, lúc đó mới có thể triệt đề áp dụng những lý thuyết Tân Giáo dục rất xác đáng của Montessori, Decroly… và may ra mới có thể bỏ hẳn sự đánh trẻ được. Còn trong hiện tình xã hội, cứ viện những lý thuyết Tân Giáo Dục đó ra mà cấm sự đánh trẻ thì không mấy người theo được, hoặc có theo thì lại theo bậy, cho trẻ phóng túng mà chúng sẽ hư thêm thôi.
Vậy đánh trẻ mà chúng sợ, biết sửa lỗi, lại không oán mình, không hóa ra mất hẳn cá tính, thì là việc không có gì đáng trách cả trong xã hội hiện tại.
Nếu đánh mà chúng vẫn không chừa, hoặc sinh ra oán mình hoặc hóa ra sợ sệt giả dối, thì là không có công hiệu, là vô ích, phải sửa đồi lối dạy, giao cho người khác hoặc một cơ quan nào đó trông nom, uốn nắn chúng. Còn như giận cá chém thớt, vì có điều gì bực mình mà trút sự bực mình lên đầu đứa trẻ, đánh nó không phải là để sửa lỗi cho nó mà chỉ để cho hả cơn tức của mình, thì nhất định là một hành động xấu xa rồi. Nhưng trong trường hợp này tôi thấy thương cả người cha lẫn người con, không oán ai cả.
Đó theo thiên kiến, chúng ta phải phân biệt ít nhất là ba trường hợp đánh trẻ như trên; trong mỗi trường hợp những cái đó không tốt, không xấu, chỉ tự nhiên, thế thôi. Bảo nó là tốt thì cũng được, nhưng lại phải định nghĩa thế nào là tốt, còn nhiều hoàn cảnh khác nhau cũng nên xét nữa, chứ không thể nhất thiết phán quyết một cách giản dị rằng tuyệt nhiên không nên đánh trẻ, rằng đánh trẻ là dã man, là coi chúng như loài thú vật.
Khổng tử bảo: “Đạo không xa người, cái gì người ta coi là Đạo mà lại xa người thì không phải là Đạo”, nói cách khác là học thuyết nào cũng phải cận nhân tình. Lập ra một học thuyết là để giúp đời, tạo hạnh phúc cho cá nhân và xã hội; vậy thì học thuyết đó phải hợp nhân tình đã, nếu trái nhân tình thì làm sao tạo hạnh phúc cho con người được; nó lại phải thực hiện được trong những hoàn cảnh hiện tại, hoặc trong một tương lai rất gần; sau cùng lại phải xét kết quả có bõ với công không, lợi có bù hại không; nếu không đủ ba điều kiện đó thì học thuyết dù hay tới mấy, hợp “lô-gích” tới mấy, cao thượng tới mấy cũng là vô dụng.
Mà cái thuyết không được đánh trẻ đã không cận nhân tình (không hiểu nỗi lòng của phần đông người cha, nên mới nặng lời cho họ là dã man; không hiểu cả tâm lý của trẻ, chúng không hoàn toàn là những vị thiên thần), lại không thực hiện hiện được trong hiện tình xã hội như trên chúng tôi đã nói, mà nếu có đem ra thực hiện thì trong đa số trường hợp lợi bất cập hai. Gần đây các nhà giáo dục ở Mỹ đã nhận thấy rằng chính sách phóng túng của họ đối với trẻ nên sửa đổi lại, họ muốn trở lại dùng kỷ luật như ở Anh Pháp. Vì họ thấy trẻ không ưa thái độ nhu nhược của người lớn, thích được đối đãi một cách cứng cỏi nhưng công bằng và thân thiết.
*
Trở lên trên là xét về sự đánh trẻ trong gia đình. Còn tại học đường? Ông Pestalozzi bảo thầy không được phép đánh trò vì (nếu tôi không hiểu lầm ông) giữa thầy và trò không có không khí “cảm thông thấm thía” như giữa cha và con. Coi bài “Một nhà đại giáo dục” của ông Thiên Giang (Báo Hồn Trẻ số I ngày 15-12-1964). Lời đó thật hồ đồ, không thể nêu lên làm qui tắc được.
Tôi thấy đôi khi có sự cảm thông giữa thầy và trò hơn là giữa cha và con, trong trường hợp đó thì thầy được đánh trò chứ? Ông cũng mắc cái tật giản dị hóa vấn đề, không để ý đến hoàn cảnh, đến tính tình của mỗi hạng trẻ, đến tuổi của chúng.
Bộ Quốc gia giáo dục của Pháp cũng triệt để cấm sự đánh học trò, từ hồi nào thì tôi không rõ, chắc là đã từ lâu lắm, và bộ Quốc gia giáo dục của ta cũng theo Pháp; có thể nói rằng ở gần khắp thế giới, người ta đều theo chính sách đó. Sở dĩ vậy có lẽ là vì một số nhà giáo đã lạm dụng cái quyền đánh trẻ và gây nhiều sự xung đột giữa trường học và gia đình mà chính quyền muốn tránh những sự rắc rối đó. Nhưng khi cấm đoán như vậy, rõ ràng là chính quyền muốn trút bớt cái trách nhiệm đào tạo con em đi: chúng hay hoặc dở là trách nhiệm của gia đình; học đường chỉ khuyên bảo, phạt (chứ không đánh) quá lắm thì đuổi đi, cha mẹ chúng làm sao thì làm, có muốn cho vào trại giáo huấn thì chính quyền sẵn lòng nhận, mà cái không khí trong trại ra sao, ai cũng đã biết.
Ông giáo ngày nay không chịu một chút trách nhiệm gì về học sinh của mình nữa, ngoài khu vực học đường; khác hẳn với các xưa: môn đệ dù lớn rồi mà có tội thì chẳng những thầy bị tiếng xấu lây mà có khi còn bị tội lây nữa (như vậy cũng thái quá). Nhưng phép nước là một chuyện mà lòng dân lại là một chuyện khác. Luật lệ thì tuyệt đối cấm thầy cụ đồ thời không được đánh trò, mà trong các trường tiều học, chẳng những bên ta mà cả bên Pháp, người ta vẫn thấy nhiều giáo viên bạt tai, cú đầu, khẻ tay học trò. Nhà cầm quyền biết dư chứ, nhưng vẫn làm lơ; cha mẹ biết dư chứ, nhưng đại đa số đã không lấy vậy làm phiền mà còn lấy làm mừng: “Xin thầy cứ đánh cho, ở nhà chúng tôi dạy nó không được.”
Tôi nghiệm thấy rằng những gia đình nền nếp luôn luôn kinh trọng những ông thầy nghiêm khắc và có tư cách; chỉ bọn trọc phú bạo phát mới có thái độ binh con mà thưa kiện ông thầy. Pháp đình gặp những vụ kiện rất hiếm đó, thường bênh vực ông thầy; chỉ những giáo viên thực có lỗi nặng, đánh trò mà gây ra thương tích thì mới bị phạt; còn như nếu đứa nhỏ quả có lỗi mà sự trừng phạt không gây thương tích thì kẻ đi thưa có thể phải nghe một bài học đích đáng là khác. Tôi còn nhớ mười lăm năm trước, một nhân viên Công an kiện một ông giáo đánh mắng con mình, bị một vị Thẩm phán người Pháp mắng cho rồi đuổi về. Vậy là phong tục hoặc lòng muốn của dân đã sửa đổi được phần nào sự quá gắt gao (hay là quá dễ dãi?) của luật pháp.
Gần đây một tờ báo ở Huế nêu lên vấn đề kỷ luật trong học đường, đưa ra ý kiến này là kỷ luật ngày nay phải xây dựng trên nguyên tắc: thầy trò coi nhau như anh em; vì cái nguyên tắc sư phụ đã lỗi thời rồi. Nếu là ở tiểu học thì nguyên tắc đó hỏng: các em chín mười tuổi trở xuống luôn luôn coi thầy cô như cha mẹ, chúng thích như vậy; còn nếu là ở Trung học thì đề nghị trên là thừa: trừ lớp đệ thất ra, ở Trung học tinh thần “sư phụ” đã mất từ lâu (phần lớn do tư cách của giáo sư) mà tinh thần huynh đệ cũng đã bị vượt rồi, hiện nay đã bắt đầu vào giai đoạn bằng hữu rồi cần gì phải hô hào nữa!
Nguyễn Hiến Lê
Tạp Chí Bách Khoa số 206
Đăng lại từ Fanpage Thú Chơi Sách
Mời độc giả ghé thăm
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa Dạy con bạo lực học đường Nguyễn Hiến Lê